Hiện nay đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên và cũng là thời điểm thích hợp bón phân cho các loại cây trồng như cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả… Vì vậy, nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân ở Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung rất lớn. Lợi dụng vào đó, ngoài những doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân làm ăn chân chính sản xuất, kinh doanh phân bón phục vụ nhân dân phát triển sản xuất thì cũng có không ít doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng để thu lợi bất chính…
Trong khi đó, những nông dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng về bón cho vườn cây làm cây vàng lá, rụng lá và quả, chất lượng vườn cây suy giảm mạnh, gây thiệt hại nặng nề. Trong khi người nông dân đang quay quắt trong “ma trận” các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn này.
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Tuệ ở thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk trồng được 3 ha cà-phê xen lẫn hồ tiêu. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 15 tấn cà-phê nhân và 4,5 tấn tiêu nên đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên khá giả.
Cũng như mọi năm, tháng 7 vừa qua, ông đến một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar mua các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về bón cho vườn tiêu của gia đình. Trước khi bón phân và phun thuốc, vườn tiêu của gia đình ông đang ra hoa kết trái xum xuê nhưng sau khi bón phân, phun thuốc được năm ngày thì vườn tiêu bỗng rụng lá, chuỗi hoa và trái non bất thường khiến vợ chồng ông hết sức lo lắng.
Loại phân và thuốc bảo vệ thực vật mà ông Nguyễn Sỹ Tuệ trộn bón cho vườn tiêu của gia đình.
Ông Tuệ cho biết: “Ngày 14-7, tôi ra một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở thị trấn Quảng Phú mua mấy chai phân bón lá cao cấp Vytazyme và thuốc trừ sâu hiệu MOTOX 5EC về trộn với nhau đem phun cho vườn tiêu theo hướng dẫn của nhân viên đại lý. Sau khi phun được năm ngày thì vợ chồng tôi phát hiện vườn tiêu đang xanh tốt, trĩu quả bỗng rụng lá, chuỗi hoa và trái non. Nghi mua phải phân bón và thuốc trừ sâu kém chất lượng, tôi đã ra phản ánh với chủ đại lý vật tư nông nghiệp. Sau khi nhận thông tin, chủ đại lý đã cử người vào xác minh, kiểm tra và hứa sẽ liên hệ báo cho công ty sản xuất phân bón đến hỗ trợ gia đình tôi xử lý, phục hồi vườn cây, đồng thời kiểm tra xem nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do phân bón kém chất lượng hay là bón phân không đúng cách. Thế nhưng, từ đó đến nay không thấy người của đại lý vật tư nông nghiệp vào kiểm tra hay có hướng xử lý gì cả. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vườn tiêu của gia đình sau khi bón phân bị ảnh hưởng nặng đến chất lượng và rụng lá, quả, đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân chúng tôi khắc phục hậu quả để an tâm sản xuất”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hóa ở thôn 1, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar trồng được năm sào cà-phê. Với diện tích này, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 1,7 đến hai tấn cà-phê nhân. Vừa qua, ông được mời đi dự hội thảo về cách sử dụng phân bón trung vi lượng cho cây cà-phê ở thôn bên cạnh do một công ty kinh doanh phân bón ở tỉnh Gia Lai tổ chức. Sau khi tham dự hội thảo, ông được giới thiệu mua ba loại phân trong lọ với giá 2,4 triệu đồng đem về nhà pha ba lọ phân với 800 lít nước rồi phun trên lá và tưới vào gốc cà-phê theo hướng dẫn tại hội thảo. Sau đó khoảng một tuần, vườn cà-phê của gia đình ông bị vàng lá và rụng trái hàng loạt nên ông đã gọi cán bộ thôn đến lập biên bản. Để cứu vườn cà-phê, ông đã bỏ ra thêm năm triệu đồng mua phân u-rê và NPK về bón thì vườn cà-phê mới phục hồi lại được.
Ông Hóa bức xúc: “Hiện nay, lợi dụng vào nhu cầu sử dụng phân bón trong nhân dân tăng cao nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả để trục lợi bất chính. Không chỉ trên thị trường đang bày bán nhiều loại phân giả, phân kém chất lượng mà ngay cả một số đơn vị về tổ chức hội thảo tại địa phương cũng lừa bán các loại phân bón kém chất lượng cho người dân mua về bón cho cây trồng làm hư hỏng vườn cây và rụng trái, gây thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, thị trường phân bón như một “ma trận” thật, giả lẫn lộn khiến người nông dân không biết đâu mà lần. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường phân bón, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành khi cấp phép cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội thảo giới thiệu phân bón ở địa phương cũng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ suốt quá trình hội thảo, không để các đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người nông dân để lừa bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho người nông dân”.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cư M’gar, ngoài nhà ông Tuệ, ông Hóa, còn có một số hộ khác sau khi mua các loại phân bón về bón cho vườn cà-phê, hồ tiêu cũng xảy ra tình trạng vàng lá, ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây và rụng lá, rụng quả... gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón đến thỏa thuận với người nông dân để đền bù, khắc phục hậu quả, không cung cấp thông tin cho báo chí với các ngành chức năng gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Không chỉ huyện Cư M’gar mà nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, không ít nông dân khi mua phải loại phân bón “dởm” này về bón cho cây trồng ảnh hưởng đến năng suất, sự sinh trưởng của cây trồng, thậm chí làm cây trồng bị chết, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Nhiều người nông dân bỗng dưng ôm cục nợ khi mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng về bón cho cây trồng.
Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 11, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, vừa qua ông đã mua năm tạ phân bón NPK do một công ty ở tỉnh B sản xuất về bón cho 500 trụ tiêu của gia đình. Sau khi bón cả tháng mà vẫn không thấy phân tan, ông kiểm tra kỹ từng hạt phân bón dưới gốc tiêu thì thấy có màu trắng đục, dẻo như đất sét. “Do phân kém chất lượng nên đã làm cho vườn tiêu của gia đình ngày càng xơ xác, kém phát triển, quả rụng nhiều, làm giảm năng suất cây trồng. Nếu như năm trước, năng suất vườn tiêu của gia đình trung bình đạt 1,5-1,7 tấn/vụ thì hiện nay ước tính chỉ còn 1-1,2 tấn/vụ”, ông Hà bức xúc.
Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.000 cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện hóa đơn, chứng từ, nhãn mác hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng không đúng trên bao bì sản phẩm… để trục lợi bất chính, gây bức xúc trong nhân dân. Chính điều này đã tiếp tay cho các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng trà trộn vào thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho những hộ nông dân khi mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng phân bón trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí những thông tin của cơ quan chức năng về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các sản phẩm phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường hàng năm gần như không được công bố rộng rãi. Không những vậy, khi tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk nhưng đều bị từ chối bởi lý do này hay lý do khác. Chính việc úp mở trong công tác quản lý và thiếu sự hợp tác với báo chí trong công tác đấu tranh, ngăn chặn các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng của các ngành chức năng nên các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn “đất” để sống. Trong khi đó, hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng chỉ có người nông dân chịu hậu quả.
Vì vậy, theo chúng tôi, để ngăn chặn triệt để nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng; đồng thời công bố rộng rãi hình ảnh, thông tin về các mặt hàng giả, kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến tận cơ sở để người dân biết. Về phía người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về các loại phân bón trước khi mua, tốt nhất nên đến các cửa hàng, đại lý có uy tín để mua hàng và khi mua phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Ngoài ra, nên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, địa chỉ và công bố chất lượng rõ ràng trên bao bì sản phẩm.
Theo Nguyễn Hoài Bão/Nhân Dân