Rau quả lên ngôi 'vương'

Thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do hạn và mặn, cùng với diễn biến thị trường xuất khẩu nông sản đang thay đổi… là những cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) định vị lại thứ tự ưu tiên sản xuất nông nghiệp. Lựa chọn số một là thủy sản, kế đến là trái cây, lúa gạo ở vị trí thứ ba. Lần đầu tiên, rau quả được xác định là ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Điểm sáng của xuất khẩu nông sản

8 tháng qua, ngành hàng rau quả xuất khẩu được 1,57 tỷ USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng có giá trị lớn nhất trong các mặt hàng nông sản nói chung. Trong khi đó, xuất khẩu gạo bị sụt giảm 16%về lượng và 13% về giá trị, nên chỉ đạt 1,51 tỷ USD. Nhiều khả năng, mặt hàng rau quả sẽ vượt qua lúa gạo về kim ngạch năm nay. Riêng thủy sản, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, do dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng bị chậm lại (năm 2015 tăng trưởng âm về xuất khẩu). Vì vậy, có thể nói, từ đầu năm đến nay, rau quả là điểm sáng của xuất khẩu nông sản.

Nhìn lại thị trường xuất khẩu nông sản 10 năm qua, có thể thấy tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam rất lớn. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 305 triệu USD, nhưng năm 2013 đã vọt qua 1 tỷ USD và năm 2015 là 2,2 tỷ USD. Năm nay dự kiến 2,4 tỷ USD. Trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, để nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực, Bộ NN-PTNT đã xác định lại vị thế cây trồng vật nuôi, trong đó, ưu tiên số một là thủy sản, rau quả ở vị trí thứ hai và là mặt hàng chủ lực xuất khẩu, cây lúa ở vị trí thứ ba - khẳng định những ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp trước đó là chính xác. Năm 2007, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc (lúc đó là chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales), cho biết cây lúa chiếm 74%diện tích đất nông nghiệp cả nước, với khoảng 7 triệu ha gieo trồng hàng năm (chủ yếu ở ĐBSCL), nhưng giá trị lợi nhuận mang lại trên đơn vị diện tích lại kém nhất, nên nông dân trồng lúa có thu nhập thấp nhất so với các loại cây con khác… Xét về hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất là chưa hợp lý. Vì vậy, việc định vị lại cây, con chủ lực là điều nên làm do dư địa rau quả còn rất lớn, lượng giao dịch toàn cầu hơn 100 tỷ USD/năm, trong khi lúa gạo khoảng 10 tỷ USD/năm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ đạt 2,8%/năm (theo Tổ chức Lương nông - FAO của Liên hiệp quốc).

Trái cây - mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Có thể nói, kết quả này là quá trình từ nhiều phía, cả nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất, trong đó có sự góp sức âm thầm của ngành bảo vệ thực vật. Để có thể xuất khẩu một loại trái cây nào đó vào thị trường khó tính như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là Mỹ, là cả quá trình.


Chế biến trái cây xuất khẩu tại quận Tân Bình. Ảnh: Cao Thăng

Năm 2008, Mỹ mở cửa thị trường thanh long, nhưng trước đó 4 năm, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT) đến Mỹ tìm hiểu và tiến hành các bước đầu tiên để có thể đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Điểm chung của những thị trường khó tính là phải có chương trình tiền chứng nhận. Để xuất qua Mỹ trái thanh long, Việt Nam phải gửi danh sách dịch hại có trên trái này, qua đó hai bên phân tích nguy cơ để thống nhất danh sách đối tượng thực vật cấm cùng giải pháp loại bỏ. Để có chương trình tiền chứng nhận, phía Mỹ và Cục bảo vệ thực vật phải giám sát và lên danh sách mã số vùng trồng (bọc trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu nước nhập khẩu, trồng theo chuẩn GAP), có mã số cơ sở đóng gói và nhà máy (chiếu xạ) xử lý trái trước khi xuất khẩu. Những loại trái cây khác tiếp tục được xem xét như chôm chôm năm 2011, nhãn và vải năm 2014 và cứ thế cuốn chiếu các loại trái cây khác. Hiện Mỹ đã đồng ý nhập khẩu thanh long ruột trắng và ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và đang hoàn tất thủ tục nhập xoài vào cuối năm. Cũng với cách làm này, năm 2009, Nhật Bản mở cửa thị trường thanh long, rồi Hàn Quốc, Chilê, Úc, New Zealand. Hiện Nhật Bản cho nhập thêm xoài và dự kiến cuối năm nay là thanh long ruột đỏ. Năm 2015, có thêm lãnh thổ Đài Loan mở cửa nhập thanh long Việt Nam, ngoài ra có thêm trái vải. Mới đây là xuất thêm xoài qua Úc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, dựa trên việc trồng tập trung, lợi thế cạnh tranh cao nên lúc đó trái thanh long được chọn để đột phá thị trường Mỹ (khi đó, chưa nước nào có thanh long hàng hóa, ngoài Việt Nam). Năm 2013, Bộ NN-PTNT thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường rau - hoa - quả xuất khẩu; cũng năm này, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua, Việt Nam đã có hàng rào kỹ thuật vững, ngang hàng với các nước tiên tiến, là công cụ để đàm phán với các nước khi mở cửa thị trường khó tính. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống kiểm dịch thực vật và việc tái cơ cấu ngành là chìa khóa mở cánh cửa xuất khẩu rau quả thời gian gần đây. Nếu không có những bước này, việc xuất khẩu khó có thể phát huy thế mạnh của rau quả khi phụ thuộc nhiều vào thị trường bình dân như Trung Quốc... Giá bình quân 1kg trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính cao gấp 4 - 5 lần, có loại, có lúc cao hơn 7 - 8USD/kg so với thị trường dễ tính. Làm ít, nhưng làm tốt và chất lượng nên hiệu quả cao hơn làm nhiều mà giá thấp. Đây là động lực để người dân tiếp cận phương pháp sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, sản phẩm chất lượng, sạch hơn và bền vững hơn; giúp làm thay đổi tập quán, tư duy người trồng. Bên cạnh đó, chất lượng, thương hiệu và giá trị trái cây Việt được nâng lên.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phát triển thị trường xuất khẩu rau - hoa - quả mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, bộ sẽ phối hợp nhiều hơn với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trong việc giúp mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là rau quả, như đưa nội dung mở cửa thị trường nông sản Việt vào các hội đàm cấp cao, nghiên cứu chi tiết các thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng, cũng như thị hiếu tiêu dùng của thị trường trọng điểm. Đồng thời, quy hoạch lại vùng nguyên liệu dựa trên nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh, dư địa xuất khẩu lớn để có điều kiện đầu tư nhiều hơn về khoa học - công nghệ, giải quyết những vướng mắc kỹ thuật, đặc biệt là sâu bệnh.

Công Phiên (Báo SGGP
>

Bio Việt Nam bị tố làm phân bón giả: Làm rõ những bất thường!


Không được cấp phép sản xuất. Không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Sử dụng địa chỉ sản xuất “ma”, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bio Việt Nam đã làm nhái sản phẩm phân bón của các thương hiệu nổi tiếng và chào bán công khai trên thị trường

bio việt nam
Sản phẩm H1-Pro của Cty Bio Việt Nam chưa được cấp phép sản xuất

Thật, giả lẫn lộn
Cùng 1 sản phẩm phân bón lá nhãn hiệu H1-Pro dung tích 100cc do Cty N.N.X (có văn phòng tại phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bán cho nông dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhưng giá bán lại khác nhau “một trời một vực” là 450.000 đồng và 85.000 đồng. Vậy chai nào là thật, chai nào là nhái (giả nhãn hiệu) để đánh lừa bà con nông dân?
Chúng tôi đến HTX Phước Tiền (ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) để tìm hiểu. Bởi, đây là địa điểm tổ chức hội thảo đầu tiên để giới thiệu sản phẩm H1- Pro (giá bán 450.000 đồng) của Cty N.N.X cách đây 1 năm.
Thế nhưng, hơn 1 tháng qua, Cty này tiếp tục đưa xuống HTX sản phẩm H1-Pro với bao bì mẫu mã giống tới 90% sản phẩm cũ, chỉ khác ở chỗ có màu nhạt hơn, bán giá chỉ có 85.000 đồng.
Hiện nay, HTX Phước Tiền đang mua bán đồng thời 2 sản phẩm H1- Pro với chế độ khuyến mãi là: “Mua 2 chai H1-Pro cũ (giá 450.000 đồng) tặng 1 chai H1-Pro mới (85.000 đồng)”. Nông dân thấy chai nào cũng có tên là H1-Pro, nên đua nhau mua về sử dụng. Trong đó tập trung nhiều nhất là chai giá 85.000 đồng do rẻ gấp 3 lần so với chai cũ.
Bio việt nam
Một nông dân xã Thường Thới Tiền mua sản phẩm H1-Pro giá rẻ (85.000 đồng) tại HTX Phước Tiến
Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh của phóng viên NNVN về sự kỳ lạ trên, ông Lê Duy Quí – Chủ tịch HĐQT HTX Phước Tiến, thanh minh rằng nhân viên nhập hàng và mua bán do không báo cáo. Ông vẫn cứ nghĩ là H1-Pro cũ nên không để ý, nay sau khi so sánh 2 sản phẩm cũ và mới, nhận thấy rõ sự bất hợp lý ngay trên nội dung ghi sai địa chỉ nhà sản xuất và giá trị sản phẩm.
Lập tức ông Quí yêu cầu tạm dừng ngay việc mua bán sản phẩm H1-Pro mới giá 85.000 đồng, yêu cầu nhà phân phối đem hồ sơ giấy tờ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm này. Nếu không có thì nhà cung cấp phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm về hết. “Nói thật, bây giờ tôi mới biết, trước đây không để ý, đúng là lạ thật, không chỉ giá bán chênh nhau nhiều mà nhà sản xuất cũng khác. Nếu đúng H1-Pro giá 85.000 đồng là hàng giả thì đây là bài học kinh nghiệm cho HTX”, ông Quí nói​.
Quan sát kỹ, chúng tôi thấy đặc điểm nhận dạng của hai sản phẩm này có nhiều chi tiết khác biệt. Thứ nhất, sản phẩm H1-Pro (cũ) được sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học NanoGolden (địa chỉ: Lô B2-1-3, khu công nghiệp Nam Thăng Long, Q.Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).
Bio việt nam
Sản phẩm H1-Pro chính hãng của Cty NanoGolden
Còn sản phẩm H1-Pro (mới) được sản xuất bởi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bio Việt Nam (địa chỉ ghi rất chung chung là: khu công nghiệp Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Bên cạnh đó, thông tin sản phẩm H1-Pro (mới) có nhiều điểm mâu thuẫn. Cụ thể, cách dùng: pha chai 100ml với 200ml đến 300ml nước, phun kỹ thân cành, lá và tưới gốc đối với rau màu, bầu, bí… định kỳ từ 10 – 15 ngày một lần.
Tuy nhiên, chuyển sang phần dịch tiếng Anh, chúng được dịch như sau: 100ml bottle phase up to 1400 liters with 1200 liters or water…” (dịch là: dùng chai 100ml pha cho 1200 – 1400ml nước). Thông tin trên rất trái khoáy và vô lý, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp một cách sơ đẳng.
 
Công ty Bio Việt Nam vi phạm pháp luật
Đặc biệt hơn, chai H1-Pro của công ty NanoGolden là phân bón vô cơ, được Bộ Công thương cấp phép sản xuất theo Thông tư số 29/2014/TT-BCT. Còn chai H1-Pro mới của Công ty Bio Việt Nam là phân bón sinh học, được Bộ NN-PTNT cấp phép sản xuất theo Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014.
Bio việt nam
Mặt hông sản phẩm H1-Pro được sản xuất trái pháp luật của Cty Bio Việt Nam
Để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm H1-Pro (được bán với giá 85.000 đồng), chúng tôi đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT. Sau khi đối chiếu thông tin, ông Cường khẳng định: Cục Trồng trọt chưa bao giờ cấp phép sản xuất phân bón cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Bio Việt Nam theo Thông tư 41/2014.
Ông cũng cho biết, một sản phẩm muốn ra thị trường, bắt buộc phải có giấy phép sản xuất của cơ quan quản lý. Đồng thời phải có chứng nhận hợp quy. Và theo quy định của Nghị định 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, khi không có giấy phép sản xuất phân bón, thì chứng chỉ hợp quy sản phẩm ấy hoàn toàn vô hiệu.
Như vậy, Công ty Bio Việt Nam đã vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng có thể xử phạt theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
Địa chỉ “ma”
Chúng tôi tìm đến địa chỉ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bio Việt Nam ghi trên sản phẩm H1-Pro là: 150/136 Tây Sơn, Quang Trung, Hà Nội.
Tuy nhiên, đây là địa chỉ không có thực. Bởi điểm cuối cùng của ngõ 136 Tây Sơn, Quang Trung, Hà Nội là số nhà 146. Một người dân sở tại cho biết, 2 năm trước, số nhà từ 148 và 150 ngõ 135 đã bị giải tỏa để xây dựng vườn hoa công cộng cho khu dân cư.
Tiếp tục thẩm tra thông tin về địa chỉ đặt nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Bio Việt Nam tại khu công nghiệp Lại Yên, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi lại nhận kết quả bất ngờ.
Ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết, chưa từng nghe nói đến Công ty Bio Việt Nam. Để chắc chắn, ông gọi điện cho một cán bộ quản lý thị trường phụ trách khu vực, câu trả lời vẫn là… không biết.
Trưởng công an xã Lại Yên Nguyễn Trọng Dũng cũng khẳng định: “Trên địa bàn xã không có doanh nghiệp nào sản xuất phân bón".
Theo Minh Phúc-Phú Lộc - Việt Trinh/Nông nghiệp Việt Nam
>

Dù đắt hay rẻ, bạn cũng nên bỏ tiền ra mua hồng cho cả nhà ăn vì những lí do này

Quả hồng có ruột màu vàng nói lên rằng nó có chứa nhiều beta-caroten, giúp chúng ta củng cố thị lực và ngăn ngừa lão hóa. Vitamin này đặc biệt quan trọng đối với người hút thuốc lá, bởi từ lâu, chúng ta đã biết rằng beta-caroten ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi.
phan-biet-hong-da-lat-va-hong-trung-quac-1
Quả hồng có ruột màu vàng nói lên rằng nó có chứa nhiều beta-caroten, giúp chúng ta củng cố thị lực và ngăn ngừa lão hóa. Vitamin này đặc biệt quan trọng đối với người hút thuốc lá, bởi từ lâu, chúng ta đã biết rằng beta-caroten ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi.
Ngoài beta-caroten, trong quả hồng còn có khá nhiều vitamin C (giúp cơ thể chống đỡ với các loại virus), vitamin PP (chống đỡ sự mệt mỏi, trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe làn da và tóc), magiê (cần thiết cho tim hoạt động tốt), sắt (giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu), kali (củng cố thành mạch máu) và iốt.
Tuy nhiên, cái quý nhất của quả hồng là đường thực vật rất bổ ích đối với người bị bệnh tim mạch.
Ngoài ra hồng còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ, bởi vậy những người bị bệnh cao huyết áp được khuyên nên ăn hồng. Chỉ cần 3-4 quả hồng mỗi ngày có thể giúp làm ổn định huyết áp mà không cần dùng thuốc.
Chống ung thưVitamin A, shibuol, a-xít betulinic và các chất chống oxy hóa khác chính là các ‘chiến binh’ chống lại các gốc tự do trong tế bào – tác nhân gây tổn thương tế bào và dẫn đến căn bệnh ung thư.
Tăng cường hệ miễn dịchQuả hồng tuy nhỏ nhưng lượng vitamin C có trong đó lại không hề nhỏ. Vitamin C chính là yếu tố ngăn ngừa các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, các bệnh nhiễm trùng phổi như hen suyễn. Vì vậy, ăn hồng thường xuyên giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh hơn.
ivhy4zt

Tốt cho hệ tiêu hóaLoại quả hồng vàng chứa chất tanin có chức năng điều tiết chuyển động của đường ruột, qua đó hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa. Không chỉ vậy, quả hồng rất giàu chất xơ nên việc ăn hồng thường xuyên sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Quả hồng xanh giã nát, cho thêm nước đun sôi để nguội, nước uống này chữa tiêu chảy rất hiệu nghiệm.
Hỗ trợ bệnh nhân tiểu đườngBệnh nhân tiểu đường luôn phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn, tuy nhiên quả hồng lại là loại trái cây có thể ăn bất cứ lúc nào. Chìa khóa nằm ở lượng chất xơ phong phú của quả hồng, giúp người bị căn bệnh này giảm cảm giác thèm ăn và mức độ đói. Hơn nữa, loại trái cây này còn góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu, rất tốt với bệnh nhân tiểu đường.
>

Người nghèo thì nghèo gì?

Khi thấy em gái mình là Lò Thị Phanh đang trở yếu, khó qua khỏi, anh Lò Văn Muôn đã viết đơn yêu cầu được xuất viện, rồi thuê một chiếc xe ôm đưa em về. Chị Phanh đã chết trên đường về. Người lái xe ôm bỏ cuộc. Anh Muôn đã bó xác em trong một tấm chiếu, rồi cột sau yên xe máy, tiếp tục chở thi thể em đi hết vài chục cây số của chặng đường còn lại để về nhà.
Người nghèo sẽ nghèo hơn vì bệnh tật, vì thiếu thông tin, cơ hội được giáo dục, khả năng liên kết như một năng lực tự bảo vệ để xử lý những vấn đề trong đời sống. Ảnh minh họa TBKTSG

Sự việc trên xảy ra ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La. Hình ảnh người đàn ông chở xác em gái cuốn trong manh chiếu buộc sau yên xe máy chạy chòng chành trên đường giữa ban ngày ban mặt đã gây chấn động dư luận. Và khi dư luận chưa hết bàng hoàng, thì một bức ảnh khác cũng lại được đưa lên mạng: cũng tại sân Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La, những người con đang bó xác bố (vừa mất vì lao) sau xe máy chuẩn bị đưa về nhà, vì nghèo túng.
Hai bức ảnh có một nội dung như nhau: cách chở thi thể thân nhân từ bệnh viện về nhà. Sở dĩ nó có sức lay động tâm can mỗi chúng ta, bởi đó là những biểu hiện cô đọng nhất về sự bần cùng, sự rẻ rúng của thân phận con người, sự bi đát của hoàn cảnh sống. Trong một bối cảnh văn hóa đề cao tình tương thân tương ái và lòng vị tha, trong một sinh quyển tâm linh coi “nghĩa tử là nghĩa tận”, thì chuyện những người nghèo phải bó người thân trong manh chiếu, mảnh chăn thô để đưa về nhà lo hậu sự khiến chúng ta rùng mình, có chút hãi hùng.
Sự lặp lại về mô-típ của hai bức ảnh đó trong cùng một hoàn cảnh, ở cùng một nơi chốn đang cho chúng ta lo ngại đến tính phổ biến của sự việc, không chỉ Sơn La - tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao (23,94%, số liệu thống kê năm 2015) - mà rất có thể, ở nhiều địa phương nghèo khác, trong những tình cảnh khốn cùng khác mà tai mắt công luận chưa nhìn thấy được. Những nơi đó, người nghèo khi đối diện với bệnh tật, đầu hàng trước cái chết vì mất khả năng chữa chạy chắc cũng đã chọn lựa quyết định như thế.
Bức tranh đời sống người nghèo được thể hiện ở nhiều cấp độ khổ sở mưu sinh và thiếu thốn vật chất, nhưng dường như sự bế tắc của đời sống được đẩy tới tận cùng khi nó phơi bày những cái chết không yên ổn, những mất mát rúng lạnh nhân tâm.
Tờ đơn viết tay bằng nét chữ nguệch ngoạc gần như không thể hiện rõ được ý muốn, nguyện vọng đưa em gái đang sắp lâm chung trở về của người anh trai trong câu chuyện thứ nhất cho thấy bi kịch của người nghèo ở đây không hẳn là thiếu tiền, thiệt thòi về năng lực kinh tế. Sự nghèo đáng nói nằm ở chỗ chính anh ta cũng không đủ khả năng để hay biết những chính sách quy định mà bệnh viện có thể dành cho mình để lên tiếng đòi hỏi, ít ra là được hưởng quyền lợi, hỗ trợ “có xe chuyên chở khi bệnh nặng lên, chuyển viện đúng tuyến hoặc tử vong, hoặc được hỗ trợ 0,2 lít xăng/ki lô mét trong trường hợp không sử dụng phương tiện chuyên chở của bệnh viện” (theo ông Lương Văn Tuận - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La ngay sau khi xảy ra vụ việc - báo Tuổi Trẻ).
Cách “tự lo” của anh Muôn, cũng như bao nhiêu người nghèo khác, đó là cách tự lo của những người không chỉ nghèo vật chất, mà cái quan trọng hơn, là nghèo thông tin và nghèo hiểu biết về quyền lợi chính đáng của mình trong đời sống. Và với cách “tự rút lui thầm lặng” như vậy, không biết đã bao nhiêu người bé mọn túng quẫn tạo cơ man nào là cơ hội cho sự quan liêu, vô cảm trước tính mạng con người, trước khổ đau của người khác ở những cơ quan hành chính, tổ chức an sinh công cộng ở những vùng hẻo lánh thiếu sự giám sát của công luận.
Trong cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo (Nguyễn Lê Bảo Ngọc dịch, NXB Trẻ), hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo cho rằng, người nghèo không chỉ nghèo vật chất mà còn nghèo về thông tin thiết yếu, và rất dễ tin vào những điều không có thực. Ngoài ra, họ còn phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm... Đã vậy, cánh tay thị trường, cơ hội phát triển cũng không thể vươn đến chỗ họ.
Để con số tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, người ta đo bằng sự cải tiến về vật chất và thu nhập nhưng quên rằng, chính những điều kiện đó không thể đảm bảo thoát nghèo bền vững. Bơm nguồn hỗ trợ vật chất nhưng không cải thiện được cái nghèo thông tin, cơ hội cải thiện đời sống bền vững, không giải quyết được nhận thức và quyền được giáo dục cho người nghèo, thì khác gì xây nhà trên cát. Đó là chưa nói đến việc thường thì ngay cả vật chất, nguồn hỗ trợ, dịch vụ an sinh dành cho người nghèo khi đến tay họ, cũng đã bị “can thiệp” bởi những mắt xích ma quỷ trong những cơ chế thiếu minh bạch.
Người nghèo sẽ nghèo hơn vì bệnh tật, vì thiếu thông tin, cơ hội được giáo dục, khả năng liên kết như một năng lực tự bảo vệ để xử lý những vấn đề trong đời sống. Chính những cái nghèo đó sẽ được tô đậm thêm trong một xã hội nghèo trách nhiệm và lòng vị tha.
Những con số báo cáo xóa nghèo lạc quan không sao khiến chúng ta an lòng hay lạc quan được, khi trên thực tế những người thấp cổ bé miệng vẫn cô thế, bất lực trước cơ hội đổi đời và không yên ngay cả khi đã nhắm mắt. 
Nguyễn Vĩnh Nguyên(thesaigontimes.vn)
>

Mua vật tư nông nghiệp: Nông dân cầm đằng lưỡi

“Bây giờ mua gói bột giặt cũng có giá in trên bao bì, sao bao phân bón, chai thuốc BVTV không in thẳng giá trên bao bì để người dân chúng tôi được minh bạch về giá cả. Thực tế là chủ bán sao chúng tôi mua vậy, không biết giá cả thực tế như thế nào”
vật tư nông nghiệp
Ghép cà chua tại Đơn Dương
Nông dân thiệt thòi trăm bề
 
Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)- vùng rau thương phẩm nổi tiếng nên cũng là một trong những địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp với 160 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV, 26 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, 135 vườn ươm và 3 cơ sở kinh doanh hạt giống. Thế nhưng, hàng vạn nông hộ trong huyện vẫn chịu thiệt thòi trong mua bán, sử dụng vật tư nông nghiệp bởi nhiều lý do.
 
Ông Hồ A Bẩu, nông dân thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô đặt ra câu hỏi khiến tất cả người có mặt đều sững sờ: “Bây giờ mua gói bột giặt cũng có giá in trên bao bì, sao bao phân bón, chai thuốc BVTV không in thẳng giá trên bao bì để người dân chúng tôi được minh bạch về giá cả. Thực tế là chủ bán sao chúng tôi mua vậy, không biết giá cả thực tế như thế nào”. Chỉ một câu đó đã cho thấy trong việc mua bán vật tư nông nghiệp, nông dân là người “nắm đằng lưỡi”.
Ông Văn Thanh Bình, thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô chia sẻ, mua phân thuốc về nếu phải loại không tốt cũng không có cách nào giải quyết. Thuốc đã bơm, phân đã bỏ, chất lượng ra sao người nông dân buộc phải tự chịu, không có chứng cớ để xử lý, trừ chỉ còn biết việc chuyển sang mua tại cửa hàng khác. Nhưng lúc đó, cả lứa hàng đã hỏng nhiều, thiệt hại một mình nông dân gánh chịu. Thêm nữa, nhiều vườn ươm làm cây giống không tốt, cây bệnh, cây năng suất thấp, cũng chỉ người nông dân gánh chịu. Không chỉ Ka Đô, nông dân tại các nơi Lạc Xuân, Tu Tra, Ka Đơn… đều phải chịu thiệt thòi như vậy, khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con ngày càng khó khăn.
Với người có tiền mua hàng trả ngay đã phải chịu những rủi ro trên, người mua hàng trả chậm còn phải chịu những khó khăn hơn rất nhiều. Anh Trang Long, thôn Taly 2, xã Ka Đô chia sẻ, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường ít vốn nên mua phân, thuốc trả chậm. Bởi vậy, người bán bán cho phân thuốc gì, giá cả lãi suất bao nhiêu bà con đều phải chịu, không có cách nào thay đổi. Chị Nguyễn Thị Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô cũng khẳng định, tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng là có và thường xảy ra tại vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, bà con đã nghèo càng thêm nghèo, thậm chí nợ nhiều vụ không đủ tiền trả.
 
Làm sao để hài hòa lợi ích
 
Không chỉ có nông dân thiệt thòi, nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng cho biết, việc buôn bán ngày càng khó khăn. Thứ nhất do các cơ sở kinh doanh tại huyện đều là đại lý nhỏ, phụ thuộc rất nhiều vào đại lý lớn, đại lý cấp 1, vấn đề hóa đơn chứng từ họ không chủ động được mà phụ thuộc công ty. Thứ hai, hiện mua bán tại vùng nông thôn chủ yếu là mua trả chậm, bán thiếu. Đại lý phân bón, thuốc BVTV Hoàng Huyền, xã Ka Đô cho hay, các cửa hàng bán thiếu tới 70, 80% là bình thường. Và việc chây ì, trốn nợ, giật nợ là có xảy ra khiến cơ sở cũng gặp khó khăn.
 
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Dương Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương khẳng định, hiện tượng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đã giảm rất nhiều do công tác kiểm tra thường xuyên của chính quyền cũng như ý thức của người nông dân, người kinh doanh cũng tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đây đó vẫn xảy ra tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, đây là vấn đề cần xử lý bởi ảnh hưởng rất xấu tới sản xuất và dân cư. Ông Đại đề nghị các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương cần nhanh chóng thông báo rộng rãi những mặt hàng không đạt chuẩn để địa phương xử lý nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. 
 
Đánh giá sâu xa vấn đề kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp sẽ liên quan tới tầm vĩ mô như chính sách tín dụng nông nghiệp, quản lý giá, công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV… mà chưa thể xử lý trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, theo ông Đinh Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết, có thể áp dụng một số biện pháp tức thời để nâng cao chất lượng kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. Đó là tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp theo hướng giản tiện cho người kinh doanh nhưng rõ ràng, minh bạch cho người nông dân. Bà con nông dân cần hình thành thói quen mua bán có hợp đồng, có hóa đơn để nếu sự cố xảy ra có căn cứ xử lý. Đặc biệt, hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn cần được tổ chức thường xuyên để cả cơ quan nhà nước, người kinh doanh và người sử dụng nắm bắt được quy định của nhà nước về kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, mặt hàng quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Ðồng, nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân toàn tỉnh là từ 2,5 tới 3 triệu tấn/năm trên cả phân hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, Lâm Ðồng hiện có 17 cơ sở sản xuất phân bón nhưng 16 cơ sở đang trong tình trạng ngắc ngoải, chỉ duy nhất còn Công ty CP phân bón Bình Ðiền đang hoạt động. Lượng phân bón sử dụng chủ yếu nhờ vào nguồn nhập khẩu.
Theo Diệp Quỳnh/Lâm Đồng Online
>

Vụ tiêu chết hàng loạt: Có thuốc cỏ trong dung dịch phun

Ngày 24-9, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk Lê Văn Thành cho biết: Về việc vườn tiêu bị cháy lá, rụng quả bất thường và hư hại nặng ở huyện Cư M’gar được xác định có hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ) trong mẫu dung dịch phân bón lá, thuốc trừ sâu mà người nông dân phun cho cây hồ tiêu.
tiêu chết
Vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tuệ, thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar bên vườn tiêu của gia đình bị hư hại sau khi phun phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Thành, sau khi tiếp nhận kiến nghị của hai hộ dân là ông Nguyễn Sỹ Tuệ, thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh và ông Phạm Quang Trung ở thôn 5, xã Ea Tah, huyện Cư M’gar, về việc người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá mua trên thị trường về phun cho cây hồ tiêu, khiến loại cây này bị cháy lá, rụng quả bất thường và hư hại vườn cây. Ngày 8-9, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống hai hộ gia đình này thống kê số hồ tiêu bị thiệt hại, đồng thời lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dung dịch trong bồn phun, lá và thân của cây hồ tiêu gửi Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, để làm rõ nguyên nhân.
Kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam cho thấy: Mẫu thuốc bảo vệ thực vật người dân mua trên thị trường đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, dung dịch thuốc bảo vệ thực vật (trong bồn pha) và mẫu thuốc tồn dư trên lá, hoa, quả và thân cây hồ tiêu, phát hiện có lẫn hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ).
Cũng theo ông Thành, hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ) được phát hiện tồn dư trong dung dịch phun của các hộ dân, có thể là do sau khi phun thuốc trừ cỏ cho các loại cây trồng khác, người dân đã chủ quan không súc bình phun thật kỹ và sử dụng bình phun này để tiếp tục pha trộn dung dịch phân bón lá, thuốc trừ sâu phun trên cây hồ tiêu, đây có thể là nguyên nhân chính khiến cây hồ tiêu bị cháy lá, rụng quả bất thường và hư hại vườn cây.
Còn về mẫu phân bón lá đến nay vẫn chưa có kết luận kiểm định.
Ông Lê Văn Thành khuyến cáo, người dân khi mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá ngoài thị trường cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không nên kết hợp phun phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật cùng một đợt, đặc biệt khi cây hồ tiêu đang ra hoa, kết quả. Đồng thời, khi phun thuốc bảo vệ thực vật cần xử lý bình phun thật kỹ để tránh hiện tượng thuốc trừ cỏ còn tồn dư trong bình phun. Các ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cần hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Trước đó, như thông tin đã đưa, hiện tượng cây hồ tiêu bị cháy lá, rụng quả bất thường và hư hại vườn cây sau khi người dân phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá của các hộ dân tại huyện Cư M’gar. Các ngành chức năng của huyện Cư M’gar và tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc quyết liệt, làm rõ nguyên nhân để người dân có thể yên tâm lao động, sản xuất.
Theo Nguyễn Công Lý/Dân Nhân
>

Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh

Ngày 23/9, Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá cà phê trong nước tăng mạnh theo xu hướng của thế giới.

Ảnh minh họa

Giá cà phê Robusta tại các tỉnh Tây Nguyên 900-1.000 đồng/kg, lên 41.000- 41.700 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu giao tại cảng TPHCM cũng tăng 50 USD/tấn lên 1.906 USD/tấn.

Tuy nhiên, dù giá cà phê nội địa có tăng, lượng cà phê bán ra không nhiều, do người dân vẫn găm hàng, hy vọng giá tiếp tục tăng. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 10 có khả năng chậm lại do dự trữ của nông dân còn ít,  trong khi các nhà xuất khẩu do dự khi bán ra có thông tin vụ thu hoạch sẽ trễ hơn thường lệ.

Trong khi đó, theo dự báo trong niên vụ cà phê 2016-2017, sản lượng cà phê ở Tây Nguyên sẽ giảm mạnh, do chịu ảnh hưởng hạn hán nặng nề nhất trong 30 năm qua.

Nam Khánh (Báo Tiền Phong)
>

Cam Úc 'đổ bộ' vào Việt Nam

Người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao cho các nguyên liệu tươi, ngon, sạch và tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, thị hiếu "sính ngoại" cũng góp phần kích cầu nhu cầu mua sắm. Chính vì thế, những sản phẩm của Úc, đặc biệt là cam đang "tấn công" vào thị trường Việt Nam khá "dồn dập".

Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc cho biết, đây là thời điểm mở đầu mùa cam của Úc. Để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, Úc đã mở chương trình “Cam Ausralia đang vào mùa” với lượng lớn cam tươi được nhập vào các siêu thị và cửa hàng Việt Nam.

Chương trình “Cam Australia đang vào mùa” chạy suốt 2 tuần từ 23/9 - 2/10 tại các siêu thị lớn Hà Nội, TPHCM. Những hệ thống siêu thị có loại cam "ngon nhất quả đất" này như Aeon Mall, Co.opmart, Annam Gourmet Market - Takashimaya Saigon Centre.

Người tiêu dùng có thể tham gia thử sản phẩm vào 3 ngày cuối tuần và mua cam Úc với giá ưu đãi trong suốt thời gian này.

Ông Andrew Harty, Giám đốc phát triển thị trường Hiệp hội cam quýt Úc cho rằng, cam Úc thơm ngon hơn nhờ vào kinh nghiệm trồng trọt tích lũy qua nhiều thế hệ các nhà làm vườn ở bản xứ. Bên cạnh đó, Úc cũng may mắn là quốc gia có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hài hòa lý tưởng cho việc tạo nên những quả cam ngon nhất thế giới.

Cam Navel ruột vàng của Úc

Bàn về vấn đề an toàn thực phẩm, ông Harty cho biết, thông tin mỗi lô hàng đều được lưu trữ từ trang trại đến khi đóng gói và vận chuyển sang Việt Nam. Vì thế, khi mua mỗi hộp cam Úc, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc trang trại đã sản xuất ra loại cam này. Bên cạnh đó, các nhà đóng gói Úc cũng luôn gửi những mẫu cam đến phòng lab để kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm của cam.

Bà Yvonne Chan, Tham tán thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại & Đầu tư Chính phủ Úc nhận xét rằng, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu ngày càng cao cho các nguyên liệu tươi, ngon, sạch và tốt cho sức khỏe. Điều này đã giúp cho những sản phẩm của Úc có mặt tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là cam Úc.

Trong khi cam Úc "đổ bộ" vào Việt Nam thì ngược lại, trái thanh long tươi của Việt Nam cũng đang có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường của xứ sở chuột túi. Quy trình đánh giá rủi ro cho quả thanh long tươi Việt Nam sẽ được Chính phủ Úc hoàn thành vào cuối năm nay. Nếu được cấp phép, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện nay được cấp phép nhập khẩu thanh long vào thị trường Úc. Hơn 1 tháng trước, trái xoài tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Úc.

Úc là một trong những quốc gia có quy định kiểm dịch thực vật chặt chẽ nhất thế giới nên việc xoài Việt được nhập khẩu là bước tiến quan trọng, đặt nền tảng cho nhiều loại trái cây khác có thể xuất khẩu sang thị trường "khó tính" này.

Công Quang (Dân Trí)
>

Thúc đẩy tăng trưởng vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chiều hôm nay, 23.6, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NNPTNT VN) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính Phủ.
Báo cáo kết quả hợp tác giữa Ngân hàng NNPTNT VN với Hội NDVN và Hội LHPN VN, giai đoạn 2010-2015, Tổng Giám đốc Ngân hàng NNPTNT VN Tiết Văn Thành cho biết: “Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, Ngân hàng NNPTNT VN đã phối hợp với Hội NDVN, Hội LHPN VN các cấp thành lập 53.953 tổ vay vốn với dư nợ 44.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0.2%. “Chương trình phối hợp này nhằm tạo điều kiện cho hội viên của các tổ chức Hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng và sử dụng các dịch vụ tại Agribank chi nhánh nơi cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới qua sự phối hợp giữa các tổ chức Hội với Ngân hàng NNPTNT VN”.
Thuc day tang truong von tin dung phat trien nong nghiep, nong thon - Anh 1
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lại Xuân Môn phát biểu tại lễ ký kết.
Theo đó, thỏa thuận liên ngành giữa Hội NDVN và Ngân hàng NNPTNT VN tập trung vào các nội dung như: phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, hội viên ND cả nước những nội dung cơ bản của Nghị định 55 của Chính Phủ; phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của tổ chức Hội cấp trên đối với Hội cấp dưới, Tổ vay vốn và hộ vay vốn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội, cán bộ Tổ vay vốn; tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức và phổ biến kinh nghiệm sản xuất kinh doanh đào tạo nghề cho hội viên….
Thuc day tang truong von tin dung phat trien nong nghiep, nong thon - Anh 2
Chủ tịch Lại Xuân Môn ngoài cùng bên trái cùng lãnh đạo Hội LHPN VN và Ngân hàng NNPTNT VN ký và trao đổi thỏa thuận liên ngành. Ảnh : Thu Hà.
Phát biểu lại buổi lễ ký kết, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định vai trò không thể thiếu, đóng góp của Ngân hàng NNPTNT VN đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 30 năm đổi mới đất nước. Ngân hàng NNPTNT VN đã giúp nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. “Chúng tôi coi đây là một nguồn vốn hết sức quan trọng. Từ năm 1999, Hội NDVN và Ngân hàng NNPTNT VN đã ký Nghị quyết liên tịch 2308. Đến 2010, Hội ND VN tiếp tục ký thỏa thuận số 799 với Ngân hàng NNPTNT VN để thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ và hiện nay là Nghị định 41 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện, tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng NNPTNT qua “kênh” Hội NDVN đạt gần 30.000 tỷ, nợ quá hạn chỉ chiếm 0.2%. Trong những năm tới, vốn Ngân hàng NNPTNT VN tiếp tục có vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”-Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh
>

Đột kích cơ sở sản xuất phân bón trái phép

Khuya 21-9, Đội Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tiến hành kiểm tra bắt quả tang một cơ sở kinh doanh phân bón Kim Mây (đóng tại số 684, QL 20, thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) đang sản xuất phân bón trái phép.
Tại hiện trường, Công an TP Bảo Lộc đã lập biên bản niêm phong, thu giữ 400 bao phân bón hóa học đơn (loại 25 – 50kg) các loại như, Magiê (Mg), Urê, Kali, SA, lân… xuất xứ từ Trung Quốc và phân lân Lâm Thao… với tổng trọng lượng hơn 10 tấn, do bà Lê Thị Kim Mây (56 tuổi) làm chủ.
Nửa đêm đột kích cơ sở sản xuất phân bón trái phép
Ngoài ra, Công an còn thu giữ ô tô tải mang BKS: 49C – 071.80 được bà Mây dùng đề vận chuyển phân bón đi tiêu thụ cùng nhiều công cụ dùng để pha trộn phân bón như: 2 cân điện tử (loại 100kg), 1 máy trộn, 1 máy đóng bao, cuốc, xẻng, xô, chậu…
Nửa đêm đột kích cơ sở sản xuất phân bón trái phép

Những bao phân bón hóa học đơn nguồn gốc từ Trung Quốc được cơ sở dùng để pha trộn.
Những bao phân bón hóa học đơn nguồn gốc từ Trung Quốc được cơ sở dùng để pha trộn.
Theo thông tin ban đầu, bà Lê Thị Kim Mây mua các loại phân hóa học đơn nói trên rồi đem pha trộn thành phân hỗn hợp NPK gắn nhãn hiệu của Công ty TNHH Phân bón Bình Đông (trụ sở đóng tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Nửa đêm đột kích cơ sở sản xuất phân bón trái phép

Sau khi đấu trộn sẽ phân sẽ được đóng bao theo các nhãn hiệu trong nước.
Sau khi đấu trộn sẽ phân sẽ được đóng bao theo các nhãn hiệu trong nước.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở sản xuất không xuất trình được các giấy tờ hợp lệ nên toàn bộ tang vật phân bón, bao bì, công cụ tại Cơ sở kinh doanh phân bón Kim Mây đã bị cơ quan công an niêm phong, tạm giữ để phụ vụ công tác điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Tin - ảnh: Gia Hưng
>

Trồng xoài... qua mạng

Sáng chủ nhật, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc ngồi ôtô hơn 200km để đến Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) bao trái cho hai cây xoài mà bà mua qua mạng hồi tuần trước.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc tự tay bao trái cho cây xoài của mình đã mua - Ảnh: Vân Trường

Cùng lúc này, ông Võ Việt Hưng - giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương - cặm cụi gửi những hình ảnh cây xoài mới nhất cho khách hàng ở xa.

Ông khoe chỉ mới mở bán trên trang web của hợp tác xã được hơn một tuần mà đã có trên 30 khách hàng đặt mua hơn 50 cây xoài. Chừng hai tuần nữa sẽ vào vụ thu hoạch.

Làm chủ cây xoài... 
một năm

Bà Ngọc bảo rằng bà rất mê trồng rau và cây ăn trái, nhưng vì sống ở Q.Tân Phú, TP.HCM không có điều kiện trồng.

Khi biết tin hợp tác xã xoài Mỹ Xương bán cây xoài qua mạng, bà đã chọn mua hai cây có mã số CC024 và CC025 với giá gần 11 triệu đồng.

“Trên trang web của hợp tác xã có hình ảnh, lý lịch, giá của cây xoài. Mình thích cây nào thì chọn cho vào giỏ hàng rồi thanh toán” - bà Ngọc giải thích.

Hai cây xoài bà Ngọc đặt mua được trồng ở vườn xoài của ông Đỗ Văn Em. Ôtô con có thể bon bon tới tận vườn, nhưng vì muốn hòa đồng với bà con nông dân ở đây nên bà Ngọc gửi xe rồi kêu xe ôm. Ông Em chỉ cây xoài ở sát mé mương: “Chị có thấy cây này giống cây đăng hình trên mạng không?”.

Bà Ngọc mừng rỡ: “Ờ, đúng rồi. Cây xoài của tôi đây rồi. Đẹp thiệt. Nhiều trái thiệt!”. Ông Em nói tiếp: “Cây này số 025. Còn cây 024 của chị ở ngay phía sau lưng, trái sai oằn luôn kìa”. Bà Ngọc tò mò: “Mỗi cây có khoảng bao nhiêu trái vậy anh?”. Ông Em cười khà khà: “Tui đếm sơ sơ thấy có hơn 200 trái/cây”.

Cả buổi sáng, bà Ngọc được ông Em chỉ dẫn cặn kẽ quy trình trồng xoài, cách bao trái xoài bằng túi giấy rồi tự tay bà bao hàng chục trái ở dưới thấp.

“Bây giờ tôi mới biết trồng xoài theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP phải bao trái chống côn trùng xâm nhập và không phải phun thuốc trừ sâu. Vụ này thu hoạch được bao nhiêu trái tôi sẽ biếu hết cho người thân, bạn bè. Xoài mình trồng, biết rõ không dùng thuốc nên yên tâm. Quà này dù giá trị không lớn nhưng lại quý ở chỗ tốt cho sức khỏe” - bà Ngọc phấn khởi.

Ông Võ Việt Hưng kể bạn bè của ông ở TP.HCM nói họ rất thích xoài cát chu Cao Lãnh. Có người muốn trồng vài cây để ăn và làm quà nhưng không có đất trồng. Ông Hưng gợi ý: “Hay là tui tặng ông một cây trong vườn xoài nhà tui nha. Cuối tuần rảnh rỗi thì chạy xuống tập làm nông dân, khi nào xoài chín thì hái chở về ăn”. Ông bạn này lắc đầu lia lịa: “Thôi. Xoài ông trồng cực khổ, tặng thì tui không nhận đâu. Nhưng nếu bán thì tui mua”.

Cách đây mấy tháng, ông Hưng được tín nhiệm bầu làm giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Ông đề nghị với nông dân: “Nhiều người ở thành phố muốn làm chủ cây xoài để được chăm sóc, hái trái cho vui. Tui thấy mình có thể bán cho họ từng năm một. Lấy năng suất trung bình 2 vụ/năm quy ra giá tiền bán cây xoài đó. Bán cho người ta nhưng mình cũng chăm sóc, giữ gìn bình thường. Khi nào rảnh thì họ xuống thăm. Làm như vậy mình cầm tiền trước, đỡ lo đầu ra thế nào, giá cả ra sao”.

Mô hình “cây xoài nhà tôi” chính thức ra đời từ đầu tháng 9-2016 và trở thành món hàng hút khách vì nó quá độc đáo.

Sẻ chia với nông dân

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc bảo rằng sau khi mua hai cây xoài và trực tiếp chăm sóc cây thì bà mới hiểu được người nông dân cực khổ như thế nào mới làm ra được trái xoài bán cho người tiêu dùng. Càng hiểu thì bà càng thấy xót xa khi nhớ lại hồi đầu năm 2016, xoài từ miền Tây chở về Sài Gòn đổ đống bán rẻ như cho bởi ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt.

“Tôi mua hai cây xoài này hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu thu hoạch trái giá trị thấp hơn thì tôi cũng không buồn. Tôi nghĩ rằng trải nghiệm mà tôi có được với bà con nông dân là vô giá. Và bản thân trái xoài tôi trồng có chất lượng ngon, an toàn cho sức khỏe thì cũng là vô giá rồi” - bà Ngọc tâm sự.

Trong danh sách khách hàng mua xoài, tôi thấy có tên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan và hai cán bộ cấp sở.

Hỏi chuyện này, ông Hoan cười: “Nhà tôi cũng có mấy cây xoài, nhưng tôi quyết định mua một cây ở hợp tác xã Mỹ Xương để cuối tuần ghé qua đó chăm sóc rồi thăm hỏi bà con nông dân, nắm tình hình thị trường, giá cả. Tôi cho rằng mô hình này rất hay, nó kết nối doanh nghiệp và người dân ở khắp nơi với bà con nông dân. Chính những người đó sẽ giúp đưa trái xoài Cao Lãnh đi xa hơn”.

Ông Võ Việt Hưng nói mục tiêu của mô hình “cây xoài nhà tôi” là giúp khách hàng là người dân thành thị và doanh nghiệp hiểu được sự vất vả, lo toan của nhà vườn để cùng sẻ chia với họ.

Mặc dù xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới, nhưng tỉnh Đồng Tháp có tới9.000ha xoài, sản lượng rất lớn nên phần lớn vẫn được tiêu thụ trong nước, giá cả bấp bênh. Nhà vườn nào may mắn thì có lãi, còn nếu dội chợ thì rất khổ. Bán nguyên cây xoài trong hai vụ sẽ giúp nông dân nắm chắc thu nhập trong cả năm đó, nỗi lo giá cả thị trường cũng giảm bớt.

Ông Đỗ Văn Em là một trong những nông dân đầu tiên ủng hộ mô hình “cây xoài nhà tôi”. Ông chọn ra 2 cây xoài cát chu Cao Lãnh và 1 cây xoài cát Hòa Lộc ở gần nhà nhất giao cho hợp tác xã rao bán trên mạng. Mặc dù giá bán 3 cây xoài của ông Em thuộc hàng cao nhất đợt này nhưng được khách hàng chọn mua rất nhanh vì khi xem hình thấy... có rất nhiều trái.

Ông bảo rất vui khi bán được 3 cây xoài vì biết chắc không bị thua lỗ vụ này và cả vụ sau nữa. Khi trò chuyện với nông dân hợp tác xã xoài Mỹ Xương, chúng tôi thấy nhận thức làm kinh tế của họ đã thay đổi rất nhiều. Đó là họ kiên định với quy trình sản xuất VietGAP để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Họ còn cam kết sau khi bán cây xoài cho khách hàng thì hằng ngày họ vẫn chăm sóc cây đúng bài bản để xoài đạt năng suất, chất lượng cao nhất chứ không bỏ bê. Nông dân Nguyễn Thanh Tâm nói: “Chúng tôi muốn làm ăn lâu dài nên phải giữ chữ tín. Nếu mình chăm sóc không tốt, xoài ít trái thì năm sau ai mua nữa chứ!”.

Làm chủ cây xoài cách... 2.200km!

Ngay đợt mở bán đầu tiên tháng 9-2016 này, nông dân hợp tác xã đã bán gần 10 cây xoài cho khách hàng ở tận Hà Nội, tức là cách cây xoài họ làm chủ tới hơn 2.200km. Người đứng ra giao dịch mua xoài là ông Nguyễn Văn Phú - giám đốc Công ty CP Long Việt ở TP.HCM.

Ông Phú kể trong lúc trao đổi công việc với bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, ông được giới thiệu mô hình “cây xoài nhà tôi” của hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Sau khi tìm hiểu kỹ thì ông quyết định mua tặng bạn bè, đối tác ở Hà Nội, đương nhiên ông cũng làm chủ vài cây.

“Bạn tôi rất thích vì có vườn xoài ở tận miền Tây. Xa quá, có lẽ họ không vào được, nhưng hằng tuần hợp tác xã có chụp ảnh gửi cho khách hàng nên họ cũng nắm được cây xoài của mình ra sao. Khi nào thu hoạch thì tôi đóng thùng gửi máy bay ra Hà Nội” - ông Phú nói.

Vân Trường (Báo Tuổi Trẻ)
>

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Cộng đồng][simple][recent][5]

[Sức khỏe][vertical][animated][20]

[video][simple][recent][5]

[Kỹ Thuật][simple][recent][6]

[Việc làm][simple][recent][5]

[DOANH NGHIỆP][carouselslide][recent][20]

[Thị Trường][vertical][animated][20]

Tìm Kiếm

Lưu trữ

[Phân bón][simple][recent][7]

[TIN VẮN][noimage][random][5]

Để Lại Thắc Mắt

MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Bình Định Bình Thuận Đà Nẵng Đăk Lăk Đăk Nông Gia Lai Hà Tĩnh Khánh Hòa Kon Tum Lâm Đồng Nghệ An Ninh Thuận Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Trị Thanh Hóa Thừa Thiên Huế
Lazada Philippines

Xem nhiều

MIỀN BẮC

Bắc Giang Bắc Kạn Bắc Ninh Cao Bằng Điện Biên Hà Giang Hà Nam Hà Nội Hải Dương Hải Phòng Hòa Bình Hưng Yên Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Nam Định Ninh Bình Phú Thọ Quảng Ninh Sơn La Thái Bình Thái Nguyên Tuyên Quang Vĩnh Phúc Yên Bái

Video