Rau quả xuất siêu hơn 1 tỉ USD trong 8 tháng qua, vượt qua lúa gạo để trở thành mũi nhọn nông sản xuất khẩu.
Ảnh: Lâm Viên
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 1,56 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, suất siêu hơn 1 tỉ USD bù nhập khẩu mặt hàng này tăng đến 35% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch 522 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu gạo đạt 3,37 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,51 tỉ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả nhiều hơn lúa gạo khoảng 50 triệu USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 69,5% thị phần; trong khi đó 3 thị trường xếp sau theo thứ tự là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản với thị phần 3,9 - 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, thị trường Hàn Quốc và Mỹ giảm nhẹ, còn thị trường Nhật Bản có tăng nhưng không đáng kể. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan với gần 39% thị phần; Trung Quốc xếp thứ 2 với 24%...
Chinh phục nhiều thị trường khó tính
"Trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo mà chưa chú trọng đến rau quả. Dư địa phát triển ngành này còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn" Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Trong các loại rau quả, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính. Cụ thể: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều đã được thị trường Mỹ cho phép nhập vào. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2.000 tấn trái cây các loại đi Mỹ, tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, các loại như xoài, vú sữa cũng đang được đàm phán để xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây Việt Nam cũng thâm nhập được vào Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand…
Mới đây, tại một hội thảo ở TP.Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận thời gian qua ngành rau quả rất ít được quan tâm đầu tư nhưng lại gặt hái những kết quả xuất khẩu rất ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng. Dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ cán mức 2,5 tỉ USD, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. “Trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo mà chưa chú trọng đến rau quả. Dư địa phát triển ngành này còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn”,ông Doanh nói.
TS Nguyễn Quốc Vọng (ĐH RMIT) dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, dung lượng thị trường rau quả năm 2010 khoảng 100 tỉ USD, năm 2014 đã tăng tới 203 tỉ USD. Báo cáo “Thị trường rau quả chế biến - Fruits and Vegetables Processing Market” do tổ chức Zion Research công bố ngày16.5 ước tính dung lượng thị trường này đạt tới con số gần 320 tỉ USD vào năm 2020.
Đừng để mất cơ hội
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, đã nhiều lần nhấn mạnh về tiềm năng phát triển của ngành rau quả khi góp ý cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Theo GS Bửu, cần đầu tư cho ngành rau quả, thứ nhất vì dung lượng thị trường lớn và không ngừng phát triển; bên cạnh đó, lợi thế của chúng ta là ở gần những nước tiêu thụ rau quả rất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… “Tôi nghĩ bây giờ nhiều người cũng nhận ra vấn đề này rồi nhưng do tư duy làm lúa nặng nề, ai cũng cho rằng chuyển đổi là điều khó khăn nên còn chần chừ chưa muốn bắt tay vào làm thôi”, GS Bửu nói.
Trong khi nhiều người “còn chần chừ” thì trước triển vọng phát triển của ngành rau quả, không ít doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào ngành này ở Việt Nam. Cụ thể như Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã đầu tư vào một dự án trồng ớt ở Ninh Thuận. CJ chuyển giao giống, kỹ thuật cho nông dân trồng, sản phẩm được bao tiêu để làm nguyên liệu cho tập đoàn này sản xuất kim chi. CJ trồng ớt với mục tiêu phát triển và xuất khẩu về Hàn Quốc, thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Hiện mỗi năm tập đoàn này nhập khẩu ớt từ Trung Quốc lên đến 60 triệu USD.
Theo GS Bửu, ngành rau quả của chúng ta đang trên đà phát triển cần phải được đầu tư mạnh hơn nữa từ phía nhà nước. Vì hiện tại, cơ sở vật chất, hạ tầng của ngành này gần như không có gì. TS Vọng đồng quan điểm này, tuy nhiên ông cho rằng cần tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. “Cụ thể như giống, Việt Nam phụ thuộc nước ngoài 70 - 80% là không tốt, nhưng trong thời buổi hội nhập, cái gì của ta làm ra không tốt có thể mua của nước ngoài về để dùng, dựa vào đó để nghiên cứu phát triển thành cái của chúng ta, chứ đừng nghĩ mình lệ thuộc nhiều vào giống ngoại mà đánh thuế nó thật cao. Chính sách khuyến khích nhập khẩu giống tốt và đầu tư nghiên cứu là chính sách mà Hàn Quốc đã áp dụng và thành công, giúp sản phẩm giống rau quả của Hàn Quốc hiện nay có thể cạnh tranh với Nhật Bản. Hay như ở Úc, chính sách phát triển nông nghiệp rất tốt. Họ còn miễn cả thuế cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu”, TS Vọng phân tích.
Rau quả được xem là hướng đi cho tương lai của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Công Hân
Phải thay đổi tư duy
Cũng theo TS Vọng, sản xuất rau quả rất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Các nghiên cứu cho thấy để sản xuất 1 kg gạo cần đến 2.497 lít nước, trong khi 1 kg rau cần từ 200 - 300 lít nước và 1 kg quả cần700 lít nước. Thực tế ở ĐBSCL hiện nay nguồn nước ngày càng ít, xâm nhập mặn đến 40 - 50 km. Thực tế đó càng bắt buộc chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất lúa để xuất khẩu.
“Chuyện xuất khẩu rau quả vượt mặt lúa gạo đối với tôi không có gì bất ngờ. Nó là nhu cầu tất yếu của thị trường và theo xu hướng chung là xuất khẩu rau quả sẽ ngày càng tăng”, TS Vọng nhận định, đồng thời lưu ý đối với ngành rau quả thì “sáng rau, chiều rác”, nếu không đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ không thể phát triển, hội nhập thế giới. Trong khi đó, Việt Nam yếu nhất ở khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Nếu nhà nước không đầu tư xây dựng nền tảng khoa học ban đầu thì doanh nghiệp không có bàn đạp để phát triển.
Cùng quan điểm, GS Bửu cho rằng trong lĩnh vực rau quả, khâu thu hoạch của Việt Nam thất thoát đến 30 - 40%, một tỷ lệ quá cao, cần có giải pháp để giảm thiểu.
Gạo bán nhiều lỗ nhiều
Báo cáo của Bộ NN-PTNT nhận định: “Thị trường xuất khẩu gạo trong nước tiếp tục bế tắc do không có nhu cầu nhập khẩu gạo mới từ cả thị trường truyền thống và các thị trường khác”. Nhìn ở góc độ lạc quan, nhiều người cho rằng sự khó khăn này là một liều thuốc hữu hiệu để thay đổi tư duy phát triển lúa gạo bằng mọi giá như hiện nay của ngành nông nghiệp, là một sức ép cần thiết để ngành nông nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng theo đúng nhu cầu của thị trường.
TS Nguyễn Quốc Vọng dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và WB cho biết thị trường lúa gạo thế giới từ nay đến năm 2020/2022 sẽ tăng nhẹ về lượng, nhưng giảm mạnh về giá. Giá cả lúa gạo được dự báo sẽ giảm khoảng 7% so với hiện nay. Điều này cho thấy nếu càng sản xuất ra nhiều lúa gạo để xuất khẩu sẽ càng có nguy cơ lỗ.
Chí Nhân (Báo Thanh Niên)
>