Phần 2. Ao hồ:
Yêu cầu chung về ao hồ nuôi vịt: Ao sâu có độ sâu phù hợp với từng giai đoạn nuôi, theo định kỳ phải nạo vét vệ sinh ao. Nước ao phải sạch được thay thường xuyên, không được nhiễm phèn và mặn, Nếu nước có nhiễm phèn hay muối ở mức độ nhẹ thì có thể nuôi được vịt, nhưng phải tập cho vịt quen dần và trước khi thả vịt xuống ao phải cho vịt uống no nước ngọt.
Ảnh minh họa
Ao hồ nuôi vịt con
Trong tuần lễ đầu tiên không nên cho vịt con tắm ở ao diện tích lớn, vì như vậy vịt con sẽ sợ nước. Tốt nhất là xây một bể tắm nhân tạo hoặc dùng lưới quay một góc ao cho vịt con tắm.
- Quy cách xây bể:
+ Bể được xây tường bằng gạch, đáy đổ bê tông đảm bảo không thấm nước. Đáy bể được làm nghiêng với độ dốc 10% để tiện lợi khi xịt rửa vệ sinh.
+ Kích thước: Bể được xây kế tiếp sân theo chiều dài của chuồng nuôi, chia thành nhiều ô liên thông có chiều rộng 3m, dài 4m, độ sâu 30cm. Tuỳ theo số lượng vịt nuôi mà sử dụng số ô cần thiết để tiết kiệm nước. Mỗi ô có thể sử dụng tắm cho 200 vịt trong 2 tuần lễ đầu. Hằng ngày rửa bể, bơm nước sạch vào 2-3 lần. Bằng cách này sẽ tránh được tối đa các bệnh đường ruột cho vịt.
- Nếu không có điều kiện xây bể, chúng ta có thể dùng ao hồ tự nhiên cho vịt con tắm. Lúc vịt còn nhỏ nên dùng lưới quây thành một diện tích nhỏ, có cầu lên xuống với độ dốc 20% cho vịt tắm.
Ao hồ nuôi vịt hậu bị và vịt đẻ
Ao hồ rất cần để vịt tắm sạch bộ lông và vịt đẻ dễ dàng giao phối. Mật độ ao là mặt ao cho 1 con vịt ( với điều kiện nước ra vào thường xuyên). Nếu ao hồ 2-3m2 khó thay nước thì phải nuôi thưa vịt hơn. Những nơi không có ao hồ, suối tự nhiên, chẳng hạn như ở các vườn cây... thì có thể xây bể tắm nhân tạo cho vịt. Cần nhớ rằng, cầu lên xuống ao hồ phải thật thoai thoải để tránh dập trứng vịt đẻ.
Quy cách làm ao:
+ Thành ao được đổ bằng bê tông, xây gạch hoặc kè đá. Cầu xuống ao bằng gỗ hay bê tông có độ dốc 30%, chiều rộng câu 1-2m để cho vịt lên xuống.
+ Kích thước ao: Ao có kích thước tối thiểu bằng kích thước chuồng nuôi. Chiều rộng 12-14m, chiều dài theo chiều dài của chuồng nuôi, độ sâu 1,2-1,4m.
+ Các trang trại quy mô lớn cần có thêm hệ thống ao hồ để xử lý nước, phân trước khi thoát ra ngoài. Xử lý nước ao lắng này bằng vôi, hoá chất. Phân vịt phải xử lý ở nhà chứa phân có xây tường xung quanh, mái lợp tránh mưa nắng, xử lý bằng vôi bột và hoá chất để hoại.
Lưu ý:
Chăn nuôi vịt truyền thống thì ao bơi là không thể thiếu. Tuy nhiên, trong thực tế ở các trang trại chăn nuôi tập trung thì lượng phân vịt hằng ngày hầu hết được thải xuống ao bơi. Hậu quả là hệ thống ao bơi bị ô nhiễm dễ nhiễm các mầm bệnh đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hoá ảnh hưởng đến năng suất cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh ra môi trường.
Giải pháp tốt nhất đối với các trại có hệ thống ao bơi ô nhiễm đó là hạn chế thời lượng bơi ao hoặc có thể nuôi khô hoàn toàn (phương thức nuôi nhốt hoàn toàn).
Khi áp dụng việc nuôi khô thì cần chú ý đảm bảo cung cấp nước uống đầy đủ và thường xuyên và có biện pháp chống nóng đặc biệt là giai đoạn vịt sinh sản. Nuôi vịt theo phương thức nuôi nhốt hoàn toàn làm giảm đáng kể tỷ lệ vịt mắc bệnh về đường tiêu hoá, từ đó làm giảm tỷ lệ loại thải vịt bệnh. Mật độ đối với phương thức nuôi khô phải thấp hơn so với phương thức nuôi có ao bơi, ở giai đoạn sinh sản không nên nuôi quá 3 con/m2 nền chuồng nhiều do vậy cần bổ sung chất độn chuồng thường xuyên hơn, diện tích sân chơi tối thiểu là bằng diện tích chuồng nuôi, trồng nhiều cây xanh trong sân chơi để giúp vịt chống nóng.
Nguồn: Dự án phát triển chăn nuôi Thủy cầm an toàn sinh học
Nguồn: Dự án phát triển chăn nuôi Thủy cầm an toàn sinh học