Phòng và trị bệnh kênh mang ở cá chép

Cá chép ở giai đoạn cá giống và cá hương thường hay bị bệnh kênh mang dẫn đến tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp phòng trị bệnh kênh mang của cá chép để có thể mang lại hiệu quả trong chăn nuôi và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Tác nhân gây bệnh

Cá chép ở giai đoạn nhỏ thường bị kênh mang chủ yếu do hai tác nhân chính gây ra là ấu trùng sán lá Centrocestus formosanus và thích bào tử trùng Myxobolus sp.

Ấu trùng (Metcercaria) của sán lá song chủ Centrocestus formosanus (Nishigori, 1924) ký sinh ở mang cá. Bào nang hình ovan, kích thước 0,16 - 0,23 x 0,125 - 0,178 mm.

Thích bào tử trùng gây bệnh ở cá chép là các loài thuộc giống bào tử sợi Myxobolus (Biitschli,1882). Nó có đặc điểm riêng là phía trước bào tử có 2 cực nang, thường các loài có 2 cực nang bằng nhau, một số ít loài có 1 cực nang bị thoái hóa (Myxobolus toyamai).

Biểu hiện của bệnh

Khi cá chép bị kênh mang thường có các biểu hiện chung là cá bơi lờ đờ ở tầng mặt gần bờ, không có phản ứng với tiếng động. Cá có hiện tượng nắp mang hở, không khép kín, cá chết nổi lên bờ và chết nhiều ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi.

Do nhiễm ấu trùng sán C. formosanus: Ấu trùng sán ký sinh nằm sâu trong tơ mang tạo thành bọc, tập trung nhiều ở gốc và trên tơ mang, làm tơ mang bị biến dạng. Khi nhiễm cường độ cao, mang sưng lên, trương phồng, nắp mang không thể đậy kín các phiến mang, ảnh hưởng đến hô hấp của cá nhưng mang vẫn có màu hồng tươi. Thường xảy ra ở cá chép hương 2 tuần tuổi đến cá giống nhỏ < 10 g/con. Tốc độ sinh trưởng chung so với các ao cùng ương giảm khoảng 30 - 50% .

Do thích bào tử trùng Myxobolus sp.,: Sợi thích ty cắm vào và xâm nhập tổ chức mang. Quá trình xâm nhập, sinh sản tiếp tục đến khi tạo ra các khối u màu trắng to bằng hạt tấm, hạt gạo có thể quan sát bằng mắt thường trên mang cá. Thường xảy ra ở cá chép giống cỡ 5 - 50 g/con.

Phòng bệnh kênh mang cá chép để mang lại hiệu quả trong nuôi trồng - Ảnh: Q.M 

Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

Do ấu trùng sán ký sinh ở mang cá được bao bọc bởi vỏ bào nang dày, còn thích bào tử trùng lại được nằm trong lớp kitin dày rất khó phá vỡ. Vì vậy các loại hóa chất thông thường như Formalin, CuSO4, KMnO4 không thể diệt được… Chỉ tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp gồm vệ sinh trang trại, hệ thống lồng lưới, bể, ao ương sau mỗi vụ sản xuất và trước khi đưa vào vụ nuôi mới; Ương nuôi cá với mật độ phù hợp; Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn tươi sống phải được khử trùng; Dùng Chlorine để sát trùng, diệt ký chủ của kí sinh trùng; Tránh gây sốc, tránh xây xát trong quá trình san thưa, chuyển bể hoặc phân cỡ cá.

Biện pháp điều trị bệnh

Theo kết quả nghiên cứu của Ts. Kim Văn Vạn và cộng sự năm 2012, khi cá chép bị kênh mang do nhiễm ấu trùng sán có thể dùng Praziquatel với liều lượng 50 - 75 mg/kg thức ăn, cho ăn liên tục 3 - 5 ngày và cho ăn 10 - 15% trọng lượng cơ thể thì các ấu trùng  bị tiêu diệt và cá sẽ khỏe lại. Do praziquatel có mùi đặc trưng nên nếu trộn vào thức ăn với liều cao thì cá không ăn thức ăn nên hiệu quả điều trị kém. Vì vậy, trong 1 - 2 ngày đầu trộn thuốc với liều lượng ít sau đó tăng dần. Đồng thời, cũng cần bao thức ăn bằng dầu hoặc chất bao để dùng thuốc đạt hiệu quả cao.

Để điều trị kênh mang do thích bào tử trùng gây ra có thể trộn Sulfadiazine hoặc thuốc tỏi cho ăn. Nên chọn các sản phẩm có thành phần là Sulfadiazine của công ty uy tín như  sản phẩm SULTRI - UV với lượng 1 lít/500 - 700 kg thức ăn của Công ty TNHH UV - Việt Nam cho ăn liên tục trong 5 - 7 ngày, hoặc sản phẩm Tiên Đắc của Công ty CP Phát triển VICATO với lượng 0,5 kg/4 kg thức ăn liên tục 3 - 5 ngày thì cá sẽ lành bệnh.

Lưu ý: nên cho cá ăn vào buổi sáng (8 - 10h) để đạt được hiệu quả trong điều trị bệnh. Đồng thời, bổ sung thêm men tiêu hóa, bổ gan giúp cá nhanh hồi phục.  

Lê Cung (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Quan sát màu nước đánh giá chất lượng dinh dưỡng

Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng.  

Tảo trong ao phát triển quá mức

Có thể nói chưa bao giờ nuôi trồng thủy sản lại chứng tỏ được giá trị và tiềm năng to lớn về kinh tế trong nền nông nghiệp Việt Nam như hiện nay. 

Với bất cứ quy mô nào, từ nuôi thâm canh với hình thức trang trại hay xen canh, quảng canh với hình thức hộ gia đình thì nuôi thủy sản vẫn mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích. Điều này hoàn toàn đúng với câu nói “muốn giàu nuôi cá” được ông cha ta truyền miệng từ bao đời nay. 

Tuy nhiên, lợi nhuận lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro cao, đặc biệt là trong hoàn cảnh nghề nuôi thủy sản của nước ta chưa thật sự đạt tới trình độ tiên tiến và hiện đại. Các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân là chính. 

Việc đầu tư để mua sắm các trang thiết bị như các bộ kit kiểm tra môi trường hay kính hiển vi được một số người nuôi xem như là một khoản chi phí không cần thiết. Chất lượng nước sẽ được đánh giá chủ yếu bằng cách quan sát màu nước trong ao nuôi, đây là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện. 

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức đầy đủ về màu nước trong ao nuôi thủy sản, người nuôi cũng sẽ dễ bị nhầm lẫn và đánh giá không đúng về hiện trạng chất lượng nước. 

Trên thực tế, nước trong ao nuôi thường có màu do sự xuất hiện của các hợp chất hữu cơ hòa tan hay không hòa tan, hay do sự phát triển của tảo. Có thể chia màu nước là 2 dạng, màu thực và màu giả. Màu thực của nước là màu do các hợp chất hòa tan trong nước gây ra, màu giả là màu của các hợp chất không hòa tan. Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng. Trong ao nuôi thường có các màu sau: 

+ Nước màu xanh nhạt (đọt chuối non): Màu xanh nhạt do sự phát triển của tảo lục (chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ nhạt (dưới 10 phần nghìn). 

Đây cũng là màu nước thích hợp nhất để nuôi thủy sản, tảo lục ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, còn có tác dụng ổn định các yếu tố thủy lý hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao. Người nuôi nên cố gắng duy trì màu nước xanh nhạt, như vậy các loài thủy sản sẽ phát triển tốt hơn. 

+ Nước màu xanh đậm (xanh rêu): Nước có màu xanh đậm là do sự phát triển của tảo lam (Cyanophyta), loài tảo này phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn. 

Nếu nước trong ao nuôi có màu này thì cần có biện pháp làm giảm lượng tảo, vì đây là loại tảo không tốt cho các loài thủy sản. Hơn nữa, nếu tảo lam phát triển quá mức có thể tiết ra chất độc làm chết cá. Bên cạnh đó, còn có thể gây thiếu oxy về đêm do tảo hô hấp quá mức. 

+ Màu vàng nâu (màu nước trà): Nước có màu vàng nâu do sự phát triển của tảo silic (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi. Đây là màu nước thích hợp nhất để nuôi các loài thủy sản nước lợ, mặn. 

+ Màu vàng cam (màu gỉ sắt): Màu này thường xuất hiện ở các ao nuôi mới đào trên vùng đất phèn. Màu cam là do đất phèn tiềm tàng (FeS2) bị oxy hóa tạo thành các váng sắt. 

Quan sát màu nước trong ao nuôi là phương pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Nếu người nuôi có đầy đủ kiến thức về các loại màu nước sẽ có thể đánh giá chính xác được hiện trạng chất lượng nước. 

Thông qua đó sẽ có những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tôm, cá sinh trưởng và phát triển. Có như vậy, chi phí đầu vào sẽ giảm thấp, lợi nhuận từ việc nuôi thủy sản cũng sẽ tăng lên đáng kể. 

Đối với ao có màu nước vàng cam cần có biện pháp khử phèn trước khi thả nuôi, có thể sử dụng vôi nông nghiệp hay bơm, xả nước nhiều lần để rửa trôi lượng phèn trong ao. Đối với các ao đang nuôi thì cần rải thêm vôi trên bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột khi trời mưa. 

+ Màu đỏ gạch (màu đất đỏ): Nước có nhiều phù sa do đất cát bị xói mòn từ vùng thượng nguồn được dòng nước mang đến vùng hạ lưu. Trong ao nuôi thủy sản ít khi có màu nước như vậy, tuy nhiên vùng ĐBSCL hay gặp nước đỏ gạch trên các con kênh, sông khi chuẩn bị sắp có lũ về. 

Người nuôi cần lưu ý không nên cấp nước vào ao lúc này, vì lượng phù sa nhiều sẽ làm tôm, cá khó hô hấp và giảm khả năng bắt mồi. Tốt nhất là nên cấp nước vào ao lắng trước khi cung cấp cho các ao đang nuôi. 

+ Màu nâu đen: Nước có màu nâu đen do trong nước có chứa nhiều vật chất hữu cơ. Màu nước này thường thấy ở các ao nuôi có hệ thống cấp, thoát nước không tốt, trong quá trình nuôi không quản lý tốt môi trường, cho ăn dư thừa nhiều sẽ dể làm nước ao nuôi có màu nâu đen. Trường hợp này hàm lượng oxy hòa tan rất thấp, vì vậy cần có biện pháp xử lý ngay. 

Có thể thay nước nhiều lần đến khi hết màu nâu đen, hoặc kết hợp sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, hóa chất có thể hấp thu khí độc. Bên cạnh đó, nếu thấy tôm, cá có hiện tượng thiếu oxy cần sử dụng quạt đảo nước hoặc các loại hóa chất cung cấp oxy tức thời, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Lâm Trọng Nghĩa (nongnghiep.vn)
>

Phòng trị bệnh viêm ruột trên cá rô phi

Viêm ruột là một bệnh nguy hiểm đối với cá rô phi và có thể gây chết hàng loạt. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhất là vào mùa mưa và những thời điểm giao mùa.


Tác nhân

Bệnh viêm ruột trên cá rô phi do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây nên (Chúng có thể di động và là tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm ruột hay còn gọi là bệnh đốm đỏ). Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn này không gây bệnh đối với sinh vật sống; tuy nhiên, khi môi trường nuôi bị biến động, cá bị stress, thay đổi sinh lý đột ngột thì Aeromonas hydrophila luôn là tác nhân gây bệnh tiềm tàng.

Triệu chứng

Bệnh có dấu hiệu tương tự như bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus. Khi bị bệnh, cá bơi tách đàn, lờ đờ; da chuyển màu tối hơn; ăn ít hoặc bỏ ăn. Bụng chướng to và hậu môn sưng đỏ có dịch nhầy chảy ra. Khi giải phẫu, thấy ruột đầy hơi. Bệnh thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường gặp nhiều biến động, bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng.

Phòng bệnh

Bệnh được hạn chế tại những ao nuôi được chuẩn bị và cải tạo tốt ở các khâu: tát cạn ao, bắt cá tạp, vét bùn, rắc vôi bột và phơi đáy ao. Dùng 7 - 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao.

Trong quá trình nuôi, định kỳ 20 - 30 ngày/lần sử dụng vôi bột để xử lý ao với lượng 2 - 3 kg/100 m3 nước tùy thuộc độ pH của nước. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ổn định môi trường nước cũng như ức chế vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, hằng tuần cần kiểm tra nước 1 lần, để xem mức độ tảo cũng như thức ăn tự nhiên trong ao, từ đó có cách điều chỉnh kịp thời, nên duy trì nước ao màu nõn chuối.

Cải thiện môi trường ao nuôi tốt, không để cá bị sốc do các yếu tố môi trường. Khi thời tiết thay đổi hoặc có mưa lớn cần tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan bằng máy bơm hoặc quạt nước, giảm lượng thức ăn, tăng cường kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Cần rắc vôi xung quanh bờ ao để hạn chế hiện tượng pH giảm đột ngột, gây sốc cho cá.

Định kỳ bổ sung Vitamin C với liều lượng 30 - 50 mg/kg thức ăn. Định kỳ 1 tháng/lần sử dụng thuốc tiên đắc với lượng 0,25 kg/tấn cá hoặc 0,2 kg tỏi tươi giã nhuyễn trộn vào 10 kg thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng cho cá, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa.

Trị bệnh

Bệnh có thể điều trị bằng một số kháng sinh, như Oxytetramycine, Doxycilne trộn với thức ăn để trị bệnh liều dùng 10 - 12 g/100 kg cá/ngày, từ ngày thứ 2 tới ngày thứ 7 liều dùng bằng 1/2 ngày đầu. Dùng thuốc KN-04-12, liều dùng 2 - 4 g/kg thức ăn. Để hiệu quả trị bệnh cao, cần cho cá ăn thêm một số chế phẩm sinh học hoặc một số vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Có thể dùng thuốc tiên đắc để trị bệnh cho cá, liều lượng 0,5 kg/tấn cá hoặc dùng tỏi tươi giã nhuyễn với lượng 0,4 kg trộn với 10 kg thức ăn cho cá ăn 3 - 5 ngày.

Hữu Văn (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng

Thời vụ thích hợp trồng chuối tiêu hồng vào mùa xuân (tháng 2 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 10). Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2,2 m, cây cách cây 2,5 m, tương đương 60 - 70 cây/sào (sào Bắc bộ 360 m2).

Ảnh minh họa

Cây giống

- Giống cây nuôi cấy mô: Là giống được nhân trong phòng thí nghiệm đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quy định là sạch bệnh, độ đồng đều cao, nhân nhanh với số lượng lớn. 

- Giống được tách từ cây mẹ: Cây có chiều cao từ 70 cm - 1,2 m, thân thẳng, sạch sâu bệnh và đã được xử lý kỹ thuật. 

Chuẩn bị đất trồng

 - Chuối tiêu hồng thích hợp với nhiều loại đất, tốt nhất nhất trên đất phù sa, có tầng đất mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt, độ pH trong đất khoảng 5 - 7

- Đào hố: Kích thước 40 x 40 x 40 cm, khoảng cách giữa các hố 2 - 2,5 m

Bón phân 

- Bón lót (tính cho 1 hố): Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) 10 - 15 kg, phân lân Supe 0,3 - 0,5 kg, vôi bột 0,3 - 0,5 kg

- Bón thúc: 1 kg đạm urê + 1 kg kali. 

+ Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 1 - 1,5 tháng, kết hợp với làm cỏ, xới xáo quanh gốc. Bón 0,5 kg đạm urê + 0,3 kg kali, cách gốc 30 - 40 cm

+ Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 1,5 - 2 tháng. Bón 0,2 kg đạm urê + 0,3 kg kali, cách gốc 1m

+ Bón thúc lần 3: Với lượng đạm và kali còn lại khi cây trổ buồng, bón cách gốc 1,5 - 2 m. Nên đào 4 hốc xung quanh gốc, lấp phân sâu 7 - 10 cm, tiến hành bón khi đất có độ ẩm 70 - 80%

Trồng, chăm sóc 

Sau khi bón lót phân phủ đất, tiến hành xé túi bầu, đặt cây ngay ngắn giữa hố, giữ cho cây đứng thẳng, phủ đất cho kín gốc. Phần xung quanh vùng rễ cây nên lấp bằng đất nhỏ. 

Tưới nước từ từ kết hợp với lắc nhẹ cây chuối cho đất trôi theo nước lèn chặt gốc cây và tiếp xúc với rễ. Sau đó, phủ rơm rạ xung quanh hốc, tưới nước giữ ẩm (tránh làm vỡ bầu cây). Khi trồng tránh để cây tiếp xúc với phân lót. 

Sau trồng 30 - 45 ngày thì làm cỏ, làm cỏ là việc làm quanh năm trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây. Chuối là cây chịu nóng kém, nhưng lại cần rất nhiều nước. Vì vậy, cần phải thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây. 

Thiếu nước lá sẽ ra chậm và trổ buồng chậm, buồng nhỏ năng suất kém. Có thể tăng hiệu quả sử dụng nước tưới bằng cách che tủ rơm rạ, phủ bạt nilon hoặc tưới nhỏ giọt bằng thiết bị chuyên biệt. 

Đánh tỉa chồi, cắt tỉa lá 

- 1 cây chuối có thể sản sinh 5 - 10 chồi bên. Thông thường chỉ để 1 - 2 chồi cho vụ sau. Các chồi khác phải bỏ đi để tránh cạnh tranh về dinh dưỡng. Đánh tỉa chồi là kỹ thuật lựa chọn những chồi khỏe mạnh nhất, ở những vị trí thích hợp nhất. 

Phương pháp chung đánh tỉa chồi là dùng dao cắt ngang hoặc dưới mặt đất. Làm như vậy chồi sẽ mọc lại và lại tiếp tục cắt.  

Muốn cho chồi không mọc lại nữa cần phải áp dụng các biện pháp: Khoét bỏ đỉnh sinh trưởng hoặc tách chồi khỏi cây mẹ. 

Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch formaldehit 10% trong 10 giây hoặc 5% trong 30 giây.  

- Những lá già và lá bị bệnh sẽ bị chết và treo trên cây. Đây là nơi cư trú của nhiều loài sâu bệnh hại. Cần cắt bỏ những lá này bằng dao sắc, thường là cùng lúc với đánh tỉa chồi. 

Như vậy sẽ làm giảm các bệnh về đốm lá và sâu bệnh khác. Đồng thời làm tăng khả năng sinh trưởng của chồi bên. 

Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh và đặt giữa các hàng chuối. 

Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh. Dụng cụ cắt tỉa lá cũng cần được xử lý giống như dụng cụ đánh tỉa chồi. 

Ngắt hoa đực và bao buồng 

- Hoa đực hay còn gọi là bắp chuối, thường được cắt bỏ ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải quả cuối cùng và đồng thời với bao buồng quả. 

Ngắt bỏ hoa đực có xu hướng làm tăng kích thước của những nải phía dưới và khối lượng buồng quả. Có thể bẻ hoa đực bằng tay nhưng tốt nhất là dùng dao sắc và cũng cần được xử lý giống như đối với cắt tỉa lá và đánh tỉa chồi.  

- Buồng chuối thường được bao bởi túi nilon. Loại túi bao buồng này có công dụng giữ cho quả khỏi bị sâu bệnh gây hại và thúc đẩy quả phát triển, nhất là trong điều kiện lạnh. 

Bao buồng quả thường làm tăng kích thước quả và rút ngắn thời gian từ ra buồng đến thu hoạch. 

Buồng chuối cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên. Buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới, trông giống như ống tay áo. Loại túi bao phổ biến nhất hiện nay màu xanh, có đục lỗ.  

Thu hoạch 

Tùy thuộc vào khoảng cách cần vận chuyển, chuối có thể thu hoạch ở những độ chín khác nhau. Để tiêu thụ ở chợ địa phương, chỉ cần thu trước khi chín vài ngày. Để vận chuyển xa phải thu hoạch sớm hơn.  

Tuy nhiên, để giữ được vị ngọt tự nhiên, cần thiết phải thu hoạch chuối ở giai đoạn chín. Thu hoạch chuối làm nguyên liệu chế biến thường sớm hơn so với để ăn tươi. 

Độ chín có thể xác định bởi màu sắc hoặc độ đẫy quả. Tiêu thụ tại chỗ, nên thu hoạch khi quả đạt độ tròn căng và màu quả chuyển từ xanh sang hanh vàng. Tiêu thụ xa cần thu sớm hơn khi quả vẫn còn xanh và chưa tròn đầy. 

Độ chín cũng có thể xác định theo thời gian trỗ buồng. Tùy mùa vụ, khoảng thời gian từ trỗ buồng đến thu hoạch dao động trong khoảng 3 - 4 tháng.

- Dùng cho xuất khẩu tươi: Độ chín từ 75 - 80% biểu hiện của quả hơi tròn cạnh, vỏ màu xanh nhạt, ruột trắng ngà. 

- Dùng để tiêu thụ trong nước hoặc chế biến: Độ chín 90%, vỏ quả màu xanh vàng, quả tròn cạnh, ruột màu vàng. Khi buồng chuối có quả nứt là chuối đã già, nên thu hoặch ngay, để lâu sẽ có nhiều quả nứt và quả nứt dễ thối.

Vân Đình (nongnghiep.vn)
>

Đã định danh loài chân đốt (siêu nhân) gây hại rau tại Đà Lạt

Từ năm 2013 đến nay các vùng rau tại Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" được người dân gọi là "siêu nhân". Đây là đối tượng gây hại khá nghiêm trọng cho nhiều cây rau, hoa, dâu tây. Do đây là đối tượng gây hại mới, không thuộc các nhóm sâu hại thông thường nên Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng lấy mẫu và gửi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định tên khoa học.


Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã giám định tên khoa học là loài Scutigerella immaculata Newport

  A                                B                                 C

Hình 1. Rết vườn ở Đà Lạt - Con trưởng thành (A, B, C)


D                              E                           F

Hình 2: Rết vườn ở Đà Lạt - Ấu trùng (D, E), rết vườn (F)

Ảnh chụp dưới kính hiển vi soi nổi

Rết vườn trưởng thành có chiều dài cơ thể trung bình là 6 ± 5,5 mm, dao động từ 2,5 - 8 mm. Có 6-12 cặp chân (tùy theo độ tuổi), ở tuổi ấu trùng có 6 đôi và con trưởng thành có 12 đôi chân. Cơ thể rết vườn được chia thành 3 phần, gồm phần đầu, thân và đuôi.

Ở rết vườn non có sáu cặp chân, mỗi cặp chân được gắn liền với một cấu trúc túi háng (eversible) hay "túi coxal", có chức năng hấp thụ độ ẩm và một mấu nhỏ có dạng như bút lông (stylus) có chức năng cảm giác. Những cấu trúc này cũng được tìm thấy ở các loài côn trùng nguyên thủy nên rết vườn là nhóm chân khớp tổ tiên của côn trùng.

Rết vườn thở bẳng một đôi lỗ thở ở hai bên đầu. Chúng được kết nối với một hệ thống khí quản mà chi nhánh thông qua đầu và ba đốt đầu cơ thể. Các lỗ sinh dục nằm trên đốt cơ thể thứ tư, nhưng chúng không giao cấu.

2. Tập quán sinh sống của rết vườn tại Đà Lạt

- Rết vườn có đặc tính lẩn trốn rất nhanh và có tính giả chết

- Đất giàu hữu cơ, đất pha cát, đất tơi xốp, nhiều mùn, trên giá thể vườn ươm giàu hữu cơ thích hợp cho rết vườn phát triển và gây hại. Ngược lại, đất thịt, đất sét mật độ rết vườn ít hơn.

- Đất ẩm ướt mật độ rết vườn nhiều, tuy nhiên đất quá ẩm ướt, ngập úng mật độ rết vườn ít hơn.

Rết vườn không ưa thích ánh sáng trực xạ, hoạt động mạnh hơn trong điều kiện bóng tối. Đà Lạt có khí hậu khá thích hợp cho rết vườn tồn tại và phát triển.

3. Đặc điểm gây hại

Rết vườn ăn các rễ tơ và rễ con của cây rau, hoa chúng cũng có thể ăn các bộ phận ngầm khác của cây thân rễ và củ, gây thiệt hại cho cây trồng. Khi mật độ rết vườn cao gây hại có thể làm cho các cây con có thể chết hoặc sinh trưởng và phát triển kém làm giảm năng suất, chất lượng rau, hoa.

Triệu chứng gây hại của rết vườn nhìn chung thường giống với triệu chứng gây hại của một số đối tượng gây hại khác như dòi đục rễ, thối rễ, lở cổ rễ … Cây bị hại có biểu hiện còi cọc, cây biến dạng,  hệ rễ kém tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập gây hại thứ cấp

Tại Đà Lạt, rết vườn gây hại trên nhiều loại cây trồng: bó xôi, cải thảo, cải bẹ, xà lách, dâu tây, hành, khoai tây, cải bắp, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, đậu, cà rốt,…Tuy nhiên, cây bó xôi, cải thảo, cải bẹ mức độ gây hại thường nặng hơn.

Rết vườn gây hại rải rác quanh năm nhưng thường gây hại nặng trong mùa mưa, gây hại ngay từ giai đoạn cây con, nhất là thời kỳ cây ra rễ mạnh.

Vườn bó xôi bị hại                  Cây bó xôi bị hại

4. Biện pháp phòng trừ

Biện pháp canh tác

- Làm đất kỹ, cày sâu có thể nghiền nát rết vườn

- Trồng cây giống tốt, khỏe mạnh, bộ rễ phát triển

- Bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển tốt, tăng sức chống chịu cho cây.

- Xử lý vôi bột trước khi trồng, liều lượng 200 - 300kg/1000m2

- Luân canh với cây trồng ít mẫn cảm như hành tây, hành lá, cây họ đậu, cà rốt…

Sử dụng các chế phẩm sinh học

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh xử lý đất hoặc phun gốc cây ngay sau khi trồng Vimetarzimm 95DP (Metarhizium anisopliae var anisopliae Ma), lượng sử dụng 2 kg/1000m2

- Sử dụng thuốc Biosun 123 (Paecilomyces + Metarhizium + Beauverie bassiana+ Bacillus thuringiensis) rải vào đất trước khi trồng, lượng sử dụng 5 kg/1000m2

Phòng Kỹ thuật - Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng
>

Quản lý bùn đáy trong ao tôm

Bùn đáy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm ao tôm và là nơi phát sinh mầm bệnh. Quản lý tốt bùn đáy sẽ góp phần quan trọng phòng tránh rủi ro và nâng cao năng suất tôm nuôi.

Nguồn gốc và tác động

Bùn đáy trong ao nuôi tôm phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và có sự khác biệt giữa các ao nuôi, như đất ao bị xói mòn do dòng chảy của nước, từ bờ ao bị rửa trôi, phân tôm, thức ăn thừa, xác chết phiêu sinh vật, vôi, khoáng chất. Bùn đáy trong ao nuôi tôm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước ao nuôi tôm, như ôxy hòa tan, độ trong của nước, sự phát triển của tảo. Đặc biệt bùn đáy sinh ra hai sản phẩm chính có tính độc cao đối với nuôi tôm là NH3 và H2S, gây ngộ độc và stress cho tôm, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng sớm.

Bùn đáy còn là nơi phát sinh các dòng vi khuẩn gây bệnh cho tôm, nhất là các bệnh hoại tử mang, đen mang, mòn đuôi, cụt râu... Sự hiện diện các dòng vi khuẩn và phiêu sinh vật trong ao nuôi tôm thể hiện sự phân hủy tự nhiên của chất độc, chất thải trong ao nuôi tôm. Các quá trình phân hủy bị ảnh hưởng bởi hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, nhiệt độ và dòng chảy. Nếu chất thải hình thành nhanh hơn tốc độ phân hủy thì sự tích tụ sẽ xuất hiện trong ao.

Quản lý bùn đáy

Sau mỗi vụ nuôi, nhất là nuôi thâm canh và bán thâm canh, lượng bùn rất lớn. Vì vậy, cần loại bỏ hết bùn ra khỏi ao nuôi, làm sạch đáy ao bằng máy bơm nước áp lực cao, để làm sạch lớp bùn, đồng thời tạo điều kiện cho việc ôxy hóa và giải phóng khí độc tích tụ dưới đáy ao. Với những ao nuôi đáy nhiễm phèn, sau khi dọn sạch bùn đáy cần ngâm nước rửa phèn, sau đó tháo cạn.

Với ao mới xây dựng, cần phải rửa ao nhiều lần, gia cố bờ chắc chắn. Ở giữa ao bố trí một vị trí lõm để gom bùn đáy, tiện xi-phông trong quá trình nuôi. Bố trí hệ thống quạt nước sao cho dòng chảy trong ao đảm bảo chất thải gom tụ giữa ao và tạo được tỷ lệ diện tích đáy ao sạch cao nhất. 

Xử lý bùn đáy sau mỗi vụ nuôi tôm - Ảnh: Vũ Mưa

Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước ít và sử dụng hợp lý, tránh thừa thức ăn. Từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng. Giai đoạn này, quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước. Đồng thời, cần tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan bằng hệ thống quạt nước hoặc sục khí để giảm tác hại của bùn đáy.

Sự phát triển quá mức của tảo cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền đáy và tăng lượng khí độc trong ao nuôi. Vì vậy trong quá trình nuôi cần sử dụng các loại vôi, khoáng chất, chế phẩm sinh học, các loại phân và biện pháp thay nước hợp lý để duy trì sự phát triển của tảo trong ao nuôi. 

Chọn nguồn nước cấp ít chất lơ lửng, phù du. Trong hệ thống ao nuôi cần bố trí hệ thống ao lắng để lắng cặn chất lơ lửng trước khi đưa vào ao nuôi.

Việc sử dụng máy quạt nước để gom tụ chất thải, dùng các loại vôi, khoáng chất, tránh khuấy động vùng gom tụ chất thải sẽ là một giải pháp tương đối an toàn, vừa tạo ra vùng sạch cho tôm hoạt động vừa tránh sự phát tán chất lơ lửng trở lại nước ao trong thời gian nuôi.

Sự tích tụ chất thải lớn trong ao nuôi tôm thường xảy ra ở các tháng nuôi thứ ba, thứ tư. Một trong những biện pháp giảm bùn đáy trong ao nuôi tôm là áp dụng biện pháp thay nước đáy hoặc dùng hệ thống thoát nước trung tâm, cũng có thể áp dụng biện pháp dùng hệ thống máy hút bùn ra khỏi ao nuôi. Hút bùn ra khỏi ao nuôi mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm, nếu người nuôi không thực hiện đúng kỹ thuật. Tiến hành hút bùn vào buổi sáng hằng ngày và mỗi đợt không nên quá 7 ngày.

Sự thành công các mô hình nuôi tôm gắn liền với việc quan tâm và chủ động trong việc ổn định nền đáy ao theo hướng hợp lý, hướng các mô hình nuôi thực sự ổn định, bền vững, hiệu quả.

Nhật Minh (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Phòng trừ sâu đục thân hại lúa

Sâu đục thân gây hại biến đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tuổi phát dục của sâu. Lúa từ thời kỳ mạ đến lúc trỗ bông đều có thể bị hại.

Bướm và nhộng sâu đục thân gây hại lúa

Hà Nội có trên 1.500 ha lúa nếp cái hoa vàng, tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai… Đây là giống phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, chỉ gieo cấy được trong vụ mùa. 

Nếp cái hoa vàng là giống bản địa chất lượng cao, chịu thâm canh, chống đổ khá, chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu trung bình, dễ bị sâu đục thân, thời gian sinh trưởng 150 - 155 ngày. Hiện tại lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng, dự kiến trỗ từ ngày 5 - 10/10

Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng trừ sâu đục thân hại lúa, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội giới thiệu đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại, quy luật phát sinh và biện pháp phòng trừ như sau: 

Triệu chứng 

Sâu đục thân gây hại biến đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tuổi phát dục của sâu. Lúa từ thời kỳ mạ đến lúc trỗ bông đều có thể bị hại. Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ. 

Cây lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô. 

Thời kỳ lúa đứng cái làm đòng, sâu non tập trung phá hại phía trong bẹ và đục vào ống. 

Thời kỳ trỗ bông, sâu đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa hoặc sâu tuổi nhỏ tập trung cắn nát đòng, bông lúa không trỗ hoặc nếu trỗ thì các hạt bị lép trắng (bạc bông). 

Hình thái 

Trứng đẻ thành ổ hình bầu dục dài, trên mặt phủ một lớp lông màu vàng nhạt ở giữa hơi nhô lên.  

Mới đẻ trứng màu trắng sau chuyển màu ngà vàng sắp nở màu đen. Sâu non đẫy sức dài 21 - 25 mm màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng. 

Ngài đực có đầu ngực và cánh trước màu nâu nhạt, giữa cánh có một chấm đen. Ngài cái thân dài 10 - 13 mm, thân màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt, giữa cánh trước có một chấm đen. 

Tập quán sinh sống và quy luật gây hại 

Thời gian sinh trưởng và phát dục các giai đoạn của sâu có liên quan mật thiết với điều kiện nhiệt độ và ẩm độ. 

Ở điều kiện nhiệt độ từ 26 - 30 độ C, thời gian phát dục của trứng là 7 ngày, sâu non từ 25 - 33 ngày, nhộng 8 - 10 ngày, bướm vũ hóa đẻ trứng 3 ngày

Ngài thường vũ hóa về đêm, ban ngày ngài đậu yên nấp trong khóm lúa rậm rạp gần mặt nước, khi trời tối ngài hoạt động mạnh từ 19 - 20 giờ

Sau khi vũ hóa thì ngay trong đêm đó ngài có thể giao phối và đêm thứ 2 bắt đầu đẻ trứng. Mỗi ngài cái có thể đẻ 1 - 5 ổ trứng, mỗi ổ trứng có từ 100 - 150 quả trứng. 

Trứng được đẻ ở mút ngọn lúa ở thời kỳ mạ và khoảng gần giữa mặt trên hay dưới lá ở thời kỳ cấy. 

Sâu non khi nở gặm phá chất keo và lông phủ trên ổ trứng chui ra. Nếu lúa đang ở thời kỳ mạ hoặc đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ vào đến nõn giữa phá làm cho dảnh lúa bị héo. 

Nếu lúa sắp trỗ hoặc mới trỗ, sâu đục qua lá bao của đòng và chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng. 

Sâu đục thân bướm hai chấm phá hại nặng trên lúa mùa hơn lúa xuân. Các giống lúa đang trồng chưa có giống nào kháng sâu đục thân hai chấm, giống lúa nếp bị hại nặng hơn giống lúa tẻ. 

Cùng một giống lúa, giai đoạn sinh trưởng khác nhau mức độ hại khác nhau, lúa ở thời kỳ đẻ nhánh rộ, làm đòng, trỗ gặp lứa sâu ra rộ thì mức độ bị hại có khả năng lớn hơn so với các giai đoạn sinh trưởng khác. 

Một năm có 6 - 7 lứa, quan trọng là lứa 25 trùng với tháng 5 và tháng 9. Đây là hai lứa sâu hại cần chú ý phòng trừ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. 

Bướm vũ hóa sau khi lúa trỗ hoặc trùng với thời gian lúa trỗ tỷ lệ bị hại nhẹ, bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày, tỷ lệ bị hại rất nặng. 

Biện pháp phòng trừ 

+ Biện pháp kỹ thuật canh tác: Trên các khu đồng lúa hoặc mạ cần sạch cỏ, phát bờ trước khi gieo cấy, khu vực ruộng mạ nên gieo thành từng khoảnh, từng giống để tiện chăm sóc và phòng trừ sâu hại. 

Bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật đối với giống nếp cái hoa vàng, không sử dụng phân đạm quá nhiều hoặc bón không đúng quy trình. 

Điều khiển nước tưới hợp lý, chủ động để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, có sức chống chịu sâu bệnh cao. 

Khi mật độ trứng sâu đục thân lúa hai chấm khoảng 0,5 ổ/m2 ở giai đoạn làm đòng và theo dõi bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày thì sử dụng thuốc BVTV để phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: DuponTMprevathon 5SC, Virtako 40WG, Alocbale 40EC, Regent 800WG, Enasin 32WP… nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc. 

+ Lưu ý: Phun đủ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha/sào (360 m2). Khi phun thuốc trừ sâu đục thân bướm 2 chấm trong thời gian 4 giờ mà gặp mưa thì nhất thiết phải phun lại.

Vân Đình (nongnghiep.vn)
>

Bệnh thán thư hại chuối tiêu

Bệnh thán thư đang phát sinh gây hại mạnh một số vườn chuối tiêu (chuối lùn) ở các địa phương.

Triệu chứng bệnh thán thư hại chuối

Mặt dưới phần mép của lá xuất hiện những đốm màu thâm to bằng cúc áo, ăn phá lên mặt trên rồi chuyển sang cháy khô loang rộng cùng viền vàng. 

Phần cháy khô hiện lên những đường vân chạy dọc cậng hoặc thành các đường tròn đồng tâm. Nửa ngọn cậng bị thối ướt màu nâu, nửa còn lại dầy trạt những đốm đen ở mé lưng và cũng thối dần. Kết quả, các tầu lá bị gẫy treo khô; thân chuối thối đen. 

Bệnh phát sinh ở những vườn đã trồng từ 2 năm trở lên, có lá dầy, nhiều lá và trồng dầy. Trong cùng một cây, lá ngoài cùng bị trước rồi lần lượt đến các lá trong. Tốc độ lây lan và phá hại mạnh khiến cây chết khô; gây vết đốm trên vỏ quả ngay từ khi vừa tròn cạnh nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất và chất lượng thu hoạch. Đối tượng gây hại là loại nấm thán thư, sẵn có trong đất trồng và môi trường. Do đặc điểm cấu tạo cây chuối nên bệnh này rất khó diệt trừ. 

Thời tiết có nhiều nắng nóng nhiệt cao, lượng mưa không điều hòa; giống chuối mẫn cảm nhiều, trồng dầy và tốt lốp là những điều kiện thuận lợi cho nấm thán thư phát sinh gây hại. 

Cần kiểm tra kịp thời, nhận diện được triệu chứng bệnh hại. Đồng thời phải thường xuyên thực hiện dọn vệ sinh, cắt xén các loại cỏ dại và các loại tầu lá đã già chết khô hoặc do bệnh hại, thu gom và đốt tiêu hủy nơi xa vườn. Chuối lùn cao cây và nhiều lá, tốt nhất nên chuyển sang trồng chuối tiêu hồng hoặc để mỗi bụi 1 cây mẹ và 1 - 2 cây con là hợp lý. 

Khi có tới 3% số cây mắc bệnh, cần phải tạm dừng việc bón thúc. Dùng ngay 1 trong 2 loại thuốc Score250EC, Carbenzim500FL và chất bám dính HPC, phun luân phiên theo chu kỳ 2 ngày 1 lần. Ở lượng, 1 cốc Score250EC loại 10 ml hoặc 30 ml Carbenzim500FL pha chung với 20 ml chất bám dính HPC trong 16 lít nước, phun đẫm đều cho 4 - 5 thước vườn.

Nguyễn Hữu Vân (nongnghiep.vn)
>

Thu hoạch và bảo quản tôm đúng cách

Thu hoạch tôm đúng phương pháp thích hợp và bảo quản tốt sẽ nâng cao giá trị, hiệu quả và làm gia tăng giá trị sản phẩm.


Phương pháp thu hoạch

Trước khi thu hoạch tôm cần chọn thời điểm tôm cứng vỏ, kích cỡ tôm đạt tiêu chuẩn (tôm thẻ chân trắng 60 - 80 con/kg, tôm sú 35 - 50 con/kg). Chuẩn bị đủ dụng cụ (tấm bạt, vợt, rổ, xô nhựa, thùng cách nhiệt, nước sạch, đá sạch, giai, lưới…), tùy theo sản lượng tôm cần thu hoạch mà bố trí nhân lực cho hợp lý.

Phương pháp thu hoạch phổ biến được áp dụng hiện nay là thu cạn hoặc thu bằng lưới có xung điện.

Thu cạn: Là phương pháp hiệu quả nhất; tốn ít thời gian, tôm đạt chất lượng, ít bị dập vỏ, đáy ao không bị khuấy động, nước không bị đục, tôm sạch. Tháo 30% lượng nước trong ao, dùng lưới vét có chiều dài tối thiểu bằng chiều dài 1 cạnh bờ ao để kéo thu tôm. Chỉ kéo thu tôm trên từng phần diện tích ao, khi thu được phần lớn số lượng tôm trong ao mới vét toàn bộ diện tích ao, sau đó bơm cạn, thu nốt số còn lại. Tuy nhiên chỉ có thể sử dụng phương pháp này ở những hệ thống nuôi tôm được thiết kế đảm bảo tháo 4 - 6 giờ, nước có thể cạn hết.

Đánh lưới tôm: Là phương pháp hiện nay được người nuôi sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thường cần dùng xung điện, làm xáo động đáy ao, tôm có thể bị lẫn bùn đất. Thường thu tôm vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thu, tháo bớt nước đến mức có thể để thu hoạch được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, trong một số mô hình nuôi tôm quảng canh, người nuôi còn dùng một số phương pháp thu hoạch như dùng đăng chắn, chài, lú… Lợi dụng tập tính bơi ngược dòng nước của tôm, người nuôi có thể dùng đăng thu hoạch tôm. Phương pháp này thường áp dụng khi nuôi tôm diện tích rộng. Khi muốn thu tỉa những con đạt trên 30 g, áp dụng ở đầm, ao nuôi có đáy gồ ghề, người nuôi có thể dùng chài thu hoạch tôm. Khi thu hoạch bằng chài, chú ý bắt tôm lúc trời mát.

Phương pháp bảo quản

Bảo quản sống: Sau khi kéo lưới, cho tôm vào giai lưới được đặt nơi có nguồn nước sạch, mật độ 300 - 350 con/m3. Để bảo quản theo cách này, cần đảm bảo tôm thu hoạch phải sống, khỏe mạnh, không xây xát. Trong quá trình bảo quản cần dùng máy sục khí để tăng lượng ôxy hòa tan trong giai, thời gian bảo quản tôm trong giai không quá 5 giờ, sau đó cần đưa ngay tới nơi tiêu thụ.

Bảo quản chết: Rửa và chọn tôm nơi thoáng mát. Tôm được để trên tấm nhựa hoặc rổ nhựa rửa sạch, không để tôm rơi trực tiếp xuống đất, sàn gỗ hoặc nền xi măng.

Gây chết bằng nước đá lạnh theo tỷ lệ 2 phần tôm, 1 phần đá và 1 phần nước. Đổ nước vào thùng nhựa hoặc thùng cách nhiệt. Cho nước đá xay với tỷ lệ 10 kg đá trong 10 lít nước. Khuấy đều cho nước đá tan, cho 20 kg tôm vào thùng, đậy nắp lại và giữ nước khoảng 30 phút.

Sau khi tôm được làm lạnh, tiến hành vớt tôm và chuyển sang ướp với đá xay trong thùng cách nhiệt. Rải 1 lớp đá khoảng 10 cm ở đáy thùng cách nhiệt. Sau đó xếp lần lượt 1 lớp tôm một lớp đá. Tỷ lệ tôm và nước đá phụ thuộc thời gian vận chuyển. Nếu thời gian bảo quản không quá 12 giờ, ướp tôm với tỷ lệ 10 kg tôm với 5 kg đá, thời gian vận chuyển 12 - 14 giờ, ướp tôm với tỷ lệ 10 kg tôm với 10 kg đá. Trên cùng phủ một lớp đá dày > 10 cm. Đậy kín nắp thùng và bảo quản nơi thoáng mát.

Thường xuyên kiểm tra thùng bảo quản tôm để kịp thời khắc phục các sự cố như rò rỉ, đá tan nhanh...        

Hữu Văn (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video