Theo các nhà khoa học, năm nay nhiều vườn măng cụt ở vùng ĐBSCL ra hoa và kết trái muộn nên bệnh xì mủ và sượng trái nhiều khả năng sẽ xảy ra trên một số cây.
Bệnh xì mủ và sượng trái có nguyên nhân từ các loại côn trùng chích hút lên trái và các nguyên nhân sinh lý khác như gió mạnh làm cho cây, trái, bộ rễ bị tổn thương; sự va đập mạnh khi thu hoạch trái…
Đặc biệt, trước khi trái chín 1- 2 tuần gặp trời mưa liên tục cây hút nhiều nước đột ngột làm mạch nhựa vỡ, nhựa rỉ ra nếu vào cơm của trái sẽ làm cho sượng và hư hại. Một số trường hợp nhựa chảy vào cuống trái làm nó bị thâm và một loại nấm có tên Phitophthora spp bám vào phát triển gây hư trái.
Theo các tài liệu của Trường Đại học Cần Thơ và Viện Cây ăn quả Miền Nam, biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh xì mủ và sượng trái trên cây măng cụt là làm cho cây ra hoa và kết trái vào tháng 11 dương lịch và thu hoạch trái vào tháng 4, tức là trong mùa nắng.
Tuy nhiên, cách này khó thực hiện bởi hiện nay chưa có quy trình giúp cây măng cụt ra hoa và kết trái hoàn hảo ở thời gian trên, nhưng các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng bệnh xì mủ và sượng trái rất hạn chế ở các vườn măng cụt có tập quán bón vôi hàng năm (có mối liên quan giữa lượng can-xi (vôi) trong vỏ trái với hiện tượng xì mủ, sượng trái), nên đề xuất một số biện pháp phòng trị bệnh này:
- Giữ độ ẩm ổn định dưới 50% trong giai đoạn trước khi thu hoạch trái 1 tháng bằng cách phủ bạt cho liếp và giữ mực nước dưới mương vườn cách mặt liếp ít nhất 60cm.
- Phun trực tiếp lên trái dung dịch CaCl2 (Calcium Chlorid) nồng độ 2% với liều lượng 6 lít/cây (cây 18 - 20 năm tuổi). Phun làm 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày bắt đầu từ tháng thứ 3 sau khi cây đậu trái. Hàng năm bón vôi cho cây với mức 50 kg/công.
- Phun ngừa bệnh cho trái bằng các thuốc có gốc đồng.
- Tránh va chạm mạnh khi thu hoạch và vận chuyển trái.
Trung Tín/ Báo Vĩnh Long