'Trở tay không kịp' vì bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu

Thời gian qua, nông dân tỉnh Quảng Trị lao đao bởi bệnh chết nhanh gây hại trên cây hồ tiêu, trong đó, nhiều diện tích chết rụi hoàn toàn. Thời điểm hiện tại mưa và rét kéo dài nên nguy cơ bùng phát và lan rộng bệnh là rất cao. Theo thống kê, bệnh chết nhanh gây hại khiến trên 350 ha hồ tiêu bị bệnh, diện tích bị nặng đạt khoảng 40 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Linh 200 ha và Gio Linh khoảng 150 ha

Ảnh minh họa

Do thời gian bùng phát bệnh rất nhanh chỉ trong khoảng từ 3 - 7 ngày khiến người dân “trở tay không kịp”. Nhiều vườn có đến hơn 80% diện tích cây bị chết khô, vườn bị chết từ 30 - 40% là rất cao. 

Đứng giữa vườn với hơn 100 gốc tiêu đã chết rụi hết vì bệnh chết nhanh, ông Trần Văn Lanh, thôn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh buồn rầu, bệnh chết nhanh khiến nông dân không kịp "trở tay". “Hôm trước cây mới có hiện tượng vàng lá tới ngày hôm sau cây đã thối rễ chết khô phun thuốc không kịp. Hiện hơn 1 sào tiêu trong thời kỳ thu hoạch của gia đình chết khô”, ông Lanh nói. 

Là một người trồng tiêu gần 40 năm nên kinh nghiệm, ông Lanh chia sẻ, phải mất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể trồng lại được vườn hồ tiêu mới. Thời gian tới, ông sẽ thuê máy cày lại đất phơi ải, rải vôi tiêu độc cũng như đốt những thân cây tiêu cũ bị chết… 

Ông Trần Đức Bình, Trưởng thôn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh cho biết, ban đầu cây có hiện tượng vàng lá, rồi tới héo khô, thối gốc và chết trong thời gian ngắn. Trong thôn, gần như 80% diện tích đều bị bệnh chết nhanh này. 

Năm nay, do trời rét và mưa nhiều khiến nhiều vườn bị úng nước dẫn đến việc dịch bệnh phát triển rất nhanh và lan rộng. Nhiều nhà có vườn tiêu bị chết rụi mất trắng hết. Gia đình ông cũng có nhiều gốc bị bệnh chết nên phải tiến hành bơm thuốc và tiến hành các biện pháp cách ly… 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân khiến bệnh chết nhanh gây hại trên cây hồ tiêu phát triển mạnh chủ yếu do độ ẩm đất trong các vườn quá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại. Đặc biệt, trong đó 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici lây lan rất nhanh qua đường nước. 

Các vườn hồ tiêu bị bệnh chết nhanh đều thấy các chóp rễ chuyển sang nâu đen, lá chuyển sang vàng rồi rụng, cây héo khô chết chỉ trong vòng vài ngày. Đối với những diện tích hồ tiêu bị bệnh phải mất thời gian từ 2 - 3 năm mới có thể trồng mới để tránh dịch bệnh tái diễn. Mặt khác, phải tiến hành xử lý đúng kỹ thuật các khâu làm đất, chọn cây trụ, cây giống, phân bón… 

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, tại địa bàn, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. Đây chính là điều kiện thuận lợi bệnh phát sinh và gây hại nặng nếu không có giải pháp phòng, trừ kịp thời. 

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, huyện Gio Linh cho biết, toàn xã có hơn 90 ha hồ tiêu nhưng có tới trên 80% diện tích cây bị nhiễm bệnh chết nhanh gây hại. UBND xã đã phối hợp ngành chức năng hướng dẫn người dân phòng chống bệnh. Hiện về cơ bản đã kiểm soát, không để bệnh lây lan. Tuy nhiên, trường hợp thời tiết mưa rét kéo dài, nguy cơ bùng phát trở lại rất lớn. 

Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường kiểm tra vườn cây để hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời như: đào rãnh thoát nước, chống đọng nước cho vườn tiêu. Đồng thời, kiểm tra vườn phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn đem tiêu hủy, xử lý đất tại các trụ tiêu bị bệnh bằng vôi bột. 

Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết tiến hành thu gom, tiêu hủy cây bệnh và xử lý hố bằng vôi bột. Bên cạnh đó, xử lý thuốc các trụ tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh; phun thuốc toàn bộ cây và tưới vào gốc tiêu để phòng và chống bệnh; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại… 

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại, số diện tích tiêu bị chết hàng loạt không còn nhiều như tháng 12 và tháng 1 vừa qua. Thời gian tới, các địa phương quy hoạch lại vùng trồng tiêu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng không nên trồng tràn lan đặc biệt ở những vùng thấp, vùng trũng. 

Mặt khác, cần hướng dẫn người dân xây dựng hệ thống thoát nước hợp lý cũng như sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng cho cây. Để xử lý bệnh chết nhanh gây hại trên cây hồ tiêu, người dân cần thường xuyên kiểm tra vườn tiêu, khi tiêu bị bệnh cần triển khai biện pháp kịp thời. Những vườn tiêu bị héo, chết xử lý cách ly một thời gian dài từ 1-2 năm mới trồng lại được. 

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 2.448 ha hồ tiêu được trồng tập trung chính tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa… Trong số này, diện tích trồng mới 143 ha, diện tích cho thu hoạch 1.825 ha, năng suất 10,5 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn.

Thanh Thủy (TTXVN)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video