Để có sản phẩm sạch cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật
Tuần vừa qua, tôi được mời vào TP Hồ Chí Minh để dự lễ trao giải (hay bằng chứng nhận gì đó) cho các cơ sở sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ (mà theo ý của họ là các sản phẩm sạch). Nhưng nghĩ như vậy cũng không chính xác vì rau cỏ nào chả là hữu cơ!...
Tinh thần hoạt động của tổ chức này là rất tốt, được mọi người ủng hộ. Ta rất cần giải quyết dứt điểm việc đưa nông sản sạch ra thị trường. Tình hình hiện nay là quá lộn xộn! Khi ra chợ, không ai có thể biết đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn (bẩn ở đây có nghĩa là còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng các yếu tố vô cơ, các vi sinh vật gây hại…). Vì vậy, Chính phủ và Bộ NN-PTNT cùng Bộ Y tế đang tích cực tăng cường các hoạt động để kiểm soát được sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Trong buổi lễ trên, một đồng chí lãnh đạo hiệp hội đã dõng dạc tuyên bố: “Chúng ta phải đoạn tuyệt với phân bón vô cơ, với thuốc BVTV và các sản phẩm biến đổi gen…”. Ngồi dưới nghe, tôi có cảm tưởng đồng chí lãnh đạo đó không hiểu gì về vấn đề hấp thụ của cây trồng. Điều tức cười là cuộc họp này lại do Cty phân bón Bình Điền tài trợ. Tôi thấy anh Lê Quốc Phong, Giám đốc Cty ngồi đó. Cty phân bón Bình Điền chuyên đưa ra các loại phân bón vô cơ với thương hiệu Đầu Trâu. Vậy, chả nhẽ ông “chủ tọa” lại tẩy chay ông “tài trợ”! Vấn đề có lẽ là ở khâu nhận thức.
Xin khẳng định với bà con, cây không hút được các sản phẩm hữu cơ mà nó chỉ duy nhất hấp thu được các nguyên tố vô cơ vào trong cơ thể. Tất cả các chất hữu cơ trong cây đều được tổng hợp nên từ các chất vô cơ mà rễ hấp thụ vào.Đó là các nguyên tố đại lượng, trung lượng, vi lượng và cả siêu vi lượng nữa.
Nếu khi ta bón phân hữu cơ vào đất, hệ vi sinh vật đất sẽ phân giải các phân tử hữu cơ để tạo thành các cation và anion (tức là các nguyên tử hoặc phân tử vô cơ). Keo đất sẽ hấp thụ chúng để rễ sẽ hút dần dần vào trong cây. Chúng sẽ được đưa lên lá để tổng hợp thành các chất hữu cơ. Xin hãy hiểu khái quát như vậy.
Do đó, phân vô cơ rất cần cho cây. Nó có tác động rõ rệt và nhanh chóng tới đời sống cây trồng. Nó làm tăng năng suất, tăng chất lượng cho mọi loại nông sản. Trên thế giới này, chưa có nước nào mà lại không dùng tới phân vô cơ. Nhưng nếu ta dùng quá nhiều phân vô cơ thì sẽ làm cho đất dễ bị chai cứng và điều nguy hại hơn là nếu dư thừa, nó có thể tồn dư vượt ngưỡng trong sản phẩm cây trồng.
Lúc đó, nó làm cho nông sản của ta lại bị gây hại tới sức khỏe của con người hoặc vật nuôi. Vì vậy, vấn đề chúng ta cần tránh lại là: Không lạm dụng phân vô cơ. Đấy mới là mấu chốt của vấn đề (chứ không phải là loại trừ phân vô cơ ra khỏi quá trình canh tác).
Ta phải chọn đúng loại phân vô cơ, bón đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Điều nay, anh em khuyến nông đã nói kỹ với bà con rồi. Nhưng nhiều nhà, do ham lợi nên đã không làm đúng như vậy. Họ cố tình bón thêm nhiều phân vô cơ để tăng năng suất. Nhưng chính việc đó đã làm cho cây ứ thừa các nguyên tố vô cơ, gây độc hại cho người tiêu dùng.
Thế còn, nếu ta đủ phân hữu cơ để bón cho cây thì rất tốt. Phân hữu cơ sẽ phân giải dần dần để cung cấp các chất khoáng cho cây. Nó cũng làm tăng độ màu, tăng độ tơi xốp, tăng khả năng điều tiết mới cho cây… Tuy nhiên, để sản xuất đủ phân hữu cơ, cho tất cả các loại cây trồng là việc rất khó. Đặc biệt với các đối tượng được trồng với diện tích lớn như cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp… đòi hỏi lượng phân rất nhiều.
Còn đối với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì đó cũng là vấn đề nhức nhối. Ít lâu nay, bà con ta dùng quá nhiều và cũng quá liều các loại thuốc BVTV. Nguy cơ tồn dư thuốc BVTV trên các loại nông sản hàng hóa là rất rõ ràng. Vì vậy, cả xã hội lo lắng về vấn đề này.
Nhưng giải quyết vấn đề này bằng cách nào thì nên bàn bạc kỹ lưỡng. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các Cty lớn ngoài vùng nông nghiệp (như Tập đoàn Vingroup) đã vào cuộc với nông dân. Họ đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật và cả vốn liếng để bà con tham gia sản xuất rau sạch. Làm rau sạch đâu dễ. Nó tốn kém hơn nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng cũng phải sẵn lòng mua nó với giá cao hơn thì nông dân mới có lãi.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, đa phần dân ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ. Nếu không dùng thuốc BVTV thì chỉ cần 2 ngày là ruộng rau của bà con chỉ còn trơ lại… toàn cọng. Sâu sẽ xông vào phá sạch. Do đó xin đừng vội quay lưng với thuốc BVTV.
Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để đưa vào áp dụng các biện pháp không dùng tới hóa chất như: Dẫn dụ thiên địch, sử dụng các loại thảo dược, các loại bẫy, bả… Tuy nhiên, nó chỉ được một phần. Nếu lúa bị đạo ôn thì các biện pháp trên cũng vô dụng. Trong lúc các loại cây trồng của chúng ta lại có vô vàn loại sâu bệnh.
Do đó, ta vẫn phải dùng tới các loại thuốc BVTV nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là phải sử dụng thuốc theo đúng quy định của ngành (đúng thuốc, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng phương pháp).
Đặc biệt, phải đảm bảo đúng thời hạn ngừng phun trước khi thu hoạch để loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV trong sản phẩm hàng hóa. Có lẽ, đây là vấn đề hệ trọng nhất mà chúng ta phải tập trung suy nghĩ tìm giải pháp. Ta không thể thực hiện nó chỉ bằng khẩu hiệu mà phải bằng các biện pháp thiết thực. Hy vọng, các loại rau sạch, thịt sạch sẽ sớm đến được với người tiêu dùng...
NGUYỄN LÂN HÙNG
>