Sáng chủ nhật, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc ngồi ôtô hơn 200km để đến Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) bao trái cho hai cây xoài mà bà mua qua mạng hồi tuần trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc tự tay bao trái cho cây xoài của mình đã mua - Ảnh: Vân Trường
Cùng lúc này, ông Võ Việt Hưng - giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương - cặm cụi gửi những hình ảnh cây xoài mới nhất cho khách hàng ở xa.
Ông khoe chỉ mới mở bán trên trang web của hợp tác xã được hơn một tuần mà đã có trên 30 khách hàng đặt mua hơn 50 cây xoài. Chừng hai tuần nữa sẽ vào vụ thu hoạch.
Làm chủ cây xoài...
một năm
Bà Ngọc bảo rằng bà rất mê trồng rau và cây ăn trái, nhưng vì sống ở Q.Tân Phú, TP.HCM không có điều kiện trồng.
Khi biết tin hợp tác xã xoài Mỹ Xương bán cây xoài qua mạng, bà đã chọn mua hai cây có mã số CC024 và CC025 với giá gần 11 triệu đồng.
“Trên trang web của hợp tác xã có hình ảnh, lý lịch, giá của cây xoài. Mình thích cây nào thì chọn cho vào giỏ hàng rồi thanh toán” - bà Ngọc giải thích.
Hai cây xoài bà Ngọc đặt mua được trồng ở vườn xoài của ông Đỗ Văn Em. Ôtô con có thể bon bon tới tận vườn, nhưng vì muốn hòa đồng với bà con nông dân ở đây nên bà Ngọc gửi xe rồi kêu xe ôm. Ông Em chỉ cây xoài ở sát mé mương: “Chị có thấy cây này giống cây đăng hình trên mạng không?”.
Bà Ngọc mừng rỡ: “Ờ, đúng rồi. Cây xoài của tôi đây rồi. Đẹp thiệt. Nhiều trái thiệt!”. Ông Em nói tiếp: “Cây này số 025. Còn cây 024 của chị ở ngay phía sau lưng, trái sai oằn luôn kìa”. Bà Ngọc tò mò: “Mỗi cây có khoảng bao nhiêu trái vậy anh?”. Ông Em cười khà khà: “Tui đếm sơ sơ thấy có hơn 200 trái/cây”.
Cả buổi sáng, bà Ngọc được ông Em chỉ dẫn cặn kẽ quy trình trồng xoài, cách bao trái xoài bằng túi giấy rồi tự tay bà bao hàng chục trái ở dưới thấp.
“Bây giờ tôi mới biết trồng xoài theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP phải bao trái chống côn trùng xâm nhập và không phải phun thuốc trừ sâu. Vụ này thu hoạch được bao nhiêu trái tôi sẽ biếu hết cho người thân, bạn bè. Xoài mình trồng, biết rõ không dùng thuốc nên yên tâm. Quà này dù giá trị không lớn nhưng lại quý ở chỗ tốt cho sức khỏe” - bà Ngọc phấn khởi.
Ông Võ Việt Hưng kể bạn bè của ông ở TP.HCM nói họ rất thích xoài cát chu Cao Lãnh. Có người muốn trồng vài cây để ăn và làm quà nhưng không có đất trồng. Ông Hưng gợi ý: “Hay là tui tặng ông một cây trong vườn xoài nhà tui nha. Cuối tuần rảnh rỗi thì chạy xuống tập làm nông dân, khi nào xoài chín thì hái chở về ăn”. Ông bạn này lắc đầu lia lịa: “Thôi. Xoài ông trồng cực khổ, tặng thì tui không nhận đâu. Nhưng nếu bán thì tui mua”.
Cách đây mấy tháng, ông Hưng được tín nhiệm bầu làm giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Ông đề nghị với nông dân: “Nhiều người ở thành phố muốn làm chủ cây xoài để được chăm sóc, hái trái cho vui. Tui thấy mình có thể bán cho họ từng năm một. Lấy năng suất trung bình 2 vụ/năm quy ra giá tiền bán cây xoài đó. Bán cho người ta nhưng mình cũng chăm sóc, giữ gìn bình thường. Khi nào rảnh thì họ xuống thăm. Làm như vậy mình cầm tiền trước, đỡ lo đầu ra thế nào, giá cả ra sao”.
Mô hình “cây xoài nhà tôi” chính thức ra đời từ đầu tháng 9-2016 và trở thành món hàng hút khách vì nó quá độc đáo.
Sẻ chia với nông dân
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc bảo rằng sau khi mua hai cây xoài và trực tiếp chăm sóc cây thì bà mới hiểu được người nông dân cực khổ như thế nào mới làm ra được trái xoài bán cho người tiêu dùng. Càng hiểu thì bà càng thấy xót xa khi nhớ lại hồi đầu năm 2016, xoài từ miền Tây chở về Sài Gòn đổ đống bán rẻ như cho bởi ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt.
“Tôi mua hai cây xoài này hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu thu hoạch trái giá trị thấp hơn thì tôi cũng không buồn. Tôi nghĩ rằng trải nghiệm mà tôi có được với bà con nông dân là vô giá. Và bản thân trái xoài tôi trồng có chất lượng ngon, an toàn cho sức khỏe thì cũng là vô giá rồi” - bà Ngọc tâm sự.
Trong danh sách khách hàng mua xoài, tôi thấy có tên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan và hai cán bộ cấp sở.
Hỏi chuyện này, ông Hoan cười: “Nhà tôi cũng có mấy cây xoài, nhưng tôi quyết định mua một cây ở hợp tác xã Mỹ Xương để cuối tuần ghé qua đó chăm sóc rồi thăm hỏi bà con nông dân, nắm tình hình thị trường, giá cả. Tôi cho rằng mô hình này rất hay, nó kết nối doanh nghiệp và người dân ở khắp nơi với bà con nông dân. Chính những người đó sẽ giúp đưa trái xoài Cao Lãnh đi xa hơn”.
Ông Võ Việt Hưng nói mục tiêu của mô hình “cây xoài nhà tôi” là giúp khách hàng là người dân thành thị và doanh nghiệp hiểu được sự vất vả, lo toan của nhà vườn để cùng sẻ chia với họ.
Mặc dù xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới, nhưng tỉnh Đồng Tháp có tới9.000ha xoài, sản lượng rất lớn nên phần lớn vẫn được tiêu thụ trong nước, giá cả bấp bênh. Nhà vườn nào may mắn thì có lãi, còn nếu dội chợ thì rất khổ. Bán nguyên cây xoài trong hai vụ sẽ giúp nông dân nắm chắc thu nhập trong cả năm đó, nỗi lo giá cả thị trường cũng giảm bớt.
Ông Đỗ Văn Em là một trong những nông dân đầu tiên ủng hộ mô hình “cây xoài nhà tôi”. Ông chọn ra 2 cây xoài cát chu Cao Lãnh và 1 cây xoài cát Hòa Lộc ở gần nhà nhất giao cho hợp tác xã rao bán trên mạng. Mặc dù giá bán 3 cây xoài của ông Em thuộc hàng cao nhất đợt này nhưng được khách hàng chọn mua rất nhanh vì khi xem hình thấy... có rất nhiều trái.
Ông bảo rất vui khi bán được 3 cây xoài vì biết chắc không bị thua lỗ vụ này và cả vụ sau nữa. Khi trò chuyện với nông dân hợp tác xã xoài Mỹ Xương, chúng tôi thấy nhận thức làm kinh tế của họ đã thay đổi rất nhiều. Đó là họ kiên định với quy trình sản xuất VietGAP để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Họ còn cam kết sau khi bán cây xoài cho khách hàng thì hằng ngày họ vẫn chăm sóc cây đúng bài bản để xoài đạt năng suất, chất lượng cao nhất chứ không bỏ bê. Nông dân Nguyễn Thanh Tâm nói: “Chúng tôi muốn làm ăn lâu dài nên phải giữ chữ tín. Nếu mình chăm sóc không tốt, xoài ít trái thì năm sau ai mua nữa chứ!”.
Làm chủ cây xoài cách... 2.200km!
Ngay đợt mở bán đầu tiên tháng 9-2016 này, nông dân hợp tác xã đã bán gần 10 cây xoài cho khách hàng ở tận Hà Nội, tức là cách cây xoài họ làm chủ tới hơn 2.200km. Người đứng ra giao dịch mua xoài là ông Nguyễn Văn Phú - giám đốc Công ty CP Long Việt ở TP.HCM.
Ông Phú kể trong lúc trao đổi công việc với bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, ông được giới thiệu mô hình “cây xoài nhà tôi” của hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Sau khi tìm hiểu kỹ thì ông quyết định mua tặng bạn bè, đối tác ở Hà Nội, đương nhiên ông cũng làm chủ vài cây.
“Bạn tôi rất thích vì có vườn xoài ở tận miền Tây. Xa quá, có lẽ họ không vào được, nhưng hằng tuần hợp tác xã có chụp ảnh gửi cho khách hàng nên họ cũng nắm được cây xoài của mình ra sao. Khi nào thu hoạch thì tôi đóng thùng gửi máy bay ra Hà Nội” - ông Phú nói.
Vân Trường (Báo Tuổi Trẻ)
>