TTO - Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield đồng ý hỗ trợ cho nông dân có lúa non bị chết hàng loạt tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Hai thửa ruộng trên cánh đồng mẫu huyện Ba Tri. Một thửa bón phân LTh đã bị chết rụi, còn các thửa ruộng kế bên bón các loại phân khác thì vẫn phát triển bình thường - Ảnh: Mậu Trườn
Ngày 21-7, ông Nguyễn Văn Dũng - chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, cho biết sau khi xảy ra sự cố lúa non chết hàng loạt tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đại diện các sở ngành và công ty cung cấp phân bón đã có buổi làm việc với nông dân, tìm nguyên nhân chính thức và đưa ra phương án hỗ trợ.
Theo đó, dù chưa kết luận được lúa chết có liên quan đến phân bón hay không nhưng phía Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield (nông dân đã sử dụng loại phân Lio Thái của công ty này) đã đồng ý hỗ trợ cho nông dân có lúa non chết với mức cao nhất là 16 triệu đồng/ha.
Cụ thể, có 4 trường hợp được phía công ty đồng ý hỗ trợ nông dân:
Nếu lúa chết nhưng nông dân đã xạ lại được hỗ trợ 350.000 đồng/công và 15 kg phân bón; nếu lúa vẫn còn dưỡng được sẽ hỗ trợ 5kg phân DAP, thuốc dinh dưỡng đặc biệt của công ty và sau khi thu hoạch nếu năng suất thấp hơn bao nhiêu so với ruộng bên cạnh (không sử dụng phân Lio Thái) sẽ được công ty này bù vào cho bằng; nếu lúa đã chết hết, nông dân bỏ ruộng thì công ty sẽ hỗ trợ 1,6 triệu đồng/công.
Bến Tre có hơn 36 ha lúa non bị chết sau khi bón phân Lio Thái và hầu hết đều hài lòng với mức hỗ trợ này.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, với 20ha lúa non của 17 hộ dân bị chết, dù chưa có nguyên nhân chính thức nhưng phía công ty phân bón nói trên đã hỗ trợ mức cao nhất là 22 triệu đồng/ ha.
Được biết, có khoảng 40ha lúa hè thu của nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre bị úa vàng và chết rụi từ sau khi sạ được 10 - 20 ngày.
Nhiều nông dân tại cánh đồng mẫu ở Ba Tri (Bến Tre) cho biết những thửa ruộng có bón loại phân LTh của Công ty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield đều bị cháy lá và chết hơn phân nửa, trong khi những thửa ruộng bón các loại phân khác đều phát triển xanh tốt bình thường.
Dẫn chúng tôi đến thửa ruộng 4.000m2 có lúa đã bị úa vàng, ông Võ Văn Bự (xã An Bình Tây, Ba Tri) cho biết đã bón loại phân này lúc lúa được 10 ngày tuổi và chỉ vài ngày sau lá chuyển màu đỏ hoe và cháy rụi từ từ. Trong khi các thửa ruộng kề bên bón các loại phân khác vẫn phát triển bình thường.
Trước đó, ngày 18-7, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết đã thống kê về tình hình thiệt hại với tổng cộng hơn 23ha lúa hè thu, hầu hết đều có sử dụng phân bón LTh nhưng chưa có kết luận chính thức nguyên nhân lúa chết.
Tương tự, UBND xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết trên địa bàn có hơn 20ha lúa tại cánh đồng liên kết cũng xảy ra tình trạng ngả màu vàng lá, chết lụn dần sau khi bón phân LTh.
Thông tin từ Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre) cho biết đã phối hợp với công ty cung cấp phân bón đi khảo sát thực tế, lấy mẫu để xác định nguyên nhân chính thức gây lúa chết và sẽ sớm công bố kết quả.
MẬU TRƯỜNG