Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỉ đô la Mỹ, lần đầu vượt qua xuất khẩu lúa gạo (1,32 tỉ đô la Mỹ). Sự tăng trưởng của ngành rau quả liệu có bền vững hay chỉ là nhất thời? Và chúng ta nhìn thấy gì từ sự kiện này?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng. Ảnh tác giả cung cấp.
TBKTSG Online trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp, người có nhiều năm làm việc tại Nhật, Úc và Việt Nam.
Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về sự kiện lần đầu xuất khẩu rau quả vượt mặt lúa gạo?
- Tôi nghĩ việc xuất khẩu rau quả vượt mặt lúa gạo là điều có thể nhìn thấy từ trước và trong tương lai, xuất khẩu rau quả sẽ còn vượt xa lúa gạo. Nếu năm 2012 ta xuất khẩu chỉ được 770 triệu đô la, thì qua năm 2013 kim ngạch xuất khẩu rau quả đã lần đầu vượt mức 1 tỉ đô la (1,04 tỉ). Qua năm 2014, xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỉ đô la; và vào năm 2015 con số này tăng lên 2,20 tỉ đô la.
Tôi tin con số này tiếp tục tăng và vượt xa lúa gạo.
Vì sao?
Chúng ta cần nhìn tổng quan thị trường thế giới. Theo số liệu báo cáo từ Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2010, độ lớn của thị trường nhập khẩu gạo là 17 tỉ đô la; trong khi đó, độ lớn của thị trường nhập khẩu rau quả là 97 tỉ đô la.
Báo cáo “Thị trường rau quả chế biến - Fruits and Vegetables Processing Market” gần đây do tổ chức Zion Research công bố ngày 16-5-2016 cho thấy nhu cầu thế giới về rau quả gồm rau quả tươi (fresh), đóng hộp (canned), đông lạnh (frozen), cắt tươi (fresh cut), sấy khô (dried), và thức ăn rau quả tiện lợi (convenience products) vào năm 2014 đã có trị giá khoảng 203 tỉ đô la. Nhu cầu này sẽ tăng lên khoảng 319,9 tỉ đô la vào năm2020.
Nhìn vào đó, chúng ta thấy cơ hội cho ngành rau quả rất lớn.
Và đã đến lúc chúng ta đặt lại vai trò của ngành lúa gạo trong câu chuyện xuất khẩu?
- Tôi nghĩ đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại ngành lúa gạo, không chỉ bởi yếu tố kinh tế mà còn liên quan cả câu chuyện biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng.
Chúng ta liệu có còn nguồn nước dồi dào dành cho lúa gạo? Biến đổi khí hậu, hạn, mặn, các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông và những yếu tố tác động sẽ bắt buộc chúng ta phải thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi nông nghiệp.
Năm 2013, tờ The Guardian dẫn báo cáo nghiên cứu đưa thông tin rất đáng chú ý khi chỉ ra rằng để sản xuất 1 kg gạo, cần 2.497 lít nước; con số tương ứng lần lượt cho táo, chuối, bắp cải, cà chua là 822, 790, 237 và 214 lít nước.
Tuy phương thức canh tác ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ cho ra những con số tiêu thụ nước khác nhau nhưng những số liệu định lượng chính xác đến từng lít nêu trên rất đáng để chúng ta lưu ý khi vẫn quyết tâm sản xuất lúa vụ ba và đặt chỉ tiêu xuất khẩu.
Khoan xét đến giá trị kinh tế, nguồn lực tự nhiên sẽ không cho phép chúng ta tiếp tục thực hiện sản xuất lúa một cách thiếu tính toán.
Ở thị trấn Leeton, thuộc bang New South Wales, Úc, năm 2003, khu vực này có 100.000 héc ta trồng lúa thì nay đã giảm xuống còn 50.000 héc ta vì không còn đủ nước để tiếp tục trồng lúa. Đây là ví dụ dễ thấy để chúng ta chuẩn bị.
Nhưng nếu không trồng lúa thì trồng cây gì, nuôi con gì?
- Tôi không nói rằng không trồng lúa. Tôi nghĩ nên giảm diện tích trồng. Năm 2015, chúng ta sản xuất khoảng 45 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn.
Có cần thiết phải duy trì vị trí tốp 3 trong xuất khẩu gạo trong khi xuất khẩu rau quả mang lại giá trị cao hơn; và ngành thủy sản đang phải nhập nguyên liệu để chế biến?
Còn cụ thể, trồng cây gì, nuôi con gì, cái đó nên để thị trường quyết định. Mà gắn với thị trường chính là doanh nghiệp. Làm sao khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Cần hiểu làm nông nghiệp rất khác với công nghiệp. Với công nghiệp, anh cho công nhân tăng ca, máy chạy 24/24 được nhưng với nông nghiệp, mọi thứ cần thời gian, chứ không thể bật máy lên là chạy cái vèo được; chưa kể những yếu tố rủi ro khó kiểm soát.
Làm nông nghiệp thời gian hoàn vốn thường dài hơn so với công nghiệp. Do vậy, nhà đầu tư cần sự yên tâm, yên tâm về môi trường, yên tâm về thời gian sử dụng đất …
Đây là câu chuyện cũ mà các chuyên gia đã nói rất nhiều năm nay.
Quay lại câu chuyện xuất khẩu rau quả. Làm sao để nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả và đảm bảo phát triển bền vững?
- Theo tôi quan sát, ngành rau quả của chúng ta vẫn còn rất yếu trong khâu xử lý sau thu hoạch và chế biến. Để giải quyết điều này, một cách khả thi là doanh nghiệp Việt có thể hợp tác cùng doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng thế mạnh của cả hai. Chúng ta có đất, có nhân công; đối tác có giống, công nghệ, thị trường. Việc hợp tác có lợi cho cả hai bên.
Nhiều doanh nghiệp Nhật mà tôi biết, họ đều có nhu cầu tìm đối tác Việt Nam để hợp tác. Điều này giúp họ giảm thiểu những rủi ro và chi phí tài chính khi tự thiết lập một nhà máy riêng tại Việt Nam.
Cần hiểu rằng chúng ta có một thị trường lớn từ các quốc gia cùng tham gia TPP. Thêm nữa, đừng quên thị trường gần Việt Nam là Trung Quốc. Đây là một thị trường rất lớn, không thể bỏ qua.
Việc hợp tác để áp dụng công nghệ chế biến sản phẩm sẽ giúp nông sản Việt vượt qua những rào cản kỹ thuật, đi bằng con đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc cũng như những thị trường khó tính trên thế giới.
Vậy còn vai trò của nhà nước?
- Tôi kể anh nghe hai câu chuyện.
Ngành giống Nhật Bản rất mạnh. Vì sao? Các doanh nghiệp giống nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ. Cách hỗ trợ rất hay. Các viện nghiên cứu hoặc trường đại học Nhà nước sẽ tạo những giống có bộ gen tốt nổi trội mà loại rau quả đó cần rồi chuyển giao cho doanh nghiệp phụ trách lai tạo giống thương mại tiếp theo.
Ví dụ, với cà chua, viện nghiên cứu hoặc trường đại học sẽ tạo một vài giống cơ bản có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Quá trình này tốn nhiều thời gian và không dễ dàng. Phần còn lại, làm sao cho trái to, đẹp, ngon ngọt… để đưa ra thị trường thì doanh nghiệp giống cây trồng sẽ làm tiếp.
Ở đây ta thấy có sự hợp tác theo chiều dọc; nó khác với trường hợp cả nhà nước và doanh nghiệp cùng nghiên cứu giống song song với nhau, tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết.
Câu chuyện thứ hai. Thường công nghệ nước nào chỉ phù hợp với nước đó. Khi sang Việt Nam, cần nghiên cứu điều chỉnh rất nhiều. Vậy ai sẽ nghiên cứu thay cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh phải trả giá khi mày mò sử dụng? Các viện, trường có thể làm được và dĩ nhiên, họ cần ngân sách hỗ trợ.
Bây giờ, ví dụ Nhật muốn nhập khẩu đậu bắp. Doanh nghiệp Việt cần biết giống đậu bắp nào tốt nhất, trồng khu vực nào phù hợp nhất để có sản phẩm ngon nhất đúng như yêu cầu của khách hàng Nhật. Những thông tin cơ bản đó Nhà nước có thể đóng vai trò hỗ trợ cung cấp.
Rõ ràng có rất nhiều cách để Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong đó, sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp là một trong những cách tốt nhất mà ít tốn kém nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Đức Tâm (thesaigontimes.vn) thực hiện
>