Phần lớn nông sản giảm giá trong hôm nay (25/4), trong đó giá cà phê, hồ tiêu tiếp tục lao dốc, giá cao su đã tìm thấy động lực phục hồi.
Cập nhật giá nông sản ngày 25/4.
Trên thị trường cà phê, giá trên hai sàn ICE tiếp tục giảm sâu. Trong đó, giá robusta vẫn tiếp tục lao dốc, mất thêm 3% sau phiên giảm mạnh nhất 6 năm vào cuối tuần trước. Như vậy, giá robusta đã lao dốc 3 phiên liên tiếp với mức giảm khoảng 11% và hiện đang ở đáy 7 tháng rưỡi.
Kết quả là, giá cà phê Tây Nguyên cũng bị điều chỉnh giảm tới 1.000 đồng/kg trong sáng nay, sau khi tăng nhẹ 100 – 200 đồng/kg trong ngày đầu tuần. Hiện tại, giá cà phê Tây Nguyên giao dịch trong khoảng 42.000 – 42.600 đồng/kg.
Nguồn: giacaphe.com |
Mức trừ lùi của giá cà phê giao tại cảng TP Hồ Chí Minh nới rộng ra 100 USD/tấn so với giá hợp đồng robusta giao tháng 7 trên sàn ICE London.
Trên sàn ICE New York, giá cà phê arabica cũng giảm hơn 0,7% trong phiên hôm qua và hiện đang lơ lửng trên đáy 10 tháng rưỡi.
Giới thương lái cho rằng, thị trường cà phê liên tục mất giá trong thời gian gần đây vốn dĩ là do làn sóng bán thanh lý arabica, khiến giá rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ. “Sàn London bị bán tháo theo sàn New York vì các quỹ đầu tư đang dần từ bỏ cà phê. Hiện tại, các quỹ vẫn còn giữ khá nhiều vị thế dài hạn với cà phê và họ có thể sẽ bán tháo tiếp trong ngắn hạn,” một chuyên viên giao dịch cho biết.
Hơn nữa, nguồn cung robusta trên thị trường nguồn cung vật chất vẫn còn rất nhiều trong khi các doanh nghiệp rang xay dường như đã có đủ nguyên liệu. Vì vậy, thị trường không có áp lực mua vào.
“Thị trường đang trong trạng thái khá yên ắng. Người mua không muốn mua vì sợ giá sẽ xuống sâu hơn, còn người bán lại đang lỗ quá nhiều. Hơn nữa, nguồn cung tại các nước nhập khẩu cà phê hiện cũng đang rất dồi dào,” ông Jack Scoville, Phó chủ tịch tập đoàn Price Futures Group (Mỹ) nhận định.
Trên thị trường cao su, giá ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp trước lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt khi ba nước sản xuất lớn, gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tính chuyện giảm xuất khẩu để ổn định giá.
Cụ thể vào lúc 12h10, giá cao su giao tháng 9 trên sàn TOCOM (Nhật Bản) tăng thêm 4,8 yen so với chốt phiên hôm qua lên 222 yên/kg. Tính đến sáng nay, giá cao su đã tăng 4 phiên liên tiếp nhưng với mức tăng rất hạn chế 9,3%.
Nguồn: TOCOM |
Đầu phiên giao dịch, giá cao su có xu hướng giảm trở lại khi USD lùi về ngưỡng 109 yen sau khi lên cao nhất hơn hai tuần ở 110,64 yen trong phiên giao dịch chính. Đến sáng nay, USD lại tăng nhẹ 0,1% so với yen lên 109,89 yen.
Yếu tố chính giúp giá cao su duy trì đà tăng trong phiên hôm nay là đồn đoán Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ giảm xuất khẩu để ổn định giá sau khi mất tới hơn 42% chỉ trong gần 3 tháng.
Theo đó, để bình ổn giá cao su trong thời gian tới, ba nước đồng thuận sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa lên mức tối đa có thể. Khả năng giảm xuất khẩu cao su có thể được xem xét áp dụng nếu giá mặt hàng này tiếp tục diễn biến thất thường, ông Titus Suksaard, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Ngành hàng cao su Thái Lan, cho biết vào ngày 23/4.
Hiện tại, tồn kho cao su thô tại các cảng Nhật Bản đã giảm 4,1% xuống còn 4,244 tấn tính đến ngày 10/4, Hiệp hội Thương mại cao su Nhật Bản cho biết.
Ngoài ra, đà phục hồi của giá cao su tại Thượng Hải cũng hỗ trợ một phần cho thị trường cao su Nhật Bản. Vào lúc 11h56, giá cao su giao tháng 9 trên sàn SHFE (Trung Quốc) tăng 190 nhân dân tệ lên 14.850 nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, phần lớn giá hợp đồng cao su kỳ hạn tại đây vẫn chưa thể phục hồi về ngưỡng 15.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên xét về ngắn hạn, thị trường cao su vẫn chịu áp lực giảm lớn. Bởi, theo dự báo của giới chuyên gia, yen có thể sẽ tăng trở lại nếu căng thẳng địa chính trị tại Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Hơn nữa, nguồn cung cao su tại Ấn Độ vẫn đang rất dồi dào. Theo số liệu của Ủy ban Quản lý Cao su Ấn Độ, sản lượng cao su thiên nhiên niên vụ 2016 – 2017 tăng 23% so với niên vụ trước lên 690.000 tấn, nhờ giá cả và năng suất đều tăng. Riêng sản lượng cao su thiên nhiên của tháng 3 tăng tới 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắt đầu từ hôm nay, thị trường bắt đầu giao dịch hợp đồng giao tháng 10 sau khi khớp lệnh với hợp đồng giao tháng 4 vào hôm qua.
Trên thị trường hồ tiêu, giá tiêu đen giao ngay trên sàn Kochi (Ấn Độ) tiếp tục giảm sâu trong phiên 24/4 vì các kho trữ và doanh nghiệp bán lẻ giảm mua trong khi nhu cầu tiêu thụ của nước ngoài cũng suy yếu. Giá tiêu đen chốt phiên hôm qua theo đó giảm 5 rupee xuống còn 610 – 680 rupee/kg.
Cùng xu hướng, giá thu mua tại phần lớn các tỉnh sản xuất ở Việt Nam đều giảm thêm 2.000 – 3.000 đồng xuống 94.000 – 95.000 đồng/kg trong sáng nay. Riêng giá hồ tiêu tại Đồng Nai lại tăng 2.000 đồng lên 97.000 đồng/kg.
Nguồn: tintaynguyen.com |
Ngoài ra, giá phần lớn các nông sản khác cũng đồng loạt giảm nhẹ. Riêng giá gạo thô tăng 0,02% trong đầu phiên sáng nay.
Bảng giá một số nông sản khác. (Thanh Tùng tổng hợp) |
Thanh Tùng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng