Trang trại tía tô 700 đồng một lá xuất đi Nhật (Video)

Lá tía tô để xuất khẩu phải đảm bảo đúng 3 kích thước, được phân loại và đưa vào kho lạnh trong vòng 2 tiếng sau khi hái. 

Trang trại trồng lá tía tô xuất khẩu của Công ty cổ phần May Hồ Gươm. Ảnh: Anh Tú.

Tía tô có màu xanh được trồng tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm ở Lương Tài, Bắc Ninh đang được xuất khẩu đi Nhật Bản với giá 500-700 đồng mỗi lá. Loại lá này bắt đầu cho thu hoạch sau một tháng gieo trồng trong nhà kính với nhiệt độ luôn duy trì từ 33 đến 35 độ C. Tuy nhiên, trên một cây tía tô, không phải chiếc lá nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu. 

Theo các chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại trang trại, lá xuất khẩu được là lá từ thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải đảm bảo kích cỡ 6-8cm. Còn những chiếc lá già, quá lứa trước đó đều bị hái bỏ đi. Sau khi thu hoạch, vài ngày sau, lá non phát triển thêm đạt kích cỡ như yêu cầu để xuất khẩu thì mới được hái tiếp. Lá tía tô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải không rách nát. Người công nhân khi hái cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá.  

Chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi hái, lá tía tô được đưa vào phòng lạnh để phân loại. Công nhân làm việc trong phòng lạnh phải tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt từ việc mặc đồng phục, đi dép vô trùng cho đến rửa tay bằng nước sát trùng, giữ vệ sinh... 

Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ bằng cách chọn lọc thủ công, cột 10 lá thành một và xếp vào thùng. Mỗi thùng có 11.000 lá nặng khoảng 45kg, trước khi đưa vào nhà lạnh để bảo quản sẽ được công nhân ở khâu tiếp theo rà soát từng lá thêm một lần nữa để đảm bảo lá đều, không rách. Sau 5 tiếng được đặt trong nhà lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, các lá tía tô mất khoảng thời gian từ khi rời cây đến các bàn ăn của người Nhật là khoảng hơn 24 giờ đồng hồ. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc dự án cho biết, đó chỉ là một trong những khâu chọn lọc cuối cùng của quá trình thu hoạch lá tía tô để xuất khẩu. Trước đó, quy trình khảo sát nguồn nước, làm đất, chọn giống, gieo giống... cũng được tiến hành một cách kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian theo yêu cầu của chuyên gia Nhật. 

Quy trình trồng tía tô xanh luôn phải được đảm bảo nghiêm ngặt với giống cây nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới tơi bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ và có hệ thống quạt thông gió bên trong nhà kính....  

Khu đất được May Hồ Gươm dùng để xây dựng trang trại là đất bỏ hoang đã gần chục năm nay. Khi mới triển khai, đất được cày lên, phơi khô rồi dựng nhà kính. Xong công đoạn này, doanh nghiệp vẫn chưa được tiến hành gieo trồng ngay mà phải đóng nhà kính lại trong một tuần vào thời tiết nắng nóng để tiêu diệt cỏ dại, côn trùng.

"Sau một tuần đó, công nhân mới đi nhặt cỏ, phay đất nhỏ và đem phân hữu cơ ủ mục trộn với đất trước khi trồng phun thuốc để diệt côn trùng. Các loại thuốc được sử dụng không có độc tố mạnh nên có thể một lần không xử lý được hoàn toàn các loại côn trùng", ông Bằng nói, đồng thời cho hay, mọi công đoạn chăm bón sau khi gieo trồng đều thuận theo tự nhiên như trang trại nuôi gà để bắt sâu, dùng đèn để bắt côn trùng, ruồi, muỗi... 

"Việc chăm sóc cần hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, hoặc nếu có cũng chỉ là những loại không có độc tố cao và dưới sự chỉ đạo, giám sát của 4 chuyên gia Nhật đang làm việc tại trang trại", ông Bằng cho biết. 

May Hồ Gươm xây dựng trang trại trồng lá tía tô ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 11,3 ha, với tổng vốn khoảng 150 tỷ đồng được triển khai từ giữa năm 2016. Trong đó, bên cạnh 8,2ha nhà kính còn có các  công trình phụ trợ khác, như nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh… 

Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng. Ông Bằng cho biết, hiện mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 100.000 lá (khoảng 45kg) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.

Hiện nay, công ty mới đưa vào thu hoạch khoảng một phần tư trang trại và vẫn đang tiến hành gieo trồng những diện tích còn lại. Cũng theo ông, ở những dự án đầu tư nông nghiệp, không thể tính toán lợi nhuận trong 1-2 nămđược mà phải tính vòng đời 10 năm trở mới có thể xem xét đến hiệu quả. 

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải là kỹ thuật mà là vấn đề lao động.

"Để đào tạo được lao động, đặc biệt là nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghệ cao, từ thay đổi tư duy, nhận thức cho đến thao tác... mất rất nhiều thời gian. Như vừa rồi là vụ gặt, một loạt lao động nghỉ khiến chúng tôi không kịp xoay sở", ông Bằng cho hay. 


Ngọc Tuyên - Anh Tú (vnexpress)
>

Vựa cà phê nghìn tấn trồng hữu cơ ở Gia Lai

Gia Lai có 93.000ha cà phê, nhiều nơi trồng theo chuẩn hữu cơ, dùng máy móc nông nghiệp hiện đại để xuất khẩu quốc tế.

Năm 2017, Gia Lai có 93.000ha cà phê tập trung tại các huyện Đăk Đoa, Chư Pứh, Chư Sê, Chư Prong và IaGrai. Sản lượng thu sạch mỗi năm đạt hơn 212.000 tấn. Để tăng hiệu quả kinh tế, cây cà phê được trồng xen canh với hồ tiêu.

Tại huyện Chư Sê, theo đặt hàng của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nông dân chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. Quy trình trồng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt như Rain forest Alliance, UTZ Certified, 4C và đặc biệt là Organics (IFOAM) của Mỹ.

Nguồn dinh dưỡng chính cho cây là phân hữu cơ ủ hoai mục từ phân bò. Do đó, bên cạnh đồi cà phê, nông dân còn trồng vùng nguyên liệu dành riêng cho chăn nuôi bò.

Mỗi năm, đàn bò 50 con cho khoảng 500 tấn phân tươi. Phân bò sau đó trộn với trấu từ vỏ cà phê, theo tỷ lệ 40:60 hoặc 50:50 tạo ra khoảng 1.000 tấn phân hữu cơ bón cho cây.

Nước tưới được tích trữ từ các sông suối nhỏ chảy vào hồ chứa, kết hợp với hệ thống giếng khoan. Đồng thời, doanh nghiệp đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho bà con để tiết kiệm nước trong mùa khô.

Giống cà phê trồng tại Chư Sê là Robusta TR4 của Viện Eakmart, nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên). Cây được tạo ra nhờ phương pháp nhân giống vô tính có khả năng sinh trưởng mạnh, kháng bệnh tốt và cho năng suất cao.

Để phòng bệnh cho cây, nông dân không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ nào, mà chỉ được phép sử dụng chế phẩm sinh học, làm cỏ dại bằng máy.

Mô hình cà phê hữu cơ ở Chư Sê 


Cuối tháng 11 đến đầu 12 trở đi là thời điểm cây cho thu hoạch. Sau khi vận chuyển về kho sơ chế, hạt cà phê được phân loại, làm sạch, tách màu trên hệ thống dây chuyền khép kín. Những hạt cà phê chất lượng nhất được tuyển chọn kỹ càng trước khi đưa vào rang xay.

Trước khi rang xay với số lượng lớn, cà phê được lấy mẫu kiểm tra chất lượng dựa vào mùi hương, màu sắc, độ đậm đặc và hậu vị.

Theo nhà sản xuất, cà phê nguyên chất có vị đặc trưng, màu nâu cánh gián, sau khi lắc thành cốc có độ trong cao, hương vị khác hẳn với cà phê lẫn tạp chất.

Ánh Tuyết (vnexpress
>

Tây Nguyên: Giá tiêu giống giảm mạnh

Nếu như những năm trước mỗi bầu tiêu giống có giá 5.000-7.000 đồng, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/bầu thì bây giờ mặc dù giá xuống thấp chỉ bằng 1/3 so với trước (1.500-2.000 đồng/bầu) cũng rất ít người hỏi mua.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính là thời gian gần đây giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh do nguồn cung dư thừa. Do đó nông dân không còn mặn mà với loại cây này nữa mà chuyển hướng sang đầu tư các loại cây trồng khác.

Thực tế trên được chúng tôi ghi nhận tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn Tây Nguyên. Trong khi giống hồ tiêu ở Tây Nguyên ế ẩm thì các loại giống cà phê và cây ăn quả năm nay lượng người mua tăng đáng kể. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 11.435 ha cây ăn quả các loại, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn diện tích tăng là do người dân trồng xen trong vườn cà phê hoặc chuyển đổi từ cà phê, cao su già cỗi sang trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo nông dân không nên tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng ồ ạt theo phong trào, bởi việc đổ xô trồng loại cây này có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác trước đây, sau đó phải đốn bỏ.

Trí Tín (PLO)

>

Khiếp sợ rầy nâu độc tố cao đang uy hiếp 33.000ha lúa ở Nam Bộ

“Rầy nâu độc tố cao, nhiễm tổ hợp virus, tác hại diện rộng” là 3 yếu tố gây quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên lúa. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa tại các tỉnh Nam Bộ”, tổ chức tại Long An mới đây.

Thông tin tại diễn đàn cho thấy, vụ hè – thu 2017, diện tích lúa nhiễm rầy ở các tỉnh Nam Bộ gần 33.000ha (tăng hơn 12.000ha so với cùng kỳ 2016). Trong đó, có hơn 3.200ha nhiễm nặng, mật độ rầy nâu trên đồng tăng, một số diện tích bị cháy cục bộ, mức độ phân bố bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khá rộng từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Đông Nam Bộ.

3 điểm nóng nhiễm rầy nâu hiện nay gồm các cụm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang; Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Đồng Nai, Lâm Đồng. Thời điểm này cũng xảy ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá với tỷ lệ cao có nguy cơ lan truyền bệnh.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiểm tra bệnh rầy nâu trên ruộng lúa tại Long An.  Ảnh: T.Đ

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), nguyên nhân bùng phát dịch bệnh trên lúa do chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, dẫn đến gieo sạ không tập trung nên từng khu vực có nhiều giai đoạn lúa sinh trưởng khác nhau; việc xuống giống lúa xuân – hè quá sớm khiến toàn bộ diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi trùng khớp với rầy di trú rộ cuối vụ đông – xuân với mật độ khá cao.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nông dân sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu phổ rộng, sớm sau sạ, mất cân đối về cơ cấu lúa giống lúa nhiễm rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu di trú nhiễm virus ở tỷ lệ khá cao… 

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Trần Văn Khởi nhận định, đây là nguy cơ lớn cho các tỉnh Nam Bộ nếu rầy nâu di trú với số lượng lớn trong các tháng tới, đặc biệt nguy cơ bùng phát dịch vào vụ thu – đông năm nay nếu không kiểm soát tốt ngay từ bây giờ. “Việc kịp thời đưa ra các giải pháp để khống chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vụ hè – thu, thu – đông 2017 là rất cấp bách và là cơ sở cho việc hạn chế tác hại dịch bệnh cho lúa năm sau” - ông Khởi hối thúc.

Thậm chí, theo Cục Bảo vệ thực vật, các tỉnh Nam bộ phải chủ động xây dựng các phương án chống dịch trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Trần Đáng (Dân Việt)
>

Mới bước chân vào lĩnh vực trái cây, vì sao bầu Đức ngay lập tức trồng tới 17 loại cây khác nhau?

HAGL dự kiến sẽ phát triển vườn cây trái có quy mô hơn 20.000ha. Khi đi vào thu hoạch ổn định, bầu Đức kỳ vọng mỗi hécta trái cây có thể mang về 1 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.


Mới bước chân vào lĩnh vực trái cây, vì sao bầu Đức ngay lập tức trồng tới 17 loại cây khác nhau?
Sau giai đoạn tập trung tái cấu trúc tài chính, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG ) sẽ tập trung vào tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh với mục tiêu xác định lĩnh vực nông nghiệp là trụ cột. Trong khi những loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cọ dầu cũng bò thịt chưa mang về dòng tiền ổn định, HAGL đã quyết định tập trung đầu tư phát triển trái cây để tạo dòng tiền nhanh hơn.
Trái cây là nguồn thu quan trọng trong những năm tới nhưng bầu Đức xác định không lệ thuộc vào 2-3 loại trái cây mà đầu tư vào một "rổ" gồm 17 loại trái cây khác nhau từ chanh dây, xoài, thanh long, chuối...
Điều này không chỉ xuất phát từ nhu cầu đối với các loại trái cây này rất lớn mà đây cũng còn là chiến lược "không bỏ trứng vào một giỏ". Các năm qua, Bầu Đức và HAGL đã rất thấm thía tính chất bấp bênh của giá cả các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, dù rất lạc quan với các sản phẩm trái cây, bầu Đức cũng xác định các sản phẩm này có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, chủ tịch của HAGL nhận định, trong trường hợp xấu nhất thì cũng chỉ có thể 2-3 loại trái cây gặp khó khăn chứ khó có thể có chuyện gần 20 loại trái cây cùng lúc rớt giá được. Việc có một danh mục nhiều loại trái cây khác nhau sẽ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự thay đổi về nhu cầu của thị trường cũng như bệnh dịch.
Những năm trước, mỗi năm hầu như HAGL chỉ trông chờ vào 1-2 sản phẩm nông nghiệp như mía đường hay bò thịt. Chính vì vậy mà khi giá cả của những sản phẩm này sụt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của tập đoàn.
Khi được cổ đông đặt câu hỏi về những rủi ro thiên tai, dịch bệnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức cho biết các vườn cây trái của công ty được trồng ở vùng đất không có bão lũ, cạnh nguồn nước lớn không sợ khô hạn. Bên cạnh đó, vườn cây được canh tác ở các vùng đất mới nên nguy cơ dịch bệnh thấp hơn rất nhiều so với các vùng đất đã được trồng lâu năm. HAGL đã ký hợp đồng toàn diện với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Lộc Trời Group) để xử lý và phòng ngừa triệt để tất cả các vấn đề liên quan đến sâu bệnh của cây.
Tiến hành trồng từ năm 2016, HAGL dự tính sẽ dành quỹ đất khoảng 20.000ha để phát trồng các loại trái cây của mình. Bầu Đức kỳ vọng khi đi vào thu hoạch ổn định, mỗi hécta trái cây có thể mang về 1 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bản Việt, tính đến ngày 18/05/2017, HAGL đã trồng 18.686ha cây ăn trái, tập trung vào trái cây nhiệt đới. HAGL dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ tăng tổng diện tích cây ăn trái lên 20.800ha.
Trong năm 2017, HAGL đặt mục tiêu thu về 2.600 tỷ đồng từ trái cây, trong đó, chanh dây dự kiến đạt 1.055 tỷ; thanh long 680 tỷ và chuối 843 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của cả 3 loại trái cây này dự kiến đều đạt trên 40%.
Theo Kiến Khang
Trí Thức Trẻ
>

Vốn rẻ, nhưng 'đầu ra' vẫn bí

Làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài vốn rẻ, nút thắt vẫn nằm ở việc sản xuất, phân phối, cung ứng theo chuỗi khép kín, trong đó mấu chốt là khơi thông đầu ra.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng. Ảnh: Gia Bình

Giải quyết được bài toán này, người nông dân mới có thể làm ăn lớn, vươn lên làm giàu.

Đó là vấn đề đáng chú ý tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra ngày 4.7, do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ NN-PTNT tổ chức.

Đã “bơm” 28.000 tỉ đồng

Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết hiện đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết rót 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 5.2017 dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Riêng cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tổng dư nợ đạt gần 32.339 tỉ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp). Trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 27.700 tỉ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.600 tỉ đồng, không phát sinh nợ xấu.

Dòng vốn rẻ đã chảy nhưng một số nơi người nông dân vẫn chưa thể tiếp cận. Phát biểu tại hội thảo, nông dân Lê Văn Trường (một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc) cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông vừa rồi chịu thiệt hại nặng nề khi giá thịt lợn lao dốc, đến thời điểm này thua lỗ hơn 3 tỉ đồng. Ông Trường giãi bày: “Theo Nghị định 55 của Chính phủ, hộ gia đình tôi được vay tín dụng với hạn mức 1 tỉ đồng. Khi chúng tôi mang hồ sơ đi vay vốn tại Agribank thì bị từ chối. Hiện chúng tôi đang rất khó khăn, mong được các đơn vị có thẩm quyền cứu giúp”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, cũng thẳng thắn đánh giá, cho vay nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn bởi đây là gói tín dụng nhà nước không hỗ trợ, các ngân hàng cũng phải giảm bớt lợi nhuận để cho vay lãi suất thấp hơn mức thị trường từ 0,5 - 1,5%/năm. Vì vậy, các dự án phải đảm bảo khả thi, có hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận, thu hồi vốn.

Một rào cản khác, theo ông Hùng, hiện người nông dân và doanh nghiệp xây dựng nhà máy, trang trại công nghệ cao không được cấp giấy chứng nhận, xác định tài sản trên đất. Do đó các ngân hàng không có căn cứ để cho vay. “Chúng tôi đã đề xuất, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ TN-MT sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân”, ông Hùng thông tin.

Nút thắt nằm ở đầu ra

Theo các doanh nghiệp, ngoài vốn, mấu chốt hiện nằm ở thị trường đầu ra. TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện (LienVietPostbank), cho rằng cái gốc vấn đề phải tổ chức mô hình nuôi trồng tập trung, chuyên nghiệp mà nông dân trở thành công nhân hoặc bàn tay nối dài để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt quy trình của chủ đầu tư đảm bảo chất lượng. Sau đó là việc tổ chức tiêu thụ theo quy trình chuỗi khép kín. 

"Chỉ khi nào ở Việt Nam hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp" TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostbank

“Chỉ khi nào ở Việt Nam hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp”, ông Hưởng khẳng định.

Chủ tịch LienVietPostbank đề xuất, nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân; các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ..., xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường.

Theo bà Phạm Thị Huân (Giám đốc Công ty Ba Huân), muốn gỡ nút thắt, cần phải khơi thông được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. “Nhiều rào cản mà một mình doanh nghiệp không thể giải quyết được. Chính phủ và các cơ quan chức năng phải vào cuộc, bắt tay để doanh nghiệp, nông dân tiếp cận thị trường quốc tế mới tháo gỡ được đầu ra”, bà Huân đề xuất.

Tổng giám đốc CTCP Austfeed Việt Nam, ông Đào Mạnh Lương, chia sẻ không chỉ Việt Nam mà nông dân nhiều nước cũng gặp khó khăn thời gian qua. Tại Tây Ban Nha, giá lợn cũng giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg. Nhưng ở các nước này sản xuất theo công nghệ cao, chính phủ hỗ trợ đầu ra tốt, trong khi Việt Nam lại quá tập trung vào 1 - 2thị trường như Mỹ, Trung Quốc.

“Tại sao không đàm phán với cộng đồng ASEAN gần gũi, dễ vào với 600 triệu dân? Việt Nam đứng thứ 2 xuất khẩu gạo, thứ nhất Đông Nam Á về nuôi lợn, vì sao không làm sản phẩm chế biến từ lợn xuất đi Myanmar, Philippines, Indonesia… Chỉ cần phục vụ 200 triệu dân là quá đủ cho đầu ra”, ông Lương đặt vấn đề và kiến nghị Chính phủ kiến tạo chính sách công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhưng phải định hướng, triển khai như thế nào để người nông dân, doanh nghiệp tham gia được cuộc chơi này an toàn.

Tiêu Phong (Báo Thanh Niên
>

Nông nghiệp công nghệ cao đối mặt nhiều rào cản

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo nhiều chuyên gia, là một hướng đi đúng của ngành nông nghiệp nhưng phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều rào cản, trong đó có việc tiếp cận thị trường và vướng mắc về tài sản đảm bảo.

Nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với đầu ra - Ảnh minh hoạ: TL

Lầm tưởng về nông nghiệp công nghệ cao

Tại hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao" diễn ra ngày hôm 4-7 tại Hà Nội, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho biết, hiện đang có nhiều lầm tưởng về nông nghiệp công nghệ cao, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, chỉ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì chưa đủ.

“Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy nên, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư tới 3.000 - 4.000 tỉ đồng mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Thành nói.

Ví dụ điển hình là đợt dư thừa thịt heo vừa rồi, nếu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi heo nhưng không gắn với thị trường sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa sản xuất, giá cả sụt giảm, nợ xấu tăng cao và là gánh nặng cho nền kinh tế.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án.

Mặt khác, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Nhưng, hầu hết các sản phẩm của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm dạng này trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, ông Thành cho hay, nhà đầu tư phải quyết định thị trường, phải tìm được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mình sản xuất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải tự liên kết với những nhà cung ứng. Cuối cùng, phải sử dụng công nghệ để làm nền tảng tạo thị trường.

“Chuỗi giá trị công nghệ cao thành công phải gắn chặt các đơn hàng từ tập đoàn lớn bởi chỉ có các đơn hàng lớn mới có thể tổ chức chuỗi giá trị sản xuất được”, ông Thành nói.

Tài sản lớn nhưng không được thế chấp

Theo đại diện NHNN, hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có, đó là gói tín dụng 100.0000 tỉ đồng mà Chính phủ dành cho lĩnh vực này. Song, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

“Tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… rất lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn”, bà Thuỷ nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

NHNN cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.

Liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, theo báo cáo kết quả sơ bộ, đến nay, tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao tại các ngân hàng thương mại đã đạt con số tương đối lớn là 32.339 tỉ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp).

Một số ngân hàng có kết quả cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật. Ngân hàng TMCP Bắc Á cho vay đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho vay đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Thùy Dung (thesaigontimes.vn)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video