Cá nhụ không xa lạ gì với người miền Bắc bởi từ xa xưa nó đã được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc hàng tứ phẩm "chim, thu, nhụ, đé".
Cá nhụ bốn râu hay còn là cá gộc (Eleutheronema tetradactylum), tên tiếng Anh là Fourfinger threadfin là loài lớn nhất trong các loài cá nhụ. Cá có thân dài, dẹt bên. Chiều dài thân bằng 3,7 - 4,4 lần chiều cao. Đầu ngắn, mắt to, có màng mỡ hình bầu dục rất phát triển. Lưng màu xám nhạt, bụng màu trắng xám, có bốn râu. Các màng vây của cá có màu vàng sặc sỡ. Xương lá mía với các tấm răng sớm rụng ở cả hai phía ngoại trừ ở cá con. Phần sau của hàm trên sâu, chiếm 3 - 4% chiều dài chuẩn. Phần mở rộng tấm răng ngắn vào mặt bên của hàm dưới, chiếm 7 - 9% chiều dài chuẩn. Cá nhụ bốn râu là loài cá lớn, có chiều dài trung bình khi trưởng thành 50 - 70 cm, nặng 5 - 7 kg, lớn nhất có thể dài đến 200 m và nặng tới 145 kg. Cá nhụ bốn râu là loài rộng muối (sống được cả trong môi trường nước lợ lẫn nước biển), là loài cá dữ, thức ăn chính gồm các loài cá nhỏ, tôm, cua. Sinh trưởng nhanh. Đây là loài cá lưỡng tính có các sản phẩm sinh dục đực chín trước.
Cá phân bố ở khu vực nhiệt đới từ Ba Tư đến Papua New Guinea và dọc theo ven bờ biển tây Ấn Độ Dương, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, phía bắc Australia và Việt Nam. Cá nhụ bốn râu được nuôi nhiều ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines... Ở Việt Nam, cá nhụ bốn râu phân bố ở các vùng biển Vịnh Bắc bộ, miền Trung và Nam bộ. Trong tự nhiên, do khai thác quá mức nên nguồn lợi cá nhụ bốn râu đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện, cá đã được xếp vào Sách Đỏ của Việt Nam.
Cá nhụ bốn râu là một trong bốn loài cá quý, được ưa thích trên thị trường và là một trong những đối tượng mới được lựa chọn cho mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng nuôi biển. Cá có thể nuôi được với nhiều hình thức khác nhau như nuôi trong ao đất, lồng bè và các đầm nước lợ hoặc tận dụng các ao đầm nuôi tôm sau khi dịch bệnh. Điều kiện thích hợp để phát triển nuôi thương phẩm loài cá này là những nơi có độ mặn 20 - 30%, pH 7,5 - 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/lít. Mật độ nuôi trong ao, đầm khoảng 1 - 1,5 con/m2, trong lồng 9 - 12 con/m3. Cá nhụ bốn râu nuôi thương phẩm cho ăn thức ăn công nghiệp và thức ăn tươi đạt tỷ lệ sống, sức sinh trưởng tương đương nhau, vì vậy trong quá trình nuôi tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc mà có thể sử dụng tùy loại. Khi nuôi cho cá ăn với khẩu phần 4 - 5 %. Cá nhụ bốn râu là loài ưa sống sạch nên trong quá trình nuôi với hình thức nuôi ao, định kỳ 10 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay 100% lượng nước trong ao là tốt nhất. Cá nhụ 4 râu là loại cá có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cá giống có kích thước 1,5 - 2 g/con, nuôi trong thời gian 18 - 20 tháng cá đạt kích cỡ thương phẩm 1.200 - 1.500 g/con. Tỷ lệ sống đạt trên 70%. Nuôi cá nhụ bốn râu cho năng suất cao, hình thức nuôi trong ao đạt 4.720 - 4.940 kg/ha/vụ, nuôi lồng đạt khoảng 14,75 kg/m3 lồng/vụ. Cá có khả năng thích nghi được trong điều kiện mùa đông miền Bắc nên trong quá trình nuôi không bị phụ thuộc vào mùa vụ.
Nguồn cung cấp giống cá nhụ bốn râu trước kia là khai thác ngoài tự nhiên và nhập giống từ Đài Loan. Từ năm 2013 đến nay, cá nhụ bốn râu được sinh sản nhân tạo tại Trung tâm quốc gia Giống hải sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I).
Cá nhụ bốn râu được nghiên cứu ở Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Bắc từ năm 2009; Năm 2013, Trung tâm đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo và tới nay đã hoàn thiện các quy trình nuôi thương phẩm.
Nhung Nguyễn/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam