Người dân cần thận trọng việc thương lái Trung Quốc thao túng thị trường trái cây

Gần đây, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Đồng Nai… xuất hiện tình trạng thương lái vào tận vườn thu gom hoa quả. Thậm chí, một số doanh nghiệp trong nước còn chịu làm “bình phong” để các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng hoạt động, trục lợi, gây thất thu cho Nhà nước.


Thanh long được thương lái Trung Quốc về tận vườn núp bóng các đầu nậu trong nước để thu gom, trốn đăng ký đầu tư.

“Mượn” đầu nậu Việt để vét hàng, ép giá

Ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận - cho biết: Đi dọc quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam, người ta dễ dàng nhìn thấy bảng hiệu các công ty xuất khẩu thanh long đều có kèm theo chữ Trung Quốc bên cạnh chữ Việt. Xã Hàm Thạnh là nơi trồng nhiều thanh long nhất ở vùng trọng điểm Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thương lái Trung Quốc đến rất đông và trực tiếp thương lượng giá mua ngay tại vườn. Không ít cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với người Trung Quốc thu mua thanh long của nông dân trong vùng. Các doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho các thương lái Trung Quốc ăn ở, làm việc trong cơ sở của mình để thuận lợi hơn trong hoạt động vét trái cây đưa về nước.

“Hầu hết các hoạt động thu mua thanh long tại Bình Thuận hiện nay đều để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tình trạng này rất nguy hiểm. Về lâu dài, thương lái Trung Quốc dễ gây khó dễ, thậm chí ép giá, thị trường không ổn định thì thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về nông dân. Các doanh nghiệp trong nước tạo “bình phong” để các doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” sẽ gây thiệt hại về kinh tế, gây thất thu thuế và thậm chí mất ổn định trị an trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, vận động các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký kinh doanh, đầu tư làm ăn đàng hoàng, công khai, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký rất ít, chỉ 2-3 doanh nghiệp đăng ký ban đầu, nhưng sau đó không thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo. Tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm. Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tạo điều kiện để khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn, nhưng việc đầu tư, làm ăn phải công khai, minh bạch”.

Ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai - thẳng thắn thừa nhận: Trái cây trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quả sầu riêng đang được các thương lái lùng mua ráo riết và giá cả trồi sụt tùy theo sức “ăn hàng” của các thương lái Trung Quốc. Khi thương lái ngừng mua, giá sầu riêng đã rớt thê thảm, hàng loạt trái cây phải “neo” trên cây chờ phía Trung Quốc mua hàng trở lại. Nhiều đầu nậu trên địa bàn tỉnh trở thành khâu trung gian gom hàng cho các thương lái này mà hoàn toàn không ý thức được đang tiếp tay cho việc trốn tránh đăng ký kinh doanh của các đối tượng này, gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương.

Không thể để thương lái Trung Quốc thao túng thị trường

Tại Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xử phạt 410 triệu đồng đối với 17đối tượng với hành vi nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại địa phương nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tỉnh cũng đã xử phạt 50 triệu đồng đối với 2 đối tượng người Trung Quốc có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, tịch thu 12 tấn thanh long đã đóng gói. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long hơn 235 triệu đồng.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, địa phương cũng vận động bà con trồng thanh long và nhiều loại trái cây khác theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và các tiêu chuẩn an toàn khác để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn tiềm năng như Australia, Hoa Kỳ, EU, không quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. “Các doanh nghiệp trong tỉnh cần hợp tác kinh doanh theo đúng chính sách pháp luật của Việt Nam, không tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài núp bóng, trực tiếp tổ chức thu mua, đóng gói, vận chuyển trái thanh long đi tiêu thụ làm xáo trộn thị trường. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”. Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã đề nghị và hướng dẫn các thương nhân Trung Quốc có thể liên doanh đầu tư với doanh nghiệp trong tỉnh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để tiếp tục kinh doanh tại địa phương.

“Tại Đồng Nai, hiện đã có 5 dự án liên kết đã được duyệt. Trong năm 2016, Đồng Nai cố gắng phấn đấu triển khai khoảng 20 dự án, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu” - ông Phạm Minh Đạo khẳng định. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thanh long chính ngạch qua 11 nước chỉ được khoảng 4.100 tấn. Trong khi đó, xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu Trung Quốc lên tới trên 285.000 tấn. Vì vậy, giá thanh long hầu như phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nếu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, trái thanh long Bình Thuận cần có thêm nhiều thị trường khác tiêu thụ.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang - cũng tỏ ra lo ngại: “Nếu không được bảo hộ ở nước ngoài kịp thời, có thể những nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh không còn thuộc về những chủ nhân thực thụ. Dù đã được đăng ký bảo hộ trong nước nhưng khi bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài thì sản phẩm sẽ không xuất khẩu được”.

Khánh Vũ (Báo Lao Động)
>

Giá nông sản từ ruộng vườn đến tay người tiêu dùng chênh lệch khủng khiếp!

Giá bán nông sản nói chung, thanh long nói riêng mà báo NNVN phản ánh, từ vườn đến tay người bán lẻ tăng nhiều lần có thể kết luận là do quá nhiều khâu trung gian.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: Nhiều nấc thang trung gian khiến nông sản bị đội giá
Gia nong san tu ruong vuon den tay nguoi tieu dung chenh lech khung khiep! - Anh 1
Tôi nêu ra một ví dụ thế này, chỉ riêng chi phí vận chuyển (gồm bốc vác, thuê xe) của chủ vựa từ các địa phương có thanh long lên TP.HCM đã mất khoảng 2.000 đồng/kg. Phần lời của chủ vựa là 500 đồng/kg nữa, tức là tổng cộng giá đã đội thêm 2.500 đồng/kg.
Nhưng không phải người dân đã bán cho các chủ vựa ngay vì sản lượng ít, đường vận chuyển xa nên họ phải bán cho một nấc nữa là các thương lái tại địa phương. Qua thương lái, giá trái cây bị cộng thêm ít nhất vài nghìn đồng/kg.
Khi thanh long lên đến các chợ đầu mối tại TP.HCM, chủ vựa bán lại cho một người trung gian để người này đổ mối cho những người bán buôn tại chợ đầu mối. Phần lời của người trung gian là 500 đồng/kg. Người trung gian bán cho người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng với mức lời khoảng 1.500 đồng/kg.
Như vậy, từ vườn đến người bán lẻ, giá trái cây đã tăng tổng cộng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng vì khâu bán lẻ tới tay người tiêu dùng mới là đối tượng đẩy giá lên nhiều nhất, thông thường là 40 - 50% giá trị mà họ mua hàng.
Không riêng thanh long, tôi được biết, quýt Lai Vung, cam Tam Bình cũng vậy. Năm ngoái, giá những loại trái cây này thu mua tại vườn chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg. Nhưng khi chuyển đến chợ đầu mối trái cây của TP.HCM, giá đã vọt lên gấp hai, thậm chí gấp 4 lần giá bán tại vườn.
Từ trái thanh long, trái cam, quýt hay lớn hơn là lúa gạo, thủy sản, nếu đi vào thực tế phân tích kỹ, chúng ta thấy rằng hệ thống lưu thông phân phối quá nhiều tầng nấc, trong mỗi tầng nấc đó người tham gia phân phối phải làm sao đảm bảo có lời, vì vậy, họ cố làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất, nhanh nhất.
Quá trình này làm cho người SX và người tiêu dùng là người bị thiệt thòi nhất.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao nông dân không đem trực tiếp nông sản đến thẳng các siêu thị, các chợ đầu mối để bớt đi nhiều khâu thương lái, tăng lợi nhuận? Về lý thuyết, có thể trả lời ngay là nông dân cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết với DN để bao tiêu nông sản. Tuy nhiên, thực tế thì các tổ, nhóm hợp tác, HTX hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Một lý do nữa là SX của nông dân rất manh mún, chưa có quy mô cũng như chất lượng chưa được đảm bảo.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT: Chưa có công nghiệp chế biến, DN và nông dân khó bắt tay nhau
Gia nong san tu ruong vuon den tay nguoi tieu dung chenh lech khung khiep! - Anh 2
Sau khi chuyển đổi kinh tế từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa theo thương nghiệp kiểu cũ dần dần bị xóa bỏ. Tương tự, hệ thống thu mua, phân phối theo hình thức HTX, các DN nhà nước dần dần hình thành những DN XK lớn.
Điều này đã góp phần hình thành cơ chế thu mua, phân phối nông sản theo hình thái mới, hình thành thị trường tự do trong thu mua phân phối. Những vấn đề trên đã tạo nên những bất hợp lý trong lưu thông phân phối hàng hóa nông sản hiện nay.
Từ SX đến hệ thống lưu thông phân phối nông sản đang có nhiều vấn đề phải tổ chức lại. Điệp khúc được mùa rớt giá và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân. Kênh thị trường của chúng ta có quá nhiều trung gian: Từ nông dân đến thương lái cấp 1, thương lái cấp 2, đến chế biến, và khâu tiếp cận thị trường.
Cơ sở hạ tầng SX của nông nghiệp thì nhỏ lẻ, xuất phát từ đất đai của chúng ta còn manh mún, kéo theo hàng hóa SX ra khó bán giá cao.
Để giảm khâu trung gian thì điều quan trọng là nhà chế biến, tiêu thụ phải liên kết với nhà SX (nông dân). Nhưng điều đáng buồn ở Việt Nam là cả người dân lẫn nhà tiêu thụ đều chưa sẵn sàng để hợp tác với nhau. Điều này bắt nguồn từ khâu quy hoạch nông nghiệp của chúng ta chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Không có nhà tiêu thụ nào dám đầu tư tiền cho nông dân để SX một sản phẩm cụ thể trên những vùng đất mà người dân có thể tự do chuyển đổi sang bất cứ loại cây trồng nào.
Ở nhiều nước, quy hoạch nông nghiệp thường là quy hoạch “chết”, tức khi cơ quan chức năng xác định vùng đất nào đó trồng sản phẩm nông nghiệp nào đó thì sẽ mãi như vậy, không có chuyện chặt trồng như Việt Nam hiện nay. Có như vậy, những nhà tiêu thụ mới dám đầu tư cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Khi mối liên kết giữa nhà nông và DN trở nên bền chặt thì sẽ giảm được khâu trung gian.
Muốn SX trái cây hay lương thực bán giá cao, nông dân phải tham gia vào các tổ chức SX theo hình thức khoa học và tiên tiến, SX có tổ chức, giảm dần những khâu thương lái trung gian, tức là từ nông dân đến thẳng nhà máy và XK, hoặc trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Muốn đạt điều đó, DN và nông dân hoặc các tổ chức SX phải có hợp đồng. Điều kiện để có sự gắn kết giữa DN và nông dân còn bao gồm hành lang pháp lý, quy hoạch vùng tập trung, hợp tác với ngân hàng… theo hình thức DN và nông dân cùng có lợi trên đường phát triển.
Tổ chức SX, phân phối lưu thông hàng hóa nông sản, lương thực tốt sẽ có lợi cho người nông dân và cả người tiêu dùng do giảm tối đa khâu trung gian phân phối.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này không phải dễ. Vì hiện nay đất đai và vườn cây trái của ta còn khá manh mún, việc tập hợp nông dân vào các tổ chức HTX, tổ đoàn kết, vùng SX còn nhiều khó khăn trở ngại.
Từ thực tế bất hợp lý trong lưu thông phân phối nông sản, mô hình nào để phát triển nông thôn, nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi nông dân để nền nông nghiệp nước ta vừa đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực vừa XK, bài toán khó đang chờ lời giải từ các chuyên gia và các cấp lãnh đạo tâm huyết với nông dân.
>

Tín dụng đầu tư cho cây hồ tiêu tăng mạnh

Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở Gia Lai hiện nay. Vì vậy, thời gian qua, người dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đổ xô trồng mới hồ tiêu. Điều này kéo theo tín dụng đầu tư cho cây hồ tiêu cũng tăng lên đáng kể.
hồ tiêu
Nhiều nông dân đang đổ xô trồng hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn của tỉnh với 2.726 ha. Ông Tạ Văn Lâm-chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Theo kế hoạch, năm nay toàn huyện Chư Pưh sẽ phát triển thêm 47 ha hồ tiêu nhưng mới đến nửa năm, diện tích đã tăng đến 54 ha. Trong đợt hạn vừa rồi, diện tích hồ tiêu của huyện bị ảnh hưởng lên đến 440 ha, trong đó bị chết 64 ha. Cùng với đó, tình hình nhiễm bệnh như vàng lá thối rễ, bệnh thối gốc, rệp sáp gốc, đốm đen lá… cũng ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.
Lợi nhuận cao từ cây hồ tiêu đã kích thích nông dân đổ xô trồng loại cây này bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Hộ ông Trần Văn Nuôi (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) sau khi gặp thất bại vì tiêu chết đã quyết định vay vốn từ ngân hàng để tiếp tục trồng lại 6.000 trụ tiêu. Hay hộ bà Võ Thị Ngọc Ẩn (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang) đã mạnh dạn vay thêm 2,5 tỷ đồng để đầu tư. Bà Ẩn cho biết: Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, vườn tiêu của gia đình tôi đã tăng lên 12.000 trụ. Sắp tới, tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nếu quỹ đất trên địa bàn không còn sẽ đầu tư ở địa phương khác.

Người chưa trồng hồ tiêu thì cố gắng xoay xở vốn trồng bằng mọi giá; người trồng có kinh nghiệm rồi thì đầu tư mở rộng diện tích dù giá thành đầu tư trồng tiêu liên tục tăng. Trước mắt có thể thấy, cây hồ tiêu không những góp phần nâng cao thu nhập mà ngày càng giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Vùng đất trù phú Chư Pưh đâu đâu cũng bạt ngàn hồ tiêu với rất nhiều mô hình trang trại quy mô lớn được hình thành.

Việc người dân đổ xô trồng hồ tiêu đã thúc đẩy tín dụng trên địa bàn huyện Chư Pưh tăng trưởng rõ rệt. Hiện tổng dư nợ cho vay của 3 tổ chức tín dụng đang đứng chân trên địa bàn huyện đã đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó cho vay phát triển hồ tiêu chiếm tỷ trọng rất lớn. Theo ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Agribank-Chi nhánh huyện Chư Pưh, cho vay phát triển hồ tiêu đang chiếm đến 70% tổng dư nợ 540 tỷ đồng của đơn vị. Tín dụng cho cây hồ tiêu đã tăng khoảng 10% so với cuối năm 2015. Ông Hùng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng của Chi nhánh luôn được chú trọng đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp (0,17%).

Trải qua đợt hạn vừa rồi, cây hồ tiêu ở Chư Pưh chịu tác động rất lớn. Theo những nhà chuyên môn, đối với những diện tích đã ảnh hưởng thì ít nhất phải 3 năm sau mới có thể hồi phục được. Còn theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năng suất hồ tiêu trên địa bàn năm 2016 đạt 46,5 tạ/ha, trong khi năm 2015 là 47,5 tạ/ha và dự báo sẽ tiếp tục giảm. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cây hồ tiêu, các ngành chức năng cần khuyến cáo, vận động người dân không chạy theo giá cả thị trường để mở rộng diện tích mà chỉ nên tập trung nâng cao chất lượng, tạo hướng phát triển bền vững trong sản xuất, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Thảo Nguyên/Gia Lai Online
>

Dân ngậm ngùi mua thuốc diệt cỏ về xịt cho… lạc chết

Nhiều nông dân tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đang lao đao khi hàng trăm ha đậu phộng (lạc) đến ngày thu hoạch nhưng không có củ, khiến họ lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
    
Mua thuốc diệt cỏ về xịt cho… lạc chết

Cây lạc không có củ hoặc củ bị chay khiến gia đình ông Trần Văn Hùng lỗ trên 80 triệu đồng. Ảnh: Chúc Ly

Trung bình một công lạc cho năng suất từ 700-800kg. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện An Phú, tổng diện tích lạc tại địa phương là 282ha, trong đó có khoảng 240ha bị thiệt hại với tỷ lệ năng suất giảm khoảng 70%. Cụ thể diện tích thiệt hại ở các xã như sau: Xã Phú Hữu 200ha, xã Phước Hưng 18ha, Vĩnh Lộc 21ha, Đa Phước 1,2ha.

Những ngày nay, đi đến các xã Phú Hữu, Phước Hưng của huyện An Phú, dễ bắt gặp những cánh đồng lạc bát ngát. Đây là tài sản lớn của nhiều gia đình. Nhưng trớ trêu thay, không ít hộ đang khốn đốn trước việc rất nhiều diện tích lạc không có củ hoặc chỉ có một vài củ khi đến ngày thu hoạch.

Chỉ tay về hướng 14,5 công (1.300m2) lạc xanh tốt đã được 75 ngày tuổi, ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng), ngao ngán nói: “Nhìn vậy chứ nhổ lên thì chỉ thấy toàn rễ, hiếm hoi có những bụi có củ thì chỉ được  vài củ, còn lại là củ bị chay hoặc không phát triển. Xem như diện tích lạc của nhà tôi thiệt hại 100%”.

Gia đình ông Hùng không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu nhờ vào diện tích lạc trồng trên đất thuê. Theo ông Hùng, với 14,5 công lạc này, chi phí đầu tư và tiền thuê đất là khoảng 8 triệu đồng/công. Tổng thiệt hại của gia đình ông khoảng 80 triệu đồng.

“Tôi trồng lạc đã 6 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này. Hồi trước tiền thuê nhân công nhổ là 400.000 đồng/công, còn tiền nhặt lạc là 10.000 đồng/thúng (10kg) nhưng bây giờ tiền thuê nhặt lạc lên đến 45.000 đồng/thúng mà người ta cũng không nhận làm vì không có củ. Với diện tích hiện tại, tôi kêu người ta vào cho không luôn nhưng họ cũng chê vì không có củ, nhổ chỉ tốn công chứ không được gì” – ông Hùng ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ, bà Bùi Thị Thủy (ấp Phước Hòa) phải mua thuốc diệt cỏ về xịt cho cây lạc tự chết để trồng cái khác, vì chi phí thuê nhân công nhổ bỏ rất cao.

Dẫn chúng tôi ra đồng xem nhưng cây lạc đang rụi lá và chết khô, bà Thủy cho hay: “Tiền nhân công nhổ trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng/công, trong khi lạc không có củ thì coi như lỗ thêm nên tôi quyết định mua thuốc về xịt cho nó tự chết. Vụ này tôi cũng lỗ khoảng 6 triệu đồng”.

Cũng theo bà Thủy, đa số người trồng lạc ở đây đều gặp cảnh tương tự, số ít có những diện tích mỗi bụi vẫn có vài củ nhưng cũng đành bỏ luôn vì thuê không ai chịu lặt.

Chưa xác định được nguyên nhân

Đại diện Phòng NNPTNT huyện An Phú cho biết: Nguyên nhân ban đầu  xác định được là do khi cây lạc đang ở giai đoạn làm củ thì gặp ngay đợt nắng nóng, nhiệt độ cao khiến hoa của cây lạc bị hư, dẫn đến không tạo củ được.

Tuy nhiên, theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trong trồng lạc cho biết, thực tế có hộ xuống giống ngay thời điểm có mưa, kéo dài đến lúc gần thu hoạch thì cũng bị tình trạng tương tự. Hoặc một số người lại cho rằng do điều kiện canh tác đất lâu năm nên cây không ra củ, nhưng đối với những người mới bơm cát lên để trồng thì cũng gặp cảnh không củ.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú, cho biết: “Chúng tôi đã gửi mẫu về Sở NNPTNT và các nhà khoa học để xác định nguyên nhân và đang đợi kết quả chính thức. Những người trồng lạc tại địa phương cũng rất khó khăn, chi phí trồng lại cao nên phòng cũng đang tổng hợp danh sách để đề xuất sở có hướng hỗ trợ, giúp đỡ đối với những hộ nghèo bị thiệt hại nặng nhằm ổn định sản xuất”.

Cũng theo ông Bộ, các ruộng lạc ở đây đa số sử dụng giống do dân địa phương tự trồng ở các vụ trước. Thời gian tới cũng nên xem xét lại chất lượng nguồn giống để đảm bảo không có sự việc đáng tiếc xảy ra. 

Chúc Ly (Dân Việt)
>

Năm đầu sản xuất đinh lăng ở Lâm Đồng

Theo các tài liệu y học, cây đinh lăng (polyscias fruticosa) là một loại cây dược liệu quý, thuộc họ ngũ gia bì, có thể sử dụng được toàn bộ từ rễ, củ, cành và lá để làm thuốc bồi bổ sức khỏe, giải độc thức ăn, thông huyết mạch, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ… Sản phẩm lá đinh lăng còn dùng làm rau sống trong bữa ăn hàng ngày của gia đình hoặc chế biến gia vị cho các món ăn phổ biến khác như gỏi cá… Trong dân gian quen gọi cây đinh lăng là cây nhân sâm của người nghèo. ​
Đinh Lăng
Cây đinh lăng trồng xen canh hơn một năm tuổi, đang phát triển xanh tốt ở xã Đông Thanh,Lâm Hà

Vừa sản xuất vừa chế biến thử nghiệm
Tôi tìm gặp anh Nguyễn Hữu Phong (sinh năm 1964), chủ hộ gia đình vừa chế biến vừa sản xuất thử nghiệm cây đinh lăng ở khu vực trung tâm xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Vào trong căn nhà nằm ở vị trí trung tâm của trang trại vườn - ao - chuồng, anh Phong lấy thẩu rượu đinh lăng “chắt” ra một ly nhỏ mời tôi thưởng thức. Mùi thơm nồng giữ lại khá lâu nơi đầu lưỡi, cho tôi cảm nhận một chất men nóng ấm, khác biệt của vị thuốc rễ cây hấp thu từ nguồn dinh dưỡng phì nhiêu trong lòng đất đỏ Tây Nguyên. “Rượu ngâm rễ tươi của cây đinh lăng đó. Ngâm hơn 6 tháng đưa ra uống sẽ có nhiều tác dụng như: tăng cường sức dẻo dai khi tập thể dục thể thao, tạo cảm giác ngon miệng hơn trong mỗi bữa ăn…” - anh Phong giới thiệu. 
Sản phẩm rượu đinh lăng của anh Phong hiện chỉ mới dùng biếu tặng cho những người thân thuộc, quen biết để mong nhận thêm những góp ý hoàn thiện cách thức chế biến. Nhưng với sản phẩm gối đinh lăng, anh Phong đã bắt đầu “bán trao tay” tại nhà hoặc thông qua các đường vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện trong nước. Vào gian phòng bên cạnh lấy ra một sản phẩm gối bên trong chứa đầy lá khô đinh lăng, anh Phong cho biết mỗi chiếc chỉ cân nặng 300 g, nhưng có thể cải thiện tình trạng mất ngủ cho người sử dụng hàng đêm. Việc chế biến ruột gối đinh lăng của anh Phong khá đơn giản: hái lá đinh lăng phơi khô khoảng 4 nắng; bỏ từng mẻ lá khô trong chiếc chảo gang đặt trên lò lửa than rồi sao (rang) đến độ vàng đều; trải lớp mỏng lá sao vàng trên nền nhà xi măng để hạ nguội nhiệt độ, sau đó dồn chứa vào bên trong từng chiếc gối bọc vải.
Để sản xuất một chiếc gối 300 g lá đinh lăng sao vàng, anh Phong phải thu mua khoảng 2 kg lá đinh lăng tươi nguyên liệu. Thời điểm hạ tuần tháng 7/2016, giá bán trao tay một chiếc gối đinh lăng của anh Phong là 70.000 đồng, so sánh gần bằng 60% giá thị trường cùng loại sản phẩm từ các đơn vị sản xuất trong nước. Từ đầu năm 2016 đến nay, trung bình doanh số bán ra hàng tháng hơn 50 chiếc gối đinh lăng sao vàng, tương đương với sản lượng hơn 100 kg lá đinh lăng tươi mà anh Phong phải “thu mua lưu động” trong từng vườn cây cảnh của người dân trong tỉnh. Trong khi cây đinh lăng đưa về trồng đại trà trên diện tích khoảng 1 ha ở xã Đông Thanh, Lâm Hà đến nay mới hơn một năm tuổi - chỉ bằng 1/3 tuổi cây vào thời kỳ kinh doanh, nên chưa thể thu hoạch làm nguyên liệu chế biến. 
Thực tế vào tháng 7/2015, qua tư vấn từ người thân làm việc trong ngành dược liệu Việt Nam, anh Phong chính thức liên hệ với các công ty dược ở phía Nam mua 10.000 hom cây giống đinh lăng về phân phối gia đình mình và 3 hộ gia đình khác trồng thử nghiệm trên nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Đông Thanh, Lâm Hà. Đây là nguồn hom giống cây đinh lăng nếp, mỗi hom dài 20 cm, đang sinh trưởng từ 2 - 3 cặp lá, dưới gốc hom bắt đầu mọc ra bộ rễ tơ. Theo kỹ thuật hướng dẫn của bên cung ứng cây giống, nông dân xã Đông Thanh cùng nhau xuống giống trồng với mật độ trung bình trên 1.000 m² trồng từ 2.000 cây (trồng xen) đến 4.000 cây (trồng thuần). Khoảng cách cây cách cây 50 cm, hàng cách hàng 1 m. Trong đó, anh Phong phân bổ 4.000 hom cây trồng xen với diện tích 2.000 m² cây tiêu, cà phê, dâu tằm của hộ gia đình mình. 6.000 hom cây còn lại chia đều cho 3 hộ gia đình khác trồng thuần trên tổng diện tích 1.500 m². 
Thấy cây phát triển cành, lá đạt các tiêu chuẩn sinh trưởng, tháng 8/2015, anh Phong tiếp tục mua về khoảng hơn 30.000 hom giống đinh lăng nếp, chuyển giao cho các hộ nông dân xã Đông Thanh, Lâm Hà trồng phủ kín trên tổng diện tích 1 ha vừa nêu. Tham quan một trong những vườn cây đinh lăng nếp một năm tuổi ở đây, cây đã đạt chiều cao từ 0,5 - 0,8 m, tán lá phủ rộng mỗi bên chừng 2 gang tay. Cây ở giai đoạn sinh trưởng này chỉ thu được lá làm thức ăn rau sống hàng ngày trong gia đình. Anh Phong nhận định: “Theo đánh giá ban đầu thì cây đinh lăng rất phù hợp với vùng đất Đông Thanh, Lâm Hà, kết quả sinh trưởng khá xanh tốt, chăm sóc tốn rất ít công lao động. Hiện chưa phát hiện một biểu hiện gây bệnh trên cây đinh lăng, dù chưa sử dụng bất kỳ một loại thuốc phòng trừ dịch hại nào…”. 
Vùng nguyên liệu đinh lăng trong tương lai gần
Dự kiến đến cuối năm 2018, diện tích 1 ha đinh lăng nguyên liệu trồng lần đầu tiên ở xã Đông Thanh, Lâm Hà chính thức vào vụ “gặt hái”. Nếu theo giá thị trường tại Lâm Đồng tháng 7/2016, anh Phong đưa ra đáp số khá thuyết phục: Trung bình 1 cây đinh lăng thu hoạch 1 kg lá (20.000 đồng), 3 kg thân, cành (90.000 đồng) và 2 kg rễ (200.000 đồng), cộng lại thành tổng thu 310.000 đồng. Nhân với 4.000 cây trồng thuần/1.000 m², đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Trừ hết mọi chi phí thì trên 1.000 m² đinh lăng canh tác sau 3 năm thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. 
Nông gia Nguyễn Hữu Phong đã phác thảo xây dựng một xưởng chế biến các sản phẩm đinh lăng vào cuối năm 2018 như: gối chống mất ngủ, rượu thuốc, trà túi lọc… với công suất đáp ứng nhu cầu bao tiêu nguyên liệu đinh lăng tươi trên quy mô diện tích mở rộng lên đến 10 ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, ông Trần Văn Thọ định hướng: “Việc phát triển cây dược liệu đinh lăng là một giải pháp sản xuất đa canh cây trồng khả quan ở xã Đông Thanh. Tổ chức hội nông dân địa phương chúng tôi đang vận động nông dân từng bước chuyển đổi phù hợp với từng điều kiện sản xuất, nhằm tăng hơn nữa giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất và cùng vươn lên làm giàu…”.
Theo Văn Việt/ Lâm Đồng Online
>

Ngành cá tra chưa thoát khỏi khó khăn, ngư dân tiếp tục chịu lỗ

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tháng Bảy vẫn gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh.


Thu hoạch cá tra tại Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Mặc dù, sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng qua có sự gia tăng, tuy nhiên diện tích lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, sản lượng nuôi trồng tháng Bảy ước đạt 381.000 tấn, tăng 4,4% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm đạt 1,965 triệu tấn, tăng nhẹ với mức tăng khoảng 1,3%. Trong khi đó, diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ước đạt 4.237 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn như: thời tiết bất lợi, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đảm bảo, thị trường xuất khẩu giảm.

Vị đại diện này cũng cho biết, do nhiều ao đến kỳ thu hoạch, nên giá cá tra nguyên liệu thời điểm giữa tháng Bảy giảm mạnh từ 1.500 - 2.000 đồng với cùng kỳ năm trước và giá chỉ giao động trong khoảng từ 17.500 - 19.500 đồng/kg.

Giá cá tra giảm mạnh trong khi sản lượng thu hoạch ước đạt 657.169 tấn, tăng 8% với cùng kỳ, càng khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh chịu lỗ. 

Cụ thể, sản lượng của một số tỉnh tăng khá lớn như Tiền Giang đạt 20.946 tấn (tăng 52%), Cần Thơ đạt 84.585 tấn (tăng 40%), Bến Tre đạt 119.630 tấn (tăng 10%), Đồng Tháp đạt 219.801 tấn (tăng 10%)./.

Thanh Tâm (Vietnam+)
>

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng qua ước đạt 17,8 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm nay ước đạt2,64 tỷ USD, đưa tổng giá tri ̣xuất khẩu 7 tháng đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trong tháng 7, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 274.000 tấn với giá trị 120 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng ước đạt 2,93 triệu tấn với 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với trên 35% thị phần. Thị trường đứng thứ hai nhập khẩu gạo Việt Nam là Indonesia với 11,6% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Gana (41%) và Bờ Biển Ngà (31,3%). 

Bên cạnh đó, nhiều thi ̣trường có giá trị giảm mạnh như Philippines (54,3%), Malaysia (59,2%) và Singapore (34,6%). 

Về mặt hàng tiêu, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đạt 122.000 tấn với 988 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và tăng trên 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm trên 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tương tự, giá cà phê xuất khẩu trung bình giảm 15,6%. Do đó, tuy mặt hàng này tăng 38% về khối lượng (đạt1,13 triệu tấn) nhưng chỉ tăng 18% về giá trị, đạt 1,98 tỷ USD. Giá cao su xuất khẩu cũng giảm gần 15%

Qua 7 tháng, cao su xuất đạt 564.000 tấn, trị gia 705 triệu USD, tăng 8,8% về khối lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015

Sản phẩm chè xuất khẩu đạt 69.000 tấn với 110 triệu USD, tăng 4,9% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015

Trong các nông sản xuất khẩu chính, hạt điều vẫn có sự tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị. Khối lượng xuất khẩu hạt điều 7 tháng đạt 189.000 tấn, tăng 2,5% với kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. 

Ngoài ra, qua 7 tháng, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,8%. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu của Việt Nam./. 

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video