Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2012- 2014, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt đỉnh với khối lượng 140.000 - 150.000 tấn. Năm 2015, lượng hồ tiêu xuất khẩu sụt giảm xuống còn hơn 131.000 tấn, trị giá1,26 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng, tuy tăng chút ít về giá trị (4,8%) so với năm 2014.
Ảnh minh họa
Tám tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu lại bất ngờ tăng vọt lên, đạt 135.000 tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, tăng30,8% về lượng, tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, xuất khẩu hồ tiêu dường như vẫn bấp bênh, chưa bền vững. Nguyên nhân do đâu?
Ở Việt Nam hiện nay, hồ tiêu được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ, chiếm trên 97% diện tích hồ tiêu toàn quốc. Mấy năm qua, hồ tiêu xuất khẩu được giá đã kích thích nông dân Tây Nguyên hăm hở mở rộng diện tích trồng tiêu. Sự gia tăng chóng mặt diện tích hồ tiêu một cách tự phát khiến tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Và, hệ lụy đã xảy ra rất đáng quan ngại. Chất lượng của hồ tiêu Việt Nam đã bị nhiều thị trường nghi ngờ, đưa vào “tầm ngắm”.
Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, đã có 17 lô hàng hồ tiêu của Việt Nam bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định, bị trả về. Nguyên nhân chính là do nông dân trồng tiêu đã lạm dụng nhiều loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng… không bảo đảm chất lượng, không đúng quy trình kỹ thuật.
Còn một nguyên nhân khác: Tình trạng mua, kinh doanh hồ tiêu thiếu bài bản. Quá nhiều doanh nghiệp tham gia mua hồ tiêu, mua nhỏ lẻ, tích trữ lẫn lộn hồ tiêu nhiều vùng miền, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật, rất khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc...
Những “căn bệnh trọng” đó đã được khuyến cáo tại nhiều hội nghị, diễn đàn, báo chí tốn không ít giấy mực, chính quyền địa phương tốn nhiều công sức tuyên truyền, song khuyến cáo vẫn chỉ là... khuyến cáo, bệnh ngày càng nặng thêm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm trên 50% lượng hồ tiêu thương mại thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) dự báo, sau 8 năm nữa, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu hồ tiêu thêm trên 30% so với hiện nay, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường hồ tiêu thế giới. Vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, dự báo hôm nay rất có thể sẽ không đúng cho ngày mai. Người khổng lồ không thể đứng vững mãi khi trong người mang nhiều bệnh trọng. Câu hỏi đặt ra là: Phác đồ điều trị nào hiệu quả, trị dứt điểm mọi căn bệnh của ngành hồ tiêu Việt Nam?
Trần Phương (Báo Công Thương)
>