Tìm đường cho nông nghiệp công nghệ cao

Chưa bao giờ cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao” được nhắc đến nhiều như hiện nay khi có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ người đứng đầu Chính phủ

Những cam kết về gói tín dụng lên đến 100.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, tháo gỡ pháp lý để tích tụ ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Việt Nam một lần nữa tạo nên kỳ tích khi những nguồn lực có sẵn dần cạn kiệt. Tuy vậy, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ có màu hồng mà còn nhiều thách thức.

Thế nào là công nghệ cao?

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đầu năm 2016, UBND TP HCM đã có Quyết định 04 hỗ trợ lãi suất cho nhiều chủ đầu tư có dự án đi theo hướng này. Theo đó, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, với điều kiện là được cấp chứng nhận. Tuy vậy, đến nay, toàn TP HCM chưa có dự án nào được hỗ trợ lãi vay vì không có nơi nào cấp chứng nhận trên. Lý do là hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chí hay quy định nào về công nghệ cao, cơ quan nào xác nhận, những đơn vị như Trung tâm Công nghệ sinh học, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao liệu có thể xác nhận cho doanh nghiệp?

Dự án trồng hoa công nghệ cao do PAN Group đang triển khai ở Lâm Đồng Ảnh: Sơn Nhung

Do chưa có bộ tiêu chí rõ ràng nên nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao nhất là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Theo đó, yêu cầu gần như bắt buộc của các ngân hàng là phải có tài sản thế chấp là sổ hồng, sổ đỏ, còn các tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp dù giá trị tiền tỉ nhưng không được xem xét tới.

TS Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, xác nhận có vướng mắc trên là do liên quan đến chính sách ưu đãi. Bởi công nghệ trong nông nghiệp thì rất nhiều nhưng công nghệ nào là mới, là hiện đại phải cần hội đồng các nhà khoa học đúng chuyên ngành đó mới xác định được. Hơn nữa, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới hiện nay cực nhanh, có những công nghệ chỉ sau 6 tháng đến 1 năm đã đổi mới nên rất khó trong việc đánh giá. “Theo quan điểm cá nhân tôi, điều quan trọng nhất là hiệu quả tổng thể của dự án với công nghệ phù hợp điều kiện sản xuất cụ thể” - ông Tuấn nói.

Áp lực đầu ra

Là một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao  có sản phẩm hoa tươi chinh phục được thị trường khó tính là Nhật Bản, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group), cho rằng làm nông nghiệp công nghệ cao không thể làm theo phong trào mà cần có chiến lược dài hạn, không nên chỉ tập trung nâng cao sản lượng mà phải nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Trong đó, thách thức về tiêu thụ là không nhỏ, bởi lẽ, nông nghiệp công nghệ cao nếu thành công sẽ mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, có thể gấp 20-30 lần so với các phương pháp truyền thống. Do vậy, đơn vị sản xuất phải tính toán thị trường đầu ra và lựa chọn công nghệ phù hợp có khả năng tạo và tăng giá trị sản phẩm, tránh trường hợp được mùa thì mất giá như vẫn thường xảy ra tại nước ta. Bên cạnh đó, khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao thông thường giá thành sản xuất sẽ cao hơn nên nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến khả năng chấp nhận của người tiêu dùng.

Một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có thể yêu cầu vốn đầu tư cao gấp hàng trăm lần. Tỉ suất đầu tư cao có nghĩa là áp lực lớn đối với hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tại Nhật Bản, mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống cách đây 30 năm nếu được quản lý tốt vẫn là phương pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với một số dòng sản phẩm áp dụng các phương pháp hiện đại.

Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao cũng đặt ra yêu cầu hiểu biết rất cao về kỹ thuật canh tác. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ bao gồm một hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm hiện đại mà phía sau đó là các bí quyết công nghệ. Minh chứng là nhiều giống cây nhập về từ Nhật Bản, Israel trồng tại Việt Nam với khí hậu tốt hơn nhưng năng suất chỉ đạt 30%-40%, chất lượng chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Các bí quyết sản xuất này không thể học hay chuyển giao trong ngày một ngày hai mà là sự tích lũy kinh nghiệm, thậm chí qua 2-3 thế hệ.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, dù nông nghiệp công nghệ cao đang được quan tâm nhiều nhưng không thể thay thế hoàn toàn kinh tế nông hộ, đây là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân. Do đó, cần những mô hình hỗ trợ liên kết nông dân, hỗ trợ kỹ thuật để họ sản xuất những sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường. Vì thế, vẫn cần những công nghệ dù không cao nhưng hỗ trợ thiết thực cho nông dân.

Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Cỏ May Group): Chú trọng công nghệ sau thu hoạch

Canh tác công nghệ cao là hội nhập quốc tế theo kiểu học theo cái các nước tiên tiến đã làm. Cái hạn chế khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam là tính đặc trưng của sản phẩm không đủ tạo ra sự khác biệt và nhất là nông dân mình phần lớn sẽ không có khả năng đầu tư, kể cả đầu ra. Do đó, cải tiến phương thức canh tác theo hướng công nghệ cao nhưng phải dựa trên thực trạng hiện có để đặt mục tiêu đại trà cho cả nền nông nghiệp, dễ áp dụng, chi phí thấp.

Nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu nhà kính nếu phát triển mạnh sẽ tăng áp lực lên nông sản của nông dân, đồng thời chưa chắc xuất khẩu thành công vì cái mình có thì nước khác cũng có và đã có bề dày kinh nghiệm đi trước. Với những sản phẩm mình đã thua xa thì đừng cố đuổi theo mà nên tập trung vào các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, cần chú ý phát triển theo hướng sau thu hoạch, khắc phục lãng phí sau canh tác, có lợi cho nông dân, tạo ra những ưu thế so sánh nhất định. Điều kiện tiên quyết để đầu tư là quan hệ cung - cầu của thị trường để lưu thông hàng hóa, làm nền tảng cho định hướng giá trị gia tăng ngay sau đó.

Cỏ May đang chú trọng triển khai theo hướng sau thu hoạch như nấm rơm, nghiên cứu chiết xuất một số loại cây có lợi thế như sả, gấc, nghệ, tràm, sen... để cho ra những sản phẩm mà trên thế giới đã hình thành sẵn thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Minh Nhân, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn: Vẫn “bí” về công nghệ

Là doanh nghiệp khởi nghiệp được xem là khá thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với quy mô ngày càng mở rộng, được nhiều khách hàng tin tưởng. Tuy vậy, sau hơn 4 nămtrồng dưa lưới công nghệ cao, phải thú thật có nhiều vấn đề về kỹ thuật chúng tôi vẫn gặp khó trong việc xử lý. Nhìn sang nhà vườn Thái Lan cũng trồng dưa lưới mới thấy trình độ của Việt Nam còn thua xa. Lý do là các ngành phụ trợ phát triển không đều. Đơn cử như giống, hiện nay các nhà vườn trồng dưa lưới chịu cảnh may rủi khi mua giống. Gặp phải giống xấu tỉ lệ cây chết cao, nhiều khi trồng dưa tròn ra dưa dài, chất lượng kém.

Sau thời gian chinh phục thị trường phía Nam, chúng tôi phát triển ra thị trường Hà Nội thì gặp ngay vấn đề về bảo quản vì chưa có công nghệ. Riêng thời gian vận chuyển đã mất 2 ngày, hao hụt từ5%-10% khiến doanh nghiệp đau đầu trong việc bảo đảm chất lượng cũng như giá cả cho người tiêu dùng. Vì doanh nghiệp tự “bơi” nên phải trả giá rất nhiều trong việc thử nghiệm nhưng chưa có kết quả. Tình trạng không bắt kịp công nghệ, nhiều nơi cũng nhìn ra nhưng không dễ khắc phục vì cần một giải pháp mang tính hệ thống.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group): Chọn mặt hàng để đầu tư

Khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không nên chỉ tập trung vào nâng cao năng suất, sản lượng mà còn phải tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Nên tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Có như vậy mới nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao về cho đất nước, cho doanh nghiệp và nông dân, giải quyết được bài toán được mùa mất giá vốn tồn tại khá phổ biến hiện nay ở nước ta.

Ngoài ra, cần xây dựng và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Doanh nghiệp không nên cạnh tranh trực tiếp và phát triển quỹ đất của mình bằng cách lấy đất của nông dân. Thay vào đó, doanh nghiệp cần liên kết sản xuất với nông dân bằng cách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao  mang tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiêp. Chính sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân nâng thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao. V.Ngọc - P.Đình ghi

Sơn Nhung - Ngọc Ánh (Báo NLĐ)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video