Tây Nguyên: Người trồng ‘cây vàng’ vất vả canh trộm dịp Tết

Năm nay thời tiết mưa nhiều, hồ tiêu chín muộn, nông dân ở Tây Nguyên phải canh trộm 24/24 giờ trong mấy ngày tết. Bởi chỉ sơ suất một giờ, một hộ dân có thể mất vài chục triệu vì… tiêu tặc.
Sáng mùng một tết Đinh Dậu, chị Nguyễn Thị Tú (xã Cư K’Pô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) tất bật mang cơm ra rẫy cho chồng. Chị Tú cho biết: “Mọi năm chúng tôi thu hoạch tiêu, phơi khô, chất vào kho rồi mới ăn tết. Nhưng năm nay mưa nhiều, đến giờ này tiêu vẫn còn xanh, chưa thu hoạch được. Mà nạn trộm tiêu hoành hành chưa từng thấy, chỉ sơ suất khoảng một tiếng đồng hồ là mất vài chục triệu như chơi”.
Cũng theo chị Thanh, tiêu tặc đứng dưới gốc tiêu, giật toàn bộ dây tiêu trên trụ xuống rồi mới tuốt trái. Do vậy không chỉ mất thu hoạch, mà vườn tiêu của người dân cũng bị phá hoại, phải mất 2 -3 năm sau mới phục hồi lại được.

Tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), nhiều gia đình nông dân ăn Tết tại rẫy tiêu, không đi chúc tết thăm xuân như mọi năm. Gia đình ông Lê Kỳ (xã H’Bông, huyện Chư Sê) có 6 người thì 4 người mang bánh chưng, dưa hành, kẹo mức ra căn lều giữa vườn tiêu cách nhà 3 cây số cùng ăn tết. “Hiện tại một tấn tiêu có giá 140 triệu, sản lượng cả vườn nhà tôi khoảng 20 tấn, sao dám để 3 tỉ bạc ngoài rẫy mà về nhà ăn tết được?” – ông Kỳ nói.
Cứ đến mùa tiêu (thông thường là trước tết), người trồng tiêu ở Tây Nguyên lại đứng ngồi không yên, không người dân bị trộm dọn sạch vườn, thiệt hại cả tỉ đồng, vườn tiêu xơ xác. Năm nay tiêu chín muộn, nông dân lại vất vả canh trộm dịp tết, tuy vậy người dân vẫn rất phấn khởi vì đầu năm mới sẽ thu được tiền tỉ. Từ sáng nay (mùng 4 tết), các nhà vườn ở Tây Nguyên bắt đầu ra quân thu hoạch tiêu, cùng với niềm hi vọng cả năm sẽ được may mắn, mùa màng bội thu.
>

Mùng 3 tết, rau ê hề siêu thị, giá rau xanh ở chợ cao

Mùng 3 Tết (30-1), nhiều hệ thống siêu thị đồng loạt mở cửa trở lại. Ghi nhận của TT cho thấy các mặt hàng như rau củ quả, thịt heo, hoa quả được nhà bán lẻ chuẩn bị nguồn hàng khá tốt.

Ở nhiều siêu thị, hàng rau vẫn khá dồi dào, tươi nhờ chuẩn bị nguồn hàng sau tết tốt  - Ảnh: Như Bình

Mặt hàng được bà nội trợ “săn” nhiều nhất trong năm mới là rau xanh, củ, quả nên khu vực hàng tươi sống của các siêu thị khá đông đúc.

Tại siêu thị Big C Gò Vấp, quầy rau xanh đầy ắp rau tươi không khác ngày thường, các bà nội trợ kỹ lưỡng chọn rau, không có cảnh “tranh mua” như trước Tết.

Chị Thuỷ, ngụ phường 5, Q.Gò Vấp cho biết, sau nhiều ngày tiệc tùng với thịt, bánh chưng... chị muốn mua rau thơm để nấu món phở cho gia đình nên rất cần rau thơm ăn kèm.

“Rau thơm như húng, bạc hà, ngò tây.... rất tươi, xanh, chọn nhiêu cũng có. Đầu năm mà mua được rau như vậy thì giá cả cũng không quan tâm nhiều”, chị Thuỷ vừa lựa hàng vừa cho biết. Trong khi đó, quầy thịt tươi sống và thủy hải sản cũng có sẵn hàng tươi, tuy nhiên khách mua ít hơn.

Rau Đà Lạt tươi mơn mởn ở một quầy siêu thị - Ảnh: Như Bình

Theo đại diện hệ thống Big C, từ mùng 2 Tết, bảy siêu thị trong hệ thống gồm siêu thị gồm Big C Miền Đông, Big C Gò Vấp, Big C Trường Chinh, Big C Đà Lạt, Big C Quy Nhơn, Big C Bắc Giang và Big C Ninh Bình) đã mở cửa phục vụ.

Từ mùng 3 Tết, toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại, nhờ kế hoạch chuẩn bị hàng trước và sau Tết nên mở cửa đầu năm, các siêu thị không bị rơi vào tình trạng hụt hàng. Cũng mở cửa từ mồng 2 Tết, nhưng hệ thống Co.opmart chỉ hoạt động nửa ngày, từ 8g đến 12g. Lịch mở cửa này kéo dài đến ngày mồng 5 Tết, từ mồng 6 trở đi Co.opmart quay về lịch hoạt động bình thường.

Theo quan sát, hàng rau củ quả tại hệ thống này vẫn giữ giá trước Tết, rẻ hơn so với giá ở chợ lẻ tuy nhiên, hàng lại không có nhiều đặc biệt là các loại rau, trứng và thuỷ hải sản tươi sống.

Tại siêu thị Emart Gò Vấp, từ sáng sớm mồng 3 Tết, bãi giữ xe đã đông như ngày thường khi lượng khách đổ về đây mua sắm, vui chơi nhộn nhịp. 

Phía trước khu vực kinh doanh hàng tự chọn, các hoạt động khuyến mãi, tổ chức hoạt náo của các thương hiệu thu hút đông trẻ nhỏ tham gia, tạo không khí đông vui. Ở phía bên trong siêu thị, quầy hàng rau xanh tầm trưa đã vơi sạch, nhân viên thu dọn các kệ hàng.

Quầy rau xanh đông khách nhanh chóng hết hàng tại một siêu thị ở Gò Vấp trong ngày mùng 3 - Ảnh: N.Bình

Tuy vậy, khách vẫn có thể lựa chọn loại rau đóng sẵn từ nguồn rau sạch, rau thuỷ canh... của các doanh nghiệp được nhập trong ngày 30-1. Trong khi đó, Lotte Nam Sài Gòn (Q.7) là địa điểm ít ỏi mở cửa xuyên Tết, lượng khách ngày mồng 3 Tết bắt đầu đông hơn so với hai ngày trước, rau xanh, trái cây, thịt tươi sống vẫn là mặt hàng được chọn mua nhiều nhất.

So với mọi năm, các siêu thị nghỉ Tết ít hơn do tâm lý của người dân hiện không còn mua trữ hàng trước Tết, nhiều gia đình chọn đón Tết tại ở TP. Vì vậy, ngay khi mở cửa, lượng khách đến mua sắm, vui chơi khá nhộn nhịp. Một số nơi còn triển khai chương trình khuyến mãi đặc biệt đầu năm.

Theo bộ phận thu mua của các siêu thị, ước tính, có khoảng 100 loại rau đạt chuẩn VietGAP được kinh doanh dịp Tết Đinh Dậu 2017 tại các hệ thống siêu thị, trong khi tổng mặt hàng gia súc gia cầm kinh doanh trong dịp này cũng được tăng thêm 20-30% do đó hàng hoá khá dồi dào trong ngày đầu năm. Giá xương đuôi heo 71.900 đồng/kg, thịt ba rọi: 80.000-95.000 đồng/kg tuỳ loại,

Giá rau xanh ở các chợ lẻ vẫn theo tâm lý giá Tết. Tuy ngay từ mồng 1 tết nhiều sạp đã mở cửa buôn bán nhưng tính đến mồng 3, số sạp bán rau củ, thuỷ hải sản, hoa quả.. vẫn khá khiêm tốn do vậy giá nhiều mặt hàng tăng cao, khách mua vắng.

Giá rau xanh ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) 20 đến 30% so với trước Tết như cải bẹ xanh: 30.000 đồng/kg, mồng tơi: 10.000 đồng/kg… Bà Minh, ngụ Q.Bình Thạnh, cho biết mua một ít rau thơm ở chợ gần nhà hết 15.000 đồng trong khi với lượng này, giá ngày thường khoảng 10.000 đồng.

Theo tiểu thương chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), giá rau xanh đã cao từ trước Tết do thời tiết mưa nắng thất thường, sau Tết hàng chưa nhiều nên vẫn phải bán cao.

N.Bình (Báo Tuổi Trẻ)
>

WB dự báo giá 46 mặt hàng nông sản đến năm 2030

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo về triển vọng thị trường hàng hóa, trong đó đưa ra dự báo giá của 46 mặt hàng từ nay đến năm 2030. Theo báo cáo này, giá cả một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam có xu hướng tăng trong năm nay.


Báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa (Commodity Markets Outlook) trình bày khá chi tiết các mặt hàng như năng lượng (dầu), kim loại, sản phẩm nông nghiệp, kim loại quý và phân bón...

Ngoài việc đưa ra những thông tin liên quan ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nói trên, báo cáo cũng đưa ra dự báo giá của 46 mặt hàng khác nhau trong những năm tới. Những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê, cao su, thủy sản đều có trong báo cáo này.

Theo dự báo của WB, giá cà phê robusta - Việt Nam là nước sản xuất đứng đầu thế giới mặt hàng này - có xu hướng tăng trong những năm tới. Cụ thể, năm 2016, giá cà phê robusta ở mức 2,08 đô la Mỹ/kg nhưng năm 2017 sẽ có mức giá 2,32 đô la Mỹ/kg và giảm nhẹ còn 2,25 đô la Mỹ/kg vào năm 2019; sau đó, giảm dần vào những năm sau, cuối cùng đến năm 2030 chỉ còn 1,66 đô la Mỹ/kg. Như vậy, theo WB, giá cà phê robusta sẽ giảm dần từ sau năm 2020.

Đối với mặt hàng gạo, WB lấy gạo 5% tấm của Thái Lan làm sản phẩm chính để đưa vào dự báo. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan trong năm 2017 là 406 đô la Mỹ/tấn, trong khi năm 2016 là 422 đô la Mỹ/tấn. Những năm sau đó, gạo 5% tấm của Thái Lan sẽ giảm dần ở mức dưới 400 đô la Mỹ/tấn và thấp nhất vào năm 2030 với mức giá 365 đô la Mỹ/tấn.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giá gạo của quốc gia này luôn được các nước nhập khẩu tham chiếu để quyết định giá mua gạo của các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng dựa vào giá gạo của Thái Lan để đưa ra giá gạo xuất khẩu cho doanh nghiệp hội viên tham khảo.

Trong khi các mặt hàng nông nghiệp chính của Việt Nam có xu hướng giảm giá thì giá bắp (ngô) lại ổn định. Theo WB, giá bắp trong những năm tới ở mức 169 đô la Mỹ/tấn. Ảnh: NH


Đối với mặt hàng thủy sản, WB chọn con tôm. Theo WB, giá tôm trong năm 2017 sẽ là năm cao nhất kể từ trước đến nay với mức giá 12,65 đô la Mỹ/kg và sau đó giảm gần theo các năm.

Giá sản phẩm vật tư nông nghiệp như các loại phân bón DAP, ure cũng được dự báo giảm liên tục trong những năm tới.

Tuy nhiên, mặt hàng cao su lại có chiều hướng ngược khi được dự báo giá sẽ tăng trong thời gian tới. Cụ thể, giá cao su loại RSS3 trong năm 2016 là 1,71 đô la Mỹ/kg sẽ tăng mạnh trong năm 2017 ở mức 2,21 đô la Mỹ/kg; sau đó vẫn giữ mức trên 2 đô la Mỹ/kg trong những năm tiếp theo và chỉ thấp hơn mức giá này vào năm 2030 khi còn 1,99 đô la Mỹ/tấn.

Tất cả những dự báo về diễn biến giá cả này được WB lấy mức giá năm 2010 là giá mốc để tính toán.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)
>

Một hecta đất trồng chuối cho doanh thu gấp chục lần vốn ban đầu

Nhờ ứng dụng mô hình VietGAP cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, một ha đất trồng chuối tiêu hồng tại Hưng Yên cho doanh thu gấp cả chục lần vốn đầu tư ban đầu.
Chuối chuẩn bị được xếp vào thùng và đem ra thị trường
Chuối tiêu hồng được xếp ngay ngắn chuẩn bị đem tiêu thụ. Ảnh: Bizmedia.

Cụ thể, nếu bỏ ra 20 triệu đồng cho một hecta trồng chuối, bà con có thể thu về 350 triệu đồng trên một hecta mỗi năm. Hộ dân nào càng có nhiều diện tích đất trồng, sản lượng thu hoạch và doanh thu càng lớn.

Một trong những người tiên phong đưa giống chuối tiêu hồng về Khoái Châu, Hưng Yên là anh Phạm Năng Thành ở xã Đại Tập. Anh Thành cho biết, giống cây này dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai tại quê hương lại cho năng suất cao nên anh quyết định mở mô hình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn.

Cuối năm 2014, anh Thành và bà con địa phương tận dụng 30 hecta đất nông nghiệp để trồng chuối theo mô hình VietGAP. Theo đó, các khâu từ chọn giống đến trồng, chăm sóc và đóng gói đều tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn này. Nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật chăm sóc, mỗi ngày cơ sở sản xuất chuối của anh Thành xuất khẩu khoảng 20 tấn sang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia..., chưa kể thị trường trong nước.

Hướng tới việc thiết lập thương hiệu chuối sạch, an toàn của quê hương, anh Thành luôn chú trọng tới mô hình trồng. Cụ thể, ở khâu chọn cây giống, anh áp dụng kỹ thuật trồng bằng phương pháp cấy mô tế bào. Ưu thế của phương pháp này là giúp cây chuối sạch bệnh, sinh trưởng tốt, tăng năng suất lên 20-30% so với cách trồng bằng cây con lấy từ gốc mẹ. Ngoài ra, chuối được trồng đan xen thành nhiều lô, giúp người dân địa phương thu hoạch quả quanh năm.

Cũng như anh Thành, các hộ nông dân ở đây đều ghi chép lại quá trình phát triển của cây nhằm theo dõi sát sao, đồng thời, kiểm soát lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ví dụ, vào tháng 9, người trồng sẽ dừng hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tránh tồn dư lưu lượng hóa chất trong quả, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn khi thu hoạch.

Chuối tiêu hông xanh: - ảnh: chuoi3t
Cận cảnh quả chuối tiêu hồng của người dân Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: chuoi3t.

Trong quá trình chăm sóc, cứ 2 tháng, nhân công sẽ bón lót một lần, tưới tiêu đều đặn, nhổ cỏ dại để cây sinh trưởng tốt. Các loại phân hữu cơ như đỗ tương, ngô xay nhỏ hay tro bếp được sử dụng để cung cấp đạm, kali tự nhiên cho cây. Bên cạnh đó, anh Thành cũng đầu tư cho vườn chuối của mình hệ thống tưới tự động, giàn phun mưa và tận dụng nguồn nước giếng khoan sâu hơn 45 mét, không chứa chì hay sắt. Nguồn đất trồng cũng được kiểm tra để đảm bảo không nhiễm hóa chất độc hại.

Khi cây bắt đầu bói quả, người nông dân dùng túi chuyên dụng để bọc buồng chuối, tránh sâu bệnh, côn trùng tấn công và tạo hình đẹp cho các nải. Tới thời điểm thu hoạch, chuối thành phẩm được vận chuyển tới nhà xưởng để làm sạch và sát trùng bằng Cloramin B nhằm loại bỏ vi trùng, vi khuẩn. Cuối cùng, các công nhân tại nhà máy sẽ đóng gói và dán nhãn đầy đủ cho sản phẩm chuối tiêu hồng an toàn Khoái Châu.

Tháng 12/2015, Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định số 70428/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu "Chuối tiêu hồng Khoái Châu". Với chứng nhận này, sản phẩm chuối của địa phương không chỉ được nâng tầm giá trị mà quyền lợi hợp pháp của những hộ dân trồng và sản xuất chuối cũng được bảo đảm.

Hà Anh
>

Nông sản sạch được ưa chuộng dịp Tết

Gà Hồ, thịt lợn rừng, rau hữu cơ, thịt trâu gác bếp... là những thực phẩm được nhiều gia đình lựa chọn.
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet
Gà Hồ.
Những ngày giáp Tết, làng Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) luôn tấp lập người mua gà Hồ "tiến vua". Giống gà này có mã đẹp, lông bóng mượt, đôi chân to có vảy mịn, mào kép. Để nuôi được giống gà Hồ đạt chuẩn, người dân Lạc Thổ dành nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị thức ăn, xây dựng chuồng trại sạch sẽ. Tất cả thức ăn, nước uống đều đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con gà Hồ trưởng thành nặng 4-6 kg, thịt có màu hồng, thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Giá gà Hồ dao động 400.000-450.000 đồng một kg.
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-1
Thịt lợn rừng lai.
Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm thiết yếu của hầu hết các gia đình trong mỗi dịp Tết. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm thịt rừng lai của bà con huyện Tân Sơn (Phú Thọ) luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Loại lợn này được nuôi theo phương thức bán tự nhiên, chỉ ăn chất xơ, không cám công nghiệp nên tỷ lệ nạc lên tới 90%, thịt chắc, thơm. Khoảng một tháng trước Tết, thương lái và nhiều người sành ăn bắt đầu về địa phương thu mua lợn rừng lai. Giá bán tại chuồng là 130.000 đồng một kg. 
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-2
Rau hữu cơ.
Bên cạnh thịt gà, lợn..., rau xanh cũng là thứ không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Tại xã Thanh Xuân (Hà Nội) những ngày này, người nông dân gấp rút chuẩn bị rau để phục vụ cho dịp Tết. Rau xanh được trồng theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân hóa học... Hơn nữa, người nông dân địa phương còn tuân thủ chặt chẽ các quy định về đất trồng, nước tưới, bón phân phòng trừ sâu bệnh. Những sản phẩm rau an toàn này đang có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội.
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-3
Thịt trâu gác bếp.
Đây là món ăn được nhiều người yêu thích nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng. Những tháng cuối năm, bà con vùng cao tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) tất bật mổ trâu, làm món thịt gác bếp. Thịt lấy từ những con trâu nuôi thả trên các sườn đồi, nương lúa. Theo phương pháp truyền thống, sau khi tẩm ướp các loại gia vị như muối, ớt, mắc khén, tiêu rừng..., thịt sẽ được đem hun khói từ củi cây rừng. Sau 2-3 tháng, bà con có thể thu được thịt trâu thành phẩm. Tuy nhiên, ngày nay, với lò sấy khô bằng than củi, đốt lửa liên tục trong vòng 10 ngày, bà con có thể cho ra những mẻ thịt trâu đạt tiêu chuẩn với màu nâu sậm bên ngoài, màu hồng ở bên trong; phần thịt phía ngoài cứng nhưng bên trong vẫn mềm. Mỗi kg thịt trâu thành phẩm có giá là 850.000 đồng. Thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh...
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-4
Cà chua bi sô cô la. 
Đây là một giống cà chua bi có màu nâu sô cô la của Hà Lan, hương vị ngọt mát, ít chua. Người dân Đà Lạt đang trồng loại nông sản này theo mô hình an toàn trong nhà lưới và trên nền đất đỏ bazan màu mỡ. Trái có thể hái tại vườn và ăn ngay mà không cần rửa. Trong bữa cơm ngày Tết, cà chua bi sô cô la sẽ giúp làm mới vị giác sau khi ăn nhiều đồ dầu mỡ. Người tiêu dùng có thể mua loại cà chua này tại hệ thống siêu thị Metro, Co.opmart và BigC.
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-5
Bưởi hồ lô khắc chữ.
Không chỉ có hình dáng độc, lạ, trái bưởi hồ lô Hậu Giang còn mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Trên mỗi trái đều khắc chữ phúc, lộc, thọ hay hình thỏi vàng, đồng tiền. Đây được xem như lời chúc phúc, an lành, phát tài, phát lộc cho gia chủ trong dịp năm mới. Để tăng tính thẩm mỹ, những quả bưởi có da bóng đẹp, không trầy xước còn nguyên cuống, lá và cành sẽ được vệ sinh sạch sẽ trước khi được đưa ra thị trường. Mỗi cặp bưởi hồ lô có giá khoảng 1,2 triệu đồng, có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM...
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-6
Hồng treo.
Vài năm trở lại đây, hồng treo Đà Lạt được nhiều thực khách ưa chuộng bởi độ mềm, dẻo và bên trong có nhiều mật ngọt. Hồng treo được làm từ những trái hồng tươi trồng theo phương thức tự nhiên sau đó sấy khô theo công nghệ Nhật Bản. Sau khoảng 3 tuần, chỉ nhờ ánh nắng mặt trời và không khí, những trái hồng vàng tươi dẫn chuyển màu nâu cánh gián với hương vị thơm ngon, không chất phụ gia, an toàn cho sức khỏe. Giá bán một hộp hồng sấy khô từ 16 đến 20 trái là 500.000 đồng.
 nong-san-sach-duoc-ua-chuong-dip-tet-7
Hạt macca.
Hạt macca Đà Lạt cũng là một trong những nông sản được nhiều người yêu thích dịp Tết. Hạt có hình tròn, màu kem sữa, vị thơm mềm, ngọt thanh và béo như bơ. Hạt macca chiếm 87% axit béo không no, 9,2% protein... nên có tác dụng phòng trừ xơ cứng động mạch, huyết áp... Tại Đà Lạt, trước khi tới tay người tiêu dùng, hạt macca sẽ được phơi gió trong 3 tháng rồi sấy khô và làm nứt vỏ nhưng không sử dụng chất tạo màu, tạo mùi. Giá bán dao động khoảng 370.000 đồng một kg, có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng...

Huệ Chi
>

Giá cà phê trong nước lên cao kỷ lục

Giá cà phê tăng khi nông dân ngừng bán nhưng giới nhập khẩu cũng ngưng mua do lo ngại giá biến động mạnh.
Giá cà phê trong nước tăng cao kỷ lục, theo đà tăng của giá hợp đồng kỳ hạn trên sàn London. Trong khi đó, thị trường đang chững lại, do nông dân ngừng bán bởi kỳ vọng giá cao hơn, giới thương nhân cho biết hôm thứ Ba (17/1).
Giá cà phê tại Đắk Lắk lên cao kỷ lục 46.300 – 46.500 đồng (tương đương 2,05 – 2,06 USD) mỗi kg trong phiên thứ Ba, tăng nhẹ so với mức 45.000 – 45.500 đồng cách đây một tuần.
gia-ca-phe-trong-nuoc-len-cao-ky-luc
Giá cà phê trong nước ngày 21/01/2017
“Nông dân không mấy háo hức bán ra, vì họ kỳ vọng giá sẽ cao hơn nữa”, Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích độc lập cho Reuters biết. Ông cho rằng, các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không muốn mua do quan ngại giá sẽ biến động mạnh trước kỳ nghỉ Tết. Kỳ nghỉ lớn nhất trong năm nay của Việt Nam sẽ kéo dài từ ngày 26/1 đến 1/2.

Các nhà xuất khẩu đã chuyển sang báo giá dựa theo hợp đồng giao trong tháng Năm. Giá của hợp đồng này đã tăng khoảng 3% trong vòng một tuần qua và đứng ở 2.235 USD/tấn hôm thứ Hai.
Giá cà phê robusta BB 5% loại 2 tại Việt Nam cũng đã giảm xuống còn thấp hơn 80 – 85 USD/tấn dưới mức giá hợp đồng kỳ hạn tháng Năm trên sàn ICE, từ mức 70 USD thứ Ba tuần trước.
Việt Nam hiện là nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới. Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 1,78 triệu tấn cà phê (tương đương 29,7 triệu bao), tăng 32,8% so với năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm ngoái cũng tăng 24,9% lên 3,34 tỷ USD. Riêng trong tháng 12, xuất khẩu cà phê tăng 29% so với tháng trước đó, đạt 148.000 tấn.
Theo Nhipcaudautu.vn
>

Giá rau Đà Lạt 'nhấp nhổm' tăng

Theo dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, giá rau củ sẽ tăng khoảng 30% so với dịp tết năm ngoái. Ghi nhận giá nông sản tại cửa vườn đã tăng 20% so với những ngày bình thường.

Các nhà xưởng sơ chế đang hoạt động hết công suất để kịp đưa rau đi các tỉnh thành - Ảnh: Mai Vinh

Do ảnh hưởng của các đợt lũ và mưa muộn, sản lượng rau tại vùng rau lớn của Lâm Đồng như TP Đà Lạt, các huyện Đức Trọng và Đơn Dương bị sụt giảm mạnh, trong đó chủ yếu là các loại rau củ thông dụng như xà lách, cải, cà chua, khoai tây, cà rốt… 

Ưu tiên cho siêu thị 
đã ký hợp đồng

Các đơn vị cung ứng rau lớn tại Đà Lạt đang trong trạng thái hoạt động hết công suất để kịp sơ chế nông sản chuyển đi TP.HCM và các tỉnh thành.

Theo số liệu hợp đồng cung ứng nông sản tính từ 23 tháng chạp đến 15 tháng giêng từ các đơn vị cung ứng lớn như HTX Anh Đào, Công ty Phong Thúy, Công ty Thảo Nguyên..., tổng lượng nông sản chuyển về TP.HCM và các tỉnh tăng gấp 4 lần so với ngày thường.

Ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc HTX Anh Đào, cho biết các đơn vị ưu tiên cung cấp đủ sản lượng rau đã ký hợp đồng với các siêu thị trước đó, chỉ khoảng 20% lượng nông sản bán ra chợ đầu mối các tỉnh.

“Kênh chợ đầu mối, chợ lẻ sẽ thiếu hụt khoảng 20% so với dịp tết trước” - ông Thừa cho biết. Theo ông Thừa, hiện mỗi ngày HTX này cung cấp cho TP.HCM và đưa ra Hà Nội khoảng 80 tấn, dự kiến sẽ tăng lượng bán lên 200 tấn từ 25 tháng chạp.

Các siêu thị cho biết trước 27 tháng chạp sẽ không thể bán hết lượng hàng lớn nhưng các tổng kho phải hoạt động hết công suất để trữ hàng cho những ngày giáp tết và trong dịp tết.

Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, phụ trách thu mua tại Công ty Phong Thúy (huyện Đức Trọng) - đơn vị cung ứng nông sản lớn cho TP.HCM, cũng cho biết phải thuê thêm hàng chục công nhân thời vụ để đóng gói và làm sạch nông sản nhằm kịp tiến độ giao hàng.

Toàn bộ nông sản của công ty cũng chủ yếu cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM và Bình Dương, chỉ cung cấp một ít cho các chợ đầu mối nông sản tùy theo nguồn cung của từng loại nông sản.

“Cà chua khan hiếm nên chúng tôi không bán ra ngoài một quả nào cả, dành hết cho siêu thị. Có thể nói gần 90%sản lượng nông sản dịp tết bán hết cho siêu thị” - bà Thúy cho biết.

Thương lái gom rau non

Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết các siêu thị liên kết với đơn vị cung ứng nông sản tại địa phương và nông dân khá sớm, không chỉ ký hợp đồng mà các nhà phân phối này còn tạm ứng tiền mua nông sản để nông dân tính toán đầu tư.

Do đó, dù sản lượng rau tại Đà Lạt bị thiếu hụt, các nhà sản xuất và nông dân vẫn ưu tiên giao hàng theo hợp đồng.

“Các nhà cung ứng và nông dân tại Đà Lạt cũng từng đặt vấn đề liên kết với các đối tác ngoài siêu thị nhưng không thành công, nên khó có thể nói nông dân thiếu công bằng trong việc cung ứng nông sản” - ông Sơn nói.

Do nguồn cung thiếu hụt, nhiều thương lái (chủ yếu là các vựa rau lớn tại TP Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng) đã tổ chức thu gom rau non, phần lớn lượng rau có thể thu hoạch từ 25 tháng chạp đến giữa tháng giêng đều đã được thương lái thu mua.

Bà Nguyễn Ngọc Bích, vựa rau Ngọc Bích (huyện Đức Trọng), cho biết một số loại rau chỉ thu hoạch sau 75 ngày xuống giống, nhưng chưa đến 60 ngày cũng được thương lái mua ngay với giá bằng giá rau đủ tuổi.

“Do chưa đủ tuổi, nhiều loại rau sẽ không ngon nhưng phải gom cho đủ rau” - bà Bích thừa nhận.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có hiện tượng thương lái gom hàng để tìm cách đẩy giá nông sản lên cao. Sau khi thu mua rau ngay trên vườn, thương lái neo hàng để tạo sốt giá rồi bán ra 
từ từ.

Ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - cho rằng người tiêu dùng nên thay đổi thói quen mua sắm để tránh bị lợi dụng tạo nên những trận sốt giá.

“Thay vì mua nông sản nhiều rồi trữ trong tủ lạnh, chỉ nên mua vừa đủ dùng bởi nhiều siêu thị hay chợ nghỉ khoảng hai ngày rồi hoạt động lại. Nếu không, giá rau củ và nhiều nhu yếu phẩm sẽ bị đội giá” - ông Hưng khuyến cáo.

TP.HCM: sẽ đưa rau truy xuất ra chợ truyền thống

Phát biểu tại buổi triển khai chương trình “Nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tại TP.HCM” ngày 18-1, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau quả là cần thiết và được người tiêu dùng hoan nghênh, hưởng ứng.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, hoạt động này không nên dừng lại ở các siêu thị mà cần mở rộng ra chợ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Để làm được điều này cần mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan ban ngành.

“Trước mắt có HTX Phú Lộc và Phước An tham gia chương trình truy xuất nhưng số lượng rau còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, cần huy động thêm nhiều HTX nông nghiệp khác tham gia, tạo thành chuỗi liên kết bền vững, có giá trị và đạt chất lượng cao” - ông Liêm nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM - cho biết chương trình được triển khai đồng loạt tại các điểm của siêu thị Co.op Mart với 33 điểm, Big C (10 điểm), siêu thị Lotte Q.7, chợ phiên nông sản an toàn tại Kỳ Hòa (Q.10)... Số lượng rau được truy xuất 5,3 tấn/ngày do HTX Phú Lộc và Phước An cung cấp và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Nhân - tổng giám đốc Saigon Co.op, một trong những đơn vị tham gia chương trình này - cho biết mỗi ngày hệ thống này sẽ phân phối từ 100-120 tấn rau củ quả có truy xuất nguồn gốc.

So với nhu cầu của khách hàng trong dịp tết, con số này còn quá thấp nên cần mở rộng ra nhiều nhà cung cấp khác, bên cạnh hai HTX tham gia chương trình này.

Cùng ngày, ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) cho thấy rất đông khách hàng tìm hiểu, dùng điện thoại truy xuất thử nguồn gốc rau quả.

Cầm trên tay bó rau cải ngọt xanh mướt sau khi hí hoáy dùng điện thoại truy xuất, chị Mỹ Duyên (đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh) cho biết rất hài lòng về thông tin hiển thị trên smartphone.

Theo chị Duyên, trong khi thịt heo chỉ mới truy xuất được nơi nuôi, giết mổ và vận chuyển thì thông tin về rau lại chi tiết và đầy đủ hơn, như ngày giờ bón phân, loại thuốc bảo vệ, nông dân trồng theo tiêu chuẩn nào...

“Đây là thông tin rất hữu ích cho người dùng, nên mở rộng hoạt động này ra các chợ truyền thống bởi nhiều người dân hiện vẫn có thói quen mua hàng tại chợ truyền thống” - chị Duyên nói. Công Trung

Mai Vinh (Báo Tuổi Trẻ)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video