Kinh nghiệm nuôi hươu cho thấy nếu có một con đực tốt để làm giống thì giá trị kinh doanh cao hơn nhiều so với việc cho nhung của nó. Còn hươu cái, nếu cho ra đời những hươu có đặc tính tốt thì giá trị của hươu con sẽ thường cao hơn. Do vậy những hươu giống có lý lịch đầy đủ, rõ ràng luôn được người mua đòi hỏi và có giá trị cao hơn những con không có hồ sơ và lý lịch.
1. Chọn hươu đực
Tốt nái thì tốt ổ, tốt đực tốt cả đàn. Trong chăn nuôi hươu, con đực luôn được quan tâm hàng đâu trong công tác giống. Khác với vật nuôi khác, hươu đực không chỉ để phối giống cho đàn cái mà con đực còn có vai trò quan trọng là sản xuất nhung có giá trị kinh tế và giá trị sinh học cao.
Về lý lịch: Cần chọn con đực giống từ những con bố của nó có sức khỏe tốt, có năng suất nhung cao, tốt nhất là 1 năm 2 lứa nhung, khối lượng một lần cho nhung từ 0,8 kg trở lên. Tính di truyền của con bố ổn định. Nếu con bố cho nhung nhiều, sức khỏe tốt… thì con đực là con của nó cũng có những đặc tính đó. Nếu con bố con mẹ có khả năng chống đỡ bệnh tật tốt, tạp ăn thì con cũng được thừa hưởng những đặc điểm tốt từ bố mẹ. Khối lượng sơ sinh của con đực chọn phải từ 4kg trở lên.
Về ngoại hình: Trước hết phải chọn những con đực có ngoại hình nhìn tổng thể: đẹp, khỏe, cân đối và có nhiều đặc điểm của con đực. Cần phải đánh giá một cách chi tiết các chỉ tiêu sau đây:
- Hươu đực có mặt rộng, vầng trán nhô cao, hai xoáy trán cao và cách xa nhau. Cặp sừng thể hiện sức mạnh của con đực. Nếu hươu đã có sừng thì hai sừng phải tạo thành hình chữ V mà đỉnh càng rộng càng tốt. Những hươu có cặp sừng gần như song song là kém, ít nhung. Hươu đực có khuôn mặt ngắn, thô và gân guốc, mắt sáng, mí mắt dày dặn nhìn nhanh nhẹ, linh hoạt và mạnh mẽ là tốt.
- Cổ ngắn, to trông như có yếm. Mình thon mình ngựa, lưng phẳng, chỉ lưng rõ, kết hợp hài hòa, cân đối.
- Chân ngắn vừa phải và mập, luôn đi bằng 4 móng, không đi bằng bàn chân. Những con mà hai chân sau thấp hơn hai chân trước quá nhiều, chân khẳng khiu đứng chụm lại, khấu đuôi thấp thì không bao giờ có khả năng cho nhiều nhung và khả năng phối giống cũng rất kém.
2. Chọn hươu cái
Khi chọn hươu cái, ngoài phần theo dõi lý lịch thì những đặc điểm điển hình về sinh sản của hươu cái phải được quan tâm đúng mức.
Cần chọn theo huyết thống và lý lịch, tránh cận huyết. Khi chọn phải tìm cách xác định lý lịch ít nhất là một vài đời trước đó. Có như vậy mới tránh được những nguy cơ về đồng huyết. Giá hươu cái thường đắt gấp 4-5 lần hươu đực. Chọn hươu cái phải xem kỹ con mẹ và phần lịch sử phối giống, sinh đẻ, khả năng chăm sóc con tốt, nhiều sữa, đẻ năm một lần. Khối lượng sơ sinh của hươu cái phải từ 3kg trở lên. Ngoại hình cân đối, hài hòa giữa các phần của cơ thể theo thể trạng của giống cái. Đuôi luôn luôn phe phẩy, mắt sáng.
Đầu hươu cái nhỏ, thanh; mồm rộng, tạp ăn, vành mắt có bộ long màu nâu hoặc hung nâu. Những con có vành mắt trắng, bạc mày thì thường nuôi con kém, thậm chí không biết nuôi con. Cổ phải thon dài, đầu và cổ kết hợp hài hòa. Mặt thanh, đẹp, mắt trông sáng, nhanh nhẹn và linh hoạt. Thân hình nhìn chung phải cân đối. Lưng phẳng, chỉ lưng rõ ràng. Bụng gọn, hông rộng, mông tròn đều và nở; xương chậu to, dễ đẻ và không bị dị tật. Những con mà mông không cân đối, bên cao, bên thấp có thể bị gãy xương chậu từ nhỏ, sẽ rất khó sinh đẻ. Chân thấp vừa phải; chân sau không thấp quá so với chân trước.
Chọn được những hươu đực, hươu cái giống có những đặc điểm tốt như đã nói ở trên thì chăn nuôi sẽ đạt được những kết quả tốt hơn.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Theo 100 nghề cho nông dân) (Dân Việt)