Người nghèo sẽ nghèo hơn vì bệnh tật, vì thiếu thông tin, cơ hội được giáo dục, khả năng liên kết như một năng lực tự bảo vệ để xử lý những vấn đề trong đời sống. Ảnh minh họa TBKTSG |
Sự việc trên xảy ra ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La. Hình ảnh người đàn ông chở xác em gái cuốn trong manh chiếu buộc sau yên xe máy chạy chòng chành trên đường giữa ban ngày ban mặt đã gây chấn động dư luận. Và khi dư luận chưa hết bàng hoàng, thì một bức ảnh khác cũng lại được đưa lên mạng: cũng tại sân Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La, những người con đang bó xác bố (vừa mất vì lao) sau xe máy chuẩn bị đưa về nhà, vì nghèo túng.
Hai bức ảnh có một nội dung như nhau: cách chở thi thể thân nhân từ bệnh viện về nhà. Sở dĩ nó có sức lay động tâm can mỗi chúng ta, bởi đó là những biểu hiện cô đọng nhất về sự bần cùng, sự rẻ rúng của thân phận con người, sự bi đát của hoàn cảnh sống. Trong một bối cảnh văn hóa đề cao tình tương thân tương ái và lòng vị tha, trong một sinh quyển tâm linh coi “nghĩa tử là nghĩa tận”, thì chuyện những người nghèo phải bó người thân trong manh chiếu, mảnh chăn thô để đưa về nhà lo hậu sự khiến chúng ta rùng mình, có chút hãi hùng.
Sự lặp lại về mô-típ của hai bức ảnh đó trong cùng một hoàn cảnh, ở cùng một nơi chốn đang cho chúng ta lo ngại đến tính phổ biến của sự việc, không chỉ Sơn La - tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao (23,94%, số liệu thống kê năm 2015) - mà rất có thể, ở nhiều địa phương nghèo khác, trong những tình cảnh khốn cùng khác mà tai mắt công luận chưa nhìn thấy được. Những nơi đó, người nghèo khi đối diện với bệnh tật, đầu hàng trước cái chết vì mất khả năng chữa chạy chắc cũng đã chọn lựa quyết định như thế.
Bức tranh đời sống người nghèo được thể hiện ở nhiều cấp độ khổ sở mưu sinh và thiếu thốn vật chất, nhưng dường như sự bế tắc của đời sống được đẩy tới tận cùng khi nó phơi bày những cái chết không yên ổn, những mất mát rúng lạnh nhân tâm.
Tờ đơn viết tay bằng nét chữ nguệch ngoạc gần như không thể hiện rõ được ý muốn, nguyện vọng đưa em gái đang sắp lâm chung trở về của người anh trai trong câu chuyện thứ nhất cho thấy bi kịch của người nghèo ở đây không hẳn là thiếu tiền, thiệt thòi về năng lực kinh tế. Sự nghèo đáng nói nằm ở chỗ chính anh ta cũng không đủ khả năng để hay biết những chính sách quy định mà bệnh viện có thể dành cho mình để lên tiếng đòi hỏi, ít ra là được hưởng quyền lợi, hỗ trợ “có xe chuyên chở khi bệnh nặng lên, chuyển viện đúng tuyến hoặc tử vong, hoặc được hỗ trợ 0,2 lít xăng/ki lô mét trong trường hợp không sử dụng phương tiện chuyên chở của bệnh viện” (theo ông Lương Văn Tuận - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La ngay sau khi xảy ra vụ việc - báo Tuổi Trẻ).
Cách “tự lo” của anh Muôn, cũng như bao nhiêu người nghèo khác, đó là cách tự lo của những người không chỉ nghèo vật chất, mà cái quan trọng hơn, là nghèo thông tin và nghèo hiểu biết về quyền lợi chính đáng của mình trong đời sống. Và với cách “tự rút lui thầm lặng” như vậy, không biết đã bao nhiêu người bé mọn túng quẫn tạo cơ man nào là cơ hội cho sự quan liêu, vô cảm trước tính mạng con người, trước khổ đau của người khác ở những cơ quan hành chính, tổ chức an sinh công cộng ở những vùng hẻo lánh thiếu sự giám sát của công luận.
Trong cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo (Nguyễn Lê Bảo Ngọc dịch, NXB Trẻ), hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo cho rằng, người nghèo không chỉ nghèo vật chất mà còn nghèo về thông tin thiết yếu, và rất dễ tin vào những điều không có thực. Ngoài ra, họ còn phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm... Đã vậy, cánh tay thị trường, cơ hội phát triển cũng không thể vươn đến chỗ họ.
Để con số tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, người ta đo bằng sự cải tiến về vật chất và thu nhập nhưng quên rằng, chính những điều kiện đó không thể đảm bảo thoát nghèo bền vững. Bơm nguồn hỗ trợ vật chất nhưng không cải thiện được cái nghèo thông tin, cơ hội cải thiện đời sống bền vững, không giải quyết được nhận thức và quyền được giáo dục cho người nghèo, thì khác gì xây nhà trên cát. Đó là chưa nói đến việc thường thì ngay cả vật chất, nguồn hỗ trợ, dịch vụ an sinh dành cho người nghèo khi đến tay họ, cũng đã bị “can thiệp” bởi những mắt xích ma quỷ trong những cơ chế thiếu minh bạch.
Người nghèo sẽ nghèo hơn vì bệnh tật, vì thiếu thông tin, cơ hội được giáo dục, khả năng liên kết như một năng lực tự bảo vệ để xử lý những vấn đề trong đời sống. Chính những cái nghèo đó sẽ được tô đậm thêm trong một xã hội nghèo trách nhiệm và lòng vị tha.
Những con số báo cáo xóa nghèo lạc quan không sao khiến chúng ta an lòng hay lạc quan được, khi trên thực tế những người thấp cổ bé miệng vẫn cô thế, bất lực trước cơ hội đổi đời và không yên ngay cả khi đã nhắm mắt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên(thesaigontimes.vn)
>