Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, chi phí thức ăn chiếm đến 70 - 75% giá thành sản xuất. Quản lý tốt thức ăn trong nuôi tôm giúp giảm giá thành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của vụ tôm.
Lựa chọn thức ăn tôm
Người nuôi nên sử dụng thức ăn viên công nghiệp được sản xuất trong nước hoặc thức ăn nhập khẩu để cho tôm ăn; chất lượng thức ăn phải đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số 32 - 45%; thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt lưu ý, không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.
Kiểm tra sàng cho tôm ăn thường xuyên - Ảnh: Trần Út
Ngoài ra, tùy vào thực tế (sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết…) và theo dõi sàng ăn/chài khi tôm từ 20 ngày tuổi trở lên để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe của tôm.
Liều lượng cho tôm ăn
Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho thức ăn vào sàng/nhá/vó để tôm làm quen, thuận lợi cho việc kiểm tra lượng thức ăn dư sau này. Sàng đặt nơi bằng phẳng, cách bờ ao 1,5 - 2 m, sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không đặt ở góc ao, khoảng 1.600 - 2.000 m2 đặt 1 sàng. Sau 15 ngày có thể sử dụng các chất bổ sung cung cấp vitamin, khoáng chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất để giúp tôm tăng cường sức khỏe.
Đối với tôm sú: Tôm 1 - 3 ngày sau thả nuôi sử dụng thức ăn với lượng 1,2 - 1,5 kg/100.000 giống; ngày 4 - 10 mỗi ngày tăng thêm 200 g/100.000 giống; ngày 11 - 20 mỗi ngày tăng thêm 250 g/100.000 giống; ngày 21 cho đến khi thu hoạch mỗi ngày tăng thêm 300 g/100.000 giống; Đến ngày thứ 31 trở về sau điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với việc kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn qua việc kiểm tra sàng và chài.
Đối với tôm thẻ chân trắng: Ngày đầu tiên sử dụng thức ăn với lượng 2 kg/100.000 giống. Trong 20 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,2 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 21, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống. Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn.
Người nuôi tôm có thể phối trộn sản phẩm bổ sung như men tiêu hóa, khoáng, Vitamin C… vào thức ăn. Việc chuyển đổi loại thức ăn tôm cần phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.
Cách điều chỉnh lượng thức ăn
Sử dụng sàng ăn rất quan trọng để kiểm tra việc cho ăn, bởi sàng ăn phản ánh khả năng sử dụng thức ăn, sức khỏe, tỷ lệ sống của tôm và điều kiện nền đáy ao nuôi. Sàng ăn thường là tấm lưới mịn với một khung sắt vuông hoặc tròn có gờ cao không quá 5 cm. Diện tích sàng ăn thường từ 0,4 - 0,6 m2. Sàng ăn nên đặt sát đáy ao, nơi sạch sẽ và hơi xa bờ ao. Tùy theo diện tích và mật độ thả mà có thể bố trí một hoặc nhiều sàng ăn trong.
Cách cho ăn: Tôm có khuynh hướng ăn ở những nơi được làm sạch bằng quạt nước, vì vậy cho ăn xung quanh ao được quạt nước làm sạch, tránh rải thức ăn vào nơi dơ bẩn và bờ ao. Tùy theo tình hình thực tế môi trường ao nuôi, thời tiết... mà có thể tăng hoặc giảm lượng thức ăn trong ngày cho phù hợp.
Lưu ý, những ngày thay đổi thời tiết như mưa, nắng gắt chỉ cho 70 - 80% lượng thức ăn đã định. Theo dõi kỳ lột xác để giảm lượng thức ăn và tăng sau khi tôm lột xác xong. Từ ngày thứ 35 trở đi chỉ cho 70 - 80% lượng thức ăn theo yêu cầu.
Nguyễn Quang Trí (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)