Sau nhiều nỗ lực để bảo tồn, đến nay sâm Ngọc Linh - loài thân thảo quý hiếm - đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Sau nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, loài thân thảo quý hiếm thuộc họ nhân sâm sống ở độ cao 1.800 mét trên dãy núi Ngọc Linh, ngày 16 tháng 8 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Nam quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì họp báo công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh
Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn ở làng Tắc Ngo, thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có vườn sâm Ngọc Linh hơn 2 héc ta. Cũng như nhiều hộ đồng bào Xê Đăng nơi đây, gia đình ông Đoàn đầu tư hàng tỷ đồng để nhân giống, mở rộng diện tích. Đến nay, vườn sâm nhà ông có hơn 5.000 gốc sâm trên 7 năm tuổi, gần 10 nghìn cây sâm giống từ 1 đến 5 tuổi, ước tổng giá trị hơn 5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều mà ông Đoàn và bà con thôn bản lo lắng là đầu ra cho sâm củ. Lâu nay, sản phẩm của bà con chủ yếu bán cho tư thương, hộ kinh doanh nên không tránh khỏi bị ép giá. Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ mở ra cơ hội làm ăn cho bà con.
Nhân giống sâm Ngọc Linh dưới tán tự nhiên
Trước tình trạng “chảy máu” sâm giống, tỉnh Quảng Nam đã hình thành Trạm dược liệu Trà Linh để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của sâm Ngọc Linh; xây dựng Đề án trồng sâm nhân dân mở rộng diện tích, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con; hỗ trợ tỉnh Kon Tum cây giống, hạt giống để xây dựng vùng sâm giống, phát triển vùng sâm nguyên liệu; phối hợp Viện Dược liệu, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về cây sâm quý hiếm này.
Củ sâm Ngọc Linh
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có 250 héc ta diện tích trồng sâm, tập trung tại các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang. 32 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và tỉnh Quảng Nam chỉ cho phép 6 doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư.
Các thủ tục mà 6 doanh nghiệp đang triển khai thì chưa doanh nghiệp nào có dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Hết năm nay, chắc chắn 6 doanh nghiệp sẽ được vào trồng, và khi trồng thì có cam kết đầy đủ. Ví dụ như cược tiền, không trồng sẽ mất tiền. Việc đóng cửa rừng của Chính phủ không ảnh hưởng vì trồng sâm là để giữ rừng.
Dự kiến, ngày 29/8 tới đây, tỉnh Quảng Nam sẽ công bố chính thức chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.
Củ sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã gửi báo cáo lên Chính phủ đề nghị công nhận sâm Ngọc Linh là sâm quốc gia, đồng thời cấp tem chứng nhận cho sản phẩm sâm củ. Bên cạnh việc phát triển sâm thương mại, tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch để phát triển du lịch sâm Ngọc Linh, một loại hình du lịch mới và đầy tiềm năng.
Ông Lê Văn Thanh cũng cho biết, đối với việc trồng sâm, ưu tiên trước hết là khuyến khích người dân địa phương trồng để hạn chế du canh, du cư./.
Hoài Nam/VOV-miền Trung
>