Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết năm 2017 vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thị trường thế giới tập trung soi xét cẩn trọng hơn nhiều lần, đặc biệt ở các thị trường mà hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần tốt là Mỹ và châu Âu.
Đơn cử là vấn đề dư lượng hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU. VPA cho biết nhiều năm trước, lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoá chất này là 0,1ppm, nhưng Uỷ ban Châu Âu EC đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0,05ppm.
Theo thông tin chính thức từ Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), trong thư gửi VPA và Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cuối tháng 1/2017 vừa qua cho biết năm 2016, ESA phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0,05ppm.
Nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 sẽ có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường Châu Âu, thị trường vốn tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.
Ngoài ra, thị trường Mỹ, vốn có tới trên 40.000 tấn hạt tiêu được nhập từ Việt Nam vài năm trở lại đây, cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt qui định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hạt tiêu.
Theo đó, VPA xác định chất lượng hồ tiêu là vấn đề sống còn của ngành, nhưng thực tế tồn tại tâm lý tìm kiếm năng suất cao để có thu nhập cao bằng mọi giá của đa số nông dân trồng hồ tiêu đã khiến việc sử dụng phân bón quá mức, đẩy loại cây này vào tình trạnh sinh trưởng mất cân đối, dễ nhiễm sâu bệnh để rồi lại sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật để “cứu” tài sản bạc tỷ này.
"Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề canh tác kém hiểu biết đó, thay đổi hành vi, canh tác theo GAP thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững", thông báo của VPA đưa ra cho biết.
Năm 2016, giá cả hồ tiêu biến động mạnh song xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu đạt 179.233 tấn hạt tiêu các loại với giá trị đạt 1,44 tỷ USD. Kết quả này tăng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakistan (gấp 3,14 lần), Philippines (gấp 3 lần), Hoa Kỳ (31,3%), Ai Cập (23,2%), Tây Ban Nha (14%) và Ấn Độ (12%).
Nhật Duy (Nhịp cầu đầu tư)
>