Trà Vinh: Dưa hấu rớt giá thảm, 10.000 đồng/3 kg

Mấy ngày nay, người dân trồng dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh đứng ngồi không yên vì giá liên tục sụt giảm, khó tiêu thụ. Có thời điểm giá chỉ còn 1.500 đồng/kg nên nhiều nông dân bị thua lỗ nặng.

Gia đình ông Trần Văn Thăng (ngụ ấp 16, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) trồng 4 công (mỗi công 1.000 ) dưa hấu. Khi dưa ra quả, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ ruộng dưa với giá 81 triệu đồng và đặt cọc trước 5 triệu đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm thu hoạch, thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc và mua với giá chỉ 25 triệu đồng. Ông Thăng đành ngậm ngùi bán giá rẻ vì không còn nơi nào khác để tiêu thụ.

Dưa hấu 10.000 đồng/3kg bán ở lề đường quốc lộ 1A

Còn ông Bùi Văn Khai (ngụ ấp 15, xã Long Hữu) trồng 7,5 công dưa hấu. Ban đầu, thương lái trả 9.500 đồng/kg. Tuy nhiên tới ngày thu hoạch chỉ mua 6.500 đồng/kg nhưng chỉ lựa 5 tấn dưa loại 1. Còn lại 13 tấn loại thương lái chỉ mua với giá 1.500 đồng/kg. Ông Khai cho biết: “Với giá này, người trồng dưa cầm chắc lỗ vì tiền đầu tư, nhân công từ 7 đến 8 triệu đồng/công. Nhiều nông dân đành chấp nhận bán cho thương lái vì không còn cách nào khác”.

Theo ông Khai, cách đây hơn 1 tuần, ông Nguyễn Vũ Lang từ Cần Thơ về quê vợ tại xã Long Hữu (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chơi, biết được hoàn cảnh của bà con trồng dưa hấu nên mua giúp toàn bộ số dưa của ông Khai để đem về Cần Thơ tiêu thụ.

Ông Lang mua dưa của ông Khai và bà con ở địa phương với giá 3.000 đồng/kg, sau đó đem về Cần Thơ bán lẻ với giá 6.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí vận chuyển, nhân công còn dư sẽ tiếp tục trả lại thêm cho nông dân. Sau nhiều đợt, ông Lang đã mua giúp nông dân xã Long Hữu tiêu thụ hơn 30 tấn dưa hấu.

Năm nay dưa hấu được mùa nhưng lại mất giá

Một số nông dân không chấp nhận thua lỗ nên mạo hiểm thuê xe để chở ra miền Bắc tiêu thụ. Ông Đào Văn Hương, ấp 15 (xã Long Hữu) trồng 10 công dưa hấu thu hoạch được 25 tấn. Lúc đầu thương lái đặt cọc giá 9.500 đồng/kg nhưng tới ngày thu hoạch đã bỏ luôn tiền cọc và mua giá chỉ 6.500 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đó, khi cân thì họ lựa toàn dưa loại 1 chỉ vài tấn còn lại dạt ra loại 2 mua với giá từ 1.200 đến 1.500 đồng/kg.

Dưa hấu rớt giá khiến nông dân bị lỗ

Khi đó, nhờ người quen giới thiệu địa chỉ ngoài tỉnh Hải Dương nên ông Hương mạo hiểm thuê xe tải chở 14 tấn dưa ra tỉnh Hải Dương tiêu thụ.

Ông Hương cho biết: “Bán tại chỗ thương lái trả rẻ quá nên tôi thuê xe với giá 2.000 đồng/kg để chở dưa ra ngoài miền Bắc tiêu thụ. Xe chạy suốt 2 ngày 3 đêm mới tới nơi. Ban đầu tôi bán với giá 6.200 đồng/kg sau đó sụt dần xuống 5.800 rồi chỉ còn 4.000 đồng/kg. Sau 1 ngày tôi bán hơn 11 tấn dưa, còn lại 2,5 tấn có một người dân ở Hải Dương thấy tôi tội nghiệp quá nên kêu về quê để họ bán giúp, sau khi bán hết sẽ chuyển tiền vào cho tôi. Bầy giờ tôi mới về tới nhà sau gần 1 tuần đi ra tỉnh Hải Dương bán dưa. Nhờ mạo hiểm nên gia đình mới thu lại được khoảng 80 triệu đồng tiền đầu tư. Còn lại, rất nhiều hộ dân đành ngậm ngùi chịu lỗ vì giá quá thấp”.

Nhiều người mua dưa hấu với giá rẻ

Hiện tại, dưa hấu được thương lái mua tại ruộng của nông dân đem ra lề đường bán với giá 10.000 đồng/3kg dưa loại nhỏ, 4.000 đồng/kg dưa loại lớn. Chị Linh, thương lái thu mua dưa ở tỉnh Trà Vinh rồi chở về huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) bán lại cho biết: “Năm nay nắng nóng nên dưa hấu trúng mùa nhưng giá lại giảm. Ngoài ra, phía bên Trung Quốc không “ăn hàng” như trước nên giá dưa ngày càng rớt thê thảm vì chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa”.

Theo nhiều nông dân, chi phí trồng 1 công dưa hấu khoảng 8 triệu đồng. Với năng suất từ 2,5 đến 3,5 tấn/ha thì giá dưa khoảng 3.000 đồng/kg trở lên mới có lời. Hiện tại, hầu hết nông dân bán ngay tại ruộng với giá chỉ 1.500 đồng/kg nên bị lỗ nặng nề.

Minh Giang  (Dân Trí)
>

Tiêu... theo giá tiêu

Thật dễ bất bình khi lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong phiên họp cứ dán mắt vô chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của mình, thi thoảng mới hất đầu lên như giả bộ nghe ai đó phát biểu góp ý kiến...

Với lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu của Ấn Độ, chắc chắn lượng hồ tiêu tồn kho gối vụ của Việt Nam sắp tới sẽ rất lớn. Ảnh: T.L

Leo vào mạng để mua bán

“Tuổi này rồi mà còn thích các trò chơi trên màn hình nhỉ?”, tôi thẳng thắn góp ý để rồi bất ngờ nhận được một phản ứng khá nhẹ nhàng rằng “tôi đang trao đổi giá hồ tiêu trên mạng” bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Hối hận trong lòng vì đã nghĩ xấu cho anh ấy. Anh chú mục vào giao dịch giá cùng với cả chục bạn “chat” trên mạng xã hội. Đưa cho tôi xem màn hình như một bằng chứng mình đang làm việc chứ không phải chơi “game”. Một loạt bạn “chat” từ khắp nơi, người từ TPHCM, kẻ ở Quảng Châu, anh ở Dubai... hỏi mua hỏi bán, dò la tin tức thị trường hồ tiêu.

Thời kinh doanh thắt cà vạt, xách cặp “samsonite” đến gặp đối tác tại phương trời nào đó để đàm phán hợp đồng... đã hết. Bất kỳ nơi đâu, khi cần mua hay bán, các nhà kinh doanh hồ tiêu thời nay rủ nhau leo lên mạng xã hội và lập chợ ngay trên ấy. Nhiều thương vụ xảy ra, mạng ảo nhưng thị trường thực, hợp đồng thực...

Giá kêu ngược gọi xuôi

Giá hồ tiêu đang rất thời sự. Mới sáng nghe anh giám đốc trách nhân viên sao giá hồ tiêu ở mức 96.000 đồng/ki lô gam không chịu báo cáo để đến giờ giá nhảy lên 106.000 đồng/ki lô gam thì còn gì cơ hội...

Đến chiều được nghe giải thích có ông khách chơi khăm, gọi điện thoại đến vài chục vựa mua tiêu, luận bàn tỏ rõ chính kiến cung cầu, giá lên giá xuống, nhưng chỉ mua đâu dăm ba tấn để làm giá, tranh thủ lừa người ta bằng cách mua giá cao làm mồi rồi nhanh chóng bán thốc hàng trong kho mình ra thấp hơn vài giá nhằm giải quyết tồn kho. Đã có người tưởng “đối tác” ấy thiệt bụng, quyết định ôm vào cả trăm tấn giá 103.000 đồng/ki lô gam... tối về giá chỉ còn 95.000 đồng/ki lô gam, nhưng thị trường chẳng ai dám mua. Chỉ trong ngày, tính ra người tin giá tăng đã lỗ mất 8.000 đồng/ki lô gam!

Hồ tiêu Việt Nam đang vào mùa thu hoạch. Dù nhiều bản tin cho biết nhiều nơi vườn tiêu chết hàng loạt, nhưng giá cứ rơi. Từ 130.000 đồng/ki lô gam một vài tháng trước Tết Đinh Dậu, nay chỉ còn dưới 100.000 đồng/ki lô gam.

Khi thị trường không được tổ chức chặt chẽ, khi các đầu mối thông tin giá cả xuất khẩu dựa vào thương lái, quyết định với nhau trên mạng xã hội, giá tiêu hỗn loạn là không thể tránh khỏi.

Có anh mua thật, nhưng cũng không thiếu tay cố tình làm giá để ăn chênh lệch nhờ có tiềm lực tài chính, mua trữ một lượng hàng để đủ quấy rối thị trường... Người cười cũng nhiều, kẻ khóc không ít. Có người gia sản tiêu tùng vì đầu cơ giá lên. Tiêu...theo giá tiêu.

Đua nhau trồng tiêu... coi chừng tiêu

Ama Thơ, người Ê đê, ở Buôn Thá, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng hai cây số, dự định mua dây lươn giống tiêu về trồng vài trăm cọc tiêu ở rẫy nhà mình dịp mùa mưa sắp tới. Quyết tâm đã sẵn, lòng còn bần thần với giá tiêu hiện nay vì vốn đầu tư không phải là ít. Không tính công, mỗi cọc tệ nhất cũng tốn của Ama Thơ 200.000 đồng, tùy theo lượng dây giống, cứ mỗi dây 15.000 đồng.

Đi đâu cũng nghe phát triển trồng tiêu đến nỗi cây cà phê, đã từng được gọi là cây “vua” cũng chào thua với mức độ nhân rộng diện tích cây tiêu như hiện nay.

Dù Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã lên tiếng cảnh báo không nên tăng diện tích trồng hồ tiêu, đến hết tháng 3-2016, VPA cho biết diện tích hồ tiêu hiện nay lên đến trên 100.000 héc ta, đã tăng gấp đôi so với quy hoạch cho đến năm 2020.

Do trồng bằng mọi giá, cây giống không chọn lọc, chăm sóc không chuẩn, không ít vườn tiêu tại nhiều nơi bị dịch bệnh chết sạch, nhiều nhà vườn trắng tay.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước thấy giá hồ tiêu lên mạnh, nông dân cũng chạy theo trồng. Nghe nói diện tích hồ tiêu ở Brazil không ngừng tăng mạnh vì giá hồ tiêu xuất khẩu mới mấy tháng trước đạt mức 8.000 đô la Mỹ/tấn hạt tiêu đen và trên 11.500 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) cho hạt tiêu trắng.

Dự báo xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm nay của VPA chừng 150.000 tấn, chiếm trên 55% thị phần hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, mới đây, Ấn Độ có lệnh ngưng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam để trả đũa cho quyết định ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Ấn Độ. Hàng năm Ấn Độ mua của Việt Nam từ 10.000 - 15.000 tấn hồ tiêu.

Với mức tăng trưởng diện tích và sản lượng ồ ạt như vậy, cộng với các rào cản kỹ thuật cũng như cấm nhập khẩu của Ấn Độ, chắc chắn lượng hồ tiêu tồn kho gối vụ của Việt Nam sẽ rất lớn.

Cung hồ tiêu thừa là quá rõ. Thế nhưng đã có người đề xuất cứ giá hồ tiêu 90.000 đồng/ki lô gam là mua tạm trữ. Trong khi không quản lý được diện tích và sản lượng, không khống chế được giá của thị trường, liệu đề xuất ấy có hợp lý?

Khi giá thị trường xuống, nhất là giá trị hồ tiêu hiện rất cao, thì tình cảnh này chẳng khác gì chụp “đầu dao” khi rớt, vị giám đốc kinh doanh hồ tiêu nói. Tạm trữ? Với tình hình này, không chỉ đau đớn vì thua lỗ mà có khi gia sản phải tiêu... theo giá tiêu. 

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes.vn)
>

Rau quá lứa ở Đà Lạt bán rẻ như cho

Thuận mùa, sản lượng tăng trong khi giá mua thấp khiến nhiều vườn rau ở Đà Lạt không thể tiêu thụ, đành phải phá bỏ vì quá lứa.

Tại các chợ ở Đà Lạt, hiện có nhiều người bê từng búp súp lơ đi chào mời với giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng, trọng lượng mỗi búp trên 1kg. Rau tần ô (cải cúc) lâu nay bán theo trọng lượng thì giờ cũng được chào mời bán theo mớ, bó với giá 3.000 đồng (khoảng một kg), nếu mua một lúc 4 bó thì giá giảm xuống còn 10.000 đồng. Tương tự, các loại rau ăn lá khác như cô rôn, lô lô... giá tại vườn chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng một kg.

Bà Ánh, một người chuyên thu mua rau cô rôn cho biết, bình thường mỗi ngày bà thu hoạch tại vườn và đóng đi khoảng 1,5 tấn, nhưng hiện tại tiêu thụ không nổi vài trăm kg.

Vườn rau quá lứa không được tiêu thụ vì giá quá thấp. Ảnh: Quốc Dũng

Không riêng gì rau ăn lá, nhà vườn tên Tài có vườn củ dền 25.000 gốc được thương lái tới mua nguyên đám với giá chỉ 2 triệu đồng. Chủ vườn đã quyết định không bán và chấp nhận phá bỏ dù sau đó được nâng giá lên 5 triệu đồng. Ông Tài cho biết, riêng tiền giống đã trên 3 triệu đồng, nhưng nếu chấp nhận mức giá của thương lái đưa ra, sẽ chịu thiệt về sau vì củ dền là loại có thể kéo dài thời gian thu hoạch nên người mua sau khi chồng tiền sẽ giam đất lại, khi đó chủ vườn muốn lấy đất để trồng thứ khác cũng không được.

Thời điểm giữa tháng 11/2016 kéo dài đến nửa đầu tháng Chạp vừa qua, rau củ Đà Lạt khan hiếm và giá tăng kỷ lục. Nhiều loại rau ăn lá bán ra tại vườn luôn ở mức 15.000-20.000 đồng một kg và ra tới chợ Đà Lạt thì đội lên 25.000-30.000 đồng, như khoai tây có giá 25.000 đồng một kg, củ dền lúc đỉnh điểm là 28.000 đồng... Thế nhưng chỉ sau hơn 2 tháng, giá rau củ đã giảm thảm hại. Mặt hàng đang bị dội chợ trầm trọng nhất là các loại súp lơ xanh, trắng. Do giá quá thấp và không thể tiêu thụ nên nhiều vườn súp lơ bị quá lứa với hiện tượng bông nở bung, buộc nhà vườn phải phá bỏ. Một số người buôn bán rong thấy tiếc đã tìm tới vườn để tận dụng đem đi bán.

Quốc Dũng (vnexpress)
>

Ấn Độ hủy bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Ấn Độ đã đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, trong đó có hồ tiêu của Việt Nam.
Ảnh minh họa

Trao đổi với TBKTSG Online tối ngày 17-3-2017, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch VPA xác nhận thông tin này.
Cũng theo lời bà Oanh, chiều ngày 16-3-2017, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội để bàn cách giải quyết vấn đề này. Theo đó, phía Ấn Độ sẽ hủy bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam là hồ tiêu, cà phê, khoai mỳ (sắn), quế và thanh long. Đây là những mặt hàng mà Ấn Độ có lệnh tạm ngưng nhập khẩu trước đó.
“Để được Ấn Độ hủy bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, phía Việt Nam cũng phải điều chỉnh lại Quyết định 558. Theo đó, những mặt hàng nông sản được nêu trong quyết định này sẽ không bị tạm ngưng nhập khẩu nữa mà sẽ bị kiểm tra của cơ quan chức năng như bình thường, lô hàng nào bị nhiễm mọt sẽ bị xử lý, lô hàng nào không bị nhiễm mọt sẽ được đưa vào thị trường bình thường”, bà Oanh cho hay.
Việc “trả đũa thương mại” này của Ấn Độ bắt đầu sau khi Bộ NN&PTNT ra Quyết định 558 vào 1-3-2017 (có hiệu lực 60 ngày kể từ ngày ký).
Ngay sau thông tin này, theo bà Oanh, vào ngày 3-3-2017, cơ quan bảo vệ thực vật của Ấn Độ ra công văn kiến nghị chính phủ nước này có lệnh tạm ngưng những mặt hàng hồ tiêu, cà phê, khoai mì (sắn), quế và thanh long từ Việt Nam. Kết quả là ngày 7-3-2017, các doanh nghiệp Việt Nam không thể làm các thủ tục xuất khẩu hồ tiêu sang Ấn Độ được.
Theo bà Oanh, trong khoảng thời gian Ấn Độ có lệnh tạm ngưng nhập khẩu, giá hồ tiêu giảm liên tục. Vì thế, với việc hủy bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu này, nhiều khả năng giá hồ tiêu sẽ không giảm nữa.
Theo Thesaigontimes.vn

>

Người dân Hưng Yên khốn khổ kêu cứu vì giá cà chua rớt thảm

Chưa bao giờ người dân trồng cà chua lại rơi vào tình cảnh điêu đứng như năm nay, khi cà chua liên tục bị rớt giá. Hiện cà chua được bán với mức giá không quá 3.000 đồng/kg, thậm chí vào thời điểm rộ, cà chua còn bị ép giá xuống mức 1.000 đồng/kg. Nhiều hộ nông dân chán nản không thu hoạch, bỏ ruộng cà chua chín thối ngoài đồng hoặc hái cà chua về cho gia súc ăn.

Giá cà chua rớt thảm khiến người dân đứng ngồi không yên vì không biết bán cà chua cho ai. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Cà chua rớt giá

Trong tình cảnh "đứng ngồi không yên," những ngày gần đây nhiều hộ trồng cà chua tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên vẫn loay hoay tìm đầu ra cho những ruộng cà chua đang chín rộ ngoài đồng không có người thu mua.

Giá cà chua tại đây chỉ dao động từ 1.000-3.000 đồng/kg. Song với mức giá rẻ này, sản phẩm cà chua vẫn trong tình trạng ế ẩm vắng bóng người mua.

Chị Trần Thị Huyền, nông dân trồng cà chua tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên cho biết, nhà chị trồng hơn 2 sào cà chua, riêng tiền chi phí đầu tư đã mất khoảng 4 triệu đồng chưa kể tiền công và phân bón. Song đến thời điểm hiện tại, cà chua bán ra chưa đủ để chị gỡ lại số tiền vốn bỏ ra.

“Chưa bao giờ giá cà chua rớt thảm như năm nay. Giá cà chua quá rẻ bán không ai mua. Mỗi buổi chợ bán được một thùng khoảng 30-40kg cà chua, nếu được giá 2.000 đồng/kg thì cũng mới được khoảng 60.000-80.000 đồng/thùng, trong khi đó phải mất một nửa ngày hái cà và nửa ngày đi bán ở chợ, chưa kể xăng xe và các chi phí khác. Đấy là còn bán được hết, còn có hôm rao khắp chợ chả ai mua lại đem về cho lợn ăn. Chán chả ai muốn thu hoạch cà chua đi bán,” chị Huyền thở dài nói.

Cũng mất ăn mất ngủ vì giá cà chua xuống quá thấp như hiện nay, chị Phạm Thị Như, nông dân trồng cà chua tại thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên cũng chia sẻ, mức giá cà chua bán ra rẻ quá nên nhà chị cũng định phá ruộng cà chua để chuyển sang trồng cây màu khác có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, vì tiếc công trồng và vốn đầu tư nên giờ chị vẫn đang cố bán gỡ gạc lại tiền vốn chứ không mong có lãi.

“Cà chua rẻ như cho, khắp chợ đâu đâu giá cũng rẻ, cả làng nhà nào cũng trồng cà chua nên có cho cũng chả ai thèm lấy. Chưa bao giờ giá cà chua lại hạ và khó bán như năm nay. Nhà tôi đầu tư hết 5-6 triệu đồng tiền vốn nhưng đến giờ vẫn chưa thu được đồng lãi nào. Vẫn cái đà này thì năm nay có khả năng lỗ vốn,” chị Phạm Thị Như ngán ngẩm nói.

Mỗi ngày bán được một thùng khoảng 30-40 kg cà chua người dân cũng chỉ được khoảng 60.000-80.000 đồng/thùng. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Các hộ dân trồng cà chua tại đây ​ngày đêm trông mong giá cà chua nhích lên để có thêm chút thu nhập hòng thoát lỗ. Tuy nhiên, hiện trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu của việc gia tăng giá bán khi nguồn cung vẫn đang ở mức vượt xa cầu như hiện nay.

Dân trồng cà chua kêu cứu

So với những năm trước, cũng có thời điểm cà chua chín rộ giá rẻ, tuy nhiên chưa bao giờ giá lại xuống chạm đáy như năm nay. Năm ngoái, thời điểm giá rẻ nhất cà chua vẫn được bán khoảng 4.000 đồng/kg, còn năm nay chỉ bằng nửa giá của năm trước.

Khốn khổ vì việc tìm đầu ra cho sản phẩm cà chua, anh Trần Văn An thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên thậm chí còn cầu cứu người thân tận Đắk Lắk nhập vào bán hộ.

“Có người nhà ở Đắk Lắk nên tôi cũng nhờ bán hộ cà chua. Tuy nhiên, mình cũng chỉ bán với giá 2.000-3.000 đồng/kg, còn lại mọi chi phí tàu xe thì bên kia họ sẽ chịu. Cũng là người nhà họ mới nhận bán giúp chứ không với giá cước 4.000 đồng/kg gấp đôi cân cà chua, thì chả biết bán ra còn được đồng lời nào không. Còn ở đây, giờ dân bán được chừng nào hay chừng đó, không cũng bỏ đi vì cà chín mà gặp mưa rất dễ bị nứt quả và hỏng,”anh An tặc lưỡi nói.

Lý giải nguyên nhân của việc giá thấp, các nông dân cho biết, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây cà chua phát triển, nắng ấm kéo dài, ít mưa, ít rét do đó cà chua rất được mùa sai quả và không tốn nhiều công chăm sóc, cũng không cần đến nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, nhiều bà con cũng mở rộng diện tích trồng nên dẫn đến sản lượng gia tăng mạnh khiến chênh lệch cung-cầu và giá giảm.

Giải "bài toán được mùa rớt giá" 

Ông Phạm Văn Thụy, Chủ tịch xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên cũng cho hay, mùa cà chua này nhiều hộ nông dân bị thất thu do giá thấp. Xã Trung Nghĩa cũng là một trong những vùng có quy hoạch trồng rau an toàn của địa phương, tuy nhiên thời điểm tháng 8/2016 do ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên nhiều ruộng rau mất trắng, sau đó nhiều người dân đã tiến hành gieo trồng lại ồ ạt nên dẫn đến tình trạng dư cung và ​chín rộ cùng lúc.

“Mọi năm, nếu thời tiết thuận lợi thì việc luân phiên, xen canh, gối vụ sẽ diễn ra theo đúng quy trình và thời điểm, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của mưa bão nên bà con bị nhỡ vụ. Chính vì thế, cà chua chín đồng loạt vào một thời điểm khiến giá thành bị hạ thấp,” Chủ tịch Phạm Văn Thụy nói.

Chủ tịch Phạm Văn Thụy cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các đơn vị cơ quan cũng như các doanh nghiệp có thể thu mua cà chua cho bà con với mức giá ưu đãi, giải quyết lượng cà chua tồn đọng hiện nay.

Hiện trên các trang cộng đồng mạng xã hội, nhiều người cũng đứng ra kêu gọi thu mua cà chua với mức giá hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, điều đáng nói đó là bao giờ câu chuyện nông sản được mùa, mất giá mới có được lời giải và lối phát triển mới?

Được biết, Đào Đặng là một trong hai khu vực của xã Trung Nghĩa trong vùng quy hoạch sản xuất nông sản an toàn của địa phương, tuy nhiên người dân nơi đây đang gặp không ít khó khăn để đưa nông sản của mình vươn ra thị trường rộng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Thụy cho ​biết chính quyền địa phương cũng hết sức trăn trở tước tình trạng cà chua rớt giá khiến bà con thất thu trong mùa vụ năm nay.

"Trong thời gian tới xã cũng đã có đề án mở rộng và phát triển vùng rau an toàn trên địa bàn lên khoảng 30ha. Theo đó, chính quyền địa phương cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia, kết hợp với việc tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và cơ cấu cây trồng cho bà con nông dân sản xuất quy mô, tạo sản phẩm chất lượng theo các tiêu chuẩn như VietGap... để nâng cao giá trị và có đầu ra ổn định hơn," Chủ tịch Phạm Văn Thụy nói./.

Tâm Uyên Lan (Vietnam+)
>

Làm ăn gian dối làm hại hạt cà phê

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nói thẳng về tình trạng này tại hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam - một trong những hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 đang diễn ra.

Thu hái cà phê xanh là một trong nhiều nguyên nhân khiến hạt cà phê Việt Nam bị thế giới đánh giá xấu về chất lượng. Trong ảnh: Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê - Ảnh: B.D

Theo ông Tuấn, hạt cà phê Việt Nam xuất đi thế giới sẽ tăng gấp đôi giá trị, nông dân và cả doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhuận xứng đáng nếu các doanh nghiệp biết liên kết cùng nhau, bỏ kiểu làm ăn gian dối đang làm hạt cà phê Việt Nam ở vị thế “cửa dưới” khi đàm phán, tham gia thị trường quốc tế.

Đàm phán “ở cửa dưới”

Chia sẻ về thực trạng ngành cà phê Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đều thống nhất hiện Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tổng sản lượng, cà phê Việt đang được bán đi 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá trị Việt Nam được hưởng rất nhỏ.

“Với ngành cà phê, tôi nghĩ nếu làm ăn có tâm chút thì sẽ làm được. Chứ làm theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, gian dối, cạnh tranh, chơi bẩn nhau thì mãi bị chèn ép khi ra thị trường thế giới” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Trong tổng giá trị đem lại của ngành cà phê thì cà phê nhân xô chiếm 10%. Dù làm ra hạt cà phê nhiều, nhưng Việt Nam chỉ nhận lại một phần trong khoảng 10% giá trị với số tiền khoảng 3 tỉ USD. Thực tế “phũ phàng” là dù không làm ra cà phê nhưng các “ông lớn” - các nhà rang xay trên thế giới - đều ở thế “cửa trên”, doanh nghiệp Việt Nam lại cơ bản luôn đứng ở “cửa dưới” khi tham gia đàm phán, thương thuyết. “Với những gì chúng ta đang có, đáng ra Việt Nam phải đứng ngang hàng khi đàm phán quốc tế. Nhưng để được như vậy phải có cách để hạt cà phê tốt, chất lượng” - chuyên gia Bạch Thanh Tuấn nói tại hội thảo.

Nhiều chuyên gia công nhận vẫn còn nhiều kiểu gian dối trong kinh doanh cà phê. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, tổng giám đốc Công ty cà phê Classic (Gia Lai), khẳng định vẫn còn doanh nghiệp vì hợp đồng và lợi nhuận của mình mà mua cà phê “bẩn”, chưa đạt chất lượng dẫn đến mất uy tín chung. Nhiều doanh nghiệp “ăn xổi”, chỉ mua ăn chênh lệch, chưa đầu tư vào vườn cà phê của nông dân. Đặc biệt, có tình trạng găm giá, biết có giá cao nhưng liên kết giữ giá mua thấp để triệt hạ doanh nghiệp nhỏ...

Theo ông Trần Đức Thanh - phó vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây nguyên, ngành cà phê mỗi năm tạo ra doanh thu khoảng 3 tỉ USD, năng suất cao gấp ba lần năng suất bình quân của thế giới. Nhưng đã hơn 100 năm có mặt, cà phê Việt Nam hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Chất lượng cà phê còn thấp, cà phê Việt Nam đa số xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị thu được chưa cao.

Đặc biệt, ông Thanh cũng nêu còn tình trạng doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh, chưa đặt lợi ích của nông dân lên khiến ngành cà phê Việt Nam chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chưa tạo thành chuỗi...

Doanh nghiệp cần mua trực tiếp của nông dân

Ông Lương Văn Tự - chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam - cho biết hiện nay thị trường cà phê nhân đang được sàn London và New York dẫn dắt. Hạt cà phê Việt Nam khi tới hai sàn này chưa có thương hiệu nên bị rao bán với cùng loại cà phê của các nước khác, trong khi giá trị hạt cà phê của Việt Nam có thể cao hơn. Muốn sửa được “lỗi” này phải bắt đầu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, thu mua...

Ông Tự cho biết cà phê Việt Nam hiện nay 95% được trồng từ vườn của nông dân, thu gom thông qua đội ngũ thương lái. Thương lái cố tình khống chế cà phê theo yêu cầu của họ nên khi được các doanh nghiệp mua lại, chất lượng cà phê không đảm bảo, cà phê xanh nhiều, ra thị trường quốc tế bị đối tác chê. Thậm chí có khi 20% cà phê bị thải loại do không đảm bảo chất lượng, từ đó làm mất uy tín hạt cà phê Việt Nam.

Theo ông Tự, muốn hạt cà phê trở về đúng giá trị mà nông dân được hưởng thì phải đầu tư bài bản, truy xuất nguồn gốc. Nông dân phải được bán cà phê trực tiếp cho doanh nghiệp và doanh nghiệp khuyến khích nông dân trồng cà phê có chất lượng. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chuyển hướng từ sơ chế qua rang xay, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường quốc tế, từ đó quảng bá chất lượng cà phê của mình, khẳng định tên tuổi bằng chất lượng.

“Nếu làm được như vậy thì bằng bán hàng rang xay, giá trị mà chúng ta được nhận lại sẽ cao gấp 2 lần so với bây giờ” - ông Tự nói. Ông Tự cũng cho biết về phần trách nhiệm của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, sắp tới hiệp hội sẽ ngồi lại để tái cơ cấu toàn diện ngành cà phê, rà soát tất cả vấn đề để từ đó nhìn nhận lại, tìm ra hướng đi cho ngành cà phê Việt Nam được trả về đúng giá trị xứng đáng.

Chỉ cần bắt tay với nhau...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định giá trị của ngành cà phê Việt Nam sẽ tăng lên nhiều lần nếu “bốn nhà” (gồm doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và Nhà nước - PV) chịu ngồi lại và bắt tay với nhau. Hướng đi của ngành cà phê tương lai phải là tận dụng khoa học công nghệ để sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận.

Chính quyền, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ quy trình thu hái, phân loại cà phê ngay từ khâu đầu tiên. Doanh nghiệp nào “làm ăn xấu”, chính quyền công khai lên phương tiện thông tin đại chúng. “Nếu không bỏ được tật chơi xấu thì đừng nói đến chuyện cạnh tranh. Doanh nghiệp nào cũng chỉ đặt lợi ích của mình mà không hợp tác, chia sẻ với đối tác, nông dân thì không thay đổi được” - ông Tuấn nói.

Thái Bá Dũng (Báo Tuổi Trẻ)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video