Hai trung tâm giao dịch hoa sẽ được xây dựng ở hai thành phố và
kết nối với nhau bằng hệ thống phân phối hiện đại, được học tập kinh nghiệm từ
Nhật Bản và Hà Lan.
Theo kế hoạch của UBND
Thành phố Đà Lạt, Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt sẽ được xây dựng với quy mô
11.700m2 gần thác Prenn. Trung tâm này có công suất thiết kế 2,5 triệu cành
trong ngày cao điểm, khối lượng giao dịch khoảng 550 triệu cành trong một năm.
Trong khi đó, Trung tâm giao dịch hoa TP HCM sẽ có diện tích 14ha, được xây
dựng tại Chợ đầu mối Bình Điền. Ngay trong năm 2017, trung tâm sẽ được tiến
hành xây dựng giai đoạn một với kinh nghiệm học tập từ Hà Lan.
Hai trung tâm này sẽ
là nòng cốt hình thành chuỗi cung ứng lạnh, tức toàn bộ quy trình sau thu hoạch
đến bảo quản hoa đều được thực hiện trong môi trường lạnh nhằm duy trì chất
lượng hoa tốt nhất. Cụ thể, hoa sẽ được nhà vườn mang đến Trung tâm giao dịch
hoa Đà Lạt để xử lý, đóng gói, đưa vào hệ thống làm mát và trữ mát. Sau đó, hoa
sẽ được vận chuyển bằng xe lạnh về Trung tâm giao dịch hoa TP HCM để tiếp tục
phân phối đi các nơi, thậm chí là xuất khẩu.
Hai Trung tâm giao dịch hoa tại TP HCM và Đà Lạt sẽ học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành
của Hà Lan và Nhật Bản.
Ông Tôn Thiện San –
Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, với diện tích canh tác khoảng 7.760
hécta, sản lượng khoảng 2,4 tỷ cành mỗi năm, Đà Lạt là vùng trồng hoa lớn nhất,
chiếm 40% diện tích và đến 50% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, ngành hoa tại đây
còn nhiều khó khăn như: giá trị gia tăng chưa cao, xử lý sau thu hoạch còn kém,
tỷ lệ hao hụt hớn và sản lượng xuất khẩu thấp, chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, TP
HCM là thị trường tiêu thụ hoa chính của Đà Lạt nên việc kết hợp với TP HCM để
xây dựng hệ thống phân phối mới là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng hoa và
tạo một mặt bằng giá cả công bằng, minh bạch.
“Thị trường hoa của Đà
Lạt chủ yếu vẫn xuất về TP HCM. Chính vì vậy, sự kết hợp giữa Trung tâm giao
dịch hoa Đà Lạt và Trung tâm giao dịch hoa TP HCM là hết sức quan trọng. Chúng
tôi coi đây là biệp pháp chiến lược, giúp điều phối thị trường một cách tốt
nhất.”, ông Tôn Thiện San nhận định.
Tuy nhiên, phản hồi về
kế hoạch lập chuỗi phân phối kiểu mới, một số thương nhân tại 4 chợ chuyên
doanh hoa hiện có của TP HCM là: Đầm Sen, Hồ Thị Kỷ, Bình Điền và Thủ Đức tỏ ra
lo ngại. Hai khúc mắc chính là việc vận chuyển lạnh theo tiêu chuẩn đóng thùng
của Nhật Bản sẽ làm giá hoa đội lên cao. Đó là chưa kể không ít thương nhân đã
quen với hệ thống phân phối truyền thống và địa điểm kinh doanh cũ nên việc tập
trung vào một trung tâm giao dịch hoa là bài toán không dễ. “Hiện nay nhà vườn
đóng số lượng cành cho một thùng rất nhiều vì giá vận tải cao. Nếu đóng theo
chuẩn của Nhật Bản là họ sẽ lỗ nặng. Mà đóng như vậy thì nhà vườn không biết
chứ thương nhân chúng tôi về tới đây là thiệt hại nhiều lắm. Nhiều khi 100 bó
thì chỉ còn dùng được 60-70 bó mà thôi. Điều này rất tiếc cho nhà vườn Đà Lạt
nhưng nếu làm đúng quy trình mới thì nhà vườn Đà Lạt nói thẳng ra là họ không có
ăn”, đại diện các thương lái ở chợ hoa Đầm Sen cho biết.
Ở góc độ nhà vườn, ông
Nguyễn Đình Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt lại cho rằng, nếu áp dụng tốt
quy trình mới thì chi phí tiết kiệm ở phần hao hụt do chế biến, vận chuyển và
bảo quản theo cách cũ sẽ dư sức chi trả chi phí vận tải tăng thêm. Ông cũng cho
rằng, việc đóng gói hoa theo chuẩn, giúp hoa có chất lượng tốt hơn thì dù giá
có cao vẫn sẽ có thị trường tiêu thụ. “Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam chơi
rất sang, nhập một cành hoa hồng Ecuador đến 150.000 đồng, trong lúc Hà Lan hay
Nhật Bản còn chưa dám mua. Rõ ràng, nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn, tại
sao chúng ta không làm”, ông Sơn bình luận.
“Hiện trạng ngành hoa
ở Việt Nam bây giờ cũng giống như Nhật Bản 70 năm trước. Lúc đó người bán cũng
ngại, cũng không tin là đóng gói đẹp sẽ bán được giá mà sợ đắt hơn. Nhật mất 70
năm để chuyển đổi hoàn toàn từ mô hình kinh doanh hoa truyền thống sang hiện
đại, nhưng chúng tôi tin sẽ hỗ trợ kinh nghiệm để Việt Nam rút ngắn thời gian
này. Đối với cách thức phân phối hiện đại, nhu cầu thị trường sẽ được cập nhật
qua một hệ thống rõ ràng. Ở Nhật, với hệ thống này, người trồng dễ dàng nhận
biết nhu cầu để từ đó thường xuyên thay đổi mặt hàng trồng phù hợp”, ông Ryoji
Kato – Chánh văn phòng Chợ đấu giá hoa OTA Nhật Bản nhận xét và cho rằng chính
chuỗi cung ứng mới sẽ giải quyết được nạn cung vượt cầu khiến hoa thường xuyên
rớt giá ở Việt Nam vì mọi thông tin đã được minh bạch, rõ ràng và tập trung.
Ông Đào Như Minh –
Phòng dự án Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, đơn vị đầu tư Trung tâm giao dịch
hoa TP HCM thừa nhận, dự án cũng đang còn gặp một số khó khăn do chồng lấn giữa
phương thức kinh doanh cũ với phương thức kinh doanh mới. Tuy nhiên, ông cho
biết, dự án hiện không có tham vọng chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh hoa
từ cũ sang mới mà sẽ cùng tồn tại với chuỗi cung ứng truyền thống. Ban đầu dự
án sẽ thu hút những nhà vườn quy mô lớn, muốn kinh doanh theo phương thức hiện
đại, bán hoa chất lượng cao. Tương tự, với thương nhân tại TP HCM, tùy đối tượng
khách hàng nhắm đến hay có nhu cầu hướng đến xuất khẩu thì các thương nhân sẽ
tự nguyện tham gia.
>> Thu 2 tỷ đồng mỗi năm từ một hecta hoa Lâm Đồng
>> Thu 2 tỷ đồng mỗi năm từ một hecta hoa Lâm Đồng
Viễn Thông
>