Với suy nghĩ phải đa dạng hóa cây trồng để tránh rủi ro khi giá xuống thấp, ông Nguyễn Đình Thanh (Phú Yên) trồng rất nhiều loại cây trên diện tích 19 ha đất rẫy của gia đình.
Ông Thanh bên vườn sầu riêng. Ảnh: Đức Huy
Với suy nghĩ phải đa dạng hóa cây trồng để tránh rủi ro khi giá xuống thấp, ông Nguyễn Đình Thanh (54 tuổi, ở buôn Chinh, xã Ea Bar, H.Sông Hinh, Phú Yên) trồng rất nhiều loại cây trên diện tích 19 ha đất rẫy của gia đình.
Quê ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), nhưng năm 2002 ông Thanh rời bỏ TP lên buôn Chinh lập nghiệp. Thời điểm này, H.Sông Hinh đang triển khai chương trình đa dạng hóa nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cao su nên ông Thanh dùng hết vốn liếng, vay ngân hàng đầu tư 10 ha cao su. Khi cây cao su chưa vào thời kỳ thu hoạch, ông Thanh nghĩ đến chuyện đa dạng cây trồng. Năm 2005, ông tìm hiểu và mua về 100 cây sầu riêng. “Vì chưa nắm rõ kỹ thuật trồng, giống cây không đạt chất lượng nên toàn bộ số sầu riêng mới trồng chết sạch”, ông Thanh thổ lộ.
Không nản chí, ông tiếp tục đi các tỉnh miền Trung - Tây nguyên để mua tiếp 100 cây sầu riêng nữa về trồng. Nhưng rồi lại thất bại nặng nề.
Lần này, ông Thanh lặn lội vào các tỉnh phía nam để học hỏi kỹ thuật trồng cây sầu riêng; lựa chọn giống rất kỹ càng và quyết định chọn giống sầu riêng Ri6, Đô Na (sầu riêng hạt lép) với số lượng 200 gốc, trồng trên diện tích 2 ha. Ông Thanh tâm sự: “Cây sầu riêng rất nhạy cảm và khó trồng. Nhờ học hỏi và có sự giúp đỡ của anh Cao Đắc Hãn, cán bộ xã Ea Bar về kỹ thuật nên 200 gốc cây sầu riêng phát triển tốt”.
Nhờ chăm sóc tốt, năm 2016 vườn sầu riêng vào thời kỳ thu hoạch. Ông Thanh cho biết có 40 gốc sầu riêng thu hoạch vụ đầu với năng suất bình quân 50 trái/cây, trọng lượng bình quân 3 kg/trái. “Giá bán tại thời điểm thu hoạch là 50.000 đồng/kg. Giá cao vậy mà tôi không có sầu riêng để bán. Riêng vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên, tôi thu hơn 70 triệu đồng”, ông Thanh hồ hởi. Đặc biệt, có 2 trái sầu riêng nặng hơn 7 kg/trái, bán được 700.000 đồng. “Sầu riêng rất hợp với đất Sông Hinh. Trái có hương vị ngọt và ngon hơn sầu riêng trồng ở một số tỉnh khác. Hơn nữa, tôi để sầu riêng chín trên cây, rụng xuống đất thì mới bán. Chín cây thì sầu riêng mới ngon. Người ta đến tận vườn để mua mà chẳng có để bán. Vì thu hoạch kiểu chín trên cây nên cây sầu riêng bị mất sức, phải chi phí thêm phân bón bổ sung dưỡng chất cho cây”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, do thời tiết khác nhau nên khi vụ sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk hết mùa thì sầu riêng của H.Sông Hinh vào mùa thu hoạch. Ông Thanh chia sẻ kinh nghiệm: “Thời điểm thu hoạch, nếu gặp mưa thì sầu riêng sẽ sượng trái, chất lượng sầu riêng giảm hẳn. Tuy nhiên, ở H.Sông Hinh thời điểm thu hoạch không phải là mùa mưa. Muốn cây sầu riêng ra trái sai, nhà vườn ngưng tưới nước cho cây một thời gian, khiến cây bị khô hạn chừng nửa tháng thì sau đó mới tưới lại, cây ra hoa rất sai”. Ông Thanh cũng lưu ý muốn trồng sầu riêng phải lựa chọn kỹ giống cây. Trước khi trồng, phân bò, lân, vôi và thuốc trừ muối ủ gần nửa tháng rồi đưa xuống hố, mới trồng cây vào.
Tuy hiện nay giá mủ cao su thấp, với chỉ 10.000 đồng/kg mủ tươi, nhưng với 10 ha cao su, mỗi ngày ông thu chừng 700.000 đồng. Trong năm nay, ông Thanh thu nhập từ cây cao su hơn 200 triệu đồng. “Lúc đầu trồng cao su, tôi nghĩ nó là cây chủ lực, nhưng do giá xuống thấp nên giờ chỉ trông chờ vào cây sầu riêng”, ông Thanh nói.
Cũng vì không muốn thu nhập gia đình quá lệ thuộc vào một loại cây trồng nên trong năm 2016, ông Thanh đầu tư trồng 250 gốc bơ booth trên diện tích 1 ha. Ông Thanh tự tin: “Đất ở H.Sông Hinh rất thích hợp trồng cây bơ và sầu riêng. Hiện nay, giá bơ booth trên thị trường khá cao, có thời điểm 180.000 đồng/kg nên nhiều người dân ở đây mạnh dạn đầu tư cây bơ”.
Ông Ksor Héc, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết ông Thanh là người đầu tiên trồng cây sầu riêng trên vùng đất Sông Hinh và là một trong những nông dân mạnh dạn đầu tư để đa dạng hóa cây trồng.
Đức Huy (Báo Thanh Niên)
>