Lem lép hạt là thuật ngữ chung để chỉ triệu chứng hạt lúa bị lép, lửng không cho năng suất. Biểu hiện 3 dạng là lép trắng, lép xanh và lép đen.
Triệu chứng lép đen trên lúa Khang Dân 18 vụ HT 2014 tại Nghệ An
“Lép trắng” là hiện tượng hạt lép màu trắng khi mới trỗ ra. Nguyên nhân chính của lép trắng là do tế bào mẹ hạt phấn không được hình thành, vỏ trấu không được silic hóa và không hình thành chất diệp lục. Nên khi lúa trỗ thấy những hạt lép màu trắng, thực tế là hoa đó không được hình thành đầy đủ.
“Lép xanh” là hiện tượng có 2 nguyên nhân, trỗ ra đã lép sẵn do quá trình hoàn thành hạt phấn gặp sự cố, tuy vỏ trấu đã hình thành chất diệp lục, nhưng hoa không hoàn thiện. Nên khi trỗ ra vẫn thấy màu xanh. Hoặc do điều kiện bất lợi hoa không thụ phấn, thụ tinh được và hạt không được hình thành.
“Lép đen” là hiện tượng hạt lép có màu đen, nâu đen, do tác nhân bên ngoài như nấm bệnh, vi khuẩn và cả nhện gié. Người ta thường gọi là “bệnh đen lép hạt”, có thể do nhiều đối tượng nấm bệnh, vi khuẩn khác nhau gây nên.
Lem lép hạt lúa gây thiệt hại năng suất rất lớn, có thể lên đến trên 70% năng suất. Thực tế 1 khóm lúa có 5 - 7 dảnh, có thể 10 - 15 dảnh hoặc cao hơn. Mỗi bông có khoảng 200 - 350 hạt, trọng lượng trung bình 1.000 hạt các giống lúa lai > 25 gram, lúa thuần > 20 gram.
Nếu mỗi bông lúa có 200 hạt chắc, mỗi khóm lúa có 7 bông, thì năng suất lúa thuần sẽ đạt hơn 11 tấn/ha, lúa lai sẽ đạt hơn 14 tấn/ha. Song thực tế chỉ đạt tối đa khoảng 2/3 năng suất đó.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa giai đoạn đòng - trỗ: Dảnh vô hiệu, lem lép hạt, bộ lá đòng. Cả 3 yếu tố đều dẫn đến lép, lửng hạt.
+ Hạn chế tối đa dảnh vô hiệu: Dảnh vô hiệu là các dảnh không cho bông, hoặc cho bông nhưng trỗ sau và chín muộn không cho năng suất. Dảnh vô hiệu được sinh ra do bón phân sai khoa học và điều tiết nước.
Trong điều kiện ruộng có nước, bón nhiều phân đạm và lân giai đoạn cuối đẻ nhánh, thúc đòng quá sớm, sẽ kích thích bộ lá và rễ phát triển. Bón đạm làm bộ lá xanh non, chồi non là nơi tổng hợp auxin, là chất kích thích ra rễ.
Mặt khác lân có tác dụng kích thích rễ phát triển, rễ là nơi tổng hợp cytokinin, là chất làm trẻ hóa tế bào. Vì vậy làm cây lúa đẻ thêm các dảnh vô hiệu.
Ngoài ra có thể hạn chế số dảnh bằng việc cắt nước cuối đẻ nhánh đến lúc lúa phân hóa đòng nếu điều kiện thủy lợi cho phép.
+ Hạn chế lem lép hạt: Bộ lá lúa xanh non, dảnh vô hiệu nhiều, ảnh hướng đến quá trình tổng hợp Giberelin (GA), là chất kích thích phân hóa mầm hoa, nếu thiếu nó có thể dẫn đến lép trắng và lép xanh. Vì GA giai đoạn này được tổng hợp chủ yếu từ các lá bánh tẻ (bộ lá đòng).
Do đó cần bón đón đòng và điều tiết nước hợp lý. Thời gian bón đón đòng tốt nhất là ở bước thứ 2 của quá trình phân hóa đòng (hình thành gié cấp 1). Tuy nhiên người nông dân sẽ khó biết đâu là bước thứ 2.
Có một kinh nghiệm thực tế giúp nhận diện như sau: Khi cây lúa bắt đầu phân hóa đòng, bộ lá chuyển vàng sáng, tròn mình. Bước 2 là lúc mắt lá cờ (lá cạnh bông sau này) trùng với mắt lá kế bên hoặc bóc dảnh lúa ra và thấy cây lúa có thân thật, trên đỉnh thân bắt đầu có phần lông trắng.
Nếu phải phòng trừ các bệnh như khô vằn, vàng lá, thối thân thì nên chọn các thuốc thuộc nhóm Triazole như Anvil 5SC, Nevo 330EC… vì ngoài phòng trừ bệnh, còn có cơ chế ức chế sinh trưởng ngọn (không dùng nhóm này cho cây họ bầu bí), giúp kìm hãm tổng hợp auxin.
Bảo vệ bộ lá đòng: Bộ lá đòng bao gồm 4 lá trên cùng là bộ lá quyết định năng suất lúa. Khi cây lúa phân hóa đòng, bộ lá đòng được cố định, lúc này cây lúa không thể mọc thêm được lá nào nữa.
Bộ lá đòng cần phải khỏe, đứng, sạch bệnh để tăng hiệu suất quang hợp và hạn chế tối đa việc tích lũy nguồn bệnh và lây lan sang hạt gây nên lép xanh và lép đen.
Phòng trừ, cắt nguồn bệnh tích lũy gây ra lép hạt và bảo vệ bộ lá đòng bằng các thuốc như Anvil 5SC (0,8 lít/ha) giai đoạn cuối đẻ nhánh, Nevo 330EC (0,3 - 0,4 lít/ha) giai đoạn từ làm đòng - trước trỗ, sau trỗ 1 tuần.
Nếu có áp lực đạo ôn, trước trỗ có thể dùng Amistar Top 325SC (0,4 lít/ha) để phòng đạo ôn cổ bông, cả khô vằn, vàng lá, lem lép hạt.
ThS Phan Anh Thế/ nongnghiep.vn