Phòng trị bệnh dính chân trong ương tôm giống

Hiện tượng dính chân xảy ra phổ biến trong quá trình ương nuôi ấu trùng tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất giống.

Nguyên nhân

Ấu trùng tôm bị dính chân là do một hoặc một số các nguyên nhân như: nguồn nước trước khi cấp vào bể ương chưa được xử lý kỹ. Việc sử dụng tảo khô Spirulina làm thức ăn cho ấu trùng tôm quá sớm hoặc kiểm soát lượng tảo không chặt chẽ, cho ăn dư thừa quá nhiều. Cho ăn tảo khô quá sớm khi ấu trùng chưa chuyển hết sang Zoea 1, lượng tảo dư tạo thành màng nhầy bám dính vào chân và phụ bộ của ấu trùng. Sử dụng tảo quá già làm thức ăn cho ấu trùng tôm. Khi tảo quá già sẽ nhanh chóng tàn và tạo chất nhớt trong bể ương. Ngoài ra sử dụng tảo, thức ăn, artemia kém chất lượng làm thức ăn cho ấu trùng tôm cũng tạo chất nhớt dễ bám dính vào ấu trùng tôm. Khi môi trường nước xấu đi do tảo, thức ăn hay phân làm môi trường nước ô nhiễm dẫn đến hiện tượng ấu trùng tôm dính vào nhau thành từng cục làm ấu trùng không thể bơi, không bắt mồi và chết dần. Hiện tượng dính chân xảy ra ở tất cả các giai đoạn trong quá trình ương ấu trùng nhưng thường gặp hơn ở giai đoạn Zoea.

Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, môi trường trong quá trình ương góp phần nâng cao sức đề kháng của ấu trùng tôm - Ảnh: PTC

Cách phòng bệnh

Sau khi tôm đẻ 30 - 32 giờ, thu Nauplius trong bể đẻ và chuyển vào chậu (thùng nhựa) 20 - 100 lít, sục khí nhẹ để ấu trùng phân bố đều, tắm ấu trùng bằng một trong các hóa chất KMnO4 5 ppm, Iodin 5 ppm trong 3 - 5 phút, tắm bằng Formaline 100 - 200 ppm trong 30 - 60 giây để khử trùng trước khi thả vào bể ương, loại bỏ các chất bẩn bám trên ấu trùng trong quá trình ấp. Sau đó tắm lại Nauplius bằng nước sạch để loại bỏ dư lượng thuốc khử trùng.

Nước trước khi đưa vào bể ương ấu trùng tôm phải khử trùng bằng ôzon hoặc Chlorine (25 - 30 ppm) trong là 24 giờ. Trung hòa Chlorine dư bằng thiosulphate theo tỷ lệ 1:1. Dùng test Chlorine kiểm tra Chlorine dư, nước cấp cho bể nuôi vỗ có hàm lượng Chlorine dư < 0,1 ppm. Cấp nước biển đã khử trùng qua túi lọc bông, rồi bổ sung EDTA 10 ppm và sục khí trong thời gian ít nhất 24 giờ trước khi thả ấu trùng Naplius vào ương.

Nếu dùng tảo khô cho ấu trùng ăn chỉ được dùng khi ấu trùng đã chuyển hết sang giai đoạn Zoea 1, cho ăn với lượng vừa đủ tránh dư thừa. Tốt nhất khi tôm ở giai đoạn Zoea nên cho ấu trùng ăn bằng tảo tươi giúp ấu trùng dễ bắt mồi và không làm ô nhiễm nước. Sử dụng nguồn tảo tươi, artemia, thức ăn công nghiệp phải đảm bảo chất lượng, không dùng tảo quá già, tảo không bị nhiễm tạp.

Để phòng hiện tượng dính chân ở ấu trùng tôm cần quản lý tốt môi trường bể ương trong suốt quá trình ương. Định kỳ xi phông đáy, thay nước kết hợp sử dụng một số loại vi sinh có lợi trong việc phân hủy phân và thức ăn dư thừa.

Điều trị khi tôm bị dính chân

Cần giảm lượng thức ăn, nhất là lượng tảo khô. Sử dụng hóa chất như Cloramine 0,25 - 0,5 ppm, Triflan 0,05 ppm để làm sạch chất bẩn bám trên ấu trùng. Thay nước từ 20 - 50% kết hợp với vi sinh nhằm phân hủy nhanh chất bẩn và giúp vi sinh vật có lợi phát triển. Bổ sung EDTA 10 - 30 ppm, Vitamin C và Vitamin tổng hợp với liều lượng 1 ppm, chống sốc cho ấu trùng trong quá trình xử lý. Nếu môi trường nước quá xấu, nước bẩn tạo thành sợi thì sử dụng vợt lưới để loại bỏ chất bẩn ra khỏi bể ương.

Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, chất lượng thức ăn, môi trường trong suốt quá trình ương… không những kiểm soát hiện tượng dính chân còn góp phần nâng cao sức đề kháng của ấu trùng tôm.

Gia Phong (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng

Cá chim vây vàng là loài cá nuôi ít rủi ro, cho lợi nhuận 40.000 - 80.000 đồng/kg. Những năm gần đây một số địa phương tận dụng các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh để nuôi thương phẩm loài cá này.

Chuẩn bị ao nuôi

Nơi có giao thông và địa hình thuận tiện, có chất đất là đất sét hoặc sét pha cát và có nguồn nước cấp chủ động quanh năm. Điều kiện tốt nhất để nuôi cá chim vây vàng là nhiệt độ trong khoảng 26 - 320C, độ mặn từ 10 - 20%, ôxy hòa tan 5 - 7 mg/lítNH3 < 0,9 mg/lít.

Ao nuôi có diện tích từ 2.000 - 5.000 m2 là thích hợp, ao có hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Độ sâu của ao từ 1,2 - 1,5 m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về phía cống thoát.

Trước khi thả nuôi khoảng 2 tuần, cần tháo cạn nước, cày xới lớp đất mặt đáy ao, bón vôi với lượng 1.000 - 1.500 kg/ha, tùy theo độ chua, sau đó phơi ao từ 1 - 2 tuần. Cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2,5 mm.

Chọn và thả giống

Chọn giống khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu mắc bệnh; bơi lội linh hoạt, ngược chiều dòng chảy; có kích thước đồng đều, cỡ giống khoảng 8 - 10 cm, mật độ thả 1 - 2 con/m2 tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc. Thời gian thả giống vào khoảng tháng 3, tháng 4 trong năm. Trước khi thả tắm cá bằng nước ngọt hoặc fomaline, nồng độ 20 ppm trong 10 - 15 phút. Trong quá trình tắm cần quan sát và cung cấp đủ ôxy, nếu cá có biểu hiện sốc cần giảm nồng độ thuốc hoặc rút ngắn thời gian tắm cá. Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Cá nuôi sau 10 - 12 tháng có thể cho thu hoạch - Ảnh: Nam Anh

Chăm sóc, quản lý

Sử dụng thức ăn viên dạng nổi, loại chuyên dùng cho nuôi cá nước lợ, mặn có hàm lượng đạm 40 - 45%, hàm lượng lipid 12 - 15%, không sử dụng thức ăn kém chất lượng, thức ăn bị ẩm mốc. Khi cá mới thả cho ăn với khẩu phần 3 - 5% trọng lượng thân, khi trọng lượng cá trên 90 g cho ăn với khẩu phần 2 - 3% trọng lượng thân, cá trên 250 g cho ăn với khẩu phần 1,5 - 2%. Để hạ giá thành sản phẩm có thể dùng cá tạp băm nhỏ làm thức ăn cho cá chim vây vàng.

Sử dụng sàng ăn bằng khung nhựa hoặc tre, gỗ để cho cá ăn. Cho cá ăn ngày 2 lần vào 7 - 8 giờ sáng và 17 - 18 giờ chiều. Vào những ngày nhiệt độ nước dưới 220C hoặc trên 320C giảm 50% lượng thức ăn; những ngày nhiệt độ nước dưới 170C hoặc trên 360C, cho cá nhịn ăn. Cần quan sát khả năng bắt mồi của cá và lượng thức ăn thừa trong sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn một cách thích hợp nhất.

Định kỳ thay nước 1 tháng/lần vào những lúc chất lượng nước thủy triều tốt nhất, tránh thay nước vào đầu con nước. Mỗi lần thay 20 - 30% lượng nước ao nuôi. Định kỳ sử dụng men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước ao nuôi.

Từ tháng nuôi thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan. Thời gian quạt nước khoảng 5 - 8 giờ/ngày vào khoảng 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày thời tiết thay đổi, bất thường hay những thời điểm nắng nóng kéo dài cần tăng cường thời gian chạy quạt nước.

Định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá nuôi, đặc biệt vào những thời điểm trước khi giao mùa hay trước những đợt nắng nóng.

Kiểm tra tốc độ tăng trưởng và tình hình bệnh cá để có chế độ điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và biện pháp xử lý bệnh kịp thời.

Thu hoạch

Sau 10 - 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch. Không thu cá vào những lúc trời nắng to hoặc những ngày thời tiết âm u. Cá có thể vận chuyển tươi sống trong 7 - 8 giờ với mật độ < 50 kg/m3.

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá từ 6 - 7 USD/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nguyễn Nhung (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Cách quy đổi phân NPK

Sử dụng phân tổng hợp (NPK) để thay thế các loại phân đơn (urê, supe lân, kali clorua…) trong sản xuất hiện nay rất phổ biến đối với nông dân.

Ảnh minh họa

Song sử dụng lượng như thế nào để bảo đảm đủ, giống như bón phân đơn thì nhiều nông dân còn chưa biết, vì không biết cách quy đổi. Xin giới thiệu công thức tính quy đổi từ phân NPK tương ứng ra phân đơn để nông dân biết lượng cần dùng khi mua và bón phân cho cây trồng.

Trên bao bì mỗi bao phân bón tổng hợp NPK luôn có dòng chữ và số ghi rõ ràng tỷ lệ các chất dinh dưỡng có trong bao phân. Ví dụ, phân NPK (5:10:3) hoặc NPK (16-16-8) hay NPK (13-13-13-TE)… Các con số này biểu thị hàm lượng dinh dưỡng nguyên chất của các nguyên tố đạm, lân và kali có trong mỗi loại phân. Ví dụ phân NPK (5:10: 3) có nghĩa là trong 100 kg phân bón tổng hợp này có 5 kg đạm nguyên chất, 10 kg lân nguyên chất và 3 kg kali nguyên chất. 

Cách quy đổi như sau: 

- 1 kg đạm nguyên chất (1 kg N) = 2,17 kg u rê = 5 kg đạm sunphat.

- 1 kg lân nguyên chất (1 kg P2O5) = 6,06 kg supe lân hoặc lân nung chảy.

- 1 kg kali nguyên chất (1 kg K2O) = 1,67 kg kali clorua  = 2 kg kalisunphat.

Ví dụ 1: Trong 100 kg NPK (5:10:3) có 5 kg N, 10 kg P2O5 và 3 kg K2O. 

Vậy sẽ tương ứng có: 5 kg N x 2,17= 10,85 kg u rê = 25 kg đạm sunphat.

10 kg P2O5 x 6,06 = 60,6 kg supe lân hoặc phân lân nung chảy. 

3 kg K2O x 1,67 = 5,01 kg kali clorua = 6 kg kali sunphat. 

Đồng nghĩa rằng, khi nông dân mua 100 kg NPK (5:10:3) về mặt dinh dưỡng sẽ tương ứng với mua 10,85 kg u rê + 60,6 kg supe lân + 6kg kali clorua.

Ví dụ 2: Trong 25 kg NPK (16-16-8) có 4 kg N + 4 kg P2O5 + 2 kg K2O. Tương ứng với 8,68 kg u rê + 24,24 kg supe lân + 3,34 kg kali clorua. 

KS. Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách/ Báo Hải Dương)

>

Cà chua bị héo xanh

Thâm canh cà chua hiện đã được phát triển rộng rãi trong các vụ ở nhiều vùng nhưng việc khống chế bệnh chết héo xanh đang là bài toán nan giải đối với nông dân.

Ảnh minh họa

Khi cây cà chua chết nhiều vì bệnh này lại là giai đoạn cây đang ra hoa và phát triển quả khiến thiệt hại rất lớn. Xin chia sẻ với bà con một số kinh nghiệm xử lý tình trạng này:

Bệnh chết héo xanh cà chua do vi khuẩn P.solanacearum gây ra. Vi khuẩn xâm nhiễm vào rễ, gốc thân, thân và cuống lá qua vết sây sát. Khi cây cà chua bị bệnh này sẽ dẫn đến hiện tượng héo ngọn rồi kéo theo các bộ phận khác rất nhanh (từ 2-3 ngày sau khi héo ngọn).

Việc phòng trừ bệnh này là rất khó đối với nông dân vì nhiều người khi thấy cây bị héo rồi mới tiến hành phun thuốc, trong khi vi khuẩn lại không thể chết bởi thuốc hóa học và lúc cây héo thì đã là giai đoạn cuối của bệnh. Vì vậy, muốn phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn trên cây cà chua nói riêng cũng như nhiều cây trồng khác bị bệnh này thì biện pháp khả thi nhất là áp dụng tốt kỹ thuật, gồm: 

- Đất trồng cà chua nên luân canh với lúa nước và không trồng liền vụ với các cây họ cà. Không nên làm đất quá nhỏ, khi trồng không nên ấn chặt đất hay dúi sâu rễ để tăng thêm lượng oxy lưu thông trong luống đất cũng như tại vị trí bộ rễ cây, giúp cây ít bị nghẹt rễ và phát triển thuận lợi hơn, vi khuẩn ít tấn công hơn… 

- Tuyệt đối không trồng cây trên phân hữu cơ tươi do quá trình phân hủy, phân này tạo môi trường yếm khí sản sinh ra nhiều axit, là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn héo xanh sinh trưởng và phát triển mạnh. Nếu nông dân bón phân chuồng cho cà chua thì tốt nhất nên ủ mục và bón vào rạch giữa 2 hàng rồi phủ kín đất. 

- Mật độ trồng vừa đủ: Với những giống cà chua sinh trưởng bán hữu hạn như hiện nay thì mật độ thích hợp cho cà chua phát triển thuận lợi và hạn chế sâu bệnh là: Cây cách cây từ 40 - 45 cm, hàng cách hàng từ 70 - 75 cm (tương đương khoảng 750 cây/sào). 

- Không trồng cây vào vị trí trũng trên luống: Nên trồng ở những vị trí cao nhất trên mặt luống sẽ giúp cây không bị chết úng. Ở những vị trí này sẽ giúp bộ rễ cây phát triển thuận lợi hơn, môi trường không yếm khí thì vi khuẩn héo xanh ít tập trung xâm nhiễm rễ cây trồng.

- Việc tưới nước giữ ẩm cho các luống cà chua cần phải điều hòa, không để quá khô hay quá ẩm. Vì nếu bị khô quá rễ cây sẽ có nguy cơ bị đứt, khi tưới nước thì bộ rễ cây sẽ co giãn tức thời dễ làm vỡ các tế bào rễ non tạo "cánh cửa" cho vi khuẩn héo xanh chui vào bó mạch gây hại. 

- Cần bón phân cân đối. Thời kỳ cà chua còn non không nên chăm bón cho cây tốt quá, nhất là thừa đạm. Chăm sóc sao cho các cây chỉ phát triển trung bình, giúp rễ, thân, lá sẽ cứng cáp và dẻo dai hơn. Gặp thời tiết bất lợi như nắng mưa xen kẽ thì cây có sức chống đỡ tốt hơn, nhất là bộ rễ. Chỉ nên tập trung dinh dưỡng cho cây ở giai đoạn ra hoa, đậu quả đến nuôi quả (kể từ khi cây ra chùm quả đầu tiên).

- Ngoài các biện pháp như trên, nông dân có thể bổ sung thêm vào vùng rễ một lượng nấm đối kháng Trichodecma hay nấm cộng sinh Mycorrhiza có trong sản phẩm EMZ-USA ngay sau trồng nhằm ức chế, cạnh tranh và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh héo xanh. Trước khi trồng nên nhúng rễ cây con vào dung dịch nấm đối kháng hay nấm cộng sinh…

KS. Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách/ Báo Hải Dương)

>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video