Nạn bán giống, bán phân, hứa bao tiêu sản phẩm rồi mất hút không chỉ khiến nhiều nông dân trồng bí lao đao như Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh. Chúng tôi vừa phát hiện những công ty khác cũng hoạt động theo phương thức này, đẩy nhiều nông dân trồng chanh dây lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Chiêu lừa bán giống, bán phân bài bản
Sau 4 tháng ký hợp đồng trồng chanh dây với Công ty TNHH Tuấn Đại An, nhiều nông dân ở xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh, Gia Lai) phát hiện toàn bộ diện tích chanh dây này đều không bình thường, trồng chanh dây nhưng thu toàn lá, mỗi cây chỉ ra vài chục quả.
Trồng chanh dây nhưng thu toàn lá
Tiếp xúc với PV Dân Việt, ông Trần Văn Linh (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) tức giận nói: “Chúng tôi làm quần quật6 tháng trời, dồn biết bao công sức, vốn liếng vào vườn cây nhưng giờ không được gì cả. Giống tôi đi mua ngoài về trồng mỗi cây ít nhất 500 - 600 quả, còn giống công ty cung cấp chỉ có 30 - 40 quả”.
Ông Lê Đầu (Trưởng thôn Lương Hà) cho biết, 100% diện tích chanh dây hợp đồng với Công ty Tuấn Đại An ở thôn này đều không có trái hoặc có rất ít, trong đó có 150 gốc của gia đình ông. Đến nay, 80% số hộ trong thôn đã chặt bỏ chanh dây hợp đồng với Công ty Tuấn Đại An để chuyển đổi cây trồng khác.
Tại thôn Thiên An, gia đình ông Trần Đình Sơn cũng đầu tư hơn 200 triệu đồng, trồng 2ha chanh dây theo hợp đồng “hỗ trợ bao tiêu sản phẩm” với Công ty TNHH Tuấn Đại An. “Vườn chanh chỉ toàn dây với lá, vợ con tôi xót của suy sụp tinh thần, không muốn làm gì nữa. Còn tôi đành chặt bỏ chanh dây để trồng lại cây khác” – ông Sơn ngậm ngùi.
Cũng theo ông Sơn, ban đầu người dân gọi điện báo chanh dây không có trái, Công ty Tuấn Đại An hứa sẽ về đổi giống khác, mua trợ giá cho bà con nhưng gần 3 tháng nay không liên lạc được nữa.
Những bao phân đắt tiền không dùng được để hư hỏng
Táng tận lương tâm khi "ăn" từng đồng tiền lẻ của dân
Khi xuống tìm hiểu, chúng tôi được nhiều nông dân phản ánh, lúc đầu Công ty Tuấn Đại An đến "chém gió" rất hay, cam kết giống chất lượng, họ còn tổ chức dùng 2 xe ô tô lớn đưa các hộ nông dân ra TP Pleiku dự hội thảo 2 lần, đi tham quan các mô hình chanh dây nên bà con rất tin tưởng. Nhưng quá trình thực hiện đã lộ ra nhiều bất thường.
Theo hợp đồng, Công ty TNHH Tuấn Đại An cung ứng giống chanh dây, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho dân. Mặc dù công ty chỉ thu trước 50% bằng tiền mặt, nhưng giá cả lại cao hơn thị trường. Thuốc không có nhãn mác đóng vào can nhựa 1 lít có giá 600.000 đồng, phân bón từ 200.000 - 700.000 đồng/bao nhỏ, giống chanh lại trồng bằng… hạt. Khi người dân thắc mắc sao không phải giống chanh dây ghép mà trồng bằng hạt, công ty nói đã nghiên cứu thổ nhưỡng nơi đây rồi, phải trồng giống này mới được.
Nông dân Trần Văn Linh bức xúc: “Một lít thuốc không có nhãn mác, được đóng trong can 1 lít vậy mà họ bán tới600.000 đồng. Ban đầu chúng tôi thắc mắc, họ bảo, thuốc này nằm trong thùng lớn, bán theo hộ không dùng hết nên chiết ra can bán lẻ. Giờ sự việc đỗ vỡ, công ty cắt đứt liên lạc với dân luôn, rõ ràng lừa đảo rồi còn gì. Những bao phân tôi mua giờ vẫn còn chất đống không dùng được”.
Lần theo địa chỉ ghi trong hợp đồng, PV Dân Việt đến địa chỉ Công ty TNHH Tuấn Đại An (do bà Bùi Thị Diệu Hiền làm Giám đốc) tại số 38 Lý Nam Đế, TP.Pleiku, căn nhà này đã khóa cửa. Phía ngoài vẫn còn treo bảng hiệu Công ty Tuấn Đại An, nhưng không phải chuyên về nông nghiệp mà là: “Nhận vận chuyển hàng hóa”. PV gọi vào số điện thoại ghi trong hợp đồng (do bà Bùi Thị Diệu Hiền làm Giám đốc) nhưng không có tín hiệu. Chủ căn nhà này cho biết, công ty đã đóng cửa từ nhiều tháng nay.
Nhiều tháng nay công ty Tuấn Đại An đã đóng cửa
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Blứ - cho biết: “Ban đầu Công ty Tuấn Đại An đến bán giống, bán phân và cam kết với người dân đủ kiểu, đến khi chanh dây không có trái thì họ bỏ chạy không thấy đâu. Đây là hợp đồng tự phát giữa người dân với công ty, không thông qua xã nên chính quyền không can thiệp được, việc trồng chanh dây xã cũng không khuyến cáo”.
Lê Kiến (Dân Việt)
>