Sáng mùng một tết Đinh Dậu, chị Nguyễn Thị Tú (xã Cư K’Pô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) tất bật mang cơm ra rẫy cho chồng. Chị Tú cho biết: “Mọi năm chúng tôi thu hoạch tiêu, phơi khô, chất vào kho rồi mới ăn tết. Nhưng năm nay mưa nhiều, đến giờ này tiêu vẫn còn xanh, chưa thu hoạch được. Mà nạn trộm tiêu hoành hành chưa từng thấy, chỉ sơ suất khoảng một tiếng đồng hồ là mất vài chục triệu như chơi”.
Cũng theo chị Thanh, tiêu tặc đứng dưới gốc tiêu, giật toàn bộ dây tiêu trên trụ xuống rồi mới tuốt trái. Do vậy không chỉ mất thu hoạch, mà vườn tiêu của người dân cũng bị phá hoại, phải mất 2 -3 năm sau mới phục hồi lại được.
Tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), nhiều gia đình nông dân ăn Tết tại rẫy tiêu, không đi chúc tết thăm xuân như mọi năm. Gia đình ông Lê Kỳ (xã H’Bông, huyện Chư Sê) có 6 người thì 4 người mang bánh chưng, dưa hành, kẹo mức ra căn lều giữa vườn tiêu cách nhà 3 cây số cùng ăn tết. “Hiện tại một tấn tiêu có giá 140 triệu, sản lượng cả vườn nhà tôi khoảng 20 tấn, sao dám để 3 tỉ bạc ngoài rẫy mà về nhà ăn tết được?” – ông Kỳ nói.
Cứ đến mùa tiêu (thông thường là trước tết), người trồng tiêu ở Tây Nguyên lại đứng ngồi không yên, không người dân bị trộm dọn sạch vườn, thiệt hại cả tỉ đồng, vườn tiêu xơ xác. Năm nay tiêu chín muộn, nông dân lại vất vả canh trộm dịp tết, tuy vậy người dân vẫn rất phấn khởi vì đầu năm mới sẽ thu được tiền tỉ. Từ sáng nay (mùng 4 tết), các nhà vườn ở Tây Nguyên bắt đầu ra quân thu hoạch tiêu, cùng với niềm hi vọng cả năm sẽ được may mắn, mùa màng bội thu.
Theo Laodong.com.vn
>