Người dân chuyển đổi trồng cây thanh long thương phẩm trên đất ruộng nhiễm phèn cho lãi cao từ 7-10 lần so với trồng lúa.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn, gần đây nông dân vùng ngọt hóa Gò Công tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng mô hình trồng cây thanh long thương phẩm trên vùng đất lúa.
Cây thanh long thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước nên cho năng suất cao.
Vùng ngọt hóa Gò Công có gần 500 ha cây thanh long, tập trung ở các vùng thường bị nhiễm mặn ven sông, ven biển của huyện Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông. Theo nông dân, cây thanh long rất thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước của khu vực này và cho năng suất cao.
Với mức giá thanh long (ruột trắng) trên 10.000 đồng/kg, người trồng thanh long có thu nhập khá. Riêng thanh long ruột đỏ bán giá cao, cho lãi cao từ 7-10 lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Thân Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, xã đã đề xuất với UBND huyện cho thành lập dự án cây thanh long. Được huyện thống nhất, chính quyền địa phương vận động nhân dân hưởng ứng phong trào trồng thì cây thanh long phát triển tốt.
“Hiện nay, xã Đồng Sơn có 320 ha thanh long theo 2 khu. Khu Ninh Đồng Ba đã cho trái còn khu Khương Thọ mới trồng 2 năm. Được huyện đầu tư, chuyển đổi khoa học nên cây thanh long phát triển tốt”, ông Duy cho biết./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
>