DN khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao: Làm thế nào để gỡ “nút thắt”?

Trong thời gian gần đây, nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đẩy mạnh. Nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã được ban hành nhưng theo nhiều chuyên gia, hiện vẫn còn không ít khó khăn, cả khách quan và chủ quan, đối với các doanh nghiệp lựa chọn với nông nghiệp công nghệ cao làm con đường khởi nghiệp.
DN khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao: Làm thế nào để gỡ “nút thắt”?
Ảnh minh họa
10 doanh nghiệp khởi nghiệp, trụ lại chưa được 1
Có lẽ chưa bao giờ cụm từ nông nghiệp công nghệ cao được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, phát biểu khi nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trăn trở khi nền nông nghiệp vốn là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta nhưng lại vẫn đang bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn và tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, canh tác lạc hậu, kéo theo đó là đời sống người nông dân vẫn còn thấp.
Cũng trong phát biểu này, Thủ tướng khẳng định sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp chính là một phần lời giải cho câu hỏi “Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?”. “Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cam kết đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và thông minh của người đứng đầu Chính phủ thời gian qua cũng đã được hiện thực hóa bằng nhiều chính sách hỗ trợ, như gần đây nhất là thông báo của Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Ngay từ đầu năm nay, nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng đã thông báo rót vốn vào các dự án khởi nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao và đang tiếp tục tìm dự án triển vọng để đầu tư trong thời gian tới. Nghe đến đây, nhiều người hẳn sẽ nghĩ việc khởi nghiệp trong nông nghiệp lĩnh vực công nghệ cao thời gian tới sẽ rất thuận lợi, dễ dàng. Song, tại một cuộc thảo luận mới đây, các đại biểu cho rằng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, “nút thắt” cả khách quan và chủ quan đối với các doanh nghiệp lựa chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối năm 2016, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng gần 4.500 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi đây là lĩnh vực chiếm đến 47% tổng lao động trên cả nước. Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp cũng còn rất hạn chế. Số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 2,9% tổng dự án và chiếm khoảng 1% vốn. 
Về khởi nghiệp trong nông nghiệp, ông Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) – dẫn một số liệu thống kê cho biết trong số 10 người khởi nghiệp nói chung thì theo tính toán chỉ có 1 người thành công và 9 người còn lại thất bại. Trong 10% doanh nghiệp trụ lại được đó thì họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong việc phân định, phân khúc thị trường, cải thiện sản phẩm, cách thu hút vốn và tăng cường năng lực của bản thân doanh nghiệp để có thể bước tiếp. 
Còn ông Trần Lệ - Tiến sĩ ngành công nghệ sinh học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, một người từng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khi đã ở tuổi 72 – từ đúc rút thực tế của bản thân cho biết, cạnh tranh trong nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn mới hiện nay còn khốc liệt hơn và tỉ lệ doanh nghiệp “sống sót” sẽ thấp hơn 10%. “10% doanh nghiệp trụ lại được còn phải cạnh tranh lẫn nhau, đấu tranh để tồn tại nên cũng chỉ còn rất ít. Nói 10% là hơi lạc quan quá” – ông Lệ nhận định.
Xác định những “nút thắt”
Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp phá sản của Việt Nam có 2 dạng, bao gồm doanh nghiệp tính toán chưa kỹ về phương án kinh doanh nhưng cũng có doanh nghiệp rời khỏi thị trường do thay đổi chính sách, rào cản về hành chính. Việc doanh nghiệp ra đời và mất đi là bình thường nếu họ kinh doanh, sử dụng nguồn lực không hiệu quả nhưng nếu doanh nghiệp phải bỏ cuộc do chính sách thì cần phải xác định những vướng mắc để gỡ bỏ.
Nêu cụ thể về những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh tới VCCI thời gian qua, ông Tuấn cho biết doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao trước hết đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Đây là ngành cần rất nhiều vốn nhưng ngân hàng lại cho rằng nguồn vốn này rất rủi ro và e dè khi quyết định cho vay.
Một khó khăn nữa đó là mặt bằng sản xuất. “Đất đai Việt Nam vì nhiều lý do nên quỹ đất không còn nhiều và manh mún. Vùng núi nhiều đất nhưng không thể sản xuất được. Ngay cả những địa phương như Lâm Đồng có truyền thống phát triển nông nghiệp thì quỹ đất cũng không nhiều” – ông Tuấn thông tin. 
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng rất khó khăn về đầu ra. Gần đây, Ngân hàng Thế giới qua khảo sát ở 40 nước thì họ đánh giá môi trường kinh doanh về nông nghiệp ở Việt Nam tương đối thấp. Thể chế pháp lý của chúng ta còn rất nhiều việc cần giải quyết, như vấn đề hạn điền, hay như Bộ Công Thương gần đây có quy định về hạn chế nhập máy móc có thể ảnh hưởng đến đầu tư máy móc cho nông nghiệp.
“Để sản xuất hiệu quả thì phải có quy mô, anh muốn xuất khẩu thì phải có sản phẩm. Doanh nghiệp có thể thu gom nhưng việc này không khả quan vì khiến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm rất khó khăn, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không dễ. Việc Luật Đất đai quy định hạn điền, theo đó một cá nhân chỉ được sở hữu một diện tích nhất định làm tăng chi phí và làm tăng rủi ro, giảm hiệu lực sản xuất, kinh doanh” – ông Tuấn nói.
Ông Trần Quốc Thắng cũng cho rằng quy định hạn điền là rào cản lớn cho cả phát triển nông nghiệp công nghệ thấp chứ đừng nói đến công nghệ cao. Ông Thắng chỉ ra rằng sự thiếu vắng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng là một yếu tố cản trở ý chí khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp. Sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp - những người có ý tưởng khởi nghiệp công nghệ cao, với các nhà khoa học- những người có công nghệ nhưng không biết chuyển giao bằng cách nào, cũng là một hạn chế được ông Thắng nêu tên.
“Mối liên kết này cực kỳ quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nếu chúng ta có hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành, phát triển mạnh mẽ thì việc khởi nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc” – ông Thắng nhận định.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất chú ý đến vấn đề quy định về hợp đồng nông nghiệp giữa doanh nghiệp với nông dân để đảm bảo việc tuân thủ các điều khoản, tránh các trường hợp như đến khi thu hoạch nông dân không bán cho doanh nghiệp; sửa Luật quy hoạch theo hướng bỏ quy hoạch sản phẩm để tránh can thiệp vào thị trường, tạo thông thoáng cho thị trường… 
Cho rằng lĩnh vực nông nghiệp có điểm đặc biệt là có thể gây hậu quả xã hội lớn nếu doanh nghiệp phá sản, ông Tuấn cũng đề nghị chú ý đến vấn đề bảo hiểm nông nghiệp.
Phạm Diệu – Hà Dung(http://baophapluat.vn/)
>

Đắk Nông: Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt trước ngày thu hoạch

Hàng ngàn trụ tiêu của nông dân tại Đắk Nông chết đồng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều gia đình. Hiện tượng trên đang diễn ra tại những nơi có diện tích tiêu lớn như Đắk Song, Krông Nô và Đắk Mil khiến các hộ dân điêu đứng, bất an.

Mặc dù cận kề thời điểm thu hoạch, giá tiêu cũng đang có xu hướng tăng trở lại, nhưng buộc lòng các hộ sản xuất này phải tiêu hủy số tiêu bị nhiễm bệnh để tránh lây lan sang các trụ tiêu khác.

Năm nay gia đình anh Phạm Hữu Đức (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) có hơn 2000 trụ tiêu cho thu hoạch, nhưng đến thời điểm này đã có gần 500 trụ tiêu chết và có biểu hiện nhiễm bệnh. Theo lời kể của anh Đức, anh phát hiện ra hiện tượng tiêu chết cách đây gần hai tháng, khi đó các trụ tiêu mới có hiện tượng vàng lá, rụng lá sau chuyển sang thối gốc, rụng đốt và chỉ chưa đầy tháng sau thì các dây tiêu đã chết khô.

Nông dân xót xa khi hàng ngày chứng kiến vườn tiêu của mình tàn lụi

Nhìn trụ tiêu trơ trụi, trái non rụng ngổn ngang dưới gốc, người đàn ông này lo lắng: “Ngày nào vườn tiêu của gia đình cũng có ít nhất 2-3 trụ chết. Khi phát hiện tiêu có hiện tượng chết dần, gia đình cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa như rải vôi, xịt thuốc, nhưng cũng không thể hạn chế được sự lây lan nhanh. Ban đầu chỉ có một vài trụ, bây giờ thì 1/4 vườn tiêu đã bị bệnh và số trụ nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.

Tương tự, vườn tiêu của ông Phạm Phú Nam (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) cũng lâm vào cảnh chết hàng loạt. Nhìn vườn tiêu từ 2-5 năm tuổi xơ xác, ông Nam chua xót: “Sáng nay tôi có đi kiểm tra lại thì số trụ chết đã lên đến 400 trụ, bao gồm cả tiêu kinh doanh và tiêu non. Đau lòng nhất là nhiều trụ tiêu trái còn non, nhiều quả chưa có nhân cũng bị chết, số tiêu đó không bán được, đành phải tiêu hủy hết”.

Theo ông Nam, tiêu thường chết thành từng đám và khu vực, có thể là do lây lan bệnh. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu khoảng 4 tấn nhân, nhưng với mức độ tiêu chết nhiều và nhanh như hiện nay thì năng suất dự kiến sụt giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa. Với giá thị trường từ 120.000- 125.000 đồng/kg, ước tính ông thiệt hại khoảng 300 triệu đồng do bệnh dịch này.

Ông Nam buồn rầu cho biết thêm, gia đình ông đã bỏ rất nhiều công và chi phí cho vườn tiêu, nhưng với tình trạng tiêu chết như thế này không biết các vụ mùa sau sẽ như thế nào. Ngoài thiệt hại vì không có tiêu thu hoạch, trung bình mỗi trụ tiêu trong 5 năm chăm sóc cũng trị lên đến 2-3 triệu đồng nên ông tính tổng thiệt hại năm nay cũng lên đến cả tỷ đồng.

Không riêng các vườn tiêu tại Đắk Song, Đắk Mil, gia đình bà Đỗ Thị Mừng (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô) cũng lâm vào cảnh trắng tay vì vườn tiêu chưa cho thu hồi vốn đã “vội” chết rụi. Nhìn vườn tiêu cây còn, cây chết, bà Mừng nghẹ ngào: “Bốn năm trước cả vườn tiêu kinh doanh 300 trụ cũng chết gần hết nên chúng tôi trồng lại số tiêu này. Năm ngoái nó đã cho thu bói, những tưởng năm nay sẽ thu hồi lại vốn vay mượn mua giống, trụ, phân bón thì ai ngờ nó lại chết gần hết”.

Nhiều diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông mắc bệnh khi thời điểm thu hoạch cận kề, buộc lòng nông dân phải nhổ bỏ

Sắp tới bà Mừng không biết sẽ phải làm gì bởi hiện vườn tiêu của gia đình chỉ còn 100 trụ nữa nhưng cũng èo uột, có dấu hiệu bị bệnh nên chắc rồi cũng sẽ chết.

“Những trụ tiêu bị bệnh chết rất nhanh nên chúng trở tay không kịp. Sáng sớm tôi còn thấy xanh tươi nhưng trưa đã thấy cành, lá rũ xuống hết rồi và vài ngày sau là tàn. Nghe nhiều hộ khác bày cho cách chữa nhưng không cứu vãn được vườn tiêu. Năm nay, có lẽ tôi phải nhổ trụ những cây đã chết để trồng cà phê thay thế chứ không dám đánh cược với tiêu nữa”, người phụ nữ nói giọng xót xa.

Ông Phạm Thanh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An thông tin, hiện nay toàn xã có 265 ha tiêu, gồm cả diện tích trồng thuần và trồng xen, tăng 100 ha so với năm 2015. Hiện tượng tiêu chết hàng năm vẫn xảy ra, nhưng năm nay số lượng tiêu chết nhiều hơn những năm trước đây. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 3.000 trụ tiêu đã bị chết, bình quân mỗi hộ tiêu bị chết khoảng 100 - 200 trụ.

Trong khi đó, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, qua xem xét những dấu hiệu ban đầu thì tiêu chết có thể là do bệnh chết nhanh, chết chậm, với bệnh này thì hiện tại không có biện pháp cứu chữa. Chi cục này khuyến cáo, người dân thực hiện các biện pháp cách ly như đào rãnh để hạn chế lây lan. Đối với những trụ tiêu đã mang bệnh thì tuyệt đối tuân thủ việc thu gom và tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bị bệnh, xử lý các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột và sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng cho tiêu như: Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác..

Được biết, hiện nay tổng diện tích hồ tiêu của Đắk Nông là hơn 27.527 ha, diện tích cho thu hoạch là 14.359 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 31.000 tấn. Đắk Nông trở thành một trong các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước. Cây hồ tiêu đã góp phần đáng kể trong thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu thời gian qua còn thiếu định hướng và khả năng cung vượt cầu, dịch bệnh khó kiểm soát đang tiềm ẩn cao. Thực trạng này cũng là lời cảnh báo cho người dân cần thay đổi cách trồng trọt, tránh tự phát trồng theo phong trào.

Dương Phong (Dân Trí)
>

Trái cây Việt 'một đổi một' với trái cây Mỹ

Cánh cửa thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ đã mở cho trái cây Việt nhưng chọn sản phẩm nào để xuất khẩu vào thị trường này là bài toán khó.

Một số loại trái cây do khó bảo quản tươi nhiều ngày nên phải xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ, ngoại tệ mang về không được bao nhiêu.

Chi phí đắt đỏ

Bộ NN&PTNT đã quyết định chọn thanh long, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa… là loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng cũng dồn lực đẩy mạnh đàm phán, quảng bá để đưa vú sữa, vải thiều… Việt ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các công ty trực tiếp xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ nhận định Việt Nam đang lựa chọn sai lầm đối với một số loại trái cây xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế mang lại rất ít.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu T&T Vina, dẫn chứng câu chuyện lựa chọn trái vải thiều Lục Ngạn ở Bắc Giang để xuất khẩu. Trái vải chỉ trồng, thu hoạch được một mùa trong năm chứ không quanh năm nên nguồn cung cấp cho xuất khẩu không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu. Hơn nữa dù chất lượng trái vải ngon nhưng doanh nghiệp Việt chưa có công nghệ, kỹ thuật để bảo quản trái vải tươi lâu. Vì vậy khi sản phẩm này sang tới Mỹ màu sắc vỏ thường không đạt, vỏ nhanh thâm, dễ bị khách hàng chê.

“Đặc biệt do trái vải không bảo quản được lâu nên không thể vận chuyển bằng tàu biển với giá vận chuyển thấp mà buộc phải xuất bằng máy bay, chi phí quá cao. Mỗi ký vải thiều sang đến Mỹ, riêng chi phí vận chuyển bằng máy bay đã mất 3-4 USD, tương đương 90.000-100.000 đồng/kg tiền vận chuyển. Thế nên lợi nhuận từ xuất khẩu trái vải chẳng đáng là bao” - ông Tùng nhấn mạnh.

Chuyên gia của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm tra chôm chôm Việt trước khi đưa vào chiếu xạ. Ảnh: QH

Một công ty xuất khẩu trái cây khác cho biết trước thông tin quả vải xuất sang Mỹ bán với giá rất cao, hơn 200.000 đồng/kg nhiều người nghĩ doanh nghiệp lời đậm. Thực ra do vận chuyển đường xa, chi phí rất cao nên khi sang đến Mỹ tỉ lệ hư hỏng nhiều và bị lỗ.

“Việc xuất quả vải đi Mỹ thực chất chưa mang lại lợi ích kinh tế gì nhiều. Với loại trái cây này, giải quyết đầu ra ngay tại thị trường trong nước mới là điều mà các cơ quan chức năng cần phải làm” - đại diện công ty trên thẳng thắn đề nghị.

Theo một số công ty xuất khẩu trái cây, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới chọn trái vú sữa làm hàng hóa xuất khẩu. Các nước khác như Campuchia, Philippines, Thái Lan… đều có trồng cây vú sữa nhưng họ không chọn làm hàng hóa để xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, cho rằng việc các bộ, ngành dồn sức để trái vú sữa Việt được bán vào Mỹ là sự nỗ lực lớn. Có điều hiệu quả mang lại từ việc xuất khẩu trái vú sữa không cao vì bản thân doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hiểu rất rõ: Bảo quản vú sữa chỉ được 2-3 ngày là da đã nhăn nheo rồi.

Ông Quang nói: “Muốn trái vú sữa sang Mỹ phải bảo quản được dài ngày, 1-2 tháng để có thể vận chuyển bằng đường biển với chi phí thấp. Khi đó giá bán tại nước ngoài mới cạnh tranh, người tiêu dùng mới lựa chọn. Thực tế trái vú sữa lại chưa đáp ứng được các tiêu chí này”.

1 kg vải thiều “đổi” 1 kg táo Mỹ

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng để “xin” được một loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ buộc Việt Nam phải đổi bằng việc cho một loại sản phẩm khác của Mỹ được nhập vào Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam xuất thanh long, chôm chôm hay vải thiều sang Mỹ, đồng nghĩa phải cho nhập táo, thịt bò Mỹ. Nếu Mỹ cho vú sữa Việt Nam xuất sang thì sẽ có một sản phẩm thế mạnh khác của Mỹ xuất ngược lại vào Việt Nam.

“Vì vậy Việt Nam cần tính toán lựa chọn những trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cho chính công ty xuất khẩu, có lợi cho nông dân và mang ngoại tệ về cho đất nước. Nếu lựa chọn sai lầm sẽ gây thiệt hại lớn cho Việt Nam” - ông Tùng khuyến nghị.

Chia sẻ về cách chọn loại trái cây xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết cách làm xuất khẩu của ta đôi khi còn theo kiểu ăn xổi ở thì, chưa tìm hiểu kỹ và chuẩn bị cả quy trình. Hệ quả là một số loại trái cây trong thời gian đầu được chọn xuất khẩu hiệu quả không cao, hàng bị trả về vì không có kiến thức về kỹ thuật sơ chế, bảo quản…

“Làm gì cũng phải khoa học, bài bản. Như Campuchia, khi xuất khẩu một loại gạo thơm vào châu Âu, họ chuẩn bị tốt vùng trồng, liên kết nông dân, đào tạo nông dân, đào tạo doanh nghiệp về công nghệ chế biến xay xát, bảo quản, đóng gói, mẫu mã, tiếp thị… Sau đó hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng nhà máy, thiết bị để có sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường” - ông Xuân nói.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam nên chọn những loại trái cây không chỉ ngon, chất lượng để xuất khẩu mà phải đặt yếu tố thị trường lên hàng đầu. Trái xoài, bưởi, nhãn… là những loại trái cây vừa tiêu thụ nhiều, doanh nghiệp lại làm tốt công nghệ bảo quản và có thể xuất bằng đường biển để bán với giá cạnh tranh.

Lắng nghe người bán hàng

Đại diện một công ty chế biến xuất khẩu trái cây sang Mỹ cho rằng các cơ quan quản lý không nên nghĩ trái cây Việt Nam ngon, các nước không có thì mình xin cấp “quota” rồi xuất đi mà không biết có mang lại hiệu quả kinh tế hay không.

Từ đó vị đại diện công ty trên đề nghị nên lấy ý kiến của doanh nghiệp trước khi muốn chọn một mặt hàng nào đó làm sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Bởi doanh nghiệp là người bán, người ra “chợ” quốc tế nên họ biết rõ khách hàng cần gì, bán sản phẩm nào có hiệu quả nhất.

Mỹ nghiên cứu rất kỹ

Mỹ nghiên cứu rất kỹ những sản phẩm khi chọn lựa xuất sang nước khác. Chẳng hạn với trái táo, khi xuất sang Việt Nam, hầu như sản phẩm của họ đã chiếm lĩnh thị trường, không có loại trái cây nào của ta là đối thủ cạnh tranh và hiện sản phẩm này bán đầy trong các siêu thị. Hay như thịt bò Mỹ nay đã tràn ngập thị trường, gây áp lực cho ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Đình Tùng,Tổng Giám đốc  Công ty T&T Vina

Một công ty xuất khẩu cho biết trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, chôm chôm… ở Mỹ rất đắt. Hiện nay nếu tính theo tiền đồng Việt Nam, giá thanh long Việt bán tại thị trường Mỹ dao động 130.000-180.000 đồng/kg tùy thời điểm, cách thức vận chuyển; giá nhãn, chôm chôm khoảng 120.000 đồng/kg.

Quang Huy (PLO)
>

Nơi nào đang làm nông nghiệp công nghệ cao?

TP.HCM là nơi được xem là thành công với mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước đầu tư. Còn Lâm Đồng triển khai hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp do tư nhân đầu tư. 

Sản xuất cây giống bằng nuôi cấy mô tại công ty giống PH Biotech (P11, Đà Lạt)

Ở các địa phương có quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao khác, nơi đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, nơi đầu tư ở quy mô nhỏ.

Quy hoạch nhiều, làm ít

Hiện nay, cả nước có hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên. Ba tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng thuộc quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã có 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có khu nông nghiệp công nghệ cao và đến nay vẫn là mô hình thành công nhất của loại hình này.

Được hình thành từ trung tâm nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao năm 2004, sau 12 năm hoạt động, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) đã xây dựng được 4 trung tâm trực thuộc.

Đã có 14 đơn vị được cấp phép ở nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất hạt giống, sản xuất phân bón vi sinh, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nấm, công nghệ xử lý sau thu hoạch...

Theo ông Từ Minh Thiện - phó trưởng ban quản lý AHTP, AHTP đã chuyển giao quy trình sản xuất, giới thiệu tiến bộ khoa học trong nghiên cứu chọn tạo giống, các công nghệ mới tạo sự lan tỏa cho khu vực làm nông nghiệp của TP.HCM.

Những nghiên cứu của AHTP trong thời gian qua đã góp phần hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất hoa lan tại Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. AHTP sẽ mở thêm 4 khu nông nghiệp công nghệ cao mới tập trung phát triển công nghệ sau thu hoạch và nấm, thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao.

Trong khi đó, Lâm Đồng là tỉnh đi đầu của cả nước về áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác áp dụng công nghệ cao của Lâm Đồng đạt 49.000ha, chiếm 17% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh có nhiều doanh nghiệp, nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhất cả nước.

Trong đó, hơn 21.000ha rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng tưới phun tự động; 50ha hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 6,5ha rau thủy canh và 41ha canh tác trên giá thể; hơn 2.200ha chè ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 18.781ha cà phê ứng dụng công nghệ cao được chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest...

Giá trị thu nhập bình quân trong nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt tới 175 triệu đồng/ha/năm, trong đó ngành trồng rau công nghệ cao đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng trồng hoa công nghệ cao, Lâm Đồng có nhiều mô hình đạt tới 3 tỉ đồng/ha/năm.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và chỉ còn cách áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì mới có thể vượt qua.

Thứ nhất là năng suất và sản lượng của các nông sản chủ lực của Việt Nam đã tới hạn. Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản thuộc tốp đầu của thế giới không chỉ về sản lượng mà còn về năng suất. Nhưng những năm trở lại đây năng suất đang chậm dần hoặc chững lại.

Thứ hai là yêu cầu cấp bách về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân, thuốc thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém thì không thể nào có chất lượng cao được. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng và của thế giới ngày càng khắt khe hơn về chất lượng.

Nếu cứ sản xuất như cũ, nông sản của Việt Nam khó mà bán với giá cao” - ông Nghĩa phân tích. Vì vậy, theo ông Nghĩa, Việt Nam đã ở vào tình thế buộc phải đầu tư sâu rộng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao để giải hai khó khăn kể trên.

Kiểm tra thanh long trước khi xuất khẩu tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh Quang Định

Chờ đợi chính sách

Ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH An Phú Đà Lạt (APP), một trong những đơn vị đầu tư lớn vào nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng - cho biết đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém. Để có 1ha nhà kính đủ chuẩn, tự động hóa để có thể tạo ra sản lượng nông sản lớn, chất lượng cao cần tới 1 triệu USD.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ, không đủ vốn để đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn. “Chúng tôi đang rất trông đợi vào gói tín dụng 100.000 tỉ đồng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới công bố. Nếu được tiếp cận nguồn vốn này thì chúng tôi có thể mở rộng diện tích sản xuất trong thời gian tới” - ông Thành cho biết.

GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), cho rằng không phải nói đến nông nghiệp công nghệ cao là phải xây dựng hệ thống nhà kính đắt tiền, hệ thống tưới nhỏ giọt hay kiểm soát các điều kiện trong môi trường kín.

Tùy vào điều kiện của các quốc gia khác nhau mà có chính sách và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp phù hợp. Ví dụ tại Úc, nơi có quỹ đất canh tác rộng lớn, người ta ưu tiên ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp trên những cánh đồng lớn.

Công nghệ được áp dụng ở đây là cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc và thu hoạch, cũng như tự động hóa hệ thống tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Trong khi đó Israel có diện tích đất canh tác ít, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên họ lại tập trung vào hệ thống nhà kính, kiểm soát môi trường trong các nhà kính, cũng như tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt.

“Phải tùy vào các điều kiện tự nhiên, khí hậu và nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ trong nông nghiệp. Không hẳn cứ mua thiết bị đắt tiền là có thể thành công” - GS Vọng nói.■

Năm 2010, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm2020. Đề án này có mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Sau khi có Luật công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17-12-2012 phê duyệt chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Sau đó là quyết định575 phê duyệt quy hoạch khu và vùng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Theo quyết định này, đến năm 2020 sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập.

Cụ thể, ngoài hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND các tỉnh thành quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch: Các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Tây nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ.

Các vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Thái Nguyên và Lâm Đồng. Các vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Bình Thuận.

Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Lâm Đồng. Các vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng.

Các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Các vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng. Các vùng chăn nuôi heo ngoại ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Các vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video