Khoảng 2 năm trở lại đây, giá quả bơ không ngừng tăng cao, kéo theo nhu cầu trồng bơ ngày một tăng. Bảo Lâm - Lâm Đồng đang là địa phương có phong trào trồng bơ ghép xen canh với cây cà phê phát triển khá mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2015, huyện Bảo Lâm đã có hơn 300 ha bơ được trồng mới. Theo khảo sát, tại một số xã như Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc Phú..., trong năm 2016 này, nhu cầu trồng bơ của người dân vẫn tiếp tục tăng.
Mùa mưa năm nay, bà Nguyễn Thị Chuẩn (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) tiến hành trồng mới 2 ha bơ ghép. Cây giống được bà mua từ tỉnh Đắk Lắk. “Giá giống bơ ghép ở đấy cũng bằng giá bơ ghép ở Lâm Đồng, 60 ngàn đồng/cây cộng thêm chi phí vận chuyển” - bà Nguyễn Thị Chuẩn cho biết. Thắc mắc vì sao không mua giống ở địa phương cho tiện, thì được bà trả lời: “Ở thời điểm này, đa phần các vườn ươm, các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn Bảo Lâm và Bảo Lộc đều đã hết hàng. Nếu có còn thì hàng đấy cũng đã được người ta đặt mua trước cả rồi!”.
“Khan” hàng, “cháy” hàng, nên giá cây bơ giống đã bị đẩy lên khá cao, từ 60 ngàn đồng (đầu mùa) thì nay thành 65 ngàn đồng/cây giống. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đủ cầu. Nắm được điều này, nhiều cơ sở sản xuất giống tư nhân đã vận chuyển cây bơ giống từ các tỉnh miền Tây (chủ yếu là Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang...) về bán cho người dân tại Bảo Lâm và Bảo Lộc, một trong những vùng trọng điểm về cây bơ của tỉnh Lâm Đồng. Hiện, giá bơ giống miền Tây dao động từ 28 - 30 ngàn đồng/cây, chưa bằng phân nửa giá cây bơ giống đầu dòng sản xuất tại địa phương.
Điều đáng nói đến ở đây là, hầu hết các giống bơ do miền Tây sản xuất chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cây đầu dòng. Vì thế, chất lượng của những giống bơ này như thế nào đang là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.
Theo tìm hiểu, quy trình sản xuất bơ giống ở miền Tây như sau: Ban đầu, các cơ sở sản xuất giống ở đấy tiến hành ươm giống. Khi cây con sinh trưởng đến giai đoạn có thể ghép chồi được, thì các chủ cơ sở sản xuất giống bắt đầu liên hệ với các cơ sở cung cấp chồi ghép ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Chồi ghép nhanh chóng được vận chuyển về miền Tây. Nhận được chồi ghép, các cơ sở sản xuất giống lập tức thực hiện công đoạn ghép. Tiếp đến, khi những giống ghép này sinh trưởng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất vườn lại được vận chuyển ngược lên Lâm Đồng và Đắk Lắk để bán cho nông dân.
Nói về vấn đề này, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết: “Kỹ thuật ươm giống và ghép giống của họ đạt một trình độ rất cao”. Ông Đậu Văn Xuân lấy ví dụ, cận Tết Nguyên đán, chúng ta vẫn thấy xuất hiện một loại quất cảnh có nguồn gốc từ miền Tây. Nhìn cái chậu nhỏ xíu, thế mà cây quất cứ xanh um, quả trĩu trịt, cành lá thì sum suê. Trông thì thích thật, nhưng ai dám chắc nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây được lấy từ tự nhiên, hay là từ hóa chất? Và nếu là tự nhiên thì cái chậu nhỏ xíu không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi cây được!
Trở lại vấn đề cây bơ, ông Đậu Văn Xuân cho rằng, bơ là cây trồng lâu năm. Ít nhất phải mất 4 năm, bơ mới cho thu hoạch. Do đó, người dân cần chọn những giống bơ có nguồn gốc rõ ràng, để tránh tình trạng thất thoát trong năm trồng đầu tiên.
“Tất nhiên, công tác chăm sóc ban đầu khi sử dụng cây bơ giống có xuất xứ từ miền Tây sẽ tốn công hơn so với trồng những giống bơ ghép đầu dòng do địa phương sản xuất. Ngoài ra, trồng bơ giống miền Tây thì việc đầu tư vườn tược, xử lý sâu bệnh ban đầu cũng kỹ và tốn công hơn so với trồng giống bơ của địa phương”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Đậu Văn Xuân khẳng định.
Theo Chịnh Tru/Báo Lâm Đồng