Cụ thể, hiện phân đạm Phú Mỹ có giá 360.000 đồng/bao (loại 50kg), giảm 100.000 đồng/bao, urê Việt Nhật từ 530.000 đồng/bao giảm còn 450.000 đồng/bao (loại 50 kg), NPK Vina Thái giảm 100.000 đồng/bao, hiện bán ra có giá 420.000 đồng/bao… Chị Phan Thị Hồng, chủ đại lý phân bón Hồng Lợi (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) cho hay, giá giảm mạnh nhất là phân đạm, đây là loại được nhiều nông dân lựa chọn để bón cho cây trồng, hầu hết các loại phân đạm của Phú Mỹ, Việt Nhật… đều giảm 100.000 đồng/bao và giữ ổn định từ đầu mùa mưa đến nay, dù sức tiêu thụ có tăng đột biến. Bên cạnh đó, nguồn cung mặt hàng này cũng khá dồi dào.
Gia đình ông Triệu Tiến Dũng, ở thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar có 2 ha tiêu xen cà phê. Theo ông Dũng, nếu như các năm trước, khi bước vào chính vụ bón phân cho các loại cây trồng thì giá phân đồng loạt tăng do nhu cầu tiêu thụ nhiều. Nhưng vụ này, giá phân bón không những không tăng mà còn giảm khiến ông rất phấn khởi vì phần nào giảm bớt áp lực trong chi phí đầu tư sản xuất. Tương tự, nông dân Cao Quốc Triều, thôn 8, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp cũng tỏ ra hồ hởi vì hơn 1 ha trồng lúa của anh phải bón hết vài tạ phân hóa học, đầu mùa mưa là lúc cây trồng cần lượng phân bón lớn, chỉ cần mỗi bao phân giảm xuống vài chục ngàn đồng thì anh đã tiết kiệm được cả triệu đồng. Quan trọng hơn, với giá ổn định như hiện nay, anh không phải mua hàng tạm trữ đề phòng giá sẽ leo thang như mọi năm.
Theo anh Phạm Thanh Cường, chủ đại lý phân bón Tiến Cường (thôn 5, xã Ea Lê, huyện Ea Súp), sở dĩ thị trường phân bón giá giảm, nguồn cung dồi dào như hiện nay là do chi phí đầu vào, nguyên vật liệu để sản xuất thấp, hơn nữa, trước áp lực cạnh tranh, nhiều nhà cung cấp cũng đã có sự điều chỉnh về mức giá hợp lý hơn, mà vẫn bảo đảm các yếu tố về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi sản phẩm.
Đề phòng nạn phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, nhiều đại lý đã thực hiện ký hợp đồng cam kết với nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm. Khác với những năm trước, năm nay, hầu hết các đại lý đều thực hiện ký cam kết và gối đầu vốn với nhà sản xuất, nghĩa là chỉ trả trước khoảng 60% tổng chi phí nhập hàng, trong quá trình bán ra, bất cứ khi nào có phản ảnh của người tiêu dùng chứng minh phân bón kém chất lượng hoặc giả thì sẽ đại lý phân phối sẽ không phải trả số tiền còn lại cho đối tác, còn người mua sẽ được nhà sản xuất hoàn trả lại số tiền đã mua hàng…
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực của tỉnh cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón, xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, Đoàn sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các nội dung: việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh mặt hàng phân bón; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nguồn gốc, xuất xứ và tiến hành lấy mẫu để phân tích chất lượng. Trong đó, chú trọng địa điểm kiểm tra là các cửa hàng, đại lý phân phối tại các huyện. Ngoài ra, ông Chí cũng khuyến cáo người dân nên cảnh giác với các sản phẩm được bày bán trôi nổi, không bảo đảm chất lượng và có giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời, chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì, tốt nhất nên chọn mua những sản phẩm đã có uy tín trên thị trường tại các đại lý tin cậy.
Đỗ Lan/Daklak Online