Bệnh sữa ở tôm hùm

Bệnh do vi khuẩn Rickettsia - like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.


Khi tôm bị bệnh, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục, dịch tiết (gồm cả máu) của tôm có màu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão. Gan tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp hoại tử. Bệnh xảy ra ở ở tôm từ 50 - 500 g/con, gây chết từ rải rác đến hàng loạt.

Có thể tiến hành trị bệnh sữa cho tôm hùm như sau:

Phác đồ 1: Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1 ml Oxytetracyline 20% + 9 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2 ml Oxytetracyline 20% + 8 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Nên dùng xilanh có dung tích 1 ml để tiêm tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Sau khi điều trị, tiến hành kiểm tra lại toàn bộ tôm được điều trị. Kiểm tra dấu hiệu lâm sàng xem tôm còn dấu hiệu bệnh hay không. Nếu có điều kiện, người nuôi nên tiến hành thu, gửi mẫu xét nghiệm bệnh sữa tại các phòng thử nghiệm. Trường hợp sau khi thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh không khỏi, hoặc có những biến đổi bất thường, cơ sở nên báo cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương để hướng dẫn giải quyết.


Phác đồ 2: Treo túi khử trùng Chlorine dioxide (thành phần chính là Natri Chlorite), 2 túi/lồng, mỗi túi 10 viên (10 g thuốc), 1 lần/ngày. Dùng doxycyline 10% trộn thứ ăn với 7 g/kg thức ăn (chọn thức ăn có kích cỡ phù hợp với kích cỡ miệng tôm, sau khi trộn thuốc phải có thời gian để thuốc ngấm),  áp dụng 1 lần/ngày và trong 7 ngày liên tục. Lượng thức ăn trộn thuốc nên sử dụng lượng ít hơn bình thường để tôm sử dụng hết thức ăn, sau đó điều chỉnh tăng dần cho phù hợp. Bổ sung premix (vitamin, axit amin, khoáng chất) trộn thức ăn trong toàn bộ quá trình điều trị. Thời gian điều trị 10 ngày, sau đó dừng thuốc hoàn toàn; nếu không khỏi thì chuyển sang tiêm.

Tiến hành trộn thức ăn với thuốc bổ trợ đã tính toán, để khoảng 30 phút; sau đó cho chất bọc thuốc và trộn lại lần nữa trước khi cho ăn. Cho thức ăn vào túi hoặc vợt thả xuống đáy lồng rồi rải thức ăn ra đáy lồng cho tôm ăn lúc chiều tối. Trong quá trình điều trị cần bổ sung một số men, vitamin vào thức ăn. Liều lượng thuốc bổ trợ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y hoặc nhà sản xuất.

Châu An (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Hướng dẫn cách chăm sóc, xử lý cúc ra hoa đúng dịp tết

Hoa cúc là loại cây khó trồng do dễ bị nhiễm sâu bệnh, vì thế để cây cho chất lượng hoa tốt, hoa to, nở đúng dịp, người nông dân phải nắm vững kỹ thuật trồng, cách chọn giống, cách chăm sóc. Sau đây là một số kỹ thuật trồng và chăm sóc cúc chậu.

Chăm sóc hoa cúc - Ảnh: P.Nam

Giống cúc: Giống cúc đại đóa. Thời vụ trồng từ ngày 1 đến 15/8 âm lịch.

Tiêu chuẩn cây giống đem ra trồng: Cây cao 5-7cm, có 2-3 cặp lá, chiều dài rễ 1-3cm, sạch bệnh. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.

Chuẩn bị giá thể: Tro trấu, cát, xơ dừa tỉ lệ 1:3:1

Xơ dừa ủ trước khi trồng vài tháng, khi ủ trộn với vôi tỉ lệ 1:5, hàng ngày tưới nước, khoảng 10-15 ngày đảo đều, ủ cho đến khi hoai mục.

Trước khi trồng 1-2 ngày ngâm Vibasu 10H tưới vào giá thể để trừ kiến, dế.

Khi trồng ra chậu cần chú ý: Bà con nên trồng hoa cúc chậu trong nhà có mái che; tùy vào điều kiện kinh tế của từng hộ dân có thể dùng nhà lưới hiện đại hay nhà lưới đơn giản hoặc nhà che tạm. Khi trồng xong thì ta nên tưới nước bằng vòi hoa sen loại “doa 9” hoặc “doa 10”. Sau khi trồng ra chậu thì nên tưới sương ngày 3 lần vừa đủ ẩm, mục đích cho cây bén rễ, không bị héo. Sau khi trồng cúc ra chậu nên chong đèn ngay, thời gian chong đèn từ lúc 19 - 22 giờ, dùng bóng chữ U (18-20W), chiều cao từ chậu đến vị trí đặt bóng là 1,5m, khoảng cách 2,5m ta đặt một bóng đèn. Bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 1kg/100 chậu, cứ cách 5-7 ngày tưới một lần.

Khi cây bén rễ ta phun phân bón lá 33:33:11+TE, Atonik, định kỳ 7 ngày/ lần. Sau trồng khoảng 15-20 ngày, tiến hành bấm ngọn để 2 nhánh/cây để sau này cho số lượng bông nhiều hơn, nếu để 1 nhánh/cây số lượng bông ít, về hình thức chậu bông không được đẹp, giá bán không cao, người tiêu dùng ít lựa chọn. Trước khi bấm ngọn, ta nên bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 2kg/100 chậu. Nên tiến hành bấm ngọn vào buổi sáng.

Khi cây đạt chiều cao 20 - 25cm, ta tiến hành cắm tăm và giãn khoảng cách các chậu 1,2-1,5m. Chúng ta vẫn chăm sóc, tưới nước đều đặn nhưng chú ý tăng cường phân bón rễ như: Super Humic, Bi­mix loại ống (36ml/ống) pha 3 bình 8 lít vì giai đoạn này chúng ta cắm tăm làm tổn thương bộ rễ.

Giai đoạn này bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 3kg/100 chậu, cứ 5-7 ngày ta tưới một lần. Phun thuốc phòng trừ bệnh đốm lá, gỉ sắt như: Anvil, Ridomil…Phun thuốc phòng trừ bọ trĩ gây hại: Confido…

Đầu tháng 11 âm lịch tiến hành ngắt điện cho cây cúc, nên ngắt điện từ từ không nên ngắt điện một lần vì nó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây hoa cúc.

Chú ý: Hạn chế tưới đạm, tăng hàm lượng Kali, bón phân NPK (5-5-20) 2kg/100chậu, nếu cây hoa cúc xấu thì ta tăng lượng phân lên. Cứ 7-10 ngày tưới 1 lần.

Tiến hành ngắt tỉa nụ: Để lại 1 nụ chính/cây. Tỉa nụ dựa theo thời tiết: Trời âm u, thiếu ánh sáng tập trung lặt nụ sớm; thời tiết ấm áp ta để 3 nụ/cây.

Từ 10 - 15/12 âm lịch nếu nụ cỡ 1cm thì ta nên lặt hết các nụ phụ để lại 1 nụ chính, mục đích tập trung chất dinh dưỡng nuôi nụ chính để trổ bông trúng dịp tết.

Khoảng ngày 20/12 âm lịch nếu nụ còn nhỏ ta phun phân bón lá KNO3 (50-100g/bình 16lít) để kích thích trổ bông, 3-5 ngày phun một lần, nên phun vào lúc chiều mát. Nếu bông nở sớm ta mua bọc nhựa bọc lại để hạn chế sự nở của bông hoặc không thì ta làm giàn bằng lưới đen để che ánh sáng hạn chế bông nở sớm.

Bà con nên lưu ý: Nước tưới ngày 2 lần: Buổi sáng từ 6 - 7 giờ, nếu hôm nào có sương muối thì tưới sớm hơn. Buổi chiều tưới khoảng 15 giờ để cho bộ lá vào ban đêm ráo nước, hạn chế nấm bệnh xâm nhập gây hại.

KS. Lê Kim Thoa (Trạm KN-KN TP Tuy Hòa - Phú Yên)

>

Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh viêm tử cung ở lợn nái

Lợn nhà tôi đã đẻ được 4-5 ngày thì ở tử cung bị chảy ra máu, mệt mỏi, bỏ ăn. Hỏi các chuyên gia cho tôi biết nguyên nhân ra sao và cách khắc phục? - Nguyễn Thị Tuyết


Căn cứ vào triệu chứng nêu và giai đoạn của lợn thì lợn nhà chị khả năng bị mắc bệnh viêm tử cung. Bệnh này là một bệnh sinh sản thường gặp trong chăn nuôi lợn nái, thường xảy ra ở giai đoạn sau khi sinh, đặc biệt xảy ra nhiều trên là trên giống lợn nái ngoại sau đó đến lợn nái lai, thấp nhất ở các giống lợn nội. Lợn bị bệnh còn có những biểu hiện như mệt mỏi, sốt, bỏ ăn, mất sữa, có thể kế phát sang viêm vú.

Nguyên nhân mắc bệnh

Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

- Can thiệp không đúng kỹ thuật khi lợn đẻ khó; lợn bị nhiễm trùng từ chuồng trại do chuồng trại kém vệ sinh.

- Tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu trong khẩu phần thức ăn bị thiếu vitamin A,D,E gây khô niêm mạc, dễ xây xước, nhiễm khuẩn.

- Cơ quan sinh dục ngoài bẩn.

- Lợn đực bị viêm niệu quản và dương vật khi nhảy trực tiếp.

- Bệnh xảy ra do dụng cụ thụ tinh nhân tạo cứng gây xây xát, hoặc không sạch đã đưa các vi khuẩn gây nhiễm vào bộ phận sinh dục.

Phòng bệnh:

Để phòng bệnh cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lợn nái khi mang thai và sau sinh, tiến hành can thiệp hỗ trợ lợn đẻ đúng kỹ thuật, tiến hành thụt rửa tử cung cho lợn bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch thụt rửa tử cung.

Sau khi sinh 2h, có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau để tiêm cho lợn để phòng viêm tử cung do nhiễm khuẩn như: MARPHAMOX-GEN LA; MARPHAMOX-LA; CEPTYL-NEW; AMPICOLIS T. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cho lợn uống điện giải và Glucose giúp tăng cường giải độc, giảm xuất huyết, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch.

Thường xuyên bổ sung ADE-MIX vào khẩu phần thức ăn, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh, giúp tăng tái tạo tế bào niêm mạc, giảm lão hóa, giảm xây xước và viêm nhiễm, phòng chống hiện tượng bại liệt sau khi sinh, lợn con còi xương.

Điều trị:

Theo triệu chứng chị nêu thì lợn nhà chị bị viêm tử cung sâu và dịch chảy ra có máu nên không được thụt rửa, tránh trường hợp viêm ngược và tắc ống dẫn trứng.

Trong trường hợp này có thể dùng:

- PG-F2α hoặc oxytoxin tiêm, giúp đẩy dịch viêm ra ngoài

- Tiêm các loại thuốc kháng viêm hạ sốt.

- Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau để chống nhiễm khuẩn: CEFANEW-LA; MARPHAMOX-LA; AMPICOLIS T. Liều lượng và đường đưa thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo TTKNQG
>

Khắc phục hiện tượng lươn bị sưng phù đầu, chết rải rác

Lươn nuôi trong bể không bùn được 4 tháng, bể rộng 3 m thả gần 100 kg, nhưng mắt lươn bị mù, trắng đục, đầu sưng phù, chết rải rác. Từ lúc thả đến giờ lươn không ăn gì và không lớn? Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? - Lê Hồng Bích Phượng, Tân Mỹ - Đức Hòa - Long An  

Ảnh minh họa

Bể rộng 3 m mà chị thả 100 kg lươn giống như vậy là mật độ quá cao. Khi cho thức ăn, lươn không ăn sẽ càng gây ô nhiễm nguồn nước nên các loại bệnh và vi khuẩn trong bể nuôi phát triển làm cho mắt lươn bị mù, trắng đục, đầu sưng và chết rải rác.

Cách khắc phục: Chị nên tách riêng những con khỏe mạnh sang bể nuôi khác, loại bỏ những con yếu và bị bệnh. Vệ sinh nguồn nước sạch sẽ, sau khi cho ăn phải loại bỏ thức ăn dư thừa và thay từ 40 - 50% lượng nước trong bể; bổ sung thêm các loại Vitamin C, B1 vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lươn.

Theo TTKNQG
>

Phòng, trị bệnh thối nứt thân trên cà phê

Tôi có trồng 2 ha cà phê được 13 năm tuổi, bị thối vỏ ở thân, héo cây rồi chết, có 40 cây bị bệnh, đã dùng sunfat đồng nhưng chưa khỏi. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? - Hoàng Văn Dân -Krông Pa - Gia Lai

Ảnh minh họa

Như triệu chứng mà bác mô tả: Cây cà phê bị thối ở thân cây, rồi cây bị héo và chết… Đây là triệu chứng cơ bản của bệnh thối nứt thân trên cà phê. Bệnh này thường xuất hiện cả trên vườn cà phê kiến thiết cơ bản lẫn kinh doanh, trên đoạn thân đã hóa gỗ. Bệnh làm nứt và thối đen lớp vỏ ngoài của thân cây, nếu bị nặng thì lớp gỗ phía trong bị khô dẫn đến hiện tượng tắc mạch. Cây không hút được nước nên lá héo và khô từ đầu ngọn xuống.

Để phòng trừ có hiệu quả, có thể áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

 - Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm khi thân cây vừa bị nứt hoặc có vết đen nhỏ để kịp thời phòng trị.

- Nếu cây đã bị khô ngọn nhưng thân dưới vẫn còn khỏe, cần phải cưa ngang thân và đốt bỏ phần cây bị bệnh. Sau đó, dùng một số loại thuốc để quét lên trên mặt thân bị cưa và nuôi chồi mới. 

Theo TTKNQG
>

Nuôi bò 'khổng lồ': Kỹ thuật nuôi

Có thể chia ra như sau; kỹ thuật nuôi dưỡng bê hướng thịt, kỹ thuật nuôi dưỡng bò sinh sản, kỹ thuật nuôi bò cái đang nuôi con và kỹ thuật làm chuồng nuôi


Nuôi dưỡng bê hướng thịt 

Nuôi bê bú sữa: Cho bê bú sữa đầu của bò mẹ càng sớm càng tốt. Trong thời gian bê bú sữa cần nuôi dưỡng bò mẹ thật tốt. Thường bò lai Sind từ tháng 4 sau đẻ lượng sữa bắt đầu giảm. Vì thế phải bổ sung 5 - 10 kg cỏ tươi; 0,2 kg cám hỗn hợp mỗi ngày. 

Nuôi bê sau cai sữa đến trước lúc vỗ béo: Đây là giai đoạn chuẩn bị trước lúc đưa bê vào vỗ béo. Đối với các cơ sở tự túc được thức ăn thì trong mùa đông phải tận dụng được tối đa thức ăn ủ xanh và cỏ khô. Trong mùa hè cho ăn thức ăn xanh (tại chuồng hay chăn thả). Bên cạnh các thức ăn tự túc có thể sử dụng các phụ phẩm nông, công nghiệp cho bê ăn. 

Chăn nuôi bê thịt từ 12 - 15 tháng tuổi: Bê được nuôi chăn thả hoặc vận động tự do. Nuôi riêng bê đực và bê cái. Bê đực có thể nuôi nhốt hoặc chăn thả khu riêng. Nước uống tự do. 

Dùng thức ăn thô xanh là chủ yếu. Chăn thả kết hợp bổ sung thức ăn tại chuồng. 

Trong 1 kg thức ăn tinh hỗn hợp có 14 - 15% đạm thô, 2.500 - 2.600 Kcal năng lượng trao đổi; 1,5% khoáng; 40 - 50 gr muối ăn. 

Khẩu phần trong 1 ngày là: Cám hỗn hợp 1,5 - 2 kg; cỏ tươi 35 -38 kg. Dùng cỏ xanh, nếu thiếu thay thế cỏ bằng rơm khô, ủ chua, bã sắn, bã bia. 

Vỗ béo trước lúc giết thịt: Vỗ béo là nuôi dưỡng đặc biệt với mức ăn dồi dào, khẩu phần có giá trị hoàn thiện nhằm mục đích thu được ở con vật một lượng thịt tối đa với những chất lượng mong muốn. Thời gian vỗ béo tuỳ thuộc vào độ béo của bò trước khi vỗ béo và yêu cầu của thị trường về chất lượng thịt... Thông thường thời gian vỗ béo là 60 hoặc 90 ngày

Sử dụng thức ăn thô xanh bổ sung thức ăn tinh để vỗ béo. Tỷ lệ thức ăn tinh và thô trong khẩu phần cho hiệu quả cao nhất là 4:1

Nuôi dưỡng bò sinh sản 

Trước khi đẻ 30 ngày và sau khi đẻ 10 ngày bò được nuôi riêng. Chuồng nuôi bò đẻ phẳng, không trơn hoặc có lót chuồng bằng chất độn (rơm, cỏ khô...), mỗi tuần tẩy uế 1 lần bằng vôi bột. 

Bò đợi đẻ và đẻ nuôi ở nơi thoáng mát, yên tĩnh. Hàng ngày vận động 2 - 3 giờ vào lúc nắng ấm, có người theo dõi. Nếu chăn thả phải có khu riêng, phẳng và gần chuồng nuôi, có khẩu phần ăn riêng. 

Trước khi đẻ luôn chú ý tới bầu vú đề phòng viêm nhiễm. 

Đỡ đẻ: Khi phát hiện bò trở dạ sắp đẻ cần chuẩn bị dụng cụ: Kéo đã sát trùng, cồn sát trùng, khăn vải khô, dung dịch thuốc tím, xà phòng, rơm hoặc cỏ khô, muối, cám hỗn hợp. 

Trước khi bò đẻ dùng nước, thuốc tím rửa sạch phần thân sau bò (mông, âm hộ, bầu vú, đuôi). Sát trùng tay người đỡ đẻ bằng cồn 75 độ. Chủ yếu để bò đẻ tự nhiên. 

Bê đẻ ra: Dùng tay móc các dịch bẩn trong miệng, mũi bê. Dùng 2 ngón tay vuốt dây rốn từ trong ra ngoài, dùng kéo đã sát trùng cắt dây rốn cách thành bụng 8 - 10cm. Sát trùng vết cắt bằng cồn 75 độ hoặc Lugon, bóc móng cho bê. Dùng rơm hoặc vải khô lau toàn thân bê, cân khối lượng, đưa vào cũi có lót rơm hoặc cỏ khô. Để bê vào vị trí cho bò mẹ liếm. 

Bò đẻ xong thì dùng nước và thuốc tím rửa vào phần thân sau bò, cho bò mẹ uống nước cháo ấm (mùa đông) hoặc nước hòa 1 kg cám với 60 - 80 gr muối. 

Vệ sinh nơi bò đẻ, đưa bò mẹ vào nơi nuôi khô, phẳng. Theo dõi nhau, không để cho bò mẹ ăn nhau. Nếu sau khi đẻ 12 giờ nhau không ra, bò bị sát nhau cần báo để bác sĩ thú y can thiệp. 

Bò sau khi vỡ ối 1 giờ mà chưa đẻ được, báo cán bộ thú y can thiệp. 

Thức ăn cho bò đẻ: Trước khi bò đẻ 15 ngày không cho ăn bã bia, ủ chua và thức ăn kích thích xuống sữa sớm. 

Hỗn hợp thức ăn tinh cho bò đẻ có dinh dưỡng: Đạm thô 14 - 16% và năng lượng trao đổi 2.600 - 2.700 Kcal

Khẩu phần ăn trong 1 ngày là cám hỗn hợp 2 kg, muối ăn 60 gr, cây xanh 30 - 35 kg

Sau khi đẻ cho ăn 1 kg cám hỗn hợp/ngày. Theo dõi bầu vú bò, nếu bò bị cương vú thì giảm thức ăn tinh, nếu bò bình thường thì cho ăn theo tiêu chuẩn. 

Sau khi đẻ 1 giờ cho bê bú sữa đầu. 

Có thể dùng bã bia, bã sắn, cỏ khô thay thế cây xanh. 

Đối với các loại thức ăn lỏng như rỉ đường trộn với các loại thức ăn khác, không trộn rỉ đường với cây xanh non. Cho bò uống nước tự do. 

Nuôi bò cái đang nuôi con: 

Giai đoạn đầu sau khi đẻ (từ ngày bò đẻ đến tuần thứ 8) cần cung cấp thức ăn tinh tốt cho bò ở giai đoạn này để bò có sữa nhiều nhất. Nuôi dưỡng kém trong giai đoạn này sẽ làm giảm lượng sữa nuôi bê và bò biểu hiện động dục lại không rõ ràng, khó phát hiện. Hỗn hợp thức ăn tinh cho bò có dinh dưỡng: Đạm thô 14 - 16% và năng lượng trao đổi 2.600 - 2.700 Kcal

Khẩu phần ăn trong 1 ngày là cám hỗn hợp 2 - 3 kg, muối ăn 60 gr; cây xanh 30 - 35 kg

Giai đoạn giữa (từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 16 sau khi đẻ), giảm thức ăn tinh, tăng thức ăn thô và giảm lượng đạm. Hàm lượng đạm khoảng 13 - 15% trong khẩu phần. 

Khẩu phần ăn trong 1 ngày là cám hỗn hợp 2 kg, muối ăn 60 gr, cây xanh 30 - 35 kg

Giai đoạn cuối (từ tuần 17 sau khi đẻ), bò được phục hồi cơ thể và dự trữ dinh dưỡng cho lần đẻ sau. Thức ăn thô chiếm phần chính, giảm lượng thức ăn tinh, giảm hàm lượng đạm trong khẩu phần. Hàm lượng đạm khoảng 13% là phù hợp. Khẩu phần ăn trong 1 ngày là cám hỗn hợp 1 - 1,5 kg, muối ăn 60 gr, cây xanh 30 - 35 kg

Chú ý: 

- Bò đẻ lứa 1, 2 còn tiếp tục tăng trọng lượng, vì vậy phải cho ăn tăng 0,5 kg cám/ngày. 

- Trong vòng 6 - 7 ngày sau khi đẻ cần thụt rửa đường sinh dục bằng dung dịch Lugol hoặc các dung dịch sát trùng nhẹ khác.

- Sau khi bò đẻ một tuần không nên cho ăn ngay các loại thức ăn củ quả và các loại thức ăn nhiều nước khác. Tốt nhất là cho ăn cỏ phơi tái, cỏ khô loại tốt. 

Chuồng nuôi bò thịt 

- Hướng: Nên chọn hướng nam hoặc đông nam, chuồng phải đảm bảo thông thoáng, mát mẻ, tránh được gió lùa và nắng chiếu xiên vào buổi chiều. Cần bố trí hệ thống cây xanh, cây bóng mát xung quanh chuồng nuôi . 

- Vị trí xây dựng chuồng trại: Chuồng bò phải cách xa nhà ở tối thiểu 25 - 30m, đảm bảo cao ráo, thoáng mát, thoát nước tốt, thuận lợi cho công việc vệ sinh chuồng trại. 


- Xây dựng hệ thống máng ăn, máng nước đảm bảo láng nhẵn bề mặt để dễ vệ sinh, phải có van nước và xây dựng hệ thống cung cấp nước đầy đủ. Chiều cao mặt trước máng 60 cm, chiều cao mặt sau máng 40 cm, chiều rộng của máng là 35 - 40 cm

Máng phải được đặt ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào nước uống và thức ăn trong máng và thuận lợi khi làm vệ sinh. Máng phải được cọ rửa sạch sẽ hàng ngày. 

- Có kho để thức ăn thô và thức ăn tinh riêng đảm bảo chất lượng và vệ sinh. Kho chứa thức ăn phải thoáng mát, tránh ánh nắng. Các vật chứa thức ăn cần phải có nắp kín. 

- Diện tích chuồng nuôi cho mỗi bò từ 3 - 4 m2 (bò cái), 5 - 6 m2 (bò đực). Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt, có độ dốc 2 - 3%. Kích thước chỗ đứng: 1,6 x 1,m (bò cái), 2 x 1,8 m (bò đực). 

- Làm hệ thống chống nóng trong chuồng như quạt hoặc hệ thống phun thổi nước vào mùa hè. 

- Chuồng cho bê: 

Thiết kế đáy chuồng cao hơn mặt nền chuồng có kẽ hở để phân và nước tiểu dễ dàng thoát xuống nền chuồng. Trên các thanh ngang của mặt đáy chuồng lót rơm khô (khoảng cách giữa các thanh ngang của đáy chuồng bê tối thiểu là 2 cm). 

Chuồng bê có các giá đỡ xô (cho bê ăn thức ăn tinh và đựng nước uống), máng cỏ hoặc các thức ăn hỗn hợp. Chuồng phải đảm bảo sự thông thoáng.

Vân Đình (nongnghiep.vn)
>

Kỹ thuật ương tôm hùm lồng

Khi tôm còn nhỏ, kém thích nghi môi trường, cần có chế độ ương dưỡng tốt, để hạn chế tối đa số lượng hao hụt.

Chọn địa điểm ương

Chọn nơi chất lượng nước tốt, ít bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp hoặc đô thị. Độ mặn ổn định trong khoảng 30 - 35‰, nhiệt độ 24 - 320C, tốt nhất là 26 - 300C. Đảm bảo có dòng chảy nhẹ khi triều lên, lưu tốc 2 - 3 cm/giây để tăng sự trao đổi nước. Chất đáy là cát, cát bùn hoặc cát, cát bùn pha lẫn san hô nhỏ hoặc vỏ động vật thân mềm.

Thiết kế lồng ương

Lồng hở (lồng cố định): Được đặt tại nơi kín gió. Lồng được cố định bằng các cọc đóng xuống đất thích hợp nơi môi trường ổn định quanh năm. Chiều cao cọc phụ thuộc độ sâu mực nước nơi đặt lồng. Kích thước lồng nuôi có thể 3 × 3 × 2 m hoặc 3 × 2 × 2 m. Khoảng cách lồng với mặt đáy tối thiểu 0,5 m.

Lồng kín (lồng di động): Kiểu lồng này thích hợp với nơi có nhiều sóng gió theo mùa. Lồng này có thể di chuyển khi môi trường ương bị biến động. Kích thước lồng này nhỏ hơn lồng hở để dễ dàng hơn trong quá trình di chuyển. Kích thước thường dùng là 0,7 × 0,8 × 1,2 m hoặc 1 × 1 × 1,2 m. Kích thước lồng có thể to hơn hoặc nhỏ hơn tùy thuộc vào quy mô. Khoảng cách tối thiểu giữa lồng với đáy là 0,5 m. Hiện nay khi ương đa số các hộ nuôi áp dụng kiểu lồng kín (ảnh).

Ảnh: Ngọc Chung 

Vận chuyển, thả giống

Chọn giống: Chọn giống khỏe mạnh, không xây xát. Chọn tôm giống tự nhiên bằng cách lặn bắt hoặc đặt bẫy. Không nên chọn tôm được bắt bằng phương pháp đặt thuốc nổ hay hóa chất gây mê.

Tôm giống nên mua ở địa phương, tránh hiện tượng chênh lệnh điều kiện sống; thời gian vận chuyển ngắn, không phải lưu giữ dài ngày.

Màu sắc tôm tự nhiên, tươi sáng, cân đối, đầy đủ các phần phụ.

Vận chuyển: Dùng thùng xốp kích cỡ 45 × 60 × 35, can nhựa 10 - 20 lít được khoét rộng miệng. Rải một lớp rong biển hoặc cát sạch từ 1 - 2 cm dưới đáy thùng, can. Sau đó cho nước biển vào trong thùng hoặc can, lượng nước cấp khoảng 10 - 12 cm. Cứ 10 lít nước cho 0,5 - 1 viên O2 tablet và 2 giọt Doxalase, khuấy đều và sục khí. Sau 30 phút bắt đầu thả tôm giống vào thùng (can) vận chuyển với mật độ 300 - 400 con/thùng xốp, nếu vận chuyển bằng can thì giảm lại, giảm sục khí không để mạnh tránh làm xáo động rong hoặc cát trong thùng và làm cho tôm không bị sốc. Sau 30 - 45 phút khi thuốc tan hết lại bổ xung thêm 0,5 viên O2 tablet và 1 giọt Doxalase.

Thả giống: Để tôm không  bị sốc, hao hụt, cần làm:

Cho từ từ nước ngoài môi trường lồng nuôi vào trong thùng, can vận chuyển mỗi lần thêm 1 - 2 lít nước, khoảng cách giữa hai lần từ 5 - 10 phút đến khi lượng nước bổ sung vào tương đương với lượng nước trong thùng. Sau đó, nhỏ 4 giọt Doxalase vào thùng, sục khí nhẹ. Dưỡng tôm khoảng 45 phút đến 1 giờ rồi tiến hành thả giống. Khi thả giống cho cả thùng xuống dưới ao khoảng 15 phút rồi nghiêng dần để tôm từ từ bơi ra.

Mật độ thả: 50 - 60 con/m2. Sau 60 ngày san thưa còn 15 - 20 con/m2. Sau 90 ngày san thưa còn 10 - 15 con/m2.

Thời gian thả: Có thể thả từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, tốt nhất khoảng tháng 1 - 3.

Chăm sóc, quản lý

Tôm hùm ăn tạp; thức ăn chủ yếu là cá tạp, cua ghẹ, cầu gai, nhuyễn thể rong rêu và một số động vật đáy. Tôm càng nhỏ thì nhu cầu dinh dưỡng càng cao; vì vậy khi ương cần chú ý cung cấp đủ thức ăn với chất lượng tốt. Thức ăn phải tươi và chất lượng cao (như cua, ghẹ, tép, ruốc, cá, tôm, vẹm vỏ xanh…) băm nhỏ cho phù hợp khả năng bắt mồi của tôm. Cho tôm ăn hai lần/ngày, vào sáng sớm và chiều tối. Khối lượng thức ăn bằng 15 - 20% trọng lượng tôm.

Thường xuyên kiểm tra lồng, tình trạng tôm, lượng thức ăn thừa hay thiếu. 7 - 10 ngày vệ sinh lồng một lần; dùng bàn chải chải sạch xung quanh lồng nuôi để môi trường nuôi thông thoáng, sạch.

Tôm thường lột xác vào cuối chu kỳ con nước. Trước khi lột xác 4 - 5 ngày, tôm ăn rất mạnh. Đang trong thời gian lột xác thì tôm ăn yếu đi. Vì vậy cần chú ý các giai đoạn này để điều chỉnh lượng thức ăn.

San thưa mật độ theo thời gian nuôi. Không vận chuyển, san thưa khi tôm đang lột xác. Mùa mưa không vớt tôm lên khỏi mặt nước, tránh để tôm tiếp xúc nước ngọt.

Thu hoạch

Tùy vào cỡ giống, sau 5 - 6 tháng nuôi, tôm có thể đạt kích thước 100 - 150 g/con, người nuôi tiến hành thu giống, vận chuyển đến nơi thả nuôi mới.

Để mở rộng việc ương tôm hùm giống, người nuôi cần xem xét đặc trưng thành phần loài, chủng loại thức ăn tự nhiên, nguồn thức ăn tươi có phù hợp điều kiện ương giống hay không.

Nhật Minh (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
>

Nuôi bò 'khổng lồ': Thức ăn cho bò

Có thể chia làm một số loại thức ăn như sau: thức ăn tinh, thức ăn thô, thức ăn phụ phẩm và thức ăn bổ sung. 


- Thức ăn tinh: Cám gạo có hàm lượng can xi thấp, photpho cao. Sử dụng ≤ 30% cám gạo tốt trong thức ăn tinh. Bột ngô là thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo khoáng, đặc biệt là canxi và photpho. Bột ngô nghiền dùng 20 - 30% trong hỗn hợp tinh. 

Bột sắn là thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo khoáng. Bột sắn dùng 15 - 25% trong hỗn hợp tinh. 

Các loại khô dầu rất tốt cho bò tuy nhiên những khô dầu ép thủ công còn chứa nhiều dầu nên dễ bị mốc. Khô dầu dùng 10 - 20% trong hỗn hợp tinh. 

Bột cá là nguồn đạm quý trong chăn nuôi. Tuy nhiên dùng nhiều bột cá sữa sẽ có mùi tanh. Dùng ≤ 5% trong hỗn hợp thức ăn tinh. 

- Thức ăn thô: 

+ Thức ăn xanh (cỏ trồng và cỏ tự nhiên). Cỏ trồng năng suất cao, chất lượng ổn định, chủ động khi cung cấp. Cỏ tự nhiên chủ yếu là cỏ hoà thảo, năng suất thấp, chất lượng cỏ phụ thuộc nhiều vào thời vụ. Sử dụng 40 - 50 kg cỏ/bò trưởng thành hoặc 10 - 12% khối lượng cơ thể trong ngày. 

+ Thức ăn củ quả: Là thức ăn giàu nước, bột đường, các vitamin A; C và nhóm B. Thức ăn có mùi thơm nhưng nghèo đạm và khó dự trữ. Là thức ăn dễ tiêu hoá, vì vậy cho bò ăn 3 - 5 kg/con/ngày, cho ăn làm nhiều lần. Một số củ quả hay dùng như: củ sắn tươi, củ khoai lang tươi, cà rốt, bí đỏ. 

- Thức ăn phụ phẩm: 

Bã bia: Giàu nước, nhiều đạm - khoáng và vitamin, thơm và kích thích tính thèm ăn của bò. Cho ăn 10 - 15 kg/con/ngày chia làm nhiều bữa. 

Bã đậu: Giàu nước, đạm 4,19%; mỡ 1,86%, tỉ lệ tiêu hoá cao. Cần đun chín trước khi cho ăn. Bã đậu có men phân giải urê cho nên không cho ăn sống với thức ăn có urê. Cho ăn 5 - 10 kg/con/ngày

Bã sắn: Rất nghèo đạm, nhiều xơ. Bã sắn để lâu cho ăn dễ gây rối loạn tiêu hoá. Cho bã sắn vào bể ủ kín có thể dự trữ được 2 - 3 tháng. Cho ăn 5 - 8 kg/con/ngày

Gỉ đường là thức ăn giàu năng lượng, ngon miệng. Cho ăn 1 - 2 kg/con/ngày. Có thể tưới gỉ đường vào rơm cỏ khô, bã sắn hoặc ủ cây. 

Ngoài ra còn có phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô già, thân lá lạc, ngọn mía, vỏ dứa... Đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, tỷ lệ tiêu hoá thấp và thu hoạch theo thời vụ. Vì vậy cần được chế biến hoặc dự trữ. 

Rơm: Tỷ lệ chất xơ rất cao, tỷ lệ tiêu hoá thấp. Dùng lúc thiếu cỏ. Khối lượng 6 - 7 kg

Để nâng cao tỷ lệ tiêu hoá cần chế biến rơm. Ủ rơm với urê hoặc ủ với urê và vôi bột. Có thể ủ trong túi nilon hoặc bể. 

Phương pháp ủ: Rơm khô + urê 3 - 5% (hoặc urê 2 - 3%, vôi bột 2%) hoà vào nước, tỷ lệ 1 rơm/1 nước. Rơm trải đều, tưới dung dịch nước có urê (hoặc urê và vôi), đưa rơm đã tưới vào túi hoặc bể từng lớp 20 - 30 cm và nén chặt. 

Đến khi rơm đầy túi thì buộc chặt (nếu ủ trong bể thì dùng nilon phủ và lấp đất chặt. Sau khi ủ 15 - 20 ngày (thời tiết nóng là 15 ngày, nếu lạnh sau 20 ngày) lấy rơm cho bò ăn. 

Sau mỗi lần lấy buộc chặt hoặc lấp kín lại. Bước đầu cho bò tập ăn ít, sau tăng dần đến cho ăn tự do. Có thể tưới thêm gỉ đường, muối (50 - 60 gam/con/ngày) vào rơm khi dùng. 

Rơm tươi + urê 1,5% rắc trực tiếp (nếu rơm phơi tái thêm nước tuỳ mức độ khô của rơm). 

Thân cây ngô là thức ăn xanh rất tốt cho bò. Có thể dùng làm thức ăn xanh khi cây còn non. Khi cây ngô già giá trị dinh dưỡng thấp, khó tiêu hoá nên cần phải xử lý. 

Ủ dự trữ cây ngô: Cây ngô chín sáp (hạt ngậm sữa) được cắt ngắn 2 - 5 cm; gỉ đường hoặc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) 1,5 - 2%; muối ăn 0,5 -1%

Cách làm: Trải 1 lớp cây dày 20 - 30 cm, tưới gỉ đường hoặc rắc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) và muối nén chặt trong túi nilon dày hoặc bể. Làm từng lớp tới khi đầy bể hoặc túi. 

Nếu ủ bể: Cây đầy trên mặt bể 20 - 30 cm hình mui rùa; phủ một lớp nilon; dùng đất phủ lên trên và nén chặt. 

Nếu ủ túi: Dùng máy hút bụi hút hết không khí trong túi và buộc chặt. Sau khi ủ 15 - 20 ngày bắt đầu lấy cho bò ăn. Khối lượng ăn 15 - 20 kg/con/ngày. Đậy kín sau mỗi lần lấy. 

Chế biến cây ngô già: Cây ngô già cắt ngắn 2 - 5 cm có thể ủ với gỉ đường hoặc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) 1,5 - 2%; muối ăn 0,5 - 1%; urê 0,5% với cách làm trên. Cũng có thể ủ với 3 - 5% urê, phương pháp như ủ rơm. 

Thân lá lạc: Là thức ăn giàu đạm, dầu nên khó bảo quản. Có thể dùng tươi. Dự trữ bằng cách sấy khô hoặc ủ lẫn với cây ngô. 

- Thức ăn bổ sung: 

Urê: Cung cấp đạm cho riêng bò, 1 gram urê tương đương 6,25 gram đạm thô. Có thể trộn urê vào rơm hoặc cỏ khô. Cũng có thể trộn urê với cám hỗn hợp; gỉ đường cho bò ăn. Khối lượng urê dùng 20 - 30 gram/100 kg khối lượng bò, tối đa không quá 150 gram. Dùng urê tỷ lệ 1% trong thức ăn tinh; 0,5% trong ủ cây. 

Chú ý khi sử dụng urê: Chỉ sử dụng cho khẩu phần nghèo đạm đủ năng lượng. Không dùng cho bê dưới 6 tháng tuổi. Không hoà urê vào nước cho uống. Bò chưa dùng urê phải tập ăn từ ít đến nhiều. Cho bò ăn thức ăn có urê làm nhiều lần trong ngày. Bò ngộ độc urê có triệu chứng hoảng sợ, run cơ, chảy nước rãi. Cho bò ngộ độc uống nước dưa chua, dấm loãng và nước đường. 

Hỗn hợp khoáng - vitamin (premix), có thể dùng bột xương tốt, khoáng (dicanxi photphat; tricanxiphotphat), hỗn hợp vitamin ADEK trộn vào thức ăn theo chỉ dẫn. Có thể dùng khối đá liếm cho bò.

Vân Đình (nongnghiep.vn)
>

Nuôi bò 'khổng lồ': Giống và công tác giống bò

Bò “khổng lồ” là thành quả nổi bật nhất của ngành chăn nuôi Thủ đô, do Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội làm chủ dự án lai tạo giữa bò lai Sind với tinh bò BBB nhập khẩu. 


Giống quyết định 60% sự thành bại của chăn nuôi bò. Muốn có một con bò tốt, người chăn nuôi cần nắm rõ về giống bò, kỹ thuật lựa chọn một số giống bò. 

Các giống bò kiêm dụng chủ yếu 

- Bò vàng Việt Nam: Phân bố rộng ở nhiều vùng trong nước và có một số biến động về màu sắc và thể vóc theo địa phương. Bò thường có sắc lông màu vàng, vàng nhạt hoặc vàng cánh dán. 

Bò vàng có ngoại hình cân xứng, tầm vóc nhỏ. Khối lượng sơ sinh 14 - 15 kg, trưởng thành con cái 160 - 200 kg, con đực 250 - 280 kg

Phối giống lần đầu vào khoảng 20 - 24 tháng. Tỷ lệ đẻ hàng năm khoảng 50 - 80%. Khả năng cho sữa thấp, khoảng 2 kg/ngày trong thời gian 4 - 5 tháng (chỉ đủ cho con bú). 

Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ sữa rất cao (5 - 5,5%). Năng suất thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ 40 - 44%. Thịt hồng, ít mỡ, khẩu vị tốt, thơm. 

- Bò Sind (Red Sindhi): Nguồn gốc từ vùng Sindhi (Pakistan), là giống bò kiêm dụng thường được nuôi theo phương thức chăn thả tự do. 

Bò có màu lông đỏ cánh dán hay nâu thẫm. Bò đực có u vai rất to, khi trưởng thành có khối lượng 450 - 500 kg. Bò cái 350 - 380 kg

Sản lượng sữa trung bình khoảng 1.400 - 2.100 kg/chu kỳ 270 - 290 ngày. Tỷ lệ mỡ sữa 5 - 5,5%

- Bò Zebu Cuba: Là giống cho thịt kết hợp cày kéo. Bò được tạo ra từ bò Brahman, bò Indobrazyl và bò Gyr. 

Bò có bốn loại màu sắc lông: Màu khói trắng (77,3%), màu khói xám (12,3%), màu đỏ cánh dán (8,3%), màu xám đen (2,1%). Con đực có u vai rất cao, khối lượng bê sơ sinh 24 - 25 kg, trưởng thành đực 775 - 808 kg, cái 383 - 592 kg

- Bò BBB: Trong các giống chuyên thịt, bò BBB (Blanc- Bleu- Belge) có thể nói là đối tượng ưu tú nhất. Đây là giống bò của Bỉ. Màu lông chủ yếu là màu trắng, xanh lốm đốm, trắng lốm đốm. Bò có cơ bắp phát triển. 

Khi trưởng thành bò đực có khối lượng 1.100 - 1.200 kg, bò cái 710 - 720 kg. Nếu nuôi dưỡng tốt bê 1 năm tuổi bê đực nặng trung bình 480 kg, bê cái 370 - 380 kg

6 - 12 tháng có tăng trọng bình quân 1.300 gr/ngày. Bê đực nuôi dưỡng tốt giết thịt lúc 14 - 16 tháng tuổi cho tỷ lệ thịt xẻ 66%

Dựa trên những đặc điểm ưu tú của bò “khổng lồ” BBB, người ta lai BBB với con lai Sind để ra bê F1 (BBB x lai Sind). 

Khối lượng của bê sơ sinh 27 - 32 kg; tăng trọng 850 - 1.200 gram/ngày; 12 tháng đạt 300 - 350 kg; 18 tháng đạt 450 - 500 kg; Tỷ lệ thịt xẻ xấp xỉ 61%; Tỷ lệ thịt tinh 49 - 53%

Bò khoẻ, ít bệnh, chất lượng thịt tốt, thịt thơm ngon. 

Kỹ thuật chọn giống 

Tiêu chuẩn chọn bò cái nền tham gia: 

- Ngoại hình: Cho bò cái nền vận động, quan sát từ tổng thể tới từng bộ phận. Bò cái nền có ngoại hình tốt, nhanh nhẹn. 

- Khối lượng: Bò cái nền phải có khối lượng cơ thể: ≥ 280 kg

- Khả năng sinh sản: Chỉ chọn bò cái nền là bò đã đẻ từ lứa thứ 2 đến lứa 5, không có dị dạng cơ thể và cơ quan sinh dục ngoài.Chỉ phối giống cho bò sau khi đẻ ít nhất 45 ngày

Theo dõi và quản lý giống bò: Người chăn nuôi phải ghi chép đầy đủ các sự kiện có liên quan đến bò. Ghi chép khả năng sinh trưởng phát dục: Khối lượng sơ sinh; 6 -12 tháng - phối giống - đẻ lứa đầu. Tuổi động dục lần đầu, tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu. 

Nuôi dưỡng chăm sóc như: Loại thức ăn và số lượng thức ăn, phối giống (loại tinh, phối mấy lần, phối lúc nào, người phối giống). Vệ sinh phòng bệnh như tiêm phòng, bệnh tật... 

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo: 

Chu kỳ động dục của bò thường từ 18 - 24 ngày, căn cứ lịch phối giống để theo dõi. 

Những dấu hiệu điển hình của động dục ở bò là: Bò cái thường đi lại không yên, lông mông xù lên, dựng đuôi, tách rời những con khác khi được chăn chung trên cùng bãi chăn thả. Một vài giống bò đôi khi kêu rống để gọi bò đực đến. 

Có thể giảm sự tiết sữa, ăn kém, đái rắt. Bò cái động dục cố nhảy lên con khác, hít ngửi con khác và những bò cái khác hít ngửi lại nó. 

Những bò cái khác cố nhảy ôm và con bò động dục đứng yên chịu cho nhảy. Mép âm môn đỏ và sưng mọng, có thể nhìn thấy dịch nhờn chảy ra từ âm hộ, đôi khi bết ở đuôi hoặc vùng xung quanh mông. 

Qua trực tràng có thể cảm nhận được trương lực của tử cung (cổ tử cung cứng, lỗ cổ tử cung hơi mở, sừng tử cung cong). 

Thông thường người nuôi bò không thể nhìn thấy tất cả các dấu hiệu cùng một lúc. Một số dấu hiệu của động dục có thể không có hoặc quá yếu nên không thể quan sát được. 

Đối với dẫn tinh viên, điều quan trọng không những phải hỏi người nuôi bò về lần dẫn tinh trước (hoặc xem qua sổ sách ghi chép về thụ tinh nhân tạo) và những biểu hiện đặc biệt của động dục, mà phải kiểm tra chính xác con bò qua trực tràng cảm nhận được trương lực của tử cung (cổ tử cung cứng, lỗ cổ tử cung hơi mở, sừng tử cung cong). 

Để phát hiện động dục người ta thường áp dụng một số phương pháp sau: Quan sát. Dùng đực thí tình. Dùng chất chỉ thị mầu. Khám qua trực tràng. 

Người chăn nuôi báo ngay cho dẫn tinh viên các thông tin: Tên, địa chỉ của chủ bò. Thời điểm phát hiện được bò động dục. Những biểu hiện của bò ở thời điểm thông báo. 

Thời điểm phối giống: Phối giống sau khi bò động dục 14 - 16 giờ, khi bò có biểu hiện chịu đực. 

Có thể phối giống theo quy luật sáng chiều: Phát hiện động dục buổi sáng phối giống vào buổi chiều (sau 12 giờ) và ngược lại. Sau khi phối để bò yên tĩnh theo dõi, ghi vào sổ theo dõi.

Vân Đình (nongnghiep.vn)
>

Kỹ thuật trồng thâm canh hành củ

Thời kỳ sau trồng 70 ngày hành bắt đầu xuống củ, nếu gặp nhiệt độ cao thì hạn chế tưới nước để tránh cây sinh trưởng trở lại “hành bị rút ruột”.  

Nông dân Hải Dương chăm sóc hành

Xử lý đất và lên luống: Nếu pH < 6,0 thì bón 10 - 15 kg vôi bột/sào; bón 5 - 7 kg vôi bột/sào (pH 6,0 - 6,5). Nếu pH > 6,5 thì không bón vôi. 

Luống trồng: Mặt luống rộng 1 m. Rãnh rộng 30 cm. Luống cao 30 - 35 cm

Giống: Mỗi sào hành cần 15 - 20 kg giống. Chọn củ chắc, đáy tròn, màu tím đậm, không bị nhiễm bệnh, rễ non chưa mọc, không bị giập nát. Bóc thành từng mũi (ánh hành). 

Xử lý củ giống: Nên xử lý bằng dung dịch thuốc Nativo 750 WG nồng độ 1% (3 gr/3 lít nước) + thuốc trừ vi khuẩn Kasumin 2L (1%) phun ướt đều cho hành giống trước khi trồng. 

+ Hoặc xử lý củ giống bằng cách ngâm vào dung dịch Rovral 50 WP 2% + Kasumin 2 L (1%) trong thời gian 5 - 10 phút. 

+ Xử lý cây con sau khi trồng để phòng trừ sâu bệnh hại: Pha 1 gói Nativo 750 WG (3g) + 1 gói Confidor 700 WG (1g) + Kasumin 2L (1%) cho 1 bình 12 lít phun 1,5 bình cho 1 sào Bắc bộ (360 m2). 

Pha hỗn hợp thuốc để phun hoặc nhúng củ hành cho ướt đều, để ráo rồi cắt nhẹ từ đầu củ xuống và phần rễ khô ở gốc củ khoảng 0.5 cm

Lượng phân và cách bón: Phân hữu cơ hoai mục 7 - 8 tạ (hoặc 30 kg phân vi sinh); ure 8 - 9 kg; phân lân 25 - 30 kg; kali 7- 8 kg/sào. Chia làm 4 lần bón. 

Bón lót: 2 kg ure + 18 kg supe lân + 1 kg kali. 

Bón đều trên luống, trộn kỹ với đất san phẳng hoặc bón đều mặt ruộng trước khi làm nhỏ đất lần cuối (không để củ tiếp xúc trực tiếp với phân). 

- Thúc lần 1: 10  - 15 ngày sau trồng: 2 kg ure + 3.5 kg supe lân + 1 kg kali.

- Thúc lần 2: Sau lần 1 từ 15 - 20 ngày: 4 kg ure + 5 kg supe lân + 2 kg kali. 

- Thúc lần 3: ngày sau trồng 55 - 60 ngày: 1 kg ure + 3.5 kg supe lân + 3 kg kali. 

Chú ý: Hành tỏi rất cần các vi lượng: Cu, Bo, Mn. Nếu thấy ruộng phát triển kém, đầu lá khô hoặc cong queo thì dùng 1 gói phân vi lượng + 0,5 lạng kali trắng/bình 18 lít phun vào ngày hôm sau khi tưới thúc sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng phân và hạn chế cây bị các loại bệnh. 

Kỹ thuật trồng: Cắm múi hành thành 5 hàng dọc theo luống, hàng ngoài cách mép luống 5 - 7 cm. Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm, cây cách cây 20 cm đảm bảo mật độ 4.500 - 5.000 củ/sào. Ấn sâu múi hành xuống đất ngập 2/3 nhánh, sau đó dùng rơm, rạ phủ lên trên để giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ mọc (tốt nhất nên dùng rơm rạ cũ). 

Dùng thuốc trừ cỏ Heco, Butanic… Phun trước khi trồng, trước khi phun phải tưới ẩm mặt luống. Sau khi trồng và phủ rơm rạ xong, tưới đẫm nước trên mặt luống, tiếp tục tưới nước giữ ẩm đến khi cây mọc. Khi cây mọc 3 - 4 lá thật có thể tưới rãnh kết hợp với bón thúc. 

Lưu ý:

 - Nên kết thúc bón phân sau trồng 50 - 60 ngày kết hợp với tỉa hành. 

- Thường xuyên giữ ẩm 70 - 80% độ ẩm đất, gió bấc hanh khô cần tưới nhiều , không tưới đẫm khi gió đông để hạn chế bệnh hại. 

- Thời kỳ sau trồng 70 ngày hành bắt đầu xuống củ, nếu gặp nhiệt độ cao thì hạn chế tưới nước để tránh cây sinh trưởng trở lại “hành bị rút ruột”. Bổ sung thêm kali trắng (0,5 lạng/bình, 1 tuần 1 lần) để giúp cây xuống củ thuận lợi và chống bệnh sương mai tốt hơn.

KS Trần Thị Liên (nongnghiep.vn)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video